Eurasia Review – SAAG
Phân tích báo cáo An ninh Quân sự của Mỹ về
Trung Quốc
13-9-2011
Bhaskar Roy
Báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc gửi Quốc hội Mỹ: "Những chuyển biến quân sự và an ninh liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, năm 2011", được công bố hồi tháng 8 năm nay là một bài học về cách thức người Mỹ nghiên cứu Trung Quốc kỹ càng tới mức nào. Tất nhiên, các vấn đề nhạy cảm hơn không được đề cập trong báo cáo công khai này, nhưng có nhiều điểm cần được Ấn Độ và các nước châu Á khác lựa chọn và tích cực suy nghĩ về chúng trên một toàn cảnh rộng lớn hơn.
Có thể nhận thấy rằng Ấn Độ, như một mục tiêu của Trung Quốc, đang xuất hiện ngày càng nhiều trong những báo cáo này. Trong khi lưu ý các mối quan hệ Trung-Ấn đã được cải thiện về thương mại và một số lĩnh vực xây dựng lòng tin cũng như quan hệ quân sự, báo cáo này còn có những từ ngữ thận trọng dành cho Ấn Độ. Nó tóm lược các mối quan ngại của Trung Quốc về sức mạnh quân sự, chính trị và kinh tế đang lên của Ấn Độ, cùng các bước cần làm để cải thiện năng lực ngăn chặn của khu vực bao gồm sự thay thế tên lửa đạn đạo tầm trung dùng nhiên liệu lỏng CSS-3 bằng loại tên lửa đạn đạo tầm trung dùng nhiên liệu rắn CSS-5, tiên tiến hơn để khống chế Ấn Độ; đầu tư vào phát triển đường sá cùng cơ sở hạ tầng dọc biên giới Trung-Ấn; các kế hoạch di chuyển binh lính bằng máy bay tới khu vực và nhiều hoạt động khác.
Tất nhiên, người ta biết rằng Quân đội Trung Quốc đang tiến hành huấn luyện về cao độ cho binh sĩ của mình, trong đó có thả dù ở vùng núi cao Tây Tạng. Người ta cũng biết rằng Trung Quốc đã xây dựng các hầm chứa tên lửa dọc tuyến đường sắt Tây Tạng để bảo đảm rằng các tên lửa tầm ngắn và tầm trung có thể nhanh chóng được đưa tới Lhasa và từ đó tới các biên giới giáp với Ấn Độ. Tuyến đường sắt Thanh Hải – Lhasa đã chạy thử nghiệm hồi năm ngoái với đầy đủ hàng hóa quân sự. Báo cáo không nhắc đến việc này.
Phần về "Biển Đông", dù không nhắc cụ thể đến Ấn Độ, nhưng có các phần rõ ràng có thể được đọc cùng với phần về Ấn Độ, đặc biệt trong bối cảnh xảy ra sự kiện hồi tháng 7 khi Hải quân Trung Quốc cảnh báo tàu hải quân Ấn Độ Airavat phải rời Biển Đông, tuyên bố tàu chiến này ở trong lãnh hải Trung Quốc.
Biển Đông là một tuyến đường vận tải giao thương quan trọng để Ấn Độ thực hiện các lợi ích cơ bản của mình về kinh tế, văn hóa và chính trị, ở Đông Nam Á và Đông Á. Cảnh báo đối với INS Airavat là một phép thử mà Trung Quốc dùng để xem nước này có thể mở rộng các giới hạn tới mức nào nhằm khiến cho một số nước dễ bị tác động, trong đó có Ấn Độ, chấp nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển này. Trong bối cảnh đó, báo cáo cũng lưu ý việc Trung Quốc ngày càng sử dụng nhiều tàu đánh cá cho các mục đích quân sự. Việc sử dụng các tàu này chống lại Nhật Bản và Philippines trong một năm vừa qua và cảnh tượng gần đây về một tàu khác được trang bị đầy đủ thiết bị giám sát ở ngay bên ngoài lãnh hải của Ấn Độ là một mối quan tâm. Con tàu đặc biệt đó của Trung Quốc được tin đã trôi vào cảng Colombo, theo một câu chuyện của truyền thông Sri Lanka, mặc dù bị quân đội Sri Lanka từ chối khá nhẹ nhàng. Chuyện này làm dấy lên nhiều câu hỏi về an ninh của Ấn Độ. Liệu Sri Lanka rút cục có bị Trung Quốc thuyết phục trở thành một đối tác quân sự bí mật chống lại Ấn Độ? Toàn bộ việc vào Sri Lanka của Trung Quốc giờ đã khá rõ ràng. Các báo cáo nêu việc Trung Quốc đút lót Tổng thống Sri Lanka Rajapaksa và con trai ông để thúc đẩy các lợi ích của Bắc Kinh ở đất nước này. Ngoài ra, việc sử dụng bí mật các tàu cá vì mục đích quân sự có thể rất nguy hiểm nếu một vụ va chạm xảy ra với tàu hải quân Ấn Độ.
