11/05 Microsoft mua Skype với giá kỷ lục 8,5 tỷ USD

11/05/2011 10:00:56 AM
1a.jpg
Steve Ballmer, CEO Microsoft và Tony Bates, CEO Skype, tuyên bố "về một nhà"

Tập đoàn phần mềm Mỹ bất ngờ chi số tiền cao nhất mà họ từng trả cho một vụ sáp nhập để thâu tóm Skype, dù trước đó có nhiều tin đồn về việc Google và Facebook cùng muốn mua dịch vụ đàm thoại Internet này với giá 4 tỷ USD.

Skype sẽ trở thành một bộ phận trong Microsoft với sự dẫn dắt của Tony Bates, CEO cũ của dịch vụ này. Nó sẽ được tích hợp trong Windows 8, cũng như máy tính bảng và điện thoại chạy hệ điều hành của Microsoft, hứa hẹn giúp phần mềm này phổ biến hơn bao giờ hết.

Steve Ballmer, Tổng giám đốc Microsoft, nhận xét: "Skype là một hiện tượng trên Internet và được hàng triệu người yêu quý. Sát cánh bên nhau, chúng tôi sẽ tạo ra tương lai của giao tiếp thời gian thực, nơi mọi người dễ dàng kết nối với gia đình, bạn bè, khách hàng và đồng nghiệp trên khắp thế giới".

Một số chuyên gia phân tích tin rằng Microsoft mua Skype để thống lĩnh thị trường hội thảo truyền hình (video conference) nhưng nhận định mức giá 8,5 tỷ USD là quá "hào phóng" vì dù Skype rất phổ biến, nó vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận.

Skype, thành lập năm 2003 và có trụ sở tại Luxembourg, hiện thu hút tới 663 triệu người sử dụng toàn cầu (trong khi Facebook là 550 triệu thành viên). Năm 2006, sàn đấu giá trực tuyến eBay đã bỏ ra 2,6 tỷ USD để mua Skype trước khi bán đi 70% cổ phần công ty vào năm 2009 với giá 2 tỷ USD cho một số nhà đầu tư. Từ ngày 10/5, Skype thuộc về tập đoàn Microsoft

Theo VnExpress

11/05 Nợ công châu Âu bao giờ thoát “mớ bùng nhùng”?

Thứ Tư, 11/05/2011 | 09:39


Mặc dù đã hết sức nỗ lực, song châu Âu vẫn chưa thể thoát ra khỏi mớ bùng nhùng khủng hoảng nợ công, giới phân tích quốc tế cho hay. Vừa mới hoàn tất kế hoạch giúp đỡ Bồ Đào Nha, nay châu Âu lại phải tính đến kế hoạch thứ hai dành cho Hy Lạp hiện cũng đang trong cảnh rất khó khăn.

Gần một năm trôi qua kể từ ngày Hy Lạp được Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giải ngân 53 tỷ Euro trong gói cứu trợ trị giá 110 tỷ Euro, triển vọng kinh tế nước này vẫn đang hết sức u ám. Cho đến nay, tổng số nợ của Hy Lạp là 340 tỷ Euro, tỷ lệ nợ công chiếm trong GDP đã tăng từ 115% của 1 năm trước lên hơn 130%, tỷ lệ thâm hụt tài chính năm 2010 chiếm trong GDP cũng vượt quá 10%.

Tình hình năm nay có vẻ bấp bênh hơn. Các khoản thu thuế không đạt mức dự kiến, cuộc đấu tranh chống trốn thuế không hiệu quả, một số khoản chi ngân sách lại còn cao hơn trước. Trong khi đó, tình hình xã hội Hy Lạp căng thẳng. Các chính sách tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu gây bất bình trong dân chúng. Là thành viên khối Euro, Hy Lạp không thể phá giá đồng tiền chung, do vậy Athens không còn cách nào khác là phải giảm mạnh giá cả và chi phí sản xuất.

