27/05 10 hãng công nghệ “kiếm bộn” nhất


picture
Microsoft đạt doanh thu kỷ lục trong năm 2010.
▪  AN HUY
07:49 (GMT+7) - Thứ Sáu, 27/5/2011

Luôn chiếm một tỷ lệ lớn trong danh sách những công ty lớn nhất thế giới, các hãng công nghệ còn gây ấn tượng mạnh bởi mức lợi nhuận khổng lồ.

Trang CNNMoney đã liệt kê 10 tập đoàn công nghệ có mức lợi nhuận “khủng” nhất trong năm 2010, trong đó không thể thiếu những cái tên như Microsoft hay Apple.

1. Microsoft

Lợi nhuận năm 2010: 18,8 tỷ USD


Hãng phần mềm này đạt doanh thu kỷ lục 62,5 tỷ USD trong năm 2010. Doanh thu của Microsoft tăng mạnh trong năm ngoái phần nhiều là nhờ hệ điều hành Windows 7. Tới nay, hãng đã tiêu thụ được hơn 240 triệu bản của hệ điều hành này.

2. IBM

Lợi nhuận năm 2010: 14,8 tỷ USD


Trong năm 2010, tăng trưởng doanh thu của IBM tại các thị trường thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Nga và Trung Quốc vượt xa các thị trường còn lại. Hãng đã tỏ ra rất tích cực trong hoạt động thâu tóm, chi 6,5 tỷ USD cho 17 thương vụ mua lại, chủ yếu trong lĩnh vực phần mềm.

3. Apple

Lợi nhuận năm 2010: 14 tỷ USD


Trên nhiều phương diện, có thể xem năm 2010 là năm của Apple. Hãng đã tung ra hai sản phẩm mới và đạt thành công vang dội là iPhone 4 và iPad. Ngay trong 3 ngày đầu lên kệ, điện thoại iPhone 4 đã có 1,7 triệu chiếc được tiêu thụ. Còn đối với máy tính bảng iPad, doanh số tính đến cuối năm đã đạt 14,7 triệu chiếc.

4. Intel

Lợi nhuận năm 2010: 11,5 tỷ USD


Nhà sản xuất con chip máy tính này tiếp tục giữ ngôi vị thống lĩnh trên thị trường máy tính cá nhân, giữa lúc doanh số thị trường máy tính cá nhân toàn cầu lần đầu tiên đạt ngưỡng 1 triệu chiếc/ngày vào năm 2010. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đóng góp hơn một nửa doanh thu của Intel.

5. HP

Lợi nhuận năm 2010: 8,8 tỷ USD


Vụ bê bối tình ái của cựu CEO Mark Hurd khi còn đương chức đã không thể làm mức lợi nhuận bền vững của HP suy suyển. Trong năm 2010, hãng vẫn đạt mức lợi nhuận ròng 8,8 tỷ USD, cao hơn năm trước.

6. Google

Lợi nhuận năm 2010: 8,5 tỷ USD


“Ông vua” tìm kiếm trực tuyến tiếp tục tiến xa hơn trên nhiều lĩnh vực, bao gồm phần mềm hệ điều hành mã nguồn mở Android dành cho điện thoại di động. Hiện nay, hệ điều hành chỉ còn kém hệ điều hành iOS của Apple về mức độ phổ biến. Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận của Google vẫn đến từ lĩnh vực quảng cáo.

7. Cysco Systems

Lợi nhuận năm 2010: 7,8 tỷ USD


Cho tới thời điểm này, quyết định của Cisco chuyển hướng từ chỗ đặt trọng tâm vào trung tâm dữ liệu sang môi trường ảo và hệ thống mạng đã chứng minh tính đúng đắn. Sau một năm suy giảm, lợi nhuận năm 2010 của Cysco đã tăng trở lại. CEO John Chambers của hãng đang chuyển hướng sang phục vụ chủ yếu các khách hàng doanh nghiệp.

8. Oracle

Lợi nhuận năm 2010: 6,1 tỷ USD


2010 là một năm nhiều sự kiện đối với Oracle, khi hãng đưa cựu CEO của HP là Mark Hurd lên ghế Chủ tịch, đồng thời mua lại Sun Microsystems với giá 7,4 tỷ USD. Tuy nhiến, chiến lược kinh doanh của CEO Larry Ellison tiếp tục chứng minh hiệu quả khi hãng đạt lợi nhuận kỷ lục.

9. Corning

Lợi nhuận năm 2010: 3,6 tỷ USD


Hãng sản xuất tấm thuỷ tinh nền màn hình tinh thể lỏng lớn nhất thế giới đạt doanh thu 6,6 tỷ USD trong năm 2010, cao thứ nhì trong lịch sử của hãng.

10. Qualcomm

Lợi nhuận năm 2010: 3,2 tỷ USD


Mặc dù các nhà mạng đang hướng tới tương lai với mạng 4G, điện thoại thông minh 3G hiện vẫn thống lĩnh thị trường di động. Năm ngoái, thế giới đã đạt mốc 1 tỷ thiết bị kết nối 3G. Đó là lý do vì sao Qualcomm, hãng sản xuất nhiều sản phẩm con chip cho điện thoại thông minh, đã tăng gấp đôi lợi nhuận trong năm 2010.

03/06 Ấn Độ khẳng định tiếp tục chương trình điện hạt nhân


picture
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ông Vishnu Prakash - Ảnh: Sơn Hà.
▪  SƠN HÀ
08:58 (GMT+7) - Thứ Sáu, 3/6/2011

Ấn Độ sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển điện hạt nhân, nhằm đáp ứng các nhu cầu năng lượng trong nước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này cho hay.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên VnEconomy chiều 1/6 tại New Delhi, ông Vishnu Prakash, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cho biết, thảm họa tại nhà máy điện Fukushima số 1 của Nhật Bản là một bài học lớn trong việc phát triển năng lượng hạt nhân, và Ấn Độ sẽ bằng mọi nỗ lực để đảm bảo các quy tắc an toàn, tránh để xảy ra những trường hợp đáng tiếc tương tự.

Theo ông Vishnu Prakash, sản lượng điện hạt nhân hiện chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng lượng năng lượng của Ấn Độ. "Tính tới nay, sản lượng điện hạt nhân của chúng tôi mới có khoảng 5.000 MW. Chúng tôi muốn nâng con số này lên 20.000 MW vào năm 2020", ông nói.

Trước đó một ngày, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Đức Angela Merkel tại New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cũng khẳng định lập trường của nước này trong việc phát triển và khai thác điện hạt nhân, nhằm đáp ứng các mục tiêu năng lượng nội địa. 

Theo các quan chức Ấn Độ, quy định an toàn tại các lò phản ứng của nước này đã đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. "Các nhà máy điện hạt nhân của chúng tôi hiện ở mức an toàn. Các nhà máy này đã được trang bị nhiều kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn bất cứ một thảm họa nào", Phó chủ tịch Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia M Shashid-har Reddy cho biết trên tờ The Times Of India.

Thảm họa hạt nhân tại Nhật Bản đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về độ an toàn tại các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới. Nhiều quốc gia trong đó có Đức đã quyết định xem xét lại tất cả các lò phản ứng hạt nhân trong nước. Dẫu vậy, với những quốc gia đang "khát" năng lượng như Ấn Độ, Trung Quốc..., điện hạt nhân vẫn được coi là giải pháp hữu hiệu cho bài toán phát triển công nghiệp.

