30/04 Hạ viện Nhật duyệt ngân sách tái thiết khẩn cấp

30/04/2011 | 20:47:00

Cảnh tàn phá tại quận Miyagi, ngày 23/4 do động đất và sóng thần gây ra. (Nguồn: AFP/TTXVN)
CÁC TIN LIÊN QUAN
Fukushima: 90% trường giảm hoạt động ngoài trời
Theo điều tra của Hội đồng giáo dục thành phố Fukushima, 90% các trường học trên địa bàn thành phố hạn chế hoạt động ngoài trời.

Động đất 5,7 độ Richter ở ngoài khơi Fukushima
Vào 8 giờ 36 phút sáng ngày 14/5, thành phố Fukushima và Iwaki của Nhật Bản rung chuyển bởi trận động đất cường độ 5,7 độ Richter.

Hạ viện Nhật Bản ngày 30/4 đã thông qua ngân sách khẩn cấp trị giá 4.000 tỷ yen (tương đương 48,5 tỷ USD) dành cho công cuộc tái thiết sau trận siêu động đất-sóng thần vừa qua.

Đây là ngân sách chi cho hoạt động công cộng lớn nhất của đất nước Mặt Trời mọc trong vòng 6 thập kỷ trở lại đây.

Ngân sách này dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 2/5 tới nếu được Thượng viện Nhật Bản bỏ phiếu thông qua.

Nghị sỹ các đảng đối lập kiểm soát Thượng viện cho biết họ sẽ ủng hộ đợt giải ngân đầu tiên này để chi trả cho các công việc như dọn dẹp những đống đổ nát tại khu vực Đông Bắc, nơi bị ảnh hưởng nặng nề trong thảm họa kép nói trên, và xây dựng các căn nhà tạm cho những người bị mất nhà cửa.

Tuy nhiên, ngân sách khẩn cấp này vẫn chưa thấm tháp gì so với tổng thiệt hại ước tính khoảng 300 tỷ USD do trận động đất và sóng thần gây ra, vì vậy, có thể sẽ được bổ sung thêm các gói kinh phí tái thiết khác.

Trận động đất mạnh 9 độ Richter gây sóng thần ngày 11/3 vừa qua tại Nhật Bản đã đẩy nước này vào tình trạng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, cướp đi sinh mạng của khoảng 14.700 người, làm hơn 11.000 người mất tích và phá hủy hàng chục nghìn ngôi nhà.

Sóng thần còn gây sự cố hạt nhân liên tiếp tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, cách thủ đô Tokyo 240km về phía Bắc, vấn đề mà giới chức nhà máy cho rằng phải mất cả năm mới có thể kiểm soát được./.

(TTXVN/Vietnam+)

11/05 Các ngân hàng Canada nằm trong tốp đầu thế giới

11/05/2011 | 19:51:00

Ngân hàng quốc gia Canada (NBC) dẫn đầu trong số các ngân hàng của nước này. (Nguồn: Bloomberg News)
Ngay từ khi các ngân hàng Canada vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 một cách "hầu như bình yên vô sự," các nhà kinh tế và giới chuyên gia đều công nhận vị trí dẫn đầu thế giới của ngành ngân hàng nước này.

Trong danh sách 20 ngân hàng hàng đầu thế giới, được tạp chí Thị trường Bloomberg ngày nay bình chọn, có tới năm trong số sáu ngân hàng lớn của Canada.

Đó là Ngân hàng quốc gia Canada (NBC) với vị trí thứ ba; tiếp theo là Ngân hàng thương mại hoàng gia Canada (CIBC) đứng thứ tư; Ngân hàng Toronto-Dominion (TD Bank) đứng thứ 12; Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) đứng thứ 17 và Ngân hàng Montreal (BMO) đứng thứ 19.

Đứng đầu danh sách của Bloomberg là ngân hàng Oversea-Chinese Banking (Singapore) và Svenska Handelsbanken (Thụy Điển).

Bloomberg cho biết, xếp hạng của họ dựa trên năm tiêu chí là vốn cấp 1 (vốn nòng cốt của các ngân hàng); tỷ lệ các tài sản không hoạt động trên tổng tài sản; tỷ lệ dự trữ thất thoát cho vay trên số tài sản không hoạt động; các khoản tiền gửi và hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Trong khi đó, theo danh sách xếp hạng các ngân hàng dựa trên sức mạnh tài chính mới nhất, được cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s thực hiện hàng quý, Ngân hàng TD của Canada đứng đầu cùng với Ngân hàng Mellon New York (Mỹ) và Rabobank Nederland (Hà Lan). Năm trong số sáu ngân hàng lớn còn lại của Canada nằm trong tốp 40 của danh sách này./.

Thanh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

14/05 Quan chức Mỹ kêu gọi Quốc hội nâng mức trần nợ

14/05/2011 | 10:46:00

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner. (Nguồn: Internet)
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner ngày 13/5 kêu gọi các nghị sỹ Mỹ nâng mức trần nợ để đảm bảo duy trì lòng tin đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, ông Geithner nhấn mạnh đến ngày 16/5, Mỹ sẽ chạm mức trần nợ do Quốc hội đặt ra. Do đó, một lần nữa ông kêu gọi Quốc hội hành động càng nhanh càng tốt để tất cả mọi người dân Mỹ có thể giữ lòng tin rằng nước Mỹ sẽ thực hiện mọi nghĩa vụ của mình gồm thanh toán tiền lãi và các cam kết chăm sóc sức khỏe cho người già.

