27/05 IMF chú trọng ba ưu tiên hỗ trợ kinh tế thế giới


27/05/2011 | 14:17:00

Quyền Giám đốc điều hành IMF John Lipsky. (Nguồn: Getty)
Ổn định kinh tế và tài chính để đẩy nhanh tăng trưởng, tăng cường hệ thống tiền tệ quốc tế và tiếp tục những nỗ lực hỗ trợ các nền kinh tế thu nhập thấp là ba lĩnh vực ưu tiên trong chương trình hành động của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong nửa cuối năm 2011 nhằm hỗ trợ nền kinh tế thế giới đối phó hiệu quả với các thách thức mới.

Phát biểu ngày 26/5, quyền Giám đốc điều hành IMF John Lipsky nêu rõ để thúc đẩy 3 lĩnh vực ưu tiên này, IMF xác định những thách thức chính sách chủ chốt mà các nước thành viên đang phải đối phó và tiếp tục hỗ trợ quá trình đánh giá chéo giữa các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (MAP).

Bên cạnh đó, IMF đồng thời tiếp tục các nỗ lực chuyển đổi và tăng cường giám sát các nền kinh tế thế giới nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách dự báo và phản ứng hiệu quả trước những thách thức đang nổi lên, đặc biệt nâng cao nhận thức về sự lan tỏa chính sách và tác động tương hỗ giữa các nền kinh tế lớn cũng như tăng cường sự tham gia của IMF cùng với các nhà hoạch định chính sách về những vấn đề này.

Ông Lipsky nhấn mạnh không chỉ tập trung thúc đẩy tăng tổng thu nhập quốc nội (GDP), IMF cũng chú trọng những vấn đề liên quan đến chất lượng tăng trưởng, các nguồn lực và phân phối lợi ích tăng trưởng, tạo việc làm và các lĩnh vực của tăng trưởng bền vững, khuôn khổ mới đánh giá khả năng dễ gây tổn thương của các khoản nợ công, các chính sách đảm bảo sự minh bạch tài chính và việc thực thi chính sách vĩ mô.

Để củng cố hệ thống tiền tệ quốc tế, IMF thúc đẩy việc quản lý tốt hơn các dòng vốn, tác động đa phương của chính sách về dòng vốn, tăng cường mạng an ninh kinh tế toàn cầu, đa dạng hoá hệ thống dự trữ và tiền tệ quốc tế.

Nhằm giúp các nước có thu nhập thấp đối phó hiệu quả những tác động của biến động kinh tế thế giới, IMF nỗ lực hỗ trợ những nước có tổng số nợ thấp xử lý các thách thức xuất phát từ những biến động kinh tế vĩ mô, đặc biệt từ giá nhiên liệu và lương thực tăng cao. Ngoài ra, IMF cũng thúc đẩy việc thực hiện Sáng kiến về các nước nghèo có nợ lớn" và Sáng kiến giảm nợ đa phương./.
(TTXVN/Vietnam+)

27/05 Cảnh báo khả năng phong tỏa gói cứu trợ Hy Lạp


27/05/2011 | 11:22:00

Biểu tình chống chính sách "thắt lưng buộc bụng" của Chính phủ Hy Lạp ở Athens. (Nguồn: AFP)
Ngày 27/5, Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro, Jean-Claude Juncker cảnh báo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể phong tỏa việc giải ngân khoản thứ 5 trị giá 12 tỷ euro trong gói cứu trợ chung 110 tỷ euro của tổ chức này và Liên minh châu Âu (EU) dành cho Hy Lạp.

Phát biểu tại một hội nghị ở Luxembourg ông Juncker nói rõ IMF có những quy định cụ thể, bao gồm việc cấm nhà cho vay giải ngân khi chưa có sự đảm bảo về khả năng trả nợ trong vòng 12 tháng từ phía người vay.

Ông Juncker cho rằng IMF hy vọng có thể gây sức ép buộc EU gánh phần việc của định chế cho vay lớn nhất thế giới này khi đến thời hạn giải ngân khoản cứu trợ nói trên vào ngày 29/6 tới. Ông Juncker cũng cảnh báo một số nước EU, đặc biệt là Đức, Phần Lan và Hà Lan, không sẵn sàng "thế chân" IMF.

Theo nguồn tin EU, động thái trên của ông Juncker nhằm gia tăng sức ép buộc Hy Lạp đẩy nhanh các nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách nhà nước, đặc biệt là chương trình tư nhân hóa các tài sản quốc gia. Nguồn tin nhấn mạnh Hy Lạp thực sự không còn khả năng huy động tiền sau khi Athens tuyên bố sẽ vỡ nợ nếu không nhận được khoản cứu trợ 12 tỷ euro từ EU và IMF trong tháng này.

