28/04 EU bác tin kế hoạch cứu trợ Bồ Đào Nha hoàn tất

28/04/2011 | 10:58:00

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ngày 27/4, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC), Amadeu Altafaj đã bác bỏ thông tin nói rằng kế hoạch cứu trợ tài chính của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho Bồ Đào Nha đã hoàn tất và chuẩn bị được đệ trình lên chính phủ tạm quyền nước này trong vài ngày tới.

EC đưa ra tuyên bố trên sau khi trang điện tử của tuần báo Expresso (Bồ Đào Nha) đưa tin các quan chức phái đoàn EU và IMF tại Lisbon đã "gần hoàn tất" kế hoạch cho gói cứu trợ và muốn chính phủ tạm quyền Bồ Đào Nha và các đảng đối lập thông qua các điều kiện và điều khoản được đề ra trong kế hoạch cứu trợ này vào ngày 4/5.

Người phát ngôn EC khẳng định đó là thông tin không chính xác.

Phái đoàn chuyên gia của EU và IMF đã đến Lisbon từ ngày 12/4 để đàm phán với các quan chức Bồ Đào Nha về gói cứu trợ tài chính dành cho Bồ Đào Nha nhằm giúp nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công.

EU và IMF yêu cầu Bồ Đào Nha phải thực hiện các biện pháp kinh tế khắc khổ, tiếp tục cắt giảm chi tiêu, tăng thuế và đẩy mạnh tư nhân hóa... để nhận được cứu trợ ước tính khoảng 80 tỷ euro (116 tỷ USD) từ EU và IMF.

Cho đến nay, các nhà đàm phán đã hoàn tất việc kiểm tra các báo cáo tài chính của Lisbon. EU và IMF đang ép Bồ Đào Nha phải thực hiện chương trình cải cách kinh tế mạnh mẽ từ nay đến giữa tháng Năm tới, vài tuần trước thời điểm Lisbon phải thanh toán khoản nợ trái phiếu gần 5 tỷ euro đáo hạn trong điều kiện cạn kiệt ngân sách, và cũng là thời điểm nước này tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn.

Chương trình bao gồm kế hoạch tư nhân hóa, cải cách thị trường lao động và các bước đi cụ thể nhằm hỗ trợ các ngân hàng yếu kém.

Các nhà phân tích cho rằng tiến trình đàm phán cứu trợ Bồ Đào Nha đang vấp phải một số khó khăn ở cả trong và ngoài nước. Thủ tướng chính phủ tạm quyền, ông Jose Socrates, người dẫn đầu đoàn đàm phán của Bồ Đào Nha với phái đoàn EU và IMF, hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với các đảng đối lập về các điều khoản của gói cứu trợ.

Trong cương lĩnh tranh cử của đảng Xã hội ngày 27/4, ông Jose Socrates cam kết cắt giảm chi tiêu công và thúc đẩy cải cách.

Còn Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha Fernando Teixeira dos Santos thì bày tỏ hy vọng EU sẽ thông qua khoản cứu trợ cho Bồ Đào Nha vào giữa tháng Năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

28/04 Nhật giúp đào tạo nhân lực làm đường sắt cao tốc

28/04/2011 | 14:15:00

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nhằm tiếp cận công nghệ đường sắt cao tốc của Nhật Bản, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty Đường sắt Trung Nhật (JR Tokai) đã ký Biên bản ghi nhớ đào tạo học viên năm 2011.

Theo biên bản ghi nhớ, Đường sắt Việt Nam sẽ gửi 4 học viên học tập và làm việc tại các cơ sở của Công ty Đường sắt Trung Nhật về các chuyên ngành như thông tin tín hiệu, đường, toa xe.

Theo “Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng phê duyệt, mục tiêu phấn đấu của Việt Nam đến năm 2020 sẽ đưa một số đoạn đường sắt cao tốc Bắc-Nam vào khai thác.

Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này gặp nhiều khó khăn nhất là việc huy động vốn bởi đầu tư đường sắt cao tốc đòi hỏi cần số vốn rất lớn và không thể dễ dàng huy động ngay được.

Ngoài ra, nguồn nhân lực để thực hiện dự án cũng là một thách thức lớn đối với ngành đường sắt Việt Nam. Tàu cao tốc là lĩnh vực sử dụng công nghệ cao (tàu chạy từ 300 km/giờ trở lên và sử dụng công nghệ tự động, điện khí hóa), trong khi đó nguồn nhân lực của ta chưa sẵn sàng và phải mất một quá trình để đào tạo và chuẩn bị các điều kiện.