Ấn Độ hiện có khoảng 20 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động và dự kiến đầu tư 150 tỷ USD để xây thêm các nhà máy mới trên cả nước. Chính phủ đặt mục tiêu tăng sản lượng điện hạt nhân từ 3% lên 13% trong tổng sản lượng điện của nước này vào năm 2030. Đến năm 2050, nguồn năng lượng hạt nhân sẽ tăng gấp mười lần so với hiện nay, đáp ứng 1/4 nhu cầu điện năng của cả nước.

Mặc dù, quốc gia này đã chú ý hơn tới các biện pháp đảm bảo an toàn điện hạt nhân, đặc biệt sau thảm họa Fukushima, nhưng điều này vẫn gây tranh cãi trong dân chúng. Hồi tháng 4 năm nay, người dân thành phố Jaitapur, bang Maharashtra, đã xuống đường biểu tình phản đối dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại đây. Vụ việc sau đó đã biến thành cuộc đụng độ giữa cảnh sát và những người biểu tình.

Tờ Courrier International của Pháp từng dẫn một bài viết trên tuần san tiếng Anh Outlook của Ấn Độ, cho biết, từ năm 1987 thường xuyên có trục trặc ở các nhà máy hạt nhân của Ấn Độ, nhưng quốc gia này vẫn tiếp tục xây dựng nhiều nhà máy hạt nhân mới. Các khu vực xây dựng nhà máy điện hạt nhân thường nằm ở những nơi có nhiều nguy cơ động đất và sóng thần.

Chẳng hạn, một nhà máy hạt nhân sẽ được xây dựng ở Jaitapur với công suất lên đến 10.000 MW. Từ năm 1985 đến 2005, trong khu vực này đã xảy ra khoảng 92 vụ động đất. Nơi đây đã được xếp là vùng có nguy cơ động đất cấp độ 3/5. Một nhà máy khác dự định được xây dựng ở Mithi Virdi cũng nằm ở cấp độ 3/5 về nguy cơ động đất.
 

31/05 Kinh tế tư nhân Cuba bắt đầu khởi sắc


picture
Tại một nhà hàng tư nhân ở trung tâm thủ đô La Habana, Cuba.
▪  QUỐC TRUNG
15:25 (GMT+7) - Thứ Ba, 31/5/2011

Chính phủ Cuba vừa quyết định giảm thuế và cho phép nhiều ngành dịch vụ mở rộng phạm vi hoạt động, nhằm tạo điều kiện khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân phát triển.

Đây là quyết định mới nhất đưa ra sau cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng mở rộng do có nhiều ý kiến cho rằng việc chính phủ áp thuế cao sẽ cản trở hoạt động của doanh nghiệp tư nhân.

Cấp phép kinh doanh cho hơn 300.000 người

Việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển là một trong những giải pháp cơ bản để tái cơ cấu lực lượng sản xuất của Cuba, với kỳ vọng trong 5 năm tới, thành phần kinh tế tư nhân sẽ đem lại việc làm cho 1,8 triệu người Cuba.

Sau khi Chính phủ Cuba thông báo danh sách 178 ngành kinh doanh và dịch vụ  mà tư nhân có thể đăng ký tham gia, hiện đã có hơn 309.000 người Cuba được cấp phép kinh doanh, trong đó hơn 49.000 người kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Cuba cho biết, các cửa hàng kinh doanh ăn uống trước đây chỉ được mở 20 bàn ăn, nay sẽ được tăng lên 50 bàn. Các doanh nghiệp tư nhân có từ 1-5 nhân công sẽ được miễn thuế thuê người làm (lên tới 25%) trong năm nay.

Bên cạnh đó, những người kinh doanh taxi, cho thuê nhà hay địa điểm sẽ được quyền không trả thuế từ 3-6 tháng trong trường hợp sửa chữa xe ô tô hay bất động sản, đồng thời được giảm mức thuế thuê nhà đối với cả hai đồng tiền peso và đồng peso chuyển đổi (CUC - đồng tiền giao dịch quốc tế của Cuba).

Chính phủ Cuba cũng sẽ cho phép tư nhân thuê lại các cửa hành kinh doanh ăn uống của nhà nước nếu các cửa hàng đó hoạt động không hiệu quả.

Liên quan tới hệ thống cung ứng với giá bán sỉ, Chính phủ Cuba khẳng định cam kết sẽ cho ra đời các cửa hàng bán buôn trong tương lai khi điều kiện nền kinh tế cho phép. Tuy nhiên trước mắt, những người kinh doanh tư nhân vẫn sẽ tiếp tục phải mua nguyên vật liệu với giá bán lẻ.

Chủ tịch Raul Castro mới đây thông báo Chính phủ Cuba đang xây dựng hệ thống pháp luật cho phép người dân mua bán bất động sản và ôtô. Cuba cũng cam kết sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho nông dân trong việc giao đất hoang và thúc đẩy chính sách khuyến nông được thực hiện từ hai năm nay tại Cuba đã đem lại kết quả tích cực.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương Cuba đã quyết định phá giá 8% tỷ giá đồng Peso chuyển đổi so với đồng USD và các ngoại tệ khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi tài chính quốc tế. 

Tuy nhiên, Cuba vẫn tiếp tục thu thuế 10% đối với đồng USD để bồi thường cho những thiệt hại và rủi ro bởi chính sách bao vây, cấm vận kinh tế của Mỹ chống lại nước này.

Thu hút đầu tư nước ngoài

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Cuba Jorge Luis Perdomo cho biết, Cuba đang xem xét khả năng bán 27% cổ phần tập đoàn viễn thông duy nhất của nước này Etecsa cho nước ngoài, sau khi đối tác của tập đoàn là công ty Telecom của Italia rút khỏi Cuba.

Ông Perdomo cũng thông báo sau hai năm chuẩn bị, năm nay Cuba sẽ ra luật viễn thông đầu tiên của nước này, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài phát triển lĩnh vực viễn thông.

Với trữ lượng dầu lửa ngoài khơi khổng lồ ước tính lên tới 20 tỷ thùng, Cuba cũng có chính sách hấp dẫn các nguồn vốn từ bên ngoài phát triển ngành dầu khí.

Tập đoàn quốc doanh National Petroleum Corp (CNPC) của Trung Quốc vừa trúng thầu dự án mở rộng một nhà máy lọc dầu ở phía Nam thủ đô Havana, trị giá lên tới 6 tỷ USD. Đây là một trong những dự án đầu tư lớn nhất từ trước tới nay tại Cuba. 

Dự kiến, sau khi được mở rộng, nhà máy sẽ có công suất lọc 150.000 thùng dầu mỗi ngày, từ mức 65.000 thùng/ngày hiện nay. Ngoài ra, dự án mở rộng còn đưa nhà máy này trở thành một khu liên hợp hóa dầu và cảng khí hóa lỏng.

Nhà máy lọc dầu nói trên thuộc quyền đồng sở hữu của công ty quốc doanh Cubapetroleo (CUPET) của Cuba và Petroleos de Venezuela (PDVSA) của Venezuela. Dự án này sẽ được cung cấp tài chính chủ yếu bởi các ngân hàng Trung Quốc và đảm bảo bởi nguồn thu từ dầu lửa của phía Venezuela.

