Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” công bố ngày 11/4/ 2011, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng trung bình 4,5% trong 2 năm 2011 và 2012. Trong đó, kinh tế các nước đang phát triển châu Á tăng 8,4%, nhưng lạm phát là vấn đề đáng lo ngại. Nguyên nhân cơ bản của lạm phát tại khu vực này được giải thích là do dòng vốn vào đã buộc các ngân hàng trung ương phải bơm thêm vốn để giảm giá bản tệ, giá lương thực và giá dầu tăng cao trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, hai yếu tố sau đang tiềm ẩn nguy cơ làm tăng mức thâm hụt ngân sách do các chính phủ tăng trợ cấp để kiềm chế đà tăng giá và tránh bất ổn xã hội, giá lương thực và chất đốt tăng thêm không chỉ làm tăng chi phí của chính sách trợ giá mà cũng buộc các chính phủ phải chấp nhận những biện pháp chưa có tiền lệ. Những nước có mức trợ cấp lớn nhất gồm Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Thái Lan có thể sẽ không đạt mục tiêu kiềm chế thâm hụt do chi phí xăng dầu tăng cao. Báo cáo của IMF nhấn mạnh, giá dầu leo thang đang ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo Ngân hàng America Merrill Lynch tại Singapore, nếu giá dầu chạm ngưỡng 120 USD/thùng, tăng trưởng GDP trong năm nay tại hầu hết các nền kinh tế hàng đầu tại châu Á sẽ giảm 0,5-1,2 điểm phần trăm; nếu giá dầu vượt 140 USD/thùng, các hoạt động kinh tế sẽ trì trệ, các chính phủ sẽ phải can thiệp quyết liệt hơn. Theo báo cáo đưa ra ngày 21/3 của Tập đoàn Tín dụng Thụy Sĩ AG, chứng khoán Nhật Bản suy giảm mạnh nhất, sau đó là Ấn Độ, đưa giá cổ phiếu trên hai thị trường này vào loại rẻ nhất trong khu vực do giá dầu tăng cao và GDP tăng chậm. Giá dầu tăng cao gây tác động nghiêm trọng đến ngành hàng không, chi tiêu xăng dầu sẽ tăng làm tăng khoảng 60% trong chi phí vận hành của Hãng Hàng không quốc tế Thái Lan, giá trị của Hãng Hàng không Nam Trung Quốc giảm tới 25%. Rủi ro bắt nguồn từ sự leo thang của giá dầu và giá thực phẩm đang buộc các chính phủ phải tiết kiệm ngân sách nhằm ngăn ngừa bất ổn xã hội. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử sắp diễn ra trong hai năm tới tại Thái Lan, Ấn Độ, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan và Malaysia cũng khiến các chính trị gia hạn chế cắt giảm thâm hụt do cần ổn định giá khí đốt và lương thực tại châu lục 4 tỉ người này. Tại Ấn Độ, lạm phát đang là nguy hiểm và gây tổn thương cho vị thế tài khóa do dầu và lương thực tăng giá. Trong tháng 2, giá lương thực và thực phẩm tăng 11,49% và giá chất đốt tăng 12,14% so cùng kỳ năm trước. Theo tổng hợp của Bloomberg, tổng mức nợ liên bang và các bang tại Ấn Độ tương đương khoảng ¾ chi phí nhập khẩu năng lượng hàng năm và chiếm 73% GDP, mức cao nhất tại châu Á, trong khi 5 cuộc bầu cử khu vực bắt đầu từ tháng 4 đang thách thức uy tín của chính phủ. Đặc biệt, kế hoạch duy trì giá khí đốt, xăng dầu ở mức thấp cho khoảng 800 triệu người nghèo đang đe dọa mục tiêu cắt giảm thâm hụt tài khóa từ 5,1% GDP trong năm nay xuống 4,6% vào năm 2012. Theo Công ty Quản lý tài sản Daiwa tại Mumbai, các nhà tạo lập chính sách Ấn Độ có thể phải kiềm chế và tiếp tục