Trong khi đó, người phát ngôn IMF Caroline Atkinson cho biết tổ chức này cần "những sự đảm bảo" về cách thức Hy Lạp tiếp tục huy động tiền như thế nào.

Bà Atkinson nhấn mạnh Ban Giám đốc IMF không cho phép định chế này cho vay khi chưa có những sự đảm bảo như vậy. Bà khẳng định phần cứu trợ tổng cộng 30 tỷ euro mà IMF cam kết dành cho Hy Lạp phụ thuộc vào kết quả Athens huy động tiền từ các nguồn và hoạt động khác, hàm ý phần cứu trợ mà EU cam kết dành cho Hy Lạp, những điều chỉnh về chính sách tài chính từ Athens và cam kết của Hy Lạp về chương trình tư nhân hóa các tài sản quốc gia để lấy tiền trả nợ.

Bà Atkinson cho biết nhờ hiểu rõ những thách thức mà Hy Lạp phải đối mặt, nguyên nhân khiến tình hình nợ xấu đi và những nỗ lực phi thường của Chính phủ và người dân nước này trong năm qua, nên IMF có ý định cho Athens vay tiền. Tuy nhiên, IMF phải đánh giá tình hình tài chính của Hy Lạp hàng quý để đưa ra những điều chỉnh kịp thời. Hiện một phái đoàn IMF đang có mặt ở Hy Lạp để đánh giá tiến bộ cải cách kinh tế của Hy Lạp trước khi quyết định giải ngân khoản cứu trợ thứ năm.

Cùng ngày, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã đề nghị Tổng thống Karolos Papoulias triệu tập một cuộc họp hiếm hoi trong lịch sử với sự tham gia của lãnh đạo tất cả các chính đảng ở nước này, cùng các bộ trưởng tài chính và ngoại giao nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trên cả nước về việc tăng cường các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" để nhận được khoản cứu trợ tiếp theo theo yêu cầu của EU.

Đầu tuần này, ông Papandreou đã có các cuộc gặp riêng rẽ với các đảng ở Hy Lạp, nhưng không đạt kết quả. Các đảng đối lập bác bỏ những chính sách khắc khổ mới đây nhất với lý do cách làm này kìm hãm kinh tế phát triển./.
(TTXVN/Vietnam+)

26/05 Hợp tác châu Á-TBD: nền tảng tăng trưởng thế giới


26/05/2011 | 19:05:00

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Phát biểu tại một cuộc họp tại Singapore mới đây, Thứ trưởng Ngân khố Mỹ Neal S. Wolin nêu bật ba lĩnh vực các nước châu Á-Thái Bình Dương cần tiếp tục hợp tác để tiếp tục phát triển phồn thịnh.

Đó là hoàn thành việc cải cách tài chính, xây dựng nền tảng cân bằng và bền vững cho sự phát triển kinh tế toàn cầu, và tập trung theo đuổi cam kết mở cửa thương mại và đầu tư.

Theo ông Wolin, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suýt đứng bên bờ vực sụp đổ do cuộc khủng hoảng tài chính gây ra, các nước cần làm việc cùng nhau để thúc đẩy sự phát triển bền vững và thịnh vượng trong tương lai.

Để tránh nguy cơ khủng hoảng tái diễn, Mỹ sẽ tiếp tục thúc ép thực hiện cải cách (hệ thống) tài chính toàn diện, nhất quán và hiệu quả tại châu Á và trên thế giới. Nhằm đạt được sự tăng trưởng bền vững mà tránh được nguy cơ mất cân đối tài khoản vãng lai lớn, các nước khu vực cần tạo lập các nguồn cung cấp có tính lâu dài.

Những nước thâm thủng (ngân sách, thương mại) cần nâng cao tỷ lệ tiết kiệm, trong lúc các nước thặng dư cần hướng tới sự tăng trưởng dựa vào tiêu dùng trong nước và giảm lệ thuộc vào xuất khẩu.

Các nền kinh tế ven Thái Bình Dương đóng góp 54% tổng GDP của thế giới và 44% giá trị thương mại toàn cầu, cùng tạo nên không gian kinh tế lớn nhất và năng động nhất thế giới. Ngoài thương mại, các dòng vốn đầu tư, trong đó có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), luân chuyển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng rất lớn.