Hiện phía Trung Quốc đã bắt đầu đưa thiết bị xây dựng phục vụ cho dự án này tới khu vực nhà máy, với mục tiêu khởi động dự án vào năm tới.

27/05 Nhà giàu vẫn đổ tiền vào hàng xa xỉ


▪  DIỆP ANH
27/05/2011 16:24 (GMT+7)
 
Kết quả kinh doanh của "tượng đài" trang sức xa xỉ Tiffany vẫn tốt.
Hãng chuyên kinh doanh các mặt hàng trang sức xa xỉ Tiffany & Co. vừa công bố lợi nhuận quý 1 tăng 25% trên tổng doanh số tăng cao ở hầu khắp các thị trường trên thế giới. Điều này cho thấy, hàng trang sức xa xỉ vẫn hút khách, bất kể là thời kỳ kinh tế thịnh vượng hay suy thoái.

Cụ thể, lãi ròng của Tiffany & Co. trong 3 tháng đầu năm nay tăng lên 81,1 triệu USD, tương đương 63 xu Mỹ mỗi cổ phiếu, từ mức 64,4 triệu USD, tương đương 50 xu Mỹ mỗi cổ phiếu cùng kỳ năm trước. Mức lãi ròng này đã bao gồm chi phí liên quan tới việc Tiffany chuyển trụ sở. Theo FactSet, giới phân tích trước đó đã dự báo lợi nhuận của hãng ở mức 57 xu Mỹ một cổ phiếu.

Cũng trong quý 1, doanh thu của Tiffany & Co., hãng nổi tiếng với các loại trang sức có phẩm chất thượng hạng, kiểu mẫu mới lạ và sự tận tâm của thợ kim hoàn trên từng chi tiết sản phẩm, tăng 20% lên 761 triệu USD, từ mức 633,3 triệu USD của năm ngoái, cũng vượt xa mức dự báo 702,6 triệu USD của giới phân tích.

Theo Phó chủ tịch phụ trách quan hệ nhà đầu tư của Tiffany, ông Mark Aaron, trong quý báo cáo, việc kinh doanh các mặt hàng trang sức cao cấp, liên quan tới vàng rất thuận lợi. Các mặt hàng trang sức bằng bạc thì lúc được lúc không, nguyên do là bởi tác động từ môi trường kinh tế Mỹ.

Về kết quả kinh doanh theo khu vực, Tiffany cho biết, doanh số tại khu vực Mỹ - Canada - Mỹ Latin, thị trường lớn nhất của hãng, tăng 19% lên 374,7 triệu USD; khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng 37% lên 167,2 triệu USD; khu vực châu Âu tăng 25% lên 86,6 triệu USD.

Điều đáng chú ý là, không chỉ công bố kết quả kinh doanh vượt mọi dự báo của giới phân tích, Tiffany & Co. còn nâng mức dự báo doanh lợi cả năm cao hơn các ước tính hiện tại của giới đầu tư trên thị trường Phố Wall. Cụ thể, Tiffany dự báo lãi ròng cả năm của hãng được nâng lên 3,45 - 3,55 USD/cổ phiếu, từ mức 3,35 - 3,45 USD/cổ phiếu đưa ra trước đây, và vượt xa mức dự báo 3,31 USD/cổ phiếu của giới phân tích.

Giám đốc điều hành Michael Kowalski, cho biết trong năm nay, hãng sẽ đưa ra nhiều sản phẩm mới trong năm nay, tăng chi phí quảng cáo và mở thêm 19 cửa hàng mới. Chốt phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu của Tiffany & Co. tăng tới 8,6%, tương đương 6 USD, lên 76,04 USD/cổ phiếu.

Lịch sử của Tiffany & Co. bắt đầu từ năm 1837, khi Charles Lewis Tiffany và người bạn từ thuở ấu thơ John Young lên thành phố New York, để mở một cửa hàng chuyên bán những món đồ đắt tiền, chỉ có một không hai, với số vốn 1.000 USD do cha ông cho mượn. Khách hàng đã bị hấp dẫn trước những đồ trang sức bán tại đây bởi thiết kế lạ lẫm và có bảng giá rõ ràng.

Trải qua nhiều năm phát triển, Tiffany & Co. hiện đã trở thành một trong những tượng đài của ngành kinh doanh trang sức cao cấp, dành riêng cho những người giàu có. Kim cương và các mặt hàng trang sức của Tiffany là sự lựa chọn yêu thích của những người trong giới tài danh ở Mỹ và cả thế giới.

26/05 Dân châu Á thi nhau mua nhà ở London


▪  AN HUY
26/05/2011 14:22 (GMT+7)
 
Các giao dịch nhà đất tại trung tâm London mà người châu Á là khách mua đã chiếm tỷ lệ 59% trong tổng số giao dịch được thực hiện trong vòng 6 tháng tính tới tháng 4 năm nay.
Các khách hàng đến từ châu Á đã lần đầu tiên chiếm đa số các hợp đồng mua nhà tại khu vực trung tâm London, theo hãng tin tài chính Bloomberg.
Đối tượng khách hàng này đang tận dụng sự suy yếu của đồng Bảng Anh, đồng thời tránh mức giá nhà đất đang ồ ạt leo thang tại thị trường trong nước.

Bloomberg dẫn thông tin từ hãng môi giới bất động sản Knight Frank có trụ sở tại London cho biết, các giao dịch nhà đất tại trung tâm London mà người châu Á là khách mua đã chiếm tỷ lệ 59% trong tổng số giao dịch được thực hiện trong vòng 6 tháng tính tới tháng 4 năm nay, so với mức 48% cùng kỳ năm trước. Phần lớn các khách hàng châu Á tậu nhà ở thủ đô của xứ sương mù là những người đến từ Hồng Kông và Singapore, hai thị trường mà giá bất động sản tăng cao kỷ lục trong năm nay.

“Tỷ giá đóng một vai trò quan trọng ở đây. Ngoài ra, một vấn đề nữa là thị trường nhà đất trong nước của các khách hàng châu Á này quá nóng”, ông Sebastian Warner, một chuyên gia của Knight Frank, nói với Bloomberg.

Theo hãng tin này, do “chùn chân” vì mức giá nhà trong nước quá cao, cộng thêm các biện pháp của cơ quan chức năng nhằm kiểm soát cơn sốt địa ốc, giới đầu tư nhà đất châu Á đang hướng tới những thị trường nước ngoài như Anh nhằm tìm kiếm mức lợi nhuận tốt hơn. Số liệu của Knight Frank cho thấy, trong 2 tháng qua, khách châu Á đã chi tổng số 120 triệu Bảng, tương đương 194 triệu USD, để tậu nhà ở London. Trong đó, phần lớn các vụ giao dịch có giá trị từ 400.000-1 triệu Bảng.

Kể từ khi thị trường nhà đất ở Anh đạt đỉnh vào cuối quý 3/2007 tới nay, đồng Bảng của nước này đã mất giá 25% so với một rổ tiền tệ. Cùng khoảng thời gian, đồng Đôla Singapore tăng giá hơn 50% so với Bảng Anh.

Từ đầu năm 2009 tới nay, giá nhà ở Hồng Kông đã tăng hơn 70%, đạt mức cao nhất kể từ năm 1997. Hồng Kông hiện là thị tường căn hộ đắt đỏ nhất thế giới, theo Savills. Giá nhà ở Singapore trong quý 1 năm nay cũng tăng tới 23,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức cao chưa từng có.

