24/10 Lòng tin kinh doanh ở Đức tăng cao nhất trong 3 năm

Kết quả điều tra công bố cuối tuần qua của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo cho thấy lòng tin kinh doanh tại Đức trong tháng 10/2010 đã tăng lên mức cao nhất trong 3 năm, nhờ nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã có bước phục hồi mạnh mẽ từ cuộc suy thoái, vốn vẫn đang làm đau đầu các nước láng giềng.

Theo kết quả vừa công bố, chỉ số lòng tin kinh doanh tại Đức trong tháng 10/2010 đã tăng lên 107,6 điểm, so với 106,8 điểm của tháng trước, trái ngược với dự đoán giảm xuống 106,4 điểm của các nhà phân tích.

Ngoài ra, chỉ số kỳ vọng kinh doanh cũng do Ifo công bố tăng từ 103,9 điểm lên 105,1 điểm, trong khi gới phân tích dự đoán con số này sẽ giảm xuống 103 điểm.

Theo ông Timo Klein thuộc IHS Global Insight, với kết quả này, việc lòng tin kinh doanh của Đức sẽ tăng lên mức cao nhất mọi thời đại 108,9 điểm, đạt được hồi tháng 12/2006, là hoàn toàn nằm trong tầm với. Martin Lueck, chuyên gia kinh tế thuộc tập đoàn UBS nhận định điều này cho thấy hoạt động kinh doanh tại Đức vào đầu quý IV/2010 đã diễn ra tốt hơn dự báo, và các công ty đang tỏ ra lạc quan hơn mong đợi.

Nó có thể đồng nghĩa với việc sự tăng trưởng chậm lại trong các hoạt động kinh tế mà người ta nhìn thấy trong hầu hết các chỉ số khác có thể sẽ không kéo dài như lo ngại. Kết quả điều tra trên được công bố một ngày sau khi Chính phủ Đức nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2010 lên 3,4%, trong bối cảnh nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, này đang nhận được sự hỗ trợ từ sự gia tăng trong thương mại toàn cầu, bất chấp sự lên giá của đồng euro, cũng như từ việc tỷ lệ thất nghiệp giảm và các doanh nghiệp tăng cường đầu tư kinh doanh.

Carsten Brzeski, nhà kinh tế cao cấp thuộc ING đánh giá nền kinh tế Đức không hề bị mất cân bằng trước khi xảy ra khủng hoảng, trong khi các biện pháp đối phó với khủng hoảng của chính phủ đã được đưa ra kịp thời và đúng mục tiêu. Trong một thông tin khác, để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai, ngân hàng trung ương Đức ngày 22/10 đã công bố những nét chính trong chương trình cải tổ hệ thống ngân hàng, theo đó cho phép các ngân hàng sử dụng trái phiếu phi chính phủ và các chứng khoán để đáp những những yêu cầu khắt khe hơn về dự trữ vốn theo quy định Basel III, dự kiến sẽ có hiệu vào năm 2013.

Theo thông báo, các chứng khoán như vậy có thể chiếm tới 40% vốn dự trữ của các ngân hàng; còn các trái phiếu phi chính phủ sẽ vẫn bị khấu trừ 15% giá trị thị trường khi được tính là một phần trong số vốn dự trữ./.


Phương Thảo (TTXVN/Vietnam+)

25/08 Hàn Quốc mở lò luyện nhân tài

Trên hòn đảo Jeju ngọt ngào và thanh bình, Hàn Quốc đang tiến hành một thử nghiệm táo bạo nhằm mở ra cơ hội mới cho giáo dục.


Một phần đảo Jeju nhìn từ trên cao. Ảnh: NYT.


Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, đến năm 2015 sẽ có 12 trường danh tiếng của phương Tây mở chi nhánh tại thành phố giáo dục toàn cầu Jeju, có diện tích gần 380 ha và do chính phủ tài trợ. Đây sẽ là một cộng đồng độc lập nằm gọn trong vùng Seogwipo nơi tất cả mọi người sinh viên, giáo viên, nhà quản lý, bác sĩ, nhân viên siêu thị sẽ chỉ nói tiếng Anh. Ngôi trường đầu tiên, Cao đẳng North London, đã được khởi công xây dựng trong tháng 8.