Đến năm 2009, FDI của các nhà đầu tư châu Á vào Mỹ đã lên tới trên 360 tỷ USD. Trong khi các doanh nghiệp Mỹ đầu tư hơn 510 tỷ USD vào các nước châu Á, trong đó có 75 tỷ USD vào thị trường Singapore, so với trên 20 tỷ USD mà nhà đầu tư Singapore rót vào nước Mỹ.

Các số liệu trên cho thấy sự vươn lên đáng kể của các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế giữa các nước trong khu vực. Trong vài thập niên qua, quan hệ kinh tế Mỹ-châu Á đã trở thành hòn đá tảng cúa sự phát triển và ổn định trên thế giới, với sự tiến triển trong những năm tới đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phồn thịnh chung của khu vực.

Các nước cần tiếp tục thực hiện cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác, có trách nhiệm và cởi mở về mặt kinh tế để tiếp tục đem đến sự phát triển phồn vinh cho các nước ven Thái Bình Dương và xa hơn thế.

Ông Wolin cho hay hiện Mỹ đang đàm phán với 8 nền kinh tế năng động nhất thuộc APEC để phát động thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP sẽ giúp mở rộng mạnh thương mại, đầu tư và tạo nhiều việc làm cho cả hai bên bờ Thái Bình Dương.

Trong khi đó, các nền kinh tế đang nổi lên ở Đông Á tiếp tục phát triển sẽ thị trường rộng mở đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ, là điểm đến ích lợi cho nguồn vốn đầu tư của Mỹ và nguồn đầu tư ngày càng quan trọng đối với Mỹ./.
Ngọc Tiến/Bangkok (Vietnam+ )

26/05 Đồng euro vững giá nhờ các học giả Trung Quốc


26/05/2011 | 18:00:00

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Trong phiên giao dịch ngày 26/5 tại Tokyo, đồng euro lên giá so với USD và yen, được giao dịch ở mức 1,4163 USD/euro và 115,77 yen/euro, so với mức 1,4083 USD/euro và 115,4 yen/euro trong phiên 25/5 ở New York.

Theo các chuyên gia phân tích, hoạt động mua euro được "kích hoạt" sau khi thị trường nhận được bình luận của ông Wang Yong, Giáo sư thuộc Viện đào tạo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh cần tăng cường mua nợ công của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), cũng như tăng đầu tư trực tiếp vào châu lục này.

Ông Wang nhận định, đối với Trung Quốc, những hoạt động này sẽ giúp giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu và góp phần vào chiến lược "chống chế độ bảo hộ," khiến Bắc Kinh có được lợi thế hơn khi thương thảo về các điều kiện nhân nhượng trong các cuộc đàm phán thương mại.

Tuy nhiên, theo các nhà giao dịch, tâm lý lo ngại về tình hình nợ công của Hy Lạp đã hạn chế đà tăng giá của đồng euro, khi nhà đầu tư vẫn có ý thận trọng do các vấn đề tại Hy Lạp vẫn chưa có hướng giải quyết chắc chắn.

Trong phiên giao dịch ngày 26/5, đồng USD không những mất giá so với đồng yen (giảm từ 81,89 yen/USD phiên 25/5 ở New York xuống 81,74 yen/USD), mà còn đi xuống so với hầu hết các đồng tiền khác tại châu Á. Cụ thể, đồng tiền xanh cũng giảm giá so với đồng SGD (Singapore), won (Hàn Quốc), TWD (Đài Loan), rupiah (Indonesia) và baht (Thái Lan)./.
Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

26/05 Kinh tế Mỹ Latinh-Caribe tăng 4,5% trong 2011


26/05/2011 | 10:06:00


Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Một báo cáo của Liên hợp quốc vừa công bố cho thấy kinh tế Mỹ Latinh và Caribe sẽ tăng trưởng bình quân 4,5% trong năm 2011 và 4,9% năm 2012, giảm 1% so với năm 2010.

Brazil và Mexico là hai nước đứng đầu khu vực về sức tăng trưởng.

Dự kiến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Brazil sẽ tăng 5,1% trong năm 2011 và 5,3% trong năm 2012; trong khi các chỉ số tương ứng của Mexico là 3,7% và 4,3%.

Báo cáo của Liên hợp quốc dự đoán GDP của Nam Mỹ sẽ tăng 5% trong năm nay và 5,2% trong năm sau, còn đối với các nước Caribe sẽ là 4% và 4,7% tương ứng.

Các chuyên gia kinh tế nhận định việc giảm hỗ trợ tài chính và lạm phát tăng cao đã dẫn đến một chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn trong khu vực.