Tuy không mới, báo cáo của Lầu Năm Góc liên kết vùng biển Hoa Đông với chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông để chỉ ra những căng thẳng trong khu vực có thể leo thang. Theo các ước tính, Biển Hoa Đông nắm giữ xấp xỉ 1 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên và 100 tỷ thùng dầu. Biển Đông, dù chưa được khảo sát chi tiết, cũng có khối lượng tương đương về dầu và khí. Trung Quốc đã thể hiện căng thẳng quân sự với Nhật Bản (Biển Hoa Đông), với Philippines và Việt Nam ở Biển Đông, và tỏ rõ quyết tâm đưa các khu vực hàng hải này vào chủ quyền đầy đủ của mình. Một bài viết gần đây trên tờ báo chính thức của Trung Quốc (Nhân dân Nhật báo, ngày 30/8), cảnh báo tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda rằng Nhật Bản hãy thể hiện đủ sự tôn trọng đối với chủ quyền quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Thông điệp đó là, những hòn đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông dưới sự kiểm soát của Nhật là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Tương tự là trường hợp ở Biển Đông.
Nếu hai vùng biển được xem xét một cách phức hợp thì mức độ tác động của chúng trên thế giới chỉ là tưởng tượng. Cho đến những năm gần đây, hai vùng biển này được sử dụng như các tuyến đường thuỷ quốc tế, nhưng các tuyên bố chủ quyền quyết đoán của Trung Quốc đối với cả hai từ năm 2008, được yểm trợ bởi một quân đội phát triển nhanh chóng, đang làm thay đổi toàn bộ mô hình châu Á.
Chiến lược và các yêu sách mạnh mẽ của Trung Quốc phải được đặt cạnh sự phát triển quân sự của nước này, bao gồm các vũ khí mới từ chối khu vực/từ chối tiếp cận – vốn đã được xử lý đầy đủ trong báo cáo của Lầu Năm Góc. Biển Hoa Đông và Biển Đông, trong nhận thức chiến lược của Trung Quốc, sẽ là những đường viền quanh lãnh thổ thuộc chủ quyền Trung Quốc để từ đó nước này phóng quyền lực xa hơn nữa ở nước ngoài.
Từ cách nhìn của Ấn Độ, sẽ cần thiết phải nêu rõ vị thế của nước này ở Ấn Độ Dương cùng khu vực vành và Nam Á, cũng như trên Biển Đông và các vùng biển phía đông Trung Quốc, những tuyến đời sống kinh tế không thể thoả hiệp.
Các nhà hoạch định quân sự Ấn Độ chắc chắn nhận thức rõ về sự mở rộng chu vi biển của Trung Quốc, nước có mọi thứ để làm điều đó với vị thế sức mạnh to lớn vốn lần lượt phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế bền vững, điều được giữ vững nhờ các nguồn vật liệu thô và dầu lửa từ nước ngoài. Với các cơ sở nguồn lực chủ yếu ở Trung Đông và châu Phi, Hải quân Trung Quốc cuối cùng sẽ muốn cột chặt Ấn Độ Dương với tiềm năng cho xung đột với Ấn Độ. Cho đến ngày nay, hầu hết các SLOC, trong đó có Vùng Vịnh, vẫn được Mỹ giữ cho khơi thông. Với sức mạnh kinh tế Mỹ đang suy giảm và áp lực nội địa đòi rút quân ở nước ngoài về, Mỹ sẽ tìm kiếm các đối tác để làm việc đó. Và Trung Quốc, nước thèm muốn tất cả, không phải là một đối tác lý tưởng.