Hôm 9/5, tổ chức định mức tín nhiệm nợ Standard & Poor’s đã hạ điểm của Hy Lạp, trong khi Moody’s, một tổ chức xếp hạng tín dụng khác cũng đe dọa sẽ hạ nước này xuống nhiều bậc. Điều này cho thấy, kế hoạch cứu giúp Hy Lạp cách nay một năm đã phần nào thất bại. Tháng trước, IMF thông báo tiếp tục giải ngân 5,7 tỷ USD cho Hy Lạp. Đây cũng là gói cho vay thứ tư của IMF phối hợp cùng EU nhằm giúp Hy Lạp tái cấu trúc hệ thống tài chính công.

Sau các cuộc thảo luận đêm 7/5 ở Luxembourg giữa lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) và Khu vực đồng Euro, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp George Papaconstannou cho biết, nước này cần hoạch định các bước đi tiếp theo trong năm 2012 và 2013, để có thể hoặc tiếp tục huy động vốn trên thị trường, hoặc sử dụng quyết định mới đây của Hội đồng châu Âu cho phép quỹ cứu trợ EU mua trái phiếu Chính phủ Hy Lạp.

Theo các phương tiện truyền thông Hy Lạp, Athens có thể kêu gọi sự hỗ trợ tài chính mới từ các cơ chế cứu trợ của EU với mức tương đương hoặc nhiều hơn khoản cứu trợ 110 tỷ Euro (160 tỷ USD) mà EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhất trí dành cho nước này hồi năm ngoái.

Nhật báo Tiếng vang của Pháp cho biết Athens đã nhận được sự chấp thuận ngầm, rằng những thể chế ủng hộ Hy Lạp có thể dành cho nước này thêm 20-25 tỷ Euro nếu những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" và tư nhân hóa không giúp Hy Lạp giảm được thâm hụt ngân sách. Còn theo tờ Kathimerni của Hy Lạp, Athens cần thêm 2-4 năm so với kế hoạch ban đầu để giảm thâm hụt ngân sách nhà nước.

Trước đó, sau cuộc họp kín tối 6/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Luxembourg Jean Claude Junker đã tuyên bố không có chuyện trục xuất Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng Euro, nhưng ông thừa nhận cần phải có một kế hoạch mới cho Athens, bao gồm việc điều chỉnh bổ sung về ngân sách và khả năng châu Âu cũng như IMF phải tiếp tục tài trợ cho Hy Lạp trong một giai đoạn lâu hơn, kể cả sau 2012.

Daniel Gros, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu cảnh báo, sau khi cắt giảm các khoản chi trong khu vực công, về lâu dài, Hy Lạp không tránh được việc phá giá tiền tệ nội bộ, tức là giảm lương danh nghĩa trong khu vực tư nhân. Nếu không có điều chỉnh này, thì ngay cả khi Hy Lạp tiếp tục nhận được tài trợ quốc tế trên quy mô lớn, nước này vẫn khó có thể thanh toán được các khoản nợ công đáo hạn.

Giới chuyên gia cho rằng, trong những điều kiện như vậy, vào năm tới, 2012, Hy Lạp không thể quay trở lại thị trường trái phiếu quốc tế để huy động tài chính, do sự thiếu tin tưởng của giới đầu tư, hơn nữa, lãi suất công trái mà Hy Lạp phải trả rất cao, lên đến 14% trong thời gian 10 năm và 20% trong thời gian 2 năm. Đây chính là lý do vì sao châu Âu phải thảo luận khả năng tiếp tục giúp đỡ Hy Lạp cho giai đoạn sau 2012. Theo một nguồn tin, đó là một giả thuyết châu Âu phải tính tới.

Châu Âu chưa quyết định sẽ giúp đỡ nước này dưới hình thức nào: Tiếp tục tài trợ đồng thời duy trì việc giám sát ngân sách nước này ? Hay chấp nhập cho tái cơ cấu nợ công, tức là cho miễn trả lãi trong một thời gian hoặc đẩy lùi thời điểm thanh toán nợ… Dự kiến, ngày 16/5 tới, bộ trưởng tài chính và giới lãnh đạo ngân hàng các nước trong khu vực đồng Euro sẽ nhóm họp để tiếp tục thảo luận về hồ sơ cứu giúp Hy Lạp.