Mặc dù đây là khu vực đầu tiên của Hàn Quốc chỉ dành cho việc giáo dục theo phong cách nước ngoài, nhiều trường đã mở cửa ở những tỉnh thành khác. Trường Cao đẳng Dulwich, một trường tư của Anh, sẽ mở chi nhánh ở thủ đô Seoul trong vài tuần tới. Chi nhánh của trường Chadwick School of California sẽ được thành lập tại Songdo, một thành phố mới ở phía tây Seoul, cũng vào khoảng thời gian đó.

Đây là một phần chiến dịch vươn ra khắp thế giới của các trường đại học phương Tây. Xu hướng này được các bậc phu huynh ở châu Á và những nơi khác ủng hộ với mong muốn gia đình không bị chia tách nhưng con cái họ vẫn được học theo chương trình bằng tiếng Anh từ bậc tiểu học. Chính phủ thì hy vọng thu được lợi ích kinh tế từ việc tăng tính hấp dẫn của đất nước đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

"Chúng tôi sẽ làm mọi điều có thể để tạo ra một môi trường nói tiếng Anh cho trẻ em, kể cả khi chúng không được ra nước ngoài", Jang Tae-young, một quan chức của Jeju, thông báo với các phụ huynh Hàn Quốc.

Thông qua việc chào mời các trường nước ngoài, chính phủ muốn giải quyết một trong những vấn đề của ngành giáo dục. Rất nhiều phụ huynh muốn gửi con ra nước ngoài học để các em có thể sử dụng tiếng Anh và tránh được áp lực quá lớn của hệ thống giáo dục Hàn Quốc. Số liệu của chính phủ cho thấy số lượng sinh viên Hàn Quốc theo học tại nước ngoài từ bậc tiểu học đến trung học tăng đến 27.350 em năm 2008, trong khi năm 1999 chỉ có 1.840 em.

Nhưng việc đó thường khiến gia đình bị chia cắt, người mẹ thường ra nước ngoài với các con còn người cha ở lại kiếm tiền để chi trả cho việc học tập sinh hoạt cũng như những chuyến thăm định kỳ. Điều này dẫn đến tịnh trạng đổ vỡ gia đình và chảy máu chất xám tại một trong những đất nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Rất nhiều du học sinh đã ở lại nước ngoài, những người trở về gặp nhiều khó khăn khi tìm việc trong các công ty Hàn Quốc cũng như phải ôn lại vốn tiếng mẹ đẻ hay thích nghi với cung cách kinh doanh kiểu Hàn Quốc.

Lee Kyung-min, dược sĩ 42 tuổi ở Seoul, có con gái 12 tuổi So Min-joo đang theo học một trường tư ở Canada một năm rưỡi nay. "Ở Hàn Quốc, học sinh chỉ học vẹt để thi vào đại học", Lee nói. "Giá trị của một học sinh chỉ phụ thuộc vào điểm số của học sinh đó", cô nói và thêm rằng sự cạnh tranh giữa các phụ huynh đã ép con cái họ phải học thêm quá nhiều, không có thời gian để phát huy tính sáng tạo. "Trẻ em bị hệ thống giáo dục của chúng tôi làm thui chột".

Vì vậy bố mẹ của cô bé Min-joo tin rằng, để con gái theo học tại một trường phương Tây là hoàn toàn xứng đáng với số tiền 5.000 USD họ phải trả hàng tháng cho tiền học và sinh hoạt, cao gấp 10 lần chi phí để cô bé học trong nước.

Nhưng Lee nói bà thấy buồn khi Min-joo bắt đầu quên ngữ pháp tiếng Hàn và ít gọi điện về nhà. Tuy nhiên bà không muốn để chồng ở lại Hàn mà sang ở với con gái, vì đã chứng kiến những ông bố cô đơn trong hoàn cảnh tương tự dẫn đến đổ vỡ trong hôn nhân. "Gia đình tôi mất dần mối liên hệ giữa các thành viên, chỉ còn lại cái vỏ", cô nói.

Hồi tháng 6, họ đón Min-joo về nhà và định cho con gái theo học tại một trường nội trú quốc tế ở Jeju vào năm tới. Đối với Lee, đây là giải pháp tốt nhất với việc cho con gái đi du học mà không phải rời khỏi Hàn Quốc.