Để cán bộ, kỹ sư và công nhân đường sắt Việt Nam có thể tiếp cận với công nghệ làm đường sắt cao tốc của Nhật Bản, trong 2 năm qua (từ năm 2009-2010), phía Nhật Bản đã giúp Đường sắt Việt Nam đào tạo 14 cán bộ về công nghệ đường sắt cao tốc.

Ngoài việc giúp Việt Nam đào tạo nhân lực, vào đầu tháng 11/2010, phía Nhật Bản còn có công hàm đề xuất với Việt Nam chương trình hợp tác nghiên cứu lập dự án đường sắt cao tốc đoạn Hà Nội-Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang.

Phía Nhật Bản đã đề xuất bổ sung chương trình hợp tác kỹ thuật Nghiên cứu lập dự án đường sắt cao tốc đoạn Hà Nội-Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang vào các Chương trình trong năm tài khóa 2010 của Nhật Bản.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cũng có công hàm gửi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng ý tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật bổ sung của Nhật Bản./.

Uông Lam (TTXVN/Vietnam+)

28/04 Argentina hạn chế nước ngoài về sở hữu đất

28/04/2011 | 16:05:00

Argentina là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu dầu đậu tương. (Nguồn: Internet)
Ngày 27/4, Tổng thống Argentina Cristina Fernández đã đệ trình quốc hội dự thảo luật mới, theo đó hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu quá 1.000ha đất nông nghiệp tại quốc gia Nam Mỹ này.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Fernández khẳng định đây là giải pháp nhằm đối phó với "tiến trình thu mua những diện tích đất nông nghiệp rộng lớn bằng các nguồn vốn nước ngoài," trong đó chủ yếu đến từ các nhà đầu tư châu Á.

Cụ thể, dự luật trên hướng tới mục tiêu không để quá 20% diện tích đất nông nghiệp trên toàn quốc thuộc quyền sở hữu nước ngoài. Tuy nhiên, quy định mới không ảnh hưởng tới các giao dịch đã hoàn tất.

Argentina là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu dầu đậu tương, đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu ngô và là một trong những nước sản xuất lúa mỳ và thịt bò lớn nhất thế giới, do đó đất nông nghiệp tại nước này luôn được đánh giá là tài sản giá trị cao, đặc biệt trong bối cảnh giá lương thực không ngừng leo thang trên thị trường thế giới.

Hồi tháng 8/2010, Brazil - nước láng giềng của Argentina và là một trong những nhà sản xuất lương thực lớn nhất thế giới - cũng đã ban hành một đạo luật hạn chế các tập đoàn nước ngoài thu mua đất nông nghiệp, văn kiện mà các nhà kinh tế ước tính đã làm "treo" nhiều dự án, với tổng giá trị khoảng 15 tỷ USD vào nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

16/04 Hạ viện Mỹ đã thông qua ngân sách tài khóa 2012

16/04/2011 | 07:47:00

Ngày 15/4, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự toán ngân sách cho năm tài khóa 2012, theo đó sẽ cắt giảm khoảng 6.000 tỷ USD chi tiêu liên bang trong vòng 10 năm và gồm cả những cắt giảm dài hạn gây tranh cãi về chương trình y tế dành cho người già và người nghèo.

Với tỷ lệ phiếu 235/193, Hạ viện Mỹ, do Đảng Cộng hòa kiểm soát, đã thông qua ngân sách tài khóa 2012, sẽ được khởi động từ ngày 1/10 tới.

Động thái trên bị Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện phản đối do cắt giảm các chương trình xã hội trong khi cũng giảm thuế đối với tầng lớp có thu nhập cao.

Dự kiến, Thượng viện Mỹ sẽ công bố một bản dự toán ngân sách khác hơn nhiều trong những tuần tới./.

Một ngày trước đó, với 260 phiếu thuận và 167 phiếu chống, Hạ viện Mỹ ngày 14/4 đã thông qua dự luận ngân sách thỏa hiệp dành cho chính phủ cho tới tháng Chín, loại bỏ nguy cơ chính phủ nước này bị đóng cửa, sau các cuộc đàm phán đầy cam go giữa các nghị sỹ Đảng Cộng hòa và Nhà Trắng.

Dự luật trên sẽ cấp tiền cho chính phủ Mỹ hoạt động tới ngày 30/9, thời điểm kết thúc năm tài khóa 2011 và cắt giảm khoảng 38,5 tỷ USD trong ngân sách chi tiêu.