Số hợp đồng mua nhà London của khách Hồng Kông chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm khách châu Á, đạt 24%. Tiếp đó là khách Singapore với 12% và khách Trung Quốc đại lục với 10%.

Ngược lại, tỷ lệ số hợp đồng mua nhà tại London của khách hàng người Anh đã giảm xuống còn 35% trong thời gian 6 tháng nói trên, từ mức 40% cùng kỳ năm trước. Hồi tháng 3, hãng bất động sản Savills cho hay, giá nhà cao cấp ở London trong quý 1 đã tăng với tốc độ mạnh nhất trong vòng 1 năm trở lại đây, chủ yếu do lực cầu mạnh từ phía các khách hàng ngoại quốc.

Dự án nhà ở và khách sạn cao cấp tại quảng trường 10 Trinity gần Tháp London có 37 căn hộ hạng sang được rao bán, trong đó có 10 căn đã được đặt mua. 5 căn số này là do khách hàng châu Á đặt mua.

26/05 Kinh tế 24h qua: Rủi ro chực chờ


▪  DIỆP ANH
26/05/2011 07:54 (GMT+7)
 
Kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều rủi ro.
Kinh tế toàn cầu đang phục hồi bền vững, nhưng rủi ro vẫn còn, như giá dầu và hàng hóa leo tháng, kinh tế Trung Quốc có khả năng giảm tốc mạnh hơn dự báo, tài chính bất ổn tại Mỹ và Nhật Bản, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo. 

Trong báo cáo mới nhất đưa ra hôm qua (25/5), OECD giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của kinh tế thế giới ở mức 4,2% trong năm 2011 và 4,6% trong năm 2012. Trong đó, Mỹ dự báo tăng trưởng 2,6% trong năm nay và 3,1% trong năm tiếp theo. Khu vực đồng Euro là 2% và 3,1%.

Cũng theo báo cáo trên, OECD đã ra lời khuyến nghị Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nên bắt đầu tăng lãi suất cơ bản đồng USD, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thì nên tạm dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ đồng Euro.

Kết quả nghiên cứu của hãng kiểm toán hàng đầu thế giới Ernst & Young cho thấy, đầu tư nước ngoài vào châu Âu trong năm 2010 đã tăng lên mức cao chưa từng có, kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu.

Cụ thể, số dự án đầu tư tăng 14% lên mức cao kỷ lục 3.757, còn số việc làm mà các dự án này đem lại tăng 10% lên 137.000. Trong đó, số dự án mà các nhà đầu tư Mỹ rót vốn tăng 24%. Báo cáo còn cho thấy, Tây Âu sẽ sớm trở thành đối thủ của Trung Quốc trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo của Ernst & Young, các giám đốc điều hành doanh nghiệp xem Tây Âu là địa điểm hấp dẫn thứ 2 sau Trung Quốc, nhưng trong vòng 3 năm tới, mức hấp dẫn của hai khu vực này là ngang bằng nhau.

Nhà phân tích Mark Otty của Ernst & Young cho biết, sau khi dòng vốn đầu tư sụt giảm mạnh trong suốt thời điểm tồi tệ nhất của cuộc suy thoái toàn cầu, nhà đầu tư đang quay trở lại thị trường châu Âu, trong đó dẫn đầu là các nhà đầu tư Mỹ.

Đức là nước có số dự án đầu tư tăng mạnh nhất, với mức tăng 34% lên 560 dự án. Tuy nhiên, con số này lại thấp hơn 2 dự án so với Pháp và cách khá xa mức 728 dự án của Anh. Còn theo số liệu do Liên hiệp quốc công bố đầu năm nay, xét về tiền mặt, Pháp thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất trong năm 2010.

Trong khi đó, theo bình luận của trang EurActiv, các thị trường tài chính đang gây thêm áp lực đối với các quốc gia có tỷ lệ nợ cao trong Khu vực đồng Euro (Eurozone), khi các hãng xếp hạng tín dụng bày tỏ quan ngại của họ về nền tài chính của Italy và Bỉ.

Tỷ lệ nợ công của Bỉ hiện đã tăng lên mức tương đương 96,6% GDP của nước này trong năm 2010, đứng ngay sau Hy Lạp và Italy trong Eurozone và ngang bằng Ireland, quốc gia phải nhận cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU).

Hồi tháng 11 năm ngoái, Bỉ cùng với Áo và Đức từng được Ủy ban châu Âu ca ngợi là những quốc gia của khối chống chọi tốt nhất với cuộc khủng hoảng, khi hầu hết người dân đều giữ được việc làm trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, tình hình ngày càng xấu đi.

Tình hình tại Italy cũng không khá hơn. Các thị trường tài chính đã có phản ứng tức ngay đầu tuần này sau khi hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P) đánh tụt triển vọng tín dụng của Italy từ "ổn định" xuống mức "tiêu cực".

Chênh lệch lãi suất của trái phiếu Italy so với trái phiếu Đức đã leo lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2011, 186 điểm, sau đó có xu hướng chững tại mức này.

Michael Leister thuộc Ngân hàng WestLB nhận định: "Điều đáng lo ngại là cuộc khủng hoảng lại xảy ra tại các quốc gia được coi là hùng mạnh. Tâm lý thị trường đang thể hiện sự hoài nghi, không biết đâu là giới hạn của cuộc khủng hoảng khi mà một nền kinh tế lớn như Italy cũng bắt đầu bị các tổ chức định mức soi xét".

Theo báo cáo vừa được công bố của Cơ quan Thống kê quốc gia Italy (ISTAT) giai đoạn 2001-2010, Italy là nước có mức tăng trưởng thấp nhất trong số các thành viên Liên minh châu Âu (EU). GDP trung bình mỗi năm chỉ đạt 0,2% so với mức trung bình 1,1% của EU.

Nhằm bảo đảm chi tiêu, các hộ gia đình Italy đã phải cầu cứu các khoản tiền tiết kiệm. Vì thế, tỷ lệ tiết kiệm đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 20 năm qua với mức 9,1%.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu đã khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Italy tăng mạnh. Khoảng 501.000 người lao động dưới 30 tuổi bị mất việc trong hai năm 2009 và 2010. Khủng hoảng việc làm diễn ra khá tồi tệ ở miền Nam Italy, khu vực nghèo hơn so với miền Bắc.

Theo ISTAT, về lý thuyết, nền kinh tế Italy đã vượt qua suy thoái, nhưng trong giai đoạn hậu khủng hoảng, mọi mặt đời sống xã hội tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khoảng 25% dân số nước này đang đối mặt với nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo khổ.

Cũng liên quan tới khu vực châu Âu, EU hôm 24/5 đã phát hành lượng trái phiếu trị giá 4,75 tỷ Euro (6,69 tỷ USD) nhằm gây quỹ cứu trợ khủng hoảng cho Ireland và Bồ Đào Nha. Theo thông báo của Ủy ban châu Âu (EC), Ireland sẽ nhận được 3 tỷ Euro và Bồ Đào Nha là 1,75 tỷ dưới hình thức khoản vay.

Số tiền trên sẽ được giải ngân cho Ireland và Bồ Đào Nha vào ngày 31/5. Tuần trước, các nước thành viên EU và Eurozone cho biết, họ cũng hy vọng có được 15,3 tỷ Euro tiền cứu trợ cho Bồ Đào Nha và Ireland vào ngày 15/7 tới thông qua việc phát hành trái phiếu.