Các nghị sỹ đảng Cộng hòa đã từ chối nâng mức trần nợ quốc gia, hiện ở mức 14,29 nghìn tỷ USD, trừ phi Nhà Trắng và các nghị sỹ đảng Dân chủ đồng ý với các khoản cắt giảm chi tiêu lâu dài trên phạm vi lớn.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Barack Obama cho biết họ có thể đồng ý với các khoản cắt giảm, nhưng đồng thời phải tăng thuế để tăng thu ngân sách.

Nợ công của Chính phủ Mỹ tiếp tục tăng lên từng ngày và dự kiến sẽ chạm mức trần vào ngày 16/5 tới. Bộ trưởng Geithner nêu rõ chính vì Quốc hội đã không hành động kịp thời để nâng mức trần nợ nên Bộ Tài chính Mỹ đã bắt đầu một loạt các biện pháp bất thường để cho phép cơ quan lập pháp có thêm thời gian và tránh việc chính phủ rơi vào tình trạng không thực hiện được các nghĩa vụ thanh toán của mình.

Đầu tháng này, ông Geithner tuyên bố có thể và sẽ áp dụng các biện pháp trên để tiếp tục vay nợ cho đến ngày 2/8 tới. Đây có thể là thời điểm lần đầu tiên chính phủ Mỹ vỡ nợ đối với trái phiếu Mỹ.

Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) Ben Bernanke ngày 12/5 cũng cảnh báo các chính trị gia cần sớm nâng mức trần nợ hoặc phải đối mặt với khả năng làm bất ổn hệ thống tài chính.

Trong khi đó, bất chấp các lời cảnh báo từ các quan chức về những hậu quả kinh tế, gần 50% số người Mỹ được hỏi ý kiến cho rằng họ không muốn tăng mức trần nợ công.

Theo một thăm dò mới nhất của hãng Gallup, có 47% người Mỹ muốn các nghị sỹ bỏ phiếu bác bỏ việc nâng mức trần nợ, trong khi chỉ có 19% đồng tình với đề nghị này.

Cũng theo số liệu thăm dò, tỷ lệ người ủng hộ đảng Dân chủ tán thành nâng mức trần nợ là 33%, trong khi ở đảng Cộng hòa, có tới 70% phản đối. Đáng chú ý là 1/3 người Mỹ nói rằng họ không hiểu vấn đề nên không có ý kiến./.

(TTXVN/Vietnam+)

10/05 IMF lạc quan về kế hoạch cứu trợ Bồ Đào Nha

10/05/2011 | 11:49:00

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ngày 9/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã khẳng định thành công của kế hoạch phối hợp với Liên minh châu Âu (EU), thực hiện gói cứu trợ 78 tỷ euro (khoảng 116 tỷ USD) để cứu nền kinh tế Bồ Đào Nha thoát khỏi nguy cơ phá sản.

Ông Poul Thomsen, Trưởng Phái đoàn IMF tại Bồ Đào Nha, lưu ý rằng gói cứu trợ tài chính mà thể chế này cam kết đóng góp 26 tỷ euro trong ba năm, nhằm tạo cho nền kinh tế Bồ Đào Nha một không gian cần thiết để xử lý các vấn đề kinh tế dài hạn.

Ông nhấn mạnh ba ưu tiên của gói cứu trợ là giải quyết vấn đề cơ cấu trì trệ khiến nền kinh tế Bồ Đào Nha tăng trưởng quá chậm và thất nghiệp cao suốt 10 năm qua; tăng cường chính sách tài khóa thông qua các biện pháp cân bằng thận trọng nhằm giảm thâm hụt ngân sách xuống mức 3% tổng thu nhập nội địa GDP vào năm 2013 và ổn định nợ; đảm bảo ổn định khu vực tài chính thông qua áp dụng cơ chế thanh khoản mới, tăng vốn của các ngân hàng, tăng cường quy chế và giám sát.

Theo ông Thomsen, IMF dự báo nền kinh tế Bồ Đào Nha sẽ phục hồi vào nửa đầu năm 2013, nếu các cải cách được thực hiện đúng theo kế hoạch phối hợp chung giữa IMF và EU. Bồ Đào Nha cần trở thành nền kinh tế mở cửa lớn hơn cho cạnh tranh, và đây là phương thức duy nhất để tạo việc làm và tạo ra thu nhập cao.

IMF và EU khẳng định kế hoạch phối hợp cứu trợ Bồ Đào Nha sẽ thành công, vì đây là kế hoạch khá toàn diện và được thực hiện trong nhiều năm với tổ hợp các biện pháp chính sách tin cậy và khả thi, cân bằng cả về kinh tế, xã hội và nhận được sự đồng thuận ở Bồ Đào Nha cũng như sự hỗ trợ đặc biệt của cộng đồng quốc tế với gói tài chính cứu trợ lớn.

Bồ Đào Nha là thành viên thứ ba của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tìm kiếm sự hỗ trợ của IMF sau Hy Lạp và Ireland. Tăng trưởng kinh tế trung bình của Bồ Đào Nha chỉ đạt 1% trong suốt thập kỷ qua, chậm nhất trong 17 nước thành viên Eurozone.

Tăng trưởng quá chậm cùng với tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã đẩy Bồ Đào Nha vào cảnh thiếu hụt tài chính, nợ nần cao và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt./.

(TTXVN/Vietnam+)