Báo cáo của Lầu Năm Góc nhắc nhở chúng ta về một cuộc tranh luận trong cộng đồng hải quân Trung Quốc về vai trò ở "các vùng biển xa" và nhu cầu đối với các cơ sở ở nước ngoài. Trong tương lai gần, Hải quân PLA (PLAN) sẽ không tìm kiếm các căn cứ ở các vùng biển xa. Họ sẽ cần một lực lượng hải quân mở rộng nhiều hơn nữa cho điều đó. Nhưng PLAN và ban lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn đang cố gắng theo hướng đó. Những cơ sở như vậy ở Pakistan đang chờ lời đề nghị. Chính phủ Sri Lanka dưới thời Tổng thống Mahinda Rajapaksa có thể hợp tác với Trung Quốc nếu giá cả hợp lý. Bắc Kinh cũng đang nỗ lực ở Bangladesh và Myanmar theo nhiều cách khác nhau nhưng liệu người Trung Quốc có thành công hay không sẽ tùy thuộc vào ngoại giao của Ấn Độ. Vấn đề ở đây là sức mạnh hải quân và tuyên bố kiên quyết của Ấn Độ sẽ bảo vệ lợi ích biển của mình, không cần gay gắt.
Một số khía cạnh như "Phòng thủ Tích cực", "Ba cuộc chiến tranh" và sự thu thập thông tin tình báo tinh vi được nêu trong báo cáo (được bình luận trong SAAG Papers trước đó bởi chính tác giả này) còn nhắc nhở chúng ta về các mối đe doạ ngầm mà Ấn Độ phải đối mặt.
Học thuyết quân sự mà Trung Quốc công khai thừa nhận, "Phản công" chỉ nếu nước này bị tấn công, là trò bịp. Ấn Độ là một nạn nhân của chiến lược dối trá này. Tấn công chống Ấn Độ (1962), Liên Xô (1969) và Việt Nam (1979) được phía Trung Quốc mô tả là "các cuộc phản công tự phòng". Nghĩa là, nước này chuyển sang học thuyết "Phòng thủ Trước" – tấn công nếu nhận thấy kẻ thù có thể đang lên kế hoạch một cuộc tấn công hoặc dùng nó là một đòn tâm lý trước khi nước đó có thể nghĩ đến việc thách thức Trung Quốc thực sự. Báo cáo 2011 cuối cùng thừa nhận rằng học thuyết "Phòng thủ tích cực" hay "Phòng thủ Trước" không có nghĩa một vị trí thụ động của phản ứng tiếp sau một cuộc tấn công, mà là một cuộc tấn công bên ngoài biên giới của nước này vào một thời điểm nước này chọn để làm suy yếu một kẻ thù tiềm ẩn, thậm chí trước khi một kẻ thù lên kế hoạch tấn công. Điều đó có thể được áp dụng cho lập trường chính thức của Trung Quốc về "không sử dụng đầu tiên" các vũ khí hạt nhân.
Có một nhu cầu khẩn thiết phải hiểu và chống lại chiến lược "Ba Cuộc chiến" đang được PLA áp dụng chủ yếu với sự trợ giúp từ phương tiện truyền thông nhà nước khác. Chiến tranh tâm lý sử dụng hành động để ngăn chặn và làm nhụt chí kẻ thù, bao gồm cả dân thường thông qua hành động luận chứng. Chiến tranh truyền thông bao gồm các bài viết/tuyên truyền báo chí mà thậm chí sử dụng cả sự hỗ trợ thân thiện của quốc tế tách biệt khỏi việc ép buộc tư duy của mục tiêu. Chẳng hạn, nhật báo Pakistan Observer, do ISI của Pakistan kiểm soát, là tờ báo có thể ủng hộ các chính sách của Trung Quốc, đặc biệt là những gì liên quan tới Ấn Độ. Chiến tranh pháp lý bao gồm nhiều lập luận phức tạp, được Trung Quốc sử dụng có chọn lọc, tận dụng các phần của luật pháp quốc tế, các hồ sơ lịch sử (có thể bịa ra) và các tương tác ngoại giao. Không một điểm nào trong số này nên mới lạ với Ấn Độ.
Chiến tranh thông tin và thu thập thông tin tình báo là thách thức mới đây hơn với Ấn Độ. Các cơ quan chính phủ Ấn Độ đã trở thành mục tiêu của nhiều cuộc tấn công qua mạng của Trung Quốc. Các công nghệ Huawei, hãng công nghệ thông tin lớn nhất của Trung Quốc cùng với ZTE, được biết có liên kết chặt chẽ với bộ máy tình báo và an ninh nước này. Đó không phải là công nghệ quân sự duy nhất mà Trung Quốc đang tìm kiếm. Công nghệ cao có các ứng dụng kép, và công nghệ thông tin của Ấn Độ thuộc đẳng cấp thế giới. Chuyển giao công nghệ từ Trung Quốc, các liên doanh với các hãng Trung Quốc và những sự hợp tác như vậy tạo ra một cửa sổ rộng mở để đặt các vũ khí "assassin mace" – các thiết bị chuyển mạch và các cổng chuyển thông tin sang Trung Quốc, và sắp đặt những phần mềm có thể được kích hoạt khi cần thiết để vô hiệu hóa trung tâm đầu não của thông tin liên lạc.