Trong một diễn biến khác, hôm qua, tổ chức Standard & Poor's cảnh báo, các biện pháp thắt chặt tiền tệ và kiểm soát rủi ro tín dụng của Trung Quốc có thể khiến khả năng sinh lời của các ngân hàng nước này suy yếu đáng kể trong các năm tới và khiến tài sản xấu gia tăng mạnh.

Dù vậy, tổ chức xếp hạng tín nhiệm này cho biết sẽ duy trì triển vọng ổn định cho lĩnh vực ngân hàng Trung Quốc. Theo S&P, các ngân hàng lớn có thể thích nghi tốt hơn với môi trường thắt chặt tiền tệ nhờ cơ sở vốn mạnh.

“Lạm phát và nguy cơ giảm tốc của nền kinh tế xuất phát từ các biện pháp thắt chặt có thể khiến thua lỗ tín dụng tăng cao trong vòng 2-3 năm tới”, nhận định của ông Qiang Liao, Giám đốc xếp hạng dịch vụ tài chính của S&P 500.

Kim ngạch xuất khẩu của Nhật giảm 12,5% trong tháng 4 khiến nền kinh tế này lần đầu tiên rơi vào tình trạng thâm hụt thương mại sau hơn 3 thập kỷ. Nguyên nhân là do sản xuất đình trệ sau thảm họa động đất - sóng thần hồi đầu tháng 3. Thiệt hại nặng nhất thuộc về ngành công nghiệp ôtô.

Cụ thể, doanh thu từ xuất khẩu của các công ty Nhật trong tháng 4 giảm 12,4% so với cùng kỳ 2010. Trong khi đó, nhập khẩu lại tăng gần 9%, chủ yếu do giá cả các nguyên phụ liệu, năng lượng đầu vào tăng cao.

Thâm hụt thương mại phình lên hơn 460 tỷ Yên (khoảng 5,6 tỷ USD) cho kinh tế Nhật trong tháng 4. Tuy con số vẫn thấp hơn một chút so với dự báo của các chuyên gia kinh tế, nhưng đây là khoản thâm hụt mậu dịch đầu tiên của nước này trong vòng 31 năm trở lại đây.

25/05 OECD khuyên FED nâng lãi suất


▪  AN HUY
25/05/2011 17:03 (GMT+7)
 
OECD khuyến nghị FED nâng lãi suất USD.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nên bắt đầu tăng lãi suất cơ bản đồng USD, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thì nên tạm dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ đồng Euro, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khuyến nghị.

Theo hãng tin Reuters, báo cáo ra ngày 25/5 của OECD cho rằng, trong bối cảnh châu Âu cần thắt chặt chính sách tài khóa nhiều hơn so với Mỹ, FED có khả năng tăng lãi suất nhiều hơn là ECB.

“Với một vài dấu hiệu cho thấy những kỳ vọng lạm phát dài hạn đã tăng lên, FED nên nâng lãi suất từ giữa năm 2011”, báo cáo của OECD viết. Theo tổ chức này, nếu tốc độ phục hồi của nền kinh tế Mỹ gia tăng, FED có thể tăng lãi suất USD thêm 1% từ mức 0 - 0,25% hiện nay. 

OECD dự báo, lãi suất cơ bản đồng bạc xanh có thể đạt mức 2,25% vào cuối năm 2012.

Trong khi đó, OECD cho rằng, ECB không cần tăng thêm lãi suất trong tương lai gần, sau khi đã tăng lãi suất đồng Euro lên 1,25% vào tháng trước. Tuy nhiên, OECD nhận định, ECB cần nối lại việc tăng lãi suất vào năm tới, đồng thời dự báo lãi suất đồng Euro sẽ đạt mức 2,2% vào cuối năm 2012.

Đối với đồng Bảng Anh, OECD cho rằng, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ phải tăng lãi suất sớm hơn vì lạm phát ở nước này hiện đã cao hơn mức mục tiêu 2%. OECD dự báo, BoE sẽ tăng lãi suất cơ bản lên 1% vào cuối năm nay và lên mức 2,25% vào năm 2012.

Về Nhật Bản, tổ chức này khuyến nghị, Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) nên giữ lãi suất đồng Yên ở mức 0% cho tới khi lạm phát đạt mức dương. “Giữa lúc còn chưa có những dấu hiệu về một xu hướng rõ nét cho thấy lạm phát thực đạt mục tiêu 1%, BoJ nên sẵn sàng có thêm biện pháp như tập trung vào giảm lãi suất dài hạn thông qua việc mở rộng chương trình mua vào trái phiếu chính phủ”, báo cáo của OECD có đoạn viết.

OECD cũng cho rằng, cường quốc kinh tế mới nổi Trung Quốc cần tập trung vào việc chống lạm phát và tăng lãi suất cơ bản đồng Nhân dân tệ thêm khoảng 0,5% nữa, cho dù nền kinh tế nước này đang giảm tốc. Theo OECD, Trung Quốc cần nỗ lực nhiều hơn để giải quyết các áp lực lạm phát vì một đồng Nhân dân tệ yếu đã “vô hiệu hóa” ít nhiều tác động của những lần tăng lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc vừa qua.

25/05 Người nghèo không nhà, nỗi lo của châu Á


▪  AN HUY
25/05/2011 15:04 (GMT+7)
 
Châu Á càng giàu, người vô gia cư càng nhiều - Ảnh: AP.
Giá nhà đất ở nhiều thành phố lớn trên khắp châu Á cao chót vót, đẩy ước mơ có nhà ngày càng xa tầm tay của những người nghèo. Tạp chí Forbes của Mỹ bình luận, số người không có nhà ở gia tăng đã trở thành một vấn đề nan giải của không ít quốc gia tại châu lục này.

Có một thực tế là, khi các quốc gia ở khu vực Đông Á ngày càng giàu lên, thì số người không có nhà lại càng tăng, đặc biệt là ở các thành phố có tốc độ phát triển cao. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, giá nhà tính theo m2 đã tăng gấp đôi trong thập kỷ vừa qua. 

Nghiên cứu của hãng tư vấn Demographia đã chỉ ra, tỷ lệ giữa giá nhà và thu nhập của người dân ở những “điểm nóng” bất động sản như Singapore và Hồng Kông, hiện cao thứ nhì trong số những đô thị lớn nhất thế giới, đồng thời cao hơn ít nhất 50% so với các thành phố như New York, San Francisco, Toronto, Sydney hay London.

Có một số nhân tố lý giải cho mức giá nhà cao chóng mặt ở các thị trường này. Phần lớn các thành phố lớn của châu Á đã và đang trải qua thời kỳ phát triển kinh tế thịnh vượng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng dân số nhanh hơn hẳn so với các thành phố phương Tây. Trong thập kỷ qua, dân số của thành phố lớn nhất Trung Quốc là Thượng Hải, đã tăng 35%, nghĩa là tăng thêm gần 6 triệu người. 

Riêng mức tăng này đã lớn hơn dân số của bất kỳ thành phố nào của Tây Âu ngoài London Paris và Essen-Dusseldrf. Dân số của Singapore cũng tăng thêm 20%, một tốc độ tăng chỉ kém thành phố Atlanta của Mỹ nếu so sánh giữa các đô thị có trên 4 triệu dân của các quốc gia phát triển.