Mặt khác, các dòng vốn đầu tư đổ vào Brazil, Colombia và Mexico tăng mạnh gây ra áp lực tăng giá với các đồng nội tệ, trong khi đó việc tăng lãi suất cơ bản cũng sẽ dẫn đến việc thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ.

Báo cáo nhận định sau sự phục hồi mạnh mẽ năm 2010, những triển vọng tăng trưởng cho năm 2011 đã yếu đi, một phần do các nước trong khu vực là các nhà nhập khẩu thuần về lương thực và năng lượng.

Các chuyên gia khuyến cáo các nền kinh tế phát triển và đang phát triển cần triển khai các kế hoạch tài chính tin cậy tập trung vào tính bền vững trong trung hạn đối với các khoản nợ công. Báo cáo của Liên hợp quốc nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2011 và 2012 sẽ được dẫn dắt bởi các nền kinh tế mới nổi như Brazil hoặc Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

26/05 Năm thách thức mà kinh tế thế giới phải đối mặt


26/05/2011 | 09:39:00


Số người thất nghiệp đang tăng lên. (Ảnh: Internet)

Trong báo cáo "Hiện trạng kinh tế thế giới và triển vọng" công bố ngày 25/5, Liên hợp quốc đã nhấn mạnh 5 thách thức chính sách toàn cầu chủ chốt mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt, đồng thời kêu gọi đẩy nhanh tiến trình phối hợp chính sách kinh tế hiệu quả và tin cậy để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu.

Báo cáo cho biết nền kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi với dự báo tổng sản phẩm thế giới (WGP) tăng 3,3% năm 2011 và 3,6% năm 2012, trong đó các nền kinh tế đang phát triển khu vực châu Á và Mỹ Latinh vẫn dẫn đầu thế giới về tốc độ phục hồi và tăng trưởng.

Nền kinh tế Đông Á giữ kỷ lục tăng trưởng với tốc độ 7,3% năm 2011 và 7,2% năm 2012. Các nền kinh tế châu Phi được dự báo tăng trưởng 3,6% năm 2011 nhưng sẽ tăng lên 5,4% năm 2012. Kinh tế Mỹ Latinh và Caribbean được dự báo tăng trưởng 4,5% năm 2011 và 4,9% năm 2012.

Triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi cũng đang chậm lại do những lo ngại về tỷ lệ lạm phát cao, các bong bóng giá tài sản xuất hiện và sức ép tỷ giá hối đoái tăng cùng với nguy cơ phát triển quá nóng.

Các nước đang phát triển vẫn là động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu trong khi các nền kinh tế phát triển vẫn trì trệ. Kinh tế Mỹ dự báo tăng trưởng 2,6% năm 2011 và 2,8% năm 2012, trong khi Nhật Bản dự kiến đạt mức tăng 0,7% năm 2011 và 2,8% năm 2012. Nền kinh tế các nước khu vực đồng ơrô được dự báo tăng trưởng 1,6% trong năm 2011 và 2012.

Có thể thấy các nền kinh tế phát triển chuyển sang chính sách kinh tế khắc khổ để đối phó với nợ công cao đã làm suy yếu triển vọng tăng trưởng ngắn hạn.

Báo cáo của Liên hợp quốc cảnh báo tuy tỷ lệ thất nghiệp đã giảm ở một số nền kinh tế phát triển nhưng nhiều nền kinh tế phát triển ngày càng khó đối phó với số người thất nghiệp ngắn hạn đang tăng lên. Tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn mong manh và có thể trở lại suy thoái nếu nợ công và sự mong manh của khu vực tài chính ở các nền kinh tế phát triển không được xử lý thích hợp, đặc biệt trong bối cảnh thảm họa thiên tai và hạt nhân ở Nhật Bản làm chao đảo các thị trường tài chính thế giới và biến động chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi đẩy giá dầu lửa tăng cao.

WESP nhấn mạnh 5 thách thức chính sách toàn cầu chủ chốt mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt. Một là các nước phát triển cần thận trọng thúc đẩy chính sách tài chính khắc khổ khi chưa chín muồi do phục hồi kinh tế vẫn mong manh và thất nghiệp vẫn cao.

Hai là chính sách tài chính cần được thiết kế lại để tăng cường tác động tạo thêm việc làm và thúc đẩy thay đổi cơ cấu nhằm tăng trưởng kinh tế bền vững hơn trong trung hạn và dài hạn. Một chính sách tài chính thận trọng đối với cả các nước phát triển và đang phát triển phải nhằm mục tiêu tăng đầu tư công để giải tỏa các nút thắt về cơ sở hạ tầng đe dọa triển vọng tăng trưởng và xử lý các thách thức về môi trường.