"Ở Hàn Quốc việc tìm kiếm các ích lợi của hệ thống giáo dục tiền đại học theo phong cách Tây hay Mỹ là một mong muốn phổ biến", Ted Hill, hiệu trưởng trường Chadwick School tại Songdo cho biết. Trường này nhận được rất nhiều hồ sơ xin học từ học sinh trong nước. Tuy nhiên, họ chỉ được phép nhận 30% học sinh là người Hàn Quốc. Số lượng còn lại dành cho gia đình những người nước ngoài sống tại Hàn Quốc và Trung Quốc.

"Khi chúng tôi giải thích cho các bậc phụ huynh Hàn Quốc những điều chúng tôi làm trong giờ học, mắt họ sáng lên", Chris DeMarino, giám đốc phát triển kinh doanh của trường Dulwich College Management International, nói. Theo quy định của chính phủ, trường được chấp nhận tối đa 25% học sinh Hàn Quốc tại cơ sở ở Seoul. "Nhu cầu đối với trường chúng tôi là rất lớn, nhưng thật không may là chúng tôi phải từ chối rất nhiều người".

Ở Hàn Quốc, người nào sử dụng thành thạo tiếng Anh và có bằng của các trường đại học hàng đầu ở Mỹ được nhìn nhận là có vị thế quan trọng. Vì vậy nhiều người cố tình chen những câu tiếng Anh trong các cuộc hội thoại.

Theo thống kê của Cơ quan nhập cảnh Mỹ, số lượng sinh viên Hàn Quốc theo học tại Mỹ cho năm tài khoá kết thúc 30/09/2009 là 113.519, chỉ xếp sau Trung Quốc. Theo số liệu điều tra năm 2008 của Cục Thống kê Hàn Quốc, 48,3% phụ huynh nước này muốn cho con đi du học để "phát triển tư duy toàn cầu", thoát khỏi hệ thống giáo dục cứng nhắc trong nước và để học tiếng Anh. Hơn 12% muốn cho con đi học từ bậc tiểu học.

Các nhà phê bình cho rằng các trường ở Jeju - học phí hàng năm từ 17.000 USD tới 25.800 USD với chương trình học bằng tiếng Anh, trừ giờ học tiếng Hàn và lịch sử Hàn Quốc cho các sinh viên của nước này - sẽ tạo ra "các trường học cho người giàu". Tuy nhiên, Kwon Do-yeop, phó chủ tịch phụ trách hàng hải, giao thông và đất đai đồng thời phụ trách dự án, nói rằng dự án sẽ tiết kiệm cho Hàn Quốc 500 triệu USD một năm đang chi tiêu cho các du học sinh.

"Chi phí tại các trường ở Jeju chỉ bằng một nửa so với việc cho con cái đi học ở Mỹ", Byon Jong-il, giám đốc Trung Tâm phát triển Thành phố quốc tế Jeju, cơ quan quản lý dự án giáo dục cũng như một phần kế hoạch chung của hòn đảo này, phát biểu. "Không phải cứ gửi con ra nước ngoài là việc gì cũng tốt đẹp".

Một số kết quả không tốt đẹp là vì cuộc khủng hoảng kinh tế.

"Rất nhiều sinh viên du học những năm 1990 đã về nước", Shin Hyun-man, chủ tịch công ty việc làm CareerCare, cho biết. "Dù có bằng cấp nước ngoài, những người này vẫn không tìm được việc ở nước ngoài vì suy thoái toàn cầu. Nhưng vốn tiếng Hàn của họ lại không tốt, và họ không thích nghi được với văn hoá công ty ở đây".

Jimmy Y. Hong, tốt nghiệp đại học Middlesex ở London hiện là nhân viên marketing của hãng LG Electronics ở Seoul, nói rằng khi anh quay lại Hàn Quốc năm 2008, anh đã theo học chương trình thạc sĩ kinh doanh tại đại học Yonsei, Seoul để bù đắp lại sự thiếu hụt các mối quan hệ - cầu nối quan giúp anh kết bạn, tìm việc và giành được các hợp đồng.

"Tôi từng lo sợ rằng tôi có thể bị tẩy chay chỉ vì tôi học ở nước ngoài", Hong thổ lộ.

Thanh Ngọc (theo NYT)