trợ cấp trong vài tháng tới. Sau bầu cử, mới có thể xem xét tăng giá để cắt giảm thâm hụt ngân sách. Tại Malaysia, GDP tăng nhanh và thu chi ngân sách được cải thiện đã góp phần giảm áp lực ngân sách. Tuy nhiên, Malaysia không muốn tăng giá dầu trong nước, nên kế hoạch trợ giá chất đốt của Malaysia có thể lên tới 14 tỉ ringit (4,6 tỉ USD) trong năm nay. Vì thế, Malaysia vẫn phải duy trì mức thâm hụt ngân sách 5,6% so GDP như năm 2010, trong khi mục tiêu đề ra từ đầu năm là 5,4% và chính phủ có thể phải ngừng cắt giảm trợ giá trong ngắn hạn nếu giá dầu thế giới tăng quá sức chịu đựng của nguồn vốn ngân sách. Tại Thái Lan, kế hoạch bầu cử giữa năm 2011 đang gây khó khăn cho thủ tướng Abhisit trong việc tăng giá diesel từ 30 baht (0,99 USD)/lít hiện nay, nhưng Thái Lan có thể phải giảm trợ cấp diesel nếu nguồn quĩ cạn kiệt. Năm 2011, thâm hụt ngân sách tại Thái Lan dự kiến là 400 tỉ baht, tương đương 5% GDP. Tại Indonesia, chính sách tài khóa thận trọng vẫn đảm bảo an toàn cho ngân sách năm 2011 nếu giá dầu dao động quanh ngưỡng 100 USD/thùng, nếu dầu tăng giá và USD mạnh lên thì thâm hụt cũng chỉ chiếm 1,86% GDP từ mức dự kiến 1,78% hiện nay và Indonesia vẫn có nhiều khả năng để điều tiết hơn so với trường hợp Malaysia. Ngày 21/3, các nhà làm luật Indonesia nhất trí tạm hoãn kế hoạch cấm phần lớn người dân Jakarta mua chất đốt trợ giá, dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ tháng tư. Mặc dù Singapore, Hồng Kông và Trung Quốc không trợ giá xăng dầu, nhưng sẽ tăng chi tiêu ngân sách hoặc giảm thuế để hỗ trợ nhóm thu nhập thấp đối phó với chi phí lương thực và nhà ở. Tại Singapore, mặc dù thâm hụt tài khóa năm 2011 chỉ chiếm 0,7% GDP, nhưng cuộc sống đắt đỏ là mối lo ngại, vì vậy việc tăng ngân sách cho đối tượng thu nhập thấp và trung bình để bù đắp chi phí sinh hoạt là cần thiết. Trong trường hợp Trung Quốc, lạm phát và cung tiền là vấn đề đáng lo ngại, nhất là từ khi giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Do mức cung tiền kỷ lục 17.500 tỉ NDT trong 2 năm 2009-2010 đã làm tăng giá bất động sản, nên chỉ có thể chống lạm phát bằng cách kiểm soát cung tiền. Với quyết tâm kiềm chế lạm phát và ổn định giá cả, lãi suất và dự trữ bắt buộc là công cụ chủ yếu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC). Tính từ tháng 10/2010 đến nay, PBC đã 4 lần tăng lãi suất và dự trữ bắt buộc, và hai công cụ này tiếp tục được áp dụng trong tương lai. Về ngân sách, Trung Quốc đặt mục tiêu giảm tỉ lệ thâm hụt từ 2,5% GDP năm 2010 xuống còn 2,0% trong năm 2011 mặc dù phải tăng chi tiêu cho an sinh xã hội và tăng thu nhập cho người lao động. Bên cạnh nguy cơ lạm phát giá lương thực, bất ổn chính trị Trung Đông, đặc biệt khi các nhà cung ứng chủ yếu ngừng xuất khẩu dầu mỏ, các quốc gia đều phải có kế hoạch đối phó với nguy cơ sụt giảm nguồn cung và bất ổn xã hội theo hướng tiết kiệm chi tiêu và xây dựng kế hoạch ngân sách chủ động. Hoàng Thế Thoả ( nguồn tham khảo Reuters & Bloomberg) |
20/04 Chính sách tài khóa tại châu Á trước biến động của giá dầu
Labels: Introduction
ASEAN economy,
Fiscal policy,
IMF,
NHNN
Subscribe to:
Posts (Atom)