Ba là để hài hoà hơn giữa các kích thích tài chính và tiền tệ, thế giới cần đạt được các thỏa thuận về quy mô, tốc độ và thời điểm nới lỏng các chính sách tài chính trong khuôn khổ các mục tiêu rộng lớn hơn để xử lý mất cân bằng kinh tế thế giới, đồng thời cũng cần thúc đẩy cải tổ mạnh mẽ hơn các quy chế thị trường tài chính và hệ thống dự trữ toàn cầu nhằm giảm phụ thuộc vào đồng USD.

Bốn là các nước đang phát triển cần đảm bảo đủ các nguồn lực đáp ứng các nhu cầu phát triển lớn và xử lý không gian tài chính còn bị hạn chế. Năm là tìm các biện pháp để thúc đẩy phối hợp chính sách hiệu quả và tin cậy giữa các nền kinh tế lớn. Đây là nhu cầu khẩn cấp để Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tái cân bằng kinh tế toàn cầu bền vững và hiệu quả hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

26/05 Cuba là thị trường tiềm năng với các nhà đầu tư


26/05/2011 | 09:34:00

Một sạp hàng bán hoa quả ở thủ đô Havana, Cuba. (Nguồn: Internet)
Trong cuốn sách mang tên “Đầu tư nước ngoài tại Cuba: Cơ chế pháp luật” vừa được phát hành tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, giới chuyên gia nước này đã nhận định Cuba là thị trường tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài

Trong cuốn sách, các luật sư Andrés Perdomo Guache và Avelino Vázquez López đã phân tích luật đầu tư của Cuba ban hành năm 1995, đang được các cơ quan chức năng Cuba xem xét lại trong quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế đất nước.

Theo phóng viên TTXVN tại Cuba, phát biểu tại buổi lễ ra mắt cuốn sách tại Nhà châu Mỹ ở thủ đô Madrid ngày 25/5, luật sư López nhấn mạnh việc mở cửa thị trường bán lẻ, một trong những mục đích của cuộc cải cách kinh tế tại Cuba, đang được thực hiện “từng bước vững chắc”. Ông nhấn mạnh việc thành phần kinh tế tư nhân đang phát triển mạnh mẽ tại Cuba trong những tháng gần đây, chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống và chăm sóc sắc đẹp, cho thấy đây chỉ là sự khởi đầu.

Trong khi đó, luật sư Guache cho rằng Cuba chưa cấm các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nước này trừ y tế và giáo dục và cũng khẳng định không quốc hữu hóa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cho tới nay, du lịch vẫn là ngành tiếp nhận đầu tư nước ngoài nhiều nhất. Tuy nhiên, các ngành như nhiên liệu, công nghiệp lắp ráp, thiết bị vận tải và thực phẩm cũng là những cơ hội đầu tư tuyệt vời ở Cuba.

Luật pháp Cuba cho phép các nhà đầu tư tới làm ăn tại nước này và việc thương lượng hợp đồng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trước mắt, các ngành xây dựng, thực phẩm, thiết bị khách sạn, cơ sở hạ tầng và viễn thông sẽ là những ngành có nhiều khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài hơn cả.

Cả hai luật sư trên đều cho rằng luật đầu tư của Cuba đang được xem xét lại sẽ khẳng định thiện chí của Havana tiếp tục khuyến khích đầu tư nước ngoài trong giai đoạn trung và dài hạn, thậm chí là cả ngắn hạn.

Từ năm 2004, đầu tư nước ngoài tại Cuba giảm đáng kể do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, giờ đây Cuba có nhu cầu thu hút đầu tư để phát triển kinh tế và vai trò của các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng không thể phủ nhận./.
(TTXVN/Vietnam+)

26/05 Chân dung bà bộ trưởng tài chính Pháp Lagarde


26/05/2011 | 08:32:13



(Vietnam+)

26/05 Mỹ sẽ giúp đỡ Nga trở thành thành viên của OECD


26/05/2011 | 07:56:00

Ngày 25/5, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định nước này sẽ làm việc để giúp Nga gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), một diễn đàn do phương Tây chi phối dành cho các nền kinh tế thị trường phát triển.

Bà Hillary đưa ra tuyên bố trên sau khi Mátxcơva ký một công ước về chống hối lộ tại trụ sở OECD ở Paris và trở thành thành viên của Nhóm công tác chống hối lộ trong các giao dịch thương mại quốc tế thuộc OECD.

