KIỀU OANH
14/01/2012 09:24 (GMT+7)
Trong năm 2011 vừa qua, lạm phát tăng mạnh tại khu vực châu Á - Ảnh: Reuters.
Lạm phát tại nhiều nước châu Á như Trung Quốc và Việt Nam diễn biến theo hướng giảm thời gian gần đây. Tuy nhiên, theo báo Financial Times, các chính phủ trong khu vực sẽ đối mặt với thách thức không nhỏ trong năm 2012 này, vì bất kỳ một sai lầm chính sách nào cũng có thể khiến giá cả tăng vọt trở lại.
Trong năm 2011 vừa qua, lạm phát tăng mạnh tại khu vực châu Á. Mấy tháng gần đây, giá cả đã giảm nhiệt tại nhiều quốc gia trong khu vực.
Điển hình, trong tháng 12, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc giảm tháng thứ 5 liên tục, xuống mức 4,1%, thấp nhất trong 15 tháng. Tuy nhiên, tốc độ giảm của chỉ số này lại đang hạ dần, và giá thực phẩm - yếu tố gây lạm phát hàng đầu ở Trung Quốc - trên thực tế lại tăng lên.
Các nhà phân tích cho rằng, so với hồi năm 2008, các nước châu Á hiện nay sẽ phải thận trọng hơn trong việc kích thích nền kinh tế đang giảm tốc của mình. Bởi lẽ, lạm phát hồi năm 2008 giảm nhanh và mạnh hơn hiện nay mới tạo đủ điều kiện cho phép các chính phủ tung ra những gói kích cầu và nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh tay để tạo đà phục hồi cho tăng trưởng.
Những cảnh báo thận trọng này có thể được xem như một câu chuyện gây thất vọng cho giới đầu tư toàn cầu vốn đang trông chờ vào châu Á như một đầu tàu tăng trưởng toàn cầu giữa lúc kinh tế Mỹ phục hồi yếu còn kinh tế châu Âu đối mặt khả năng suy thoái.
Giới đầu tư sẽ dành sự quan tâm đặc biệt xem Trung Quốc - nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới - sẽ cân bằng ra sao giữa kích thích tăng trưởng và chống lạm phát. Trên thực tế, hy vọng về việc Bắc Kích có thể sẽ nới lỏng thêm chính sách tiền tệ là một trong những lý do khiến thị trường tài sản rủi ro toàn cầu tăng điểm gần đây.
Tuy nhiên, những dữ liệu thống kê mới nhất đã làm gia tăng những hoài nghi về việc Bắc Kinh có thể hành động quyết liệt trong việc hỗ trợ tăng trưởng.
Những áp lực giá cả đeo bám dai dằng hiện nay ở Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với những gì đã diễn ra vào cuối năm 2008. Khi đó, lạm phát giảm với tốc độ chóng mặt là cơ sở để Bắc Kinh tung ra gói kích thích khổng lồ trị giá 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 585 tỷ USD.
“Các biện pháp kích thích tăng trưởng lần này, nếu có, chắc chắn sẽ không mạnh như 3 năm trước. Chúng tôi không kỳ vọng vào một chương trình kích cầu lớn”, Giám đốc phụ trách thị trường toàn cầu của JPMorgan Chase, bà Jing Ulrich, nhận xét. Theo bà Ulrich, Trung Quốc có thể sẽ kết hợp nhiều biện pháp “nhẹ nhàng” hơn, như cắt giảm thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, chỉ đạo các ngân hàng tăng cường cho vay ở mức độ vừa phải…
Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á Michael Buchanal của ngân hàng Goldman Sachs thì cho rằng, việc lạm phát vẫn duy trì xu hướng tăng ở một số nền kinh tế châu Á khác như Đài Loan và Hàn Quốc cũng có thể sẽ buộc nhà chức trách ở đây phải đắn đo nhiều trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, theo ông Buchanal, việc nới lỏng chính sách để hỗ trợ tăng trưởng tại các nền kinh tế này cũng chỉ là vấn đề thời gian. “Chúng tôi tiếp tục dự báo chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng đôi chút ở phần lớn các nước châu Á”, ông nói.
Trong số các nền kinh tế châu Á, tín hiệu về sự nới lỏng chính sách có lẽ rõ ràng hơn cả ở Ấn Độ. Trong năm 2011, Ấn Độ phải liên tục tăng lãi suất để chống chọi với tỷ lệ lạm phát gần 2 con số, nhưng gần đây, lạm phát giảm nhanh và được dự báo sẽ về dưới 7% vào cuối quý 1 năm nay. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đã ra dấu cho thấy, chu kỳ lãi suất của nước này đã đạt đỉnh.
Các nhà chức trách của Ấn Độ tin rằng, lạm phát cần giảm về mức 5% mới đảm bảo được sự tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn của nước này, trong đó có ông Ratan Tata, Chủ tịch của tập đoàn Tata Group, lại kêu gọi Chính phủ ưu tiên mục tiêu tăng trưởng thay vì chống lạm phát.
Tại Indonesia, nền kinh tế đông dân thứ ba ở châu Á, lạm phát giảm đã tạo điều kiện cho Ngân hàng Trung ương nước này “rảnh tay” hạ lãi suất. Lạm phát trong tháng 12 ở Indonesia giảm tháng thứ 4 liên tục, còn 3,8%, thấp nhất kể từ đầu năm 2010.
Mặc dù vậy, chuyên gia kinh tế Lief Eskesen của HSBC cảnh báo rằng, nếu Indonesia nới lỏng thái quá chính sách tiền tệ, lạm phát có thể leo thang trở lại trong năm nay. “Tôi cho rằng họ đang lo ngại quá mức với sự giảm tốc tăng trưởng”, ông Eskesen nhận định.
Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ tư của châu Á là Hàn Quốc lại đang ở trong một tình thế đối nghịch. Nhiều nhà phân tích cho là Seoul cần hạ lãi suất để chặn đà suy giảm tăng trưởng, nhưng lạm phát cao đã buộc Ngân hàng Trung ương nước này đứng ngoài lề. Trong tháng 12 vừa qua, lạm phát tại Hàn Quốc là 4,2%, không thay đổi so với tháng 11 và vẫn cao hơn mục tiêu 4% của Chính phủ nước này.
Financial Times cho biết, với tốc độ lạm phát 18% trong năm 2011, Việt Nam là nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất tại châu Á. Tuy nhiên, theo báo này, Chính phủ Việt Nam dường như lại đang chuyển sang ưu tiên tăng trưởng thay vì chống lạm phát. “Mặc dù Việt Nam đã thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ, phần lớn các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam sẽ khó đạt được mục tiêu giữ lạm phát dưới 9% trong năm nay”, bài báo cho biết.
No comments:
Post a Comment