Tình trạng leo thang của giá nhà tại các thành phố lớn châu Á thời gian gần đây, nhất là ở những thành phố giàu có, còn xuất phát từ sự dư thừa thanh khoản, lãi suất thấp và lạm phát tăng - theo nhận định của bà Cheong Koon Hean, CEO của Cơ quan Nhà ở và phát triển Singapore. Theo bà Cheong, yếu tố “tâm lý bầy đàn”, trong đó người dân thi nhau đầu tư vào nhà đất để chống lạm phát, cũng là một nhân tố tác động mạnh tới thị trường.

Quan niệm truyền thống của người Trung Quốc đối với quyền sở hữu nhà ở và đất đai càng “tăng nhiệt” cho thị trường bất động sản. Một blogger ở Nam Kinh là Lisa Gu có viết trên blog của cô rằng: “Có nhà là mong ước cả đời của hầu hết công dân Trung Quốc”.

Tại Trung Quốc đại lục, cuộc đua để có nhà thêm phần căng thẳng do mạng lưới an sinh xã hội còn mỏng, cộng thêm việc người dân chưa thực sự tin tưởng vào các kênh đầu tư khác như chứng khoán hay trái phiếu. “Ngoài nhà đất, Trung Quốc còn thiếu những kênh đầu tư tốt. Người dân thích mua bất động sản vì họ vẫn chưa tin tưởng vào những thứ khác”, ông Han Hui, chuyên gia cao cấp của một công ty luật bất động sản ở Bắc Kinh, nói với phóng viên Forbes.

Vì bất kỳ lý do gì, thì tình trạng giá nhà cao ở châu Á đang làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng ở nhiều thành phố thuộc châu lục này. Nhà ở đang là chuyện “đau đầu” của hàng triệu người dân, nhất là thế hệ trẻ. Lisa Gu cho biết, “giá nhà” là cụm từ xếp thứ ba trong 10 cụm từ được các công dân mạng của Trung Quốc sử dụng nhiều nhất. Cô cũng cho hay, nhiều người trẻ Trung Quốc đã từ bỏ ước mơ có nhà trước khi kết hôn và về sống chung tại các căn nhà thuê. Đây được gọi là “hôn nhân tay trắng”.

Đối với những người trẻ có nghề nghiệp tốt, việc chưa có nhà chỉ là vấn đề tạm thời, tuy có thể trở thành một vấn đề lớn hơn khi họ có tuổi. Một số người tìm cách “tránh” những thành phố nơi giá cả quá đắt đỏ như Bắc Kinh hoặc Thượng Hải và chọn tới sống ở những đô thị nhỏ hơn như Thành Đô. 

Thành phố này là một trung tâm công nghệ đang lên của Trung Quốc, nhưng có giá nhà chỉ bằng 1/3 so với ở các thành phố lớn nhất của nước này. Mức lương ở Thành Đô tuy thấp hơn, nhưng người dân có thể sống thoải mái hơn so với ở các đô thị khác vì giá cả “mềm” hơn.

Còn đối với hàng triệu người nghèo hơn của Trung Quốc, bao gồm giới lao động nhập cư, cơn sốt nhà là một vấn đề nghiêm trọng. Phần lớn những người này di chuyển tới các thành phố lớn, nhất là ở khu vực phía Đông, để tìm kiếm cơ hội làm việc và chất lượng cuộc sống tốt hơn. 

Thống kê mới đây cho thấy, tăng trưởng dân số ròng ở Bắc Kinh và Thượng Hải không xuất phát chủ yếu từ dân nhập cư không có hộ khẩu, thay vì cư dân có hộ khẩu của thành phố này. Người nhập cư hiện chiếm tới khoảng 1/3 dân số tại các đô thị hàng đầu của Trung Quốc.

Cuộc sống của những người nông dân không đất này tại các thành phố lớn có thể sẽ càng chật vật hơn khi có thêm nhiều đất đai được dùng cho việc phát triển đô thị và công nghiệp. Hoạt động đầu cơ nhà đất của những người giàu có sẽ càng khiến mục tiêu có nhà của người nghèo khó thành hiện thực.

Để hạn chế sự tăng giá trên thị trường bất động sản, Trung Quốc thời gian qua đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh, bao gồm thử nghiệm thuế bất động sản đánh vào những người mua căn hộ thứ hai trở lên, siết chặt tín dụng, tăng nguồn cung nhà cho người có thu nhập thấp…

Theo bình luận của Forbes, nếu không được giải quyết, cơn sốt nhà đất sẽ kéo lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng hiện nay của Đông Á, trong khi đây đang là khu vực đầu tàu của kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, giá nhà cao còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội và có thể đã trở thành nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng ở những nền kinh tế như Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc “ngại” sinh con.

25/05 Kinh tế Trung Quốc đã tới hồi suy vi?


▪  HỒNG NGỌC
25/05/2011 11:48 (GMT+7)
 
Dư địa cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn còn nhiều.
Hôm 24/5, ngân hàng Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, đồng thời nâng mức dự báo tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Cụ thể, Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2011 của Trung Quốc từ 10% xuống 9,4% và từ 9,5% xuống 9,2% trong năm kế tiếp. Bên cạnh đó, Goldman Sachs nâng dự báo lạm phát năm 2011 từ 4,3% lên 4,7%, riêng năm 2012 giữ nguyên ở mức ước tính 3%.

Cơ sở để Goldman Sachs điều chỉnh dự báo trên là việc giá dầu thời gian qua tăng quá nhanh, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Theo ngân hàng này, mức tăng 20% của giá dầu sẽ cắt xén 0,15 - 0,2% tăng trưởng kinh tế của quốc gia châu Á này.

Động thái của Goldman Sachs được đưa ra đúng thời điểm cộng đồng quốc tế đang đặt dấu hỏi về khi nào thì mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay của Trung Quốc sẽ "xì hơi" và nếu điều đó xảy ra thì tình trạng sẽ như thế nào.

Theo biên tập viên Alan Wheatley của hãng tin Reuters, các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Đức cảm thấy rất may mắn mỗi khi đạt mức tăng trưởng hơn 3% mỗi năm. Trong khi, Trung Quốc đạt được mức tăng trung bình 10,1 % mỗi năm suốt từ năm 1978 tới nay.

Cứ mỗi 4 năm, GDP của Trung Quốc, được đo bằng USD trên thị trường ngoại hối lại tăng trưởng gấp đôi, góp phần làm tăng giá dầu và các loại hàng hóa, đồng thời thay đổi mạnh cục diện kinh tế toàn cầu.

Do vậy, biểu đồ tăng trưởng của Trung Quốc, bất kể là sụt giảm từ từ hay gián đoạn đột ngột, đều sẽ có những tác động vượt ra ngoài cương thổ của quốc gia châu Á này.

Alan Wheatley dẫn lời ông Li Daokui, một cố vấn cấp cao của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cho hay, nền kinh tế nước này có thể duy trì mức tăng trưởng trung bình 9% một năm trong khoảng thời gian 5 năm tới.

Tuy nhiên, quan điểm này không nhận được sự đồng tình của một số chuyên gia kinh tế khác. Ví như, ông Nouriel Roubini thuộc trường Đại học New York, đã cảnh báo về một sự suy giảm cực mạnh, nhiều khả năng xảy ra sau năm 2013, khi Trung Quốc không thể duy trì việc tăng đầu tư cố định.