Bà nói: "Chúng tôi trông đợi làm việc với Nga trong bối cảnh Mátxcơva tiếp tục tiến tới trở thành thành viên chính thức của OECD. Đáp ứng các tiêu chuẩn của OECD sẽ bổ sung cho mục tiêu của Nga là hiện đại hóa và đa dạng hóa hơn nữa nền kinh tế của nước này, đồng thời Nga sẽ làm phong phú các nỗ lực của OECD nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và phát triển trên thế giới"./.
(Vietnam+)

25/05 Nợ công châu Âu vẫn chi phối chứng khoán châu Á


25/05/2011 | 20:47:00

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Trong phiên giao dịch ngày 25/5, các thị trường chứng khoán châu Á hầu hết giảm điểm, theo sau sự đi xuống trên thị trường chứng khoán Phố Wall đêm trước, khi những lo ngại dai dẳng về triển vọng kinh tế Mỹ và vấn đề nợ công ở châu Âu làm mất đi những tác động tích cực của việc giá hàng hóa tăng cao.

Với việc giới đầu tư hạn chế bỏ tiền vào các tài sản có độ rủi ro cao, chỉ số MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) phiên này giảm 0,7%.

Ngày 24/5, các thị trường nhận được rất nhiều tin xấu về châu Âu, khi đảng đối lập chính ở Hy Lạp tuyên bố phản đối nỗ lực mới nhất của Chính phủ trong việc giảm nợ, theo đó tiếp tục xua tan những hy vọng rằng Athens có thể sửa chữa được nền tài chính ở mức đủ để nhận được một gói cứu trợ khác từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trong khi đó, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody's cũng cảnh báo việc Hy Lạp tiến hành tái cơ cấu nợ có thể bị coi là vỡ nợ. Tey Tze Ming, nhà giao dịch thuộc công ty Saxo Capital Markets ở Singapore, cho biết giới đầu tư đang nhận thấy nhiều vấn đề khó khăn, cho nên quyết định quay lưng lại với các tài sản có độ rủi ro cao. Theo ông, trong vòng từ ba đến tư tháng tới, chứng khoán sẽ "đi ngang" hoặc đi xuống.

Tại thị trường chứng khoán Tokyo, chỉ số Nikkei giảm 54,29 điểm (0,57%) xuống 9.422,88 điểm, trong đó giảm mạnh nhất là cổ phiếu khối công nghệ, theo sau đà giảm của nhóm cổ phiếu này trên thị trường chứng khoán Mỹ đêm trước. Trong phiên này, cổ phiếu của Toshiba giảm 4,16% xuống 414 yen; còn cổ phiếu của Sony giảm 1,49% xuống 2.236 yen.

Bên cạnh đó, theo các nhà môi giới, tâm lý giới đầu tư cũng trở nên xấu đi trước những lo ngại về hai mối đe dọa từ Trung Quốc, đó là sự giảm tốc của nền kinh tế cùng với việc lạm phát vẫn ngất ngưởng ở các mức cao. Cùng với đó, tác động lên thị trường còn là thông tin cho biết xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 4/2011 đã giảm 12,5% so với một năm trước, con số cho thấy mức độ ảnh hưởng của thảm họa động đất và sóng thần xảy ra hôm 11/3 đối với khu vực sản xuất công nghiệp ở phía đông bắc nước này.

Tại thị trường chứng khoán Seoul, chỉ số KOSPI giảm 25,89 điểm (1,26%) xuống 2.035,87 điểm; còn tại thị trường chứng khoán Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 cũng giảm 44,1 điểm (0,95%) xuống 4.584,7 điểm.

Chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Thượng Hải phiên này cũng giảm 25,32 điểm (0,91%) xuống 2.741,74 điểm; trong khi chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hong Kong nhích 16,5 điểm lên 22.747,28 điểm, sau khi đứng trong "vùng đỏ" trong hầu hết phiên giao dịch, do những lo ngại về khả năng giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, khi các số liệu mới đây cho thấy hoạt động chế tạo của nước này đang tăng trưởng chậm lại theo sau một loạt biện pháp của Bắc Kinh nhằm hạ nhiệt nền kinh tế và đối phó với lạm phát./.
Phương Thảo (TTXVN/Vietnam+)

25/05 AFTA đã giúp thúc đẩy thương mại của Thái Lan


25/05/2011 | 18:37:00

Hàng xuất khẩu của Thái Lan vào thị trường ASEAN tăng mạnh chủ yếu là may mặc. (Ảnh minh họa/Nguồn: Internet)
Theo đánh giá của ông Aat Pisanwanich, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Thương mại Quốc tế (CITS) thuộc Đại học Thương mại Thái Lan (UTCC), việc triển khai thực hiện Hiệp định Tự do Thương mại ASEAN (AFTA) từ ngày 1/1/2010 đến nay đã góp phần thúc đẩy đáng kể thương mại của Thái Lan với các nước khác trong khối.