Tình hình với Ireland cũng không hề sáng sủa hơn. Hôm 8/5, phát biểu trên kênh truyền hình RTE, Bộ trưởng Bộ Năng lượng nước này Pat Rabbitte đề nghị EU và IMF giãn thời hạn thanh toán đối với các khoản vay khẩn cấp trong gói giải cứu. Theo ông, EU và IMF phải cắt giảm lãi suất và giãn thời hạn thanh toán đối với các khoản vay của Ireland, và Ireland sẽ tiếp tục đàm phán để cải thiện các điều khoản của gói giải cứu trong 3 năm tới. Ông Rabbitte cho rằng, điều này là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh hiện nay tại Hy Lạp.

Nhận định về tình hình Hy Lạp, Ireland và cuộc giải cứu của châu Âu, chuyên gia kinh tế Simon Tilford thuộc Trung tâm cải cách châu Âu tại London, cho rằng "ngay từ đầu, họ đã chẩn đoán sai vấn đề. Họ không hiểu rõ thực chất căn bệnh là gì nên đã kê đơn thuốc sai". Một số nhà kinh tế khác cũng cho rằng, "châu Âu đã mua dây buộc mình" khi ngay từ đầu không phân tích kỹ bản chất cuộc khủng hoảng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel thường đề cập tới "cuộc khủng hoảng đồng Euro", nhưng trên thực tế, cuộc khủng hoảng mà châu Âu đang phải đối mặt không phải là về đồng tiền này. Theo Tilford, "ở Bồ Đào Nha, EU coi đây là một cuộc khủng hoảng về thanh khoản, song trên thực tế, đó là một cuộc khủng hoảng nợ". Có thể, các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao của EU đang bắt đầu đề cập trực tiếp hơn tới cuộc khủng hoảng này. Cách đây một tháng, cụm từ "tái cơ cấu nợ" chưa hề được nói tới. Hiện giờ, mặc dù việc tái cơ cấu nợ vẫn được cho là không có khả năng xảy ra, nhưng ít nhất người ta cũng đã bàn tán về nó.

Thủ tướng Ireland Enda Kenny hôm 9/5 khi nói về tình hình nước ông, đã nhấn mạnh "chúng ta đang mang một gánh nặng nợ nần". Theo hãng tin Reuters, hiện giờ, xem ra các điều khoản cho gói cứu trợ 85 tỷ Euro dành cho Ireland sẽ được xem xét lại, cho dù các quan chức EU vài tuần qua khẳng định còn quá sớm để cân nhắc tới một động thái như vậy.

Giới phân tích cho rằng, các nhà lãnh đạo và quan chức EU vẫn chưa thể giải quyết trực tiếp vấn đề. Chuyên gia Tilford kết luận: "Tôi cho rằng không có cách nào để tái cơ cấu các khoản nợ của Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha", đồng thời nói thêm, có thể phải mất một thời gian nữa EU mới nhận ra được điều đó.

Còn theo ông Lorenzo Bini Smaghi, thành viên của ban lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), thì việc Hy Lạp không trả được nợ, hay việc nước này phải tái cấu trúc nợ, sẽ làm cho Hy Lạp không có khả năng được ECB hỗ trợ tài chính, và cuộc khủng hoảng Hy Lạp sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực đồng Euro. Ông nhấn mạnh, việc tái cấu trúc nợ của Hy Lạp là một sự "tự sát về mặt chính trị".

Hồng Ngọc

TBKTVN

19/04 S&P và Moody’s bất đồng về xếp hạng tín nhiệm của Mỹ

Thứ Ba, 19/04/2011 | 09:15


(Vietstock) - Ngày 18/04, Standard & Poor's cắt giảm triển vọng tín nhiệm của Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực do lo ngại Quốc hội sẽ không đạt được thỏa thuận về việc nâng mức trần nợ công. Tuy nhiên, Moody’s không đồng ý với S&P.

* S&P hạ triển vọng tín nhiệm Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực

* Tổng thống Obama cam kết cắt giảm 4,000 tỷ USD thâm hụt ngân sách trong 12 năm

Nguyên nhân khiến S&P hạ triển vọng tín nhiệm dài hạn của Mỹ là vì thâm hụt ngân sách của Mỹ hiện đang đứng ở mức rất cao và nợ công ngày càng gia tăng trong khi lộ trình giải quyết các vấn đề này không rõ ràng. Dù S&P duy trì mức xếp hạng tín nhiệm của Mỹ ở mức cao nhất AAA nhưng cảnh báo có thể cắt giảm xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Mỹ trong vòng 2 năm tới. Các nhà phân tích S&P dự báo cuộc chiến ngân sách tại Mỹ sẽ tiếp tục kéo dài cho đến năm 2012.

