15/05 Dự báo của IMF: “Đoán toàn sai”?


Chủ nhật, 15/5/2011, 02:30 GMT+7
La bàn lúc nào cũng chỉ hướng Bắc. Hình như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng vậy. Trong vòng bốn năm qua với bốn bản báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” (World Economic Outlook) liên tiếp, IMF luôn dự báo thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc trong vòng 5 năm sắp tới sẽ tăng lên, hay ít nhất vẫn duy trì ổn định.

Thay vào đó thặng dư liên tục giảm, từ 10,6% GDP năm 2007 xuống còn 5,2% GDP năm ngoái (xem đồ thị). Không phải vì thế mà chịu dừng lại, IMF tiếp tục dự báo thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc sẽ tăng lên 6,8% GDP năm 2013 và gần 8% GDP năm 2016.

Thặng dư của Trung Quốc giảm phần nào là vì xuất khẩu giảm vì cuộc suy thoái sâu bất ngờ ở các nước giàu. Liệu sai số quá lớn trong dự báo của IMF có phải cũng vì nguyên nhân này?

Không hẳn: IMF là tổ chức đưa ra dự báo “rộng tay” nhất so với các cơ quan khác. Tháng 04/2009, IMF dự báo thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc năm 2010 là 9,3% GDP, trung bình dự báo của năm ngân hàng đầu tư lớn là 6% GDP.

Có lẽ IMF đã quá bi quan về tăng trưởng sức cầu nội địa của Trung Quốc (và kéo theo đó là cả nhập khẩu của nước này), nhưng một vấn đề quan trọng hơn chính là tỷ giá mà họ sử dụng để dự báo.

IMF luôn giả định rằng tỷ giá thực so với rỏ tiền tệ của các đối tác thương mại chính sẽ giữ nguyên không đổi, và vì lạm phát ở Trung Quốc cao hơn ở Mỹ nên giả định như thế có nghĩa là tỷ giá danh nghĩa sẽ giảm. (Thực tế IMF không đưa ra dự báo về đồng nhân dân tệ nhưng có thể tính toán được dự báo trên bằng cách chia GDP tính theo đồng nhân dân tệ cho GDP tính theo đôla Mỹ).
Ví dụ, dự báo mới nhất của tổ chức này giả định rằng đồng nhân dân tệ sẽ suy yếu về mức trung bình 7,04 nhân dân tệ đổi một đôla vào năm 2013 từ mức 6,53 hiện nay.

Phần lớn các tổ chức đều dự báo nhân dân tệ sẽ tiếp tục lên giá so với đôla. Paul Cavey từ Macquarie cho rằng tỷ giá sẽ tăng lên mức 5,8 NDT/USD vào năm 2013 và ông kỳ vọng thặng dư tài khoản vãng lai sẽ ở mức 3,6% GDP.

Kể từ năm 2007, tỷ giá của đồng NDT so với rỏ tiền tệ của các đối tác thương mại chính không hề ổn định mà đã tăng 15 – 20% khiến thặng dư tài khoản vãng lai giảm mạnh.

Dự báo nào có giả định rằng NDT mất giá đều đều so với USD dường như đều thật thiếu thực tế.

Dù vậy nhờ dự báo của IMF rằng thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng lên mà những người theo chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch lại càng có thêm cái cớ để đòi áp thuế đánh vào hàng háo Trung Quốc.

Chắc chắn công tác dự báo của IMF đang tồn tại rất nhiều vấn đề.(Nguồn: Cafef, 14/5)