Một nghiên cứu của Trung tâm CITS, do ông Pisanwanich phụ trách, cho thấy trong vòng một năm từ tháng 1/2010 đến nay, xuất khẩu của Thái Lan sang các nước khác trong ASEAN đã tăng 39,5%, đạt 36,23 tỷ USD.

Với biểu thuế nhập khẩu chỉ còn 0% theo AFTA, tổng thị phần các sản phẩm xuất khẩu của Thái Lan trong ASEAN đã tăng lên 35,8%, trong đó thị phần xuất khẩu của nhiều danh mục hàng hóa đã tăng mạnh và chiếm tới 80% xuất khẩu của Thái Lan sang ASEAN.

Hàng xuất khẩu của Thái Lan vào thị trường ASEAN tăng mạnh chủ yếu là nông sản, thủy hải sản, may mặc, sản phẩm da, vải, đồ uống, đồ gỗ, các sản phẩm công nghiệp như nhựa, xăng dầu, than đá, cao su, thép, phụ tùng ôtô, máy móc, các sản phẩm điện và điện tử.

Nhờ áp dụng AFTA và sự phục hồi kinh tế của các nước ASEAN, thị phần xuất khẩu của Thái Lan trên thị trường ASEAN có tốc độ mở rộng lớn nhất, tiếp theo là Việt Nam và Indonesia. Thị phần xuất khẩu gạo của Thái Lan trong năm qua đã tăng từ 5,24% lên 22,37% và chỉ đứng sau Việt Nam.

Hiện Thái Lan vẫn là nước đứng đầu ASEAN về xuất khẩu rau, quả, đường, cao su và các mặt hàng này lần lượt chiếm 64%, 77,5% và 64% thị trường ASEAN./.
(TTXVN/Vietnam+)

25/05 Đồng euro lại giảm do lo ngại nợ công ở Hy Lạp


25/05/2011 | 18:29:00

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Trên thị trường châu Á trong phiên giao dịch ngày 25/5, đồng euro đã giảm giá trở lại so với đồng USD, do áp lực của hoạt động bán chốt lời sau phiên tăng giá ngày hôm trước cùng những lo ngại dai dẳng về vấn đề nợ công của Hy Lạp.

Kết thúc phiên giao dịch buổi chiều tại Tokyo, đồng euro đã lùi về mốc 1,4040 USD, so với 1,4100 USD lúc đóng cửa phiên trước tại New York, đồng thời cũng giảm giá so với đồng yen Nhật, từ 115,50 yen xuống 115 yen. Trong khi đó, tỷ giá giữa đồng USD và đồng yen vẫn được gữ nguyên ở mức 1 USD đổi 81,91 yen.

Giới đầu tư ồ ạt bán chốt lời sau phiên tăng giá ngày hôm trước của đồng euro, vốn được thúc đẩy bởi các số liệu tích cực về kinh tế Đức. Thống kê công bố ngày 24/5 cho thấy lòng tin kinh doanh của Đức đã đi vào ổn định trong tháng 5/2011 sau hai tháng sụt giảm mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang tăng tốc nhờ nhu cầu nội địa tăng cao.

Cùng với áp lực chốt lời này, Tomohiro Ishikawa, nhà giao dịch của tập đoàn Chuo Mitsui Trust and Banking, cho biết đà tăng của đồng tiền chung châu Âu còn bị hạn chế bởi những lo ngại về vấn đề nợ công ở khu vực Eurozone.

Trong khi đó, giới giao dịch cho biết đồng yen lại được hỗ trợ sau khi số liệu cho thấy thâm hụt thương mại của Nhật Bản trong tháng 4/2011 không lớn như dự kiến, chỉ ở mức 463,7 tỷ yen (5,6 tỷ USD), so với dự đoán thâm hụt 700 tỷ yen của thị trường./.
(TTXVN/Vietnam+)

25/05 Kinh tế Trung Quốc có thể sẽ "hạ cánh khó nhọc"


25/05/2011 | 18:18:00

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Theo các nhà phân tích, kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng nhanh 9,7% trong quý 1/2011, nhưng nỗi lo ngại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể "hạ cánh khó nhọc" đã bắt đầu xuất hiện trong bối cảnh Chính phủ nước này chuyển dịch chính sách từ khuyến khích tăng trưởng sang hạ nhiệt nền kinh tế.

