Tags: Biện Pháp Hành Chính, dự trữ bắt buộc, phi sản xuất, ngân hàng, huy động, lãi suất, tín dụng, khó khăn, chuyên gia, trần, lách, thuốc, việc, Vietcombank
Hầu hết các ngân hàng đã “lờn thuốc” với biện pháp hành chính. (Ảnh minh họa).
Trong khi các ngân hàng “than trời” vì các biện pháp hành chính như: ép dư nợ phi sản xuất phải xuống mức 22%; trần lãi suất huy động 14%... thì các chuyên gia kinh tế lại cho rằng họ vẫn lách tốt!
Lãnh đạo nhiều ngân hàng kêu ca, các biện pháp hành chính dồn dập từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã dồn họ vào thế kinh doanh khó khăn, vỡ kế hoạch 6 tháng đầu năm.
“Trượt” chỉ tiêu
Cả “ông lớn” Vietcombank cũng ở vào thế bị động khi nhiều chỉ tiêu tăng trưởng vẫn còn xa kế hoạch. Con số thống kê từ Vietcombank cho biết, 6 tháng đầu năm, tổng tài sản của Vietcombank mới chỉ tăng khoảng 6% so với cuối năm 2010, tăng trưởng từ huy động vốn chỉ khoảng 5%. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng huy động 20% của Vietcombank vẫn ở rất xa, và 15% còn lại của cuối năm sẽ khó khăn hơn. Nhưng đáng nói là từ chỗ “ông chủ” trên thị trường liên ngân hàng, năm 2011, Vietcombank bỗng chốc trở thành người đi vay, khi huy động vốn từ nguồn dân cư thấp. “Chúng tôi không dám vượt trần lãi suất huy động, trong khi nhiều ngân hàng khác đưa lãi suất lên cao. Điều đó khiến huy động VND và USD từ dân cư đã không được như mong muốn”, lãnh đạo ngân hàng này bày tỏ.
Nhiều ngân hàng “than trời” vì các biện pháp hành chính dồn dập của NHNN. Ảnh minh họa.
Dù phải đi vay nhưng Vietcombank không có những khó khăn về cho vay phi sản xuất quá lố, không áp lực từ việc phải chuyển đổi trạng thái từ vàng sang tiền đồng đối với những huy động vàng trước đó. Hiện bên cạnh áp lực từ trần lãi suất hành chính 14%, nhiều ngân hàng còn mắc vào thế kẹt trong các quy định về vàng, tín dụng phi sản xuất… Lãnh đạo một ngân hàng nhỏ, phân trần: “Các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp sản xuất tốt thì không tìm đến các ngân hàng nhỏ. Còn tín dụng phi sản xuất lại thắt, cho nên, chỉ tiêu áp về tăng trưởng tín dụng 20% xem ra lại “thừa thãi” đối với ngân hàng nhỏ khi cho vay sản xuất không được, còn cho vay phi sản xuất thì “mắc kẹt”. Vị này cũng cho biết: “Trần lãi suất 14% càng làm cho cuộc chiến lãi suất giữa các ngân hàng thêm căng thẳng, và lợi thế vẫn thuộc về những ngân hàng lớn. Nên lợi nhuận của chúng tôi chắc chắn sẽ giảm nhiều, một số chỉ tiêu coi như… hỏng”.
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB, thừa nhận: “Các biện pháp điều hành hiện nay đang khiến nhiều ngân hàng cả lớn lẫn bé đều gặp khó khăn. Đang làm ăn bình thường, giờ cái gì cũng cấm, khó khăn chồng khó khăn”.
Vẫn “lách tốt”!
Nhưng nhìn từ toàn bộ hệ thống ngân hàng, nhiều chuyên gia cho rằng, hầu hết các ngân hàng đã “lờn thuốc” với biện pháp hành chính, và “tỏ ra đang thích các biện pháp hành chính” dù vẫn luôn miệng kêu. Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, cho biết: “Trần lãi suất huy động 14% một năm lại được nhiều ngân hàng hưởng ứng, trong khi những biện pháp thị trường khác lại bị phản ứng quyết liệt, như việc tăng dự trữ bắt buộc gấp đôi”. Quả thực, nhiều ngân hàng “không lo việc siết chặt tín dụng phi sản xuất xuống 22%” nhưng lại lo việc tăng dự trữ bắt buộc gấp đôi. Việc đưa con số tín dụng phi sản xuất xuống 22%, thậm chí là 16% vào cuối năm, ngân hàng vẫn “lách tốt”, trong khi tăng dự trữ bắt buộc tương đối khó lách hơn, vì độ minh bạch cao hơn.
Hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại đang hy vọng NHNN mở “room” tăng trưởng tín dụng lên mức 23%. Theo nhiều ngân hàng, đây cũng là biện pháp hành chính không phù hợp với tình hình vốn của họ. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn bác bỏ việc này. Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam, nói: “Nhiều ngân hàng lợi dụng biện pháp hành chính để trục lợi, vì thực tế biện pháp hành chính vẫn không khó để lách. Tuy nhiên, chúng ta phải biết mục đích chính là chống lạm phát, và tăng trưởng tín dụng ở mức 20% là quá phù hợp”. Theo ông Kiêm, biện pháp hành chính trong những điều kiện nhất định là cần thiết, nhưng không được lợi dụng biện pháp hành chính, vì sẽ khiến thị trường ngân hàng méo mó đi. “Tôi cho rằng, chính sách vĩ mô linh hoạt là vì thế. Nếu từ nay đến cuối năm, lạm phát giảm thì có thể “bỏ bớt” một số biện pháp hành chính và để thị trường ngân hàng điều tiết theo hướng thị trường”, ông Kiêm nói.
Cũng theo hướng này, một chuyên gia tài chính nhìn nhận: “Các ngân hàng nên cắt giảm chi phí, sẻ chia khó khăn với nền kinh tế thay vì… kêu la. Ở Mỹ, biện pháp hành chính vẫn được dùng, thậm chí nhà nước còn “ngồi” trong hội đồng quản trị của ngân hàng thương mại để điều tiết, khi cần”.
Theo Mỹ Dung (Báo Đất Việt)