Trong khi đó, Moody’s cho rằng đề xuất ngân sách mới nhất từ Tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo Cộng hòa có thể giúp Mỹ cắt giảm thâm hụt ngân sách và nợ công cũng như khá tích cực đối với mức xếp hạng tín nhiệm Aaa của nước này.

Chuyên gia tín dụng Steven Hess của Moody’s nhận định: “Cả đề xuất của Tổng thống Barack Obama và Đảng Cộng hòa sẽ giúp cải thiện mức độ tín nhiệm của Chính phủ Mỹ”. Moody’s tiếp tục giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm Aaa của Mỹ với triển vọng ổn định.

Được biết, hôm Chủ Nhật, Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner khẳng định Quốc hội sẽ nâng trần nợ đồng thời cảnh báo các hậu quả khó lường nếu điều này không được thực hiện. Ông cho biết thành viên Quốc hội đã truyền tải quan điểm này tới Tổng thống Barack Obama. Theo dự báo, nợ công của Mỹ có thể chạm trần trong vòng một tháng nữa. Nếu Quốc hội không đạt được thỏa thuận trước thời điểm giữa tháng 5, Mỹ có thể vỡ nợ.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết thu hẹp thâm hụt ngân sách bớt 4 ngàn tỷ USD trong vòng 12 năm thông qua các biện phát cắt giảm chi tiêu và tăng thuế. Theo kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách dài hạn, Tổng thống Obama đặt mục tiêu hạ thâm hụt ngân sách của Mỹ về mức 2.5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2015 từ mức ước tính cho năm nay là 10.9% GDP.

Phạm Thị Phước

19/04 Chính giới Mỹ “phản pháo” nhận định của S&P

Thứ Ba, 19/04/2011 | 12:22


Việc tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) hạ triển vọng nợ của Mỹ từ "ổn định" xuống mức "tiêu cực", là sự coi thường khả năng của giới chức Mỹ trong việc giải quyết những khó khăn tài chính hiện nay, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố.

* S&P và Moody’s bất đồng về xếp hạng tín nhiệm của Mỹ

* S&P hạ triển vọng tín nhiệm Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực

Hôm qua (18/4), tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) đã hạ triển vọng nợ của Chính phủ Mỹ từ "ổn định" xuống mức "tiêu cực", xuất phát từ lý do thâm hụt tài chính và nợ công của Washington ngày càng lộ rõ, trong khi vẫn chưa có giải pháp toàn vẹn cho những vấn đề này.

S&P bày tỏ sự lo lắng về việc lưỡng Đảng trong Quốc hội Mỹ không thể thống nhất về các biện pháp cắt giảm khoản thâm hụt đang gia tăng của quốc gia này. Tuy nhiên S&P cũng cho rằng, Mỹ còn tới năm 2013 để đưa ra một kế hoạch tin cậy giải quyết các vấn đề tài chính của nước này.

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, bà Mary Miller, nhắc lại tuyên bố hồi tuần trước của Tổng thống Barack Obama rằng tình hình tài chính hiện nay nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ và chính quyền đã xúc tiến quá trình thảo luận biện pháp phục hồi trách nhiệm về mặt tài chính.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết thu hẹp thâm hụt ngân sách bớt 4.000 tỷ USD trong vòng 12 năm thông qua các biện phát cắt giảm chi tiêu và tăng thuế. Theo kế hoạch dài hạn, ông đặt mục tiêu hạ thâm hụt ngân sách của Mỹ về 2,5% GDP vào năm 2015 từ mức ước tính năm nay là 10,9% GDP.

Bà Miller khẳng định, nền kinh tế Mỹ đang được củng cố, sau khi thoát khỏi suy thoái và cả lưỡng Đảng đã thống nhất rằng, hiện là lúc bắt đầu giảm thâm hụt ngân sách. Dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Timothy Geithner, bà cho hay, Quốc hội Mỹ sẽ nâng mức trần nợ Liên bang.