Chi phí sản xuất tại Trung Quốc đang tăng lên, trong khi hoạt động đi vay trở nên khó khăn hơn sau khi Chính phủ nước này tăng lãi suất và nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để kiềm chế lạm phát.

Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc 5 lần từ đầu năm đến nay và tăng lãi suất 4 lần kể từ tháng 10/2010. Các nhà phân tích thị trường dự báo PBOC sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 6 tới.

Theo Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, chỉ số quản lý mua (PMI) của lĩnh vực chế tạo nước này (PMI) - chỉ số chủ chốt biểu hiện triển vọng công nghiệp - đã giảm xuống 52,9% trong tháng 4/2011, giảm so với 53,4% trong tháng 3/2011. Sản lượng công nghiệp giá trị gia tăng trong cùng thời gian này tăng 13,4%, giảm hơn 1 điểm %.

Theo JPMorgan Chase, số liệu kinh tế gần đây cho thấy khả năng kinh tế Trung Quốc hạ cánh khó nhọc đang gia tăng. Tuy nhiên, nhà kinh tế chủ chốt Fan Jianping thuộc Trung tâm thông tin nhà nước cho rằng khả năng kinh tế Trung Quốc hạ cánh khó nhọc ít có thể xảy ra.

Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại đáng kể, xuống mức 6,7% trong quý 1/2009, do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khi đó đã làm giảm nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.

Nhà kinh tế chủ chốt của China International Capital Corporation, Peng Wensheng, cho rằng kịch bản kinh tế tăng trưởng chậm lại mạnh như thế sẽ không lặp lại, do kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi và nhu cầu của thế giới ở mức lành mạnh. Ông Peng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chậm lại mức 8,4% trong quý 4/2011, tuy mức này chưa thể được coi là "hạ cánh khó nhọc."

Trong khi đó, theo nhà kinh tế chủ chốt Lian Ping của ngân hàng Bank of Communications, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của đầu tư và thương mại như hiện nay, kinh tế Trung Quốc không thể "hạ cánh khó nhọc." Ông dự báo nền kinh tế này trong quý 2/2011 sẽ tăng trưởng xấp xỉ 10% so với cùng kỳ năm 2010.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế đều nhất trí ưu tiên hàng đầu của kinh tế Trung Quốc hiện nay là đối phó với lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4/2011 đứng ở mức 5,3%, giảm nhẹ so với mức cao nhất trong 32 tháng trở lại đây là 5,4% trong tháng 3/2011.

Nỗi lo ngại kinh tế Trung Quốc "hạ cánh khó nhọc" đã đẩy thị trường chứng khoán nước này giảm gần 3% trong phiên 23/5, sau khi HSBC công bố dự báo chỉ số PMI giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tháng qua là 51,1% trong tháng 5/2011./.
Như Mai (TTXVN/Vietnam+)

25/05 OECD lạc quan kinh tế toàn cầu sẽ sớm phục hồi


25/05/2011 | 17:59:00

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Trong báo cáo về "Triển vọng kinh tế 2011" công bố ngày 25/5, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tiếp tục dự đoán nền kinh tế thế giới sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 4,2% trong năm nay và 4,6% trong năm 2012.

Theo thể chế này, nền kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi và được kinh tế Mỹ tiếp sức. Tuy nhiên, OECD cảnh báo hàng loạt các nguy cơ như giá dầu mỏ tăng cao, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu có thể là rào cản tiến trình này.

Báo cáo được công bố định kỳ hai lần/năm này cho biết nền kinh tế Mỹ và các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang tăng trưởng nhanh hơn so với các dự đoán đưa ra cách đây nửa năm, mặc dù kinh tế Nhật Bản suy giảm do tác động của thảm họa kép động đất-sóng thần hồi tháng Ba vừa qua.

OECD đã nâng dự báo về tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ năm nay lên 2,6%, tăng 0,4% so với dự đoán hồi tháng 11 năm ngoái.

Tổ chức này cũng lạc quan hơn về triển vọng kinh tế của Eurozone và dự báo GDP của các nước này sẽ là 2,0% năm 2011.

Căn cứ tình hình thực tế tại Nhật Bản, OECD đã hạ mức dự báo về tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế thứ ba thế giới này, từ 1,7% xuống còn 0,9%.

Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực OECD năm 2011 dự kiến sẽ giảm xuống mức trung bình 7,9%, song vẫn cao hơn mức trung bình 6,4% trước khủng hoảng tài chính./.
(TTXVN/Vietnam+)