Tất nhiên, khu vực tư nhân của Ấn Độ, nơi đặt não bộ công nghệ thông tin, rất quan tâm đến lợi nhuận từ các hợp đồng Trung Quốc. An ninh quốc gia là thứ yếu trong ưu tiên của họ. Họ cũng có thể tự hỏi mình tại sao không thể tiến vào các công ty công nghệ thông tin của Trung Quốc, những thực thể liên kết với chính phủ, các trung tâm truyền thông hoặc quân sự. Có những vấn đề mà một nước dân chủ như Ấn Độ thấy khó có thể giải quyết, nhưng Mỹ và một số nước phương Tây cũng dân chủ và tư bản tương tự đang phải đấu tranh với khu vực tư nhân của họ để ngăn chặn các cuộc xâm nhập của Trung Quốc. Báo cáo của Lầu Năm Góc đưa ra 3 ví dụ về hoạt động gián điệp dính đến Trung Quốc, và các nỗ lực ngăn chặn Huawei là một cuộc chiến đang tiếp diễn.
Tạm gác sang một bên những điều đã đề cập ở trên, sẽ là cần thiết để kiểm định báo cáo của Lầu Năm Góc về quân đội của Trung Quốc trong ngữ cảnh của Ấn Độ. Khi những báo cáo như vậy đề cập đến một nước hoặc một khu vực, nó thường chuyển tải những quan ngại. Như thường lệ, báo cáo tỉ mỉ này chủ yếu tập trung vào an ninh của Đài Loan và các mối quan hệ quân sự Trung – Mỹ. Đây là những mối quan tâm chính, cũng như an ninh của Nhật Bản và sự tự do, trung lập của Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Việc bao hàm Ấn Độ dần dần vào những báo cáo như vậy cho thấy Mỹ coi Ấn Độ là một đối tác có thể trong việc giữ cho các SLOC quốc tế thoát khỏi sự kiểm soát và thống trị của Trung Quốc. Nếu Mỹ muốn Ấn Độ là một trong những nước tuyến đầu nhằm kiềm chế Trung Quốc, đó sẽ là một vấn đề. Mỹ có số học riêng với Trung Quốc. Các nước tuyến đầu là những nước đầu tiên bị hy sinh trong mối quan hệ như vậy.
Năng lực của Ấn Độ trong "chiến tranh tâm lý" là rất yếu. Không có gì để mà so sánh với "Ba cuộc chiến tranh" của Trung Quốc – tâm lý, truyền thông và pháp lý. Mỹ thực hiện điều đó rất giỏi, đưa báo chí và các nhóm cố vấn vào sự tin cậy. Ở Ấn Độ, các nhà chức trách cố gắng giữ những thực thể đó ở một khoảng cách xa. "Các cuộc chiến tranh tâm lý" là không thể thiếu trong thế giới ngày nay.
Ấn Độ là một nước không liên kết và có một chính sách đối ngoại độc lập. Tuy nhiên, không liên kết không còn là một khái niệm bị động, và chính sách ngoại giao độc lập không có nghĩa là không đáp lại để tranh thủ sự ủng hộ trong trường hợp cần thiết chống xâm lược. Điều này đã được thực hiện trong quá khứ. Mỹ đã đánh giá cao vị trí của Ấn Độ, nước chia sẻ một đường biên giới dài 4.000m với Trung Quốc. Bắc Kinh, về phần mình, phải hiểu rằng năm 1962 giờ đã là dĩ vãng xa xưa. Đồng thời, Ấn Độ phải thể hiện được rằng sự hạn chế trong những tuyên bố công khai không phải là dấu hiệu của sự yếu kém. Về an ninh, Trung Quốc đã nổi lên như ưu tiên hàng đầu và trước nhất của Ấn Độ. Ngoài một điểm, chẳng điều gì có thể nói chắc. 1,2 triệu người Ấn Độ cũng có một tiếng nói.
SAAG (South Asia Analysis Group) là nhóm phân tích Nam Á, một nhóm cố vấn phi lợi nhuận, phi thương mại. Mục đích của SAAG là nâng cao phân tích chiến lược và đóng góp vào sự mở rộng kiến thức về an ninh Ấn Độ và quốc tế, thúc đẩy sự hiểu biết chung.