Ngay sau đó, với 81 phiếu thuận và 19 phiếu chống, Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật trên và trình dự luật này lên Tổng thống Barack Obama để ông ký thành luật./.

(Vietnam+)

27/04 Thâm hụt ngân sách của Hy Lạp tiếp tục phình lên

27/04/2011 | 15:58:00

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Theo cơ quan thống kê châu Âu Eurostat, mặc dù đã cắt giảm chi tiêu ở mức kỷ lục, thâm hụt ngân sách của Hy Lạp trong năm 2010 vẫn tương đương 10,5% GDP, cao hơn mục tiêu 8,1% GDP mà chính phủ đề ra.

Mục tiêu này là một phần trong thỏa thuận năm 2010 giữa Athens và Brussels, theo đó Hy Lạp cam kết "đại tu" lại nền kinh tế và giảm chi tiêu công để đổi lấy khoản vay trị giá 110 tỷ euro của EU/IMF.

Theo Bộ Tài chính Hy Lạp, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự trệch hướng này là do tình trạng suy thoái của nền kinh tế trầm trọng hơn tiên lượng, ảnh hưởng tới doanh thu thuế và đóng góp an sinh xã hội. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng khẳng định chưa một quốc gia nào trong Eurozone đạt dược tốc độ giảm thâm hụt ngân sách mạnh như Hy Lạp - quốc gia đầu tiên trong khối phải xin cứu viện.

Còn người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá: mặc dù con số trên là đáng lo ngại nhưng cũng cho thấy tình hình đang cải thiện. Chính phủ Hy Lạp có kế hoạch tiết kiệm ngân sách 26 tỷ euro vào năm 2015 và huy động thêm 50 tỷ euro bằng việc bán các tài sản của nhà nước. Hy Lạp có thể mua lại một phần nợ, hiện tương đương 142,8% GDP, với điều kiện có đủ tiền huy động từ việc bán các tài sản nhà nước.

Theo kế hoạch, sang đầu tháng Năm tới, các chuyên gia của EC, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và IMF sẽ tới Athens để kiểm điểm lại tình hình trước khi rót tiếp đợt tiền thứ năm trong gói cứu trợ. Một quan chức của ECB, ông Erkki Liikanen cảnh báo tái cơ cấu nợ không phải là "thuốc tiên" đối với bệnh tình của Hy Lạp.

Thống kê trên của Eurostat khiến lãi suất trái phiếu thời hạn hai năm của Hy Lạp phiên 25/4 tăng lên 23,237%, so với mức 22,207% phiên 22/4.

Cũng theo Eurostat, mức thâm hụt ngân sách trung bình tính trên phạm vi toàn Eurozone đã giảm từ 6,3% GDP năm 2009 xuống 6% GDP năm 2010, nhưng vẫn cao gấp đôi mức giới hạn cho phép trong khuôn khổ Hiệp ước Bình ổn và Tăng trưởng của EU./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

28/03 Moody's: Hệ thống ngân hàng Trung Quốc ổn định trong hơn 1 năm tới


Thứ Hai, 28/03/2011 | 17:29

Triển vọng kinh tế trong nước vẫn sẽ vững mạnh và có thể cung cấp cho các ngân hàng nhiều cơ hội kinh doanh để tăng trưởng lợi nhuận. Moody's hôm nay báo cáo, triển vọng của hệ thống ngân hàng Trung Quốc là ổn định trong vòng 12-18 tháng tới, và các ngân hàng của nước này có đầy đủ vốn đệm để chống lại sự gia tăng nợ xấu.

Báo cáo cho biết, triển vọng kinh tế trong nước vẫn sẽ vững mạnh và có thể cung cấp cho các ngân hàng nhiều cơ hội kinh doanh để tạo ra nhiều lợi nhuận.

Ông Yvonne Zhang, phó Chủ tịch tại trụ sở văn phòng Bắc Kinh của Moody’s cho biết, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề khó khăn nhất là sự mở rộng tín dụng quá mức. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến mức độ bền vững kinh tế, vì nó sẽ làm gia tăng lạm phát.

Bản báo cáo dự kiến, nợ xấu của các ngân hàng sẽ gia tăng, một xu hướng thường xảy ra sau sự tăng trưởng cho vay rất mạnh. Ngay cả khi nợ xấu tăng lên mức cao hơn nhiều so với giả định, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc sẽ vẫn ổn định bởi vì nguồn vốn đệm đầy đủ, dự phòng tổn thất lớn và các khoản thu nhập cao của các ngân hàng.
Tuyết Mai (Theo Xinhuanet)
DVT