Còn nhà chiến lược vĩ mô Andy Rothman thuộc hãng môi giới CLSA ở Thượng Hải thì lấp lửng, "những điều đang xảy ra ở Trung Quốc hiện không bền vững. Điều này không tốt cũng chẳng xấu".

Theo ông này, mức tiêu thụ quặng sắt cao bất thường 5 năm trước đây có thể không kéo dài. Ngay cả mức tăng bùng nổ doanh số bán xe ôtô năm 2010, tình trạng lãi suất thực âm, giá nhà leo cao vút, cũng sẽ không kéo dài như vậy.

Alan Wheatley cho rằng, kinh tế Trung Quốc có khả năng tự cường rất cao. Vài năm gần đây, đã xuất hiện nhiều đồn đoán cho rằng, kinh tế nước này khó mà hạ cánh nhẹ nhàng, do các khoản nợ khó đòi, sự phát triển quá nóng do thâm dụng đầu tư, lạm phát giá lương thực, nguy cơ của các biện pháp bảo hộ....

Những người hoài nghi cho rằng, những khoản đầu tư tràn lan đang khiến cho những khó khăn vốn có của nền kinh tế này trở nên trầm trọng hơn, bởi đã chất lên vai các ngân hàng những gánh nợ nần khó đòi.

Jason Bedford thuộc hãng tư vấn KPMG thừa nhận những rủi ro của các ngân hàng, khi giá địa ốc mà họ đang giữ để ký quỹ cho các khoản vay giảm mạnh. Tuy nhiên, theo ông, khó có thể xảy ra cuộc khủng hoảng thế chấp nhà, do người mua nhà ở Trung Quốc phải thanh toán trước ít nhất là 30% giá trị bất động sản.

Một lý do nữa để phản đối quan điểm cho rằng, Trung Quốc có thể giữ mức tăng trưởng 7 - 8% trong thời gian tới, là việc Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều có xu hướng sụt giảm kinh tế sau khoảng 30 năm đạt mức tăng trưởng cao. Sự phát triển của kinh tế Trung Quốc có xuất phát điểm thấp hơn nhiều.

Theo Ting Lu thuộc ngân hàng Merrill Lynch, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 của Trung Quốc là 4.200 USD, chỉ bằng 9% của Mỹ. Mức sống hiện nay tại Trung Quốc mới bằng mức sống của Nhật Bản giai đoạn năm 1954, Đài Loan năm 1972 và Hàn Quốc năm 1976.

Alan Wheatley cho rằng, bất chấp những thành tích đã đạt được, Trung Quốc vẫn cần phải nỗ lực rất nhiều. Họ phải tăng cường kỹ năng cho lực lượng lao động, thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo; tăng vốn cho những vùng kém phát triển ở sâu trong nội địa.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng cần đưa thêm 250 triệu nông dân nữa ra các thành phố, đáp ứng các nhu cầu về điều kiện giao thông, nước sạch, cũng như các loại hàng hóa và dịch vụ công cộng khác.

Nói một cách khác, như lời Arthur Kroeber, Giám đốc quản lý của hãng tư vấn GaveKal Dragonomics có trụ sở ở Bắc Kinh, các động lực cho sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc vẫn còn rất mạnh.
 
Thảo luận (1 ý kiến)
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
 
Phan Bảo Lâm 15:12 (GMT+7) - Thứ Tư, 25/5/2011
Nếu TQ biết cách “xài” khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ của họ sao cho có hiệu quả thì trong 10 năm tiếp theo, TQ vẫn tăng trưởng “nóng”.

Khu vực nông thôn sẽ chuyển dịch từ sản xuất gia công sang sản xuất hàng tiêu dùng không cần công nghệ cao. Khu vực thành thị sẽ chuyển dịch mạnh mẽ sang sản xuất hàng công nghệ cao với GTGT gần như tuyệt đối. TQ cũng vẫn sẽ tiếp tục đường lối “lấy số lượng bù chất lượng, lấy giá rẻ làm yếu tố cạnh tranh chính”.

Không thể so sánh TQ với phương Tây được. Mọi hàng hóa và dịch vụ ở phương Tây gần như đã bão hòa, động lực kinh tế rất yếu nên tăng trưởng rất chậm. Ngược lại, TQ đang trong giai đoạn “đuổi kịp” phương Tây nên nhiều thứ ở phương Tây là cũ thì ở TQ vẫn còn ở dạng khái niệm.

Chỉ khi TQ đuổi kịp phương Tây về mọi mặt thì tốc độ tăng trưởng của TQ sẽ không thể vượt quá 3%. Lúc ấy mới có thể đem TQ ra so sánh 1 cách công bằng với Mỹ hay bất cứ nền kinh tế phát triển nào.

10 năm tới sẽ là 1 sự lột xác mạnh mẽ trong xã hội TQ, đặc biệt là giáo dục và an sinh xã hội. Chính phủ TQ là 1 Chính phủ mạnh, họ thừa biết họ yếu ở điểm nào và làm gì để giải quyết điểm yếu ấy.

Vấn đề chỉ là thời gian vì mọi điều kiện họ gần như có đủ, đặc biệt là vốn. Với sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế như thế (chiếm lĩnh mặt bằng cao hơn trong chuỗi GTGT), tài nguyên được sử dụng tuy vẫn tăng nhưng tốc độ tăng thì giảm so với 20 năm trước.

Sau giai đoạn này, tức là 10 năm sau nữa, khi TQ chuyển dịch cơ cấu kinh tế 1 lần nữa (chuyển từ xuất khẩu sang tiêu dùng trong nước) thì người ta sẽ đặt câu hỏi, ai sẽ là nước tiếp theo trở thành “công xưởng của TG”.

Lẽ tất nhiên, “công xưởng” tiếp theo sẽ có sự góp mặt của các nhà đầu tư TQ. Đó là vấn đề của 20 năm sau, bàn bây giờ thì hơi sớm.

25/05 Kinh tế 24h: Thảm họa nối liền thảm họa


▪  DIỆP ANH
25/05/2011 07:59 (GMT+7)
 
Cảnh đổ nát tại thành phố Joblin (Mỹ) sau khi lốc xoáy rút đi - Ảnh: CNBC.
Hàng trăm chuyến bay của các hãng hàng không châu Âu đã bị hủy bỏ trong ngày 24/5, do ảnh hưởng từ tro bụi núi lửa ở Iceland, trong khi nước Mỹ tiếp tục vật lộn với công tác cứu hộ sau thảm họa lốc xoáy và Nhật Bản đối mặt với nguy cơ hạt nhân mới.

Theo các nguồn tin quốc tế, khoảng 500 chuyến bay của các hãng British Airways (Anh), KLM (Hà Lan), Aer Lingus (Ireland)… đã bị hủy bỏ, do bị ảnh hưởng từ đám mây tích tụ tro bụi khổng lồ phun ra từ ngọn núi lủa Grimsvoetn ở Iceland.

Cơ quan kiểm soát không lưu châu Âu (Eurocontrol) cho biết, đám mây tro bụi cũng đang làm ảnh hưởng tới hoạt động khai thác đường không ở Nauy, một phần Đan Mạch và khả năng tiếp tục lan rộng sang các khu vực khác của lục địa này.

Tháng 4 năm ngoái, khi ngọn núi lửa Eyjafjoell ở Iceland phun trào, cũng đã tạo ra một đám mây tro bụi khổng lồ lan tỏa khắp châu Âu, khiến cho các hãng bay quốc tế phải hủy bỏ hơn 100.000 chuyến và hàng triệu hành khách bị mắc kẹt tại các sân bay châu Âu.

Trong khi đó, số người thiệt mạng trong vụ lốc xoáy tràn qua thành phố Joblin, bang Missouri (Mỹ) vài ngày trước đã tăng lên 122 người. Ngoài ra, còn có 750 người khác bị thương. Các quan chức Missouri cho biết, số người tử nạn có thể còn cao hơn, do hoạt động cứu hộ vẫn đang được thực hiện.

Tại Nhật Bản, hôm qua, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cảnh báo, thêm hai lò phản ứng nữa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đang có nguy cơ bị tan chảy hoàn toàn. “Khả năng tan chảy lõi thanh nhiên liệu bên trong lò phản ứng hạt nhân số 2 và số 3 là rất cao”, phát ngôn viên TEPCO cho hay.

Mặc dù TEPCO ra sức trấn an dư luận rằng, họ đang tiếp tục làm mát các thanh nhiên liệu và hoạt động ở các lò đang dần đi vào ổn định, nhưng theo giới phân tích, công bố trên vẫn tác động mạnh tới tâm lý công chúng về nguy cơ hạt nhân chưa được giải trừ.

Cũng trong ngày 24/5, Ấn Độ đã cam kết dành cho châu Phi khoản vay lên tới 5 tỷ USD trong vòng ba năm để thúc đẩy kinh tế châu lục này tăng trưởng. Cam kết này được đưa ra trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao châu Phi-Ấn Độ lần thứ hai tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tuyên bố châu Phi sở hữu tất cả những điều kiện cần thiết để trở thành một trong những trọng tâm phát triển kinh tế của thế giới trong thế kỷ 21, vì vậy Ấn Độ sẽ hợp tác cùng châu lục Đen để biến điều này thành hiện thực.

Ông khẳng định Ấn Độ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của châu Phi trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, hội nhập khu vực và phát triển nhân lực. Nhà lãnh đạo New Delhi cũng thông báo sẽ hỗ trợ Liên minh châu Phi (AU) 700 triệu USD để thành lập các cơ quan mới.

Hôm qua, ngân hàng Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và dự báo lạm phát sẽ tăng tốc do giá dầu cao và căng thẳng về nguồn cung tại nước này. Bên cạnh đó, Goldman Sachs còn hạ triển vọng kinh tế của khu vực châu Á (trừ Nhật Bản).

Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2011 của Trung Quốc từ 10% xuống 9,4% và năm 2012 từ 9,5% xuống 9,2%. Ngoài ra, Goldman Sachs còn nâng dự báo lạm phát năm 2011 từ 4,3% lên 4,7% và giữ nguyên ước tính lạm phát năm 2012 ở mức 3%.

Ngân hàng này cho rằng, mức tăng 20% của giá dầu sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bị giảm bớt 0,15 - 0,2%. Liên quan đến thị trường chứng khoán Trung Quốc, hai ngành mà Goldman đầu tư nhiều nhất là bất động sản và ngân hàng.

Động thái này làm gia tăng tâm lý lo ngại trong giới đầu tư về tác động của các biện pháp thắt chặt tín dụng của Chính phủ Trung Quốc lên lợi nhuận doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo hai nhà phân tích Yu Song và Helen Qiao của Goldman, Trung Quốc không thể nâng lãi suất cao hơn nữa. Thậm chí khi Quốc vụ viện quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ thắt chặt, thì việc nâng lãi suất cũng sẽ vấp phải những khó khăn.

Cũng liên quan tới kinh tế Trung Quốc, hôm 24/5, Cơ quan Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) cho biết, thặng dư tài khoản vãng lai giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 29,8 tỷ USD trong quý 1. Con số này cũng thấp hơn đáng kể so với mức 102.1 tỷ USD trong quý 4/2010.

Theo số liệu điều chỉnh, thặng dư tài khoản vãng lai năm 2010 tăng vọt 17% lên 305,4 tỷ USD nhờ nhu cầu của Mỹ và châu Âu đối với các mặt hàng xuất khẩu Trung Quốc phục hồi.

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng thêm 138 tỷ USD trong quý đầu năm nay, thấp hơn mức 197 tỷ USD mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) công bố trước đó.

Dù nhu cầu hàng hóa Trung Quốc tăng cao có thể thúc đẩy tăng trưởng, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc PBoC phải vất vả hơn trong việc kiểm soát giá trị của đồng Nhân dân tệ và ngăn chặn dòng thành khoản, một trong những yếu tố đẩy lạm phát lên cao.

Trong một động thái khác, Trung Quốc cho biết trong vòng 5 năm tới sẽ đầu tư khoảng 2.600 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 400 tỷ USD hay 12.150 tỷ Baht, vào Thái Lan. Con số này nhiều hơn GDP của cả Thái Lan trong 1 năm.

Khoản đầu tư này nằm trong chương trình Hợp tác Kinh tế vịnh bắc bộ mở rộng (PBG) mà Trung Quốc muốn thúc đẩy nhằm phát triển 3 tỉnh Quảng Tây, Quảng Châu và Hải Nam với các nước ASEAN. Nguồn vốn trên nhằm vào lĩnh vực “xanh”.

Liên quan tới khu vực kinh tế châu Âu, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã công bố đường hướng thực hiện chương trình tư nhân hóa, nhằm hỗ trợ các nỗ lực của Athens giảm nhẹ gánh nặng nợ công, tránh để xảy ra cuộc khủng hoảng thứ hai trong Khu vực đồng Euro.

Trong giai đoạn đầu của chương trình, Hy Lạp sẽ bán ngay lập tức một số tài sản quốc gia sinh lợi như tập đoàn viễn thông OTE; các cảng Piraeus và Thessaloniki; Công ty điện lực PPC; ngân hàng Hellenic Postbank - một trong những thể chế cho vay có khả năng huy động vốn hiệu quả nhất của Hy Lạp.

Hy Lạp cũng sẽ bán Công ty cung ứng nước sạch Thessaloniki; Công ty cung ứng khí đốt DEPA; Công ty dịch vụ tàu hỏa Trainose; Công ty vận hành đường đua ODIE; một sòng bạc gần thủ đô Athens và nhà thầu vũ khí EAS.

Trong giai đoạn 2012-2013, Hy Lạp sẽ bán công ty kinh doanh trò chơi OPAP; một số cảng, sân bay và đường quốc lộ khu vực; và giảm tới 21% cổ phần của Nhà nước đối với sân bay Athens.

Chương trình tư nhân hóa sẽ được thực hiện trong ba năm nhằm thu về 50 tỷ Euro (xấp xỉ 70 tỷ USD). Bộ Tài chính Hy Lạp sẽ tiếp tục hoàn tất danh sách các công ty được tư nhân hóa, trong khi Thủ tướng Papandreou đang tìm kiếm sự ủng hộ của các chính khách khác đối với kế hoạch này.

Bên cạnh đó, Athens sẽ áp thuế đặc biệt đối với một số mặt hàng như khí đốt, đồ uống có cồn... Theo các nhà quan sát, quyết định trên của Thủ tướng Papandreou cho thấy, Hy Lạp đang phải chịu sức ép từ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và các thị trường tài chính.