Cũng không đồng tình với quyết định của S&P, hôm qua, tổ chức định mức tín nhiệm Moody's cho rằng, đề xuất ngân sách mới nhất từ Tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa có thể giúp Mỹ cắt giảm thâm hụt ngân sách và nợ công.

Moody’s tiếp tục giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm Aaa của Mỹ với triển vọng ổn định. “Cả đề xuất của Tổng thống Barack Obama và đảng Cộng hòa sẽ giúp cải thiện mức độ tín nhiệm của Chính phủ Mỹ”, chuyên gia tín dụng Steven Hess của Moody’s nhận định.

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho rằng, đánh giá của S&P là sự cảnh báo lưỡng Đảng phải đạt được thỏa thuận giảm ngân sách. Theo ông, quá trình chính trị hiện nay tại Mỹ sẽ đáp ứng mong muốn của S&P, về việc Washington phải có kế hoạch cắt giảm thâm hụt trước cuộc bầu cử tổng thống vào 2012.

Đồng tình với quan điểm của ông Carney, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện, ông Eric Cantor cho rằng, việc S&P hạ thấp triển vọng nợ của Mỹ là sự cảnh tỉnh đối với những ai đang mù quáng tìm cách nâng hạn mức nợ.

Trong số những người hoan nghênh đánh giá của S&P's còn có các nghị sỹ được sự ủng hộ của phong trào bảo thủ Đảng Trà (Tea Party). Hạ nghị sỹ Blake Farenthold, thành viên nhóm ủng hộ Đảng Trà trong Hạ viện, tuyên bố đánh giá của S&P giống với lập trường của Đảng Trà, là chính quyền đang tiêu quá nhiều tiền.

Hồng Ngọc

TBKTVN

24/03 Trung Quốc tăng cường đầu tư vào nợ công châu Âu

Thứ Năm, 24/03/2011 | 18:27


Bất chấp khủng hoảng nợ khu vực châu Âu có thể kéo dài, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng mua trái phiếu châu Âu để giúp đỡ các nước khu vực này.

Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết, rủi ro của cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng Euro vẫn cao và Trung Quốc tiếp tục tăng mua trái phiếu Chính phủ châu Âu để giúp đỡ các nước khu vực này vượt qua khủng hoảng.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết, cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng Euro vẫn chưa kết thúc. Việc Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào nợ công châu Âu là vì lợi ích kinh tế thương mại chung của Trung Quốc và châu Âu, đồng thời cũng mang lợi ích cho kinh tế toàn cầu.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng Euro bùng phát vào năm ngoái, Trung Quốc đã nhiều lần cho biết, nước này vẫn có niềm tin vào khả năng hồi phục của Eurozone và cam kết mua nợ của một số nước thành viên đang gặp khó khăn.

Trung Quốc sử dụng 25% trong tổng số 2.850 tỷ USD dự trữ ngoại hối của mình để đầu tư vào các tài sản tài chính bằng Euro. Trung Quốc cho rằng, các nước châu Âu sẽ có thể vượt qua cuộc khủng hoảng và Trung Quốc sẽ tiếp tục có các biện pháp tăng đầu tư vào nợ công khu vực này.

Cũng trong hôm nay, Moody's đã cắt giảm xếp hạng tín nhiệm của 30 ngân hàng tại Bồ Đào Nha. Trong số 30 ngân hàng đó, có 15 ngân hàng bị cắt giảm 2 bậc xếp hạng và 5 ngân hàng bị giảm tới 3-4 bậc xếp hạng.

Tuyết Mai (Theo Reuters)

DVT

23/03 Singapore định áp luật với cơ quan xếp hạng tín dụng

Thứ Tư, 23/03/2011 | 18:22


Ngân hàng trung ương Singapore ngày 23-3 đề xuất một số điều luật áp dụng đối với các cơ quan xếp hạng tín dụng (CRA) nhằm đảm bảo quy trình xếp hạng hoàn toàn độc lập sau khi các nền kinh tế phát triển khác thực hiện nhiều biện pháp để quản lý ngành này.

Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, các CRA đối mặt với hàng loạt chỉ trích vì không cung cấp đúng các điểm rủi ro gắn liền với các công cụ tài chính phức tạp.

Hiện nay, ngành công nghiệp xếp hạng tín dụng hầu như do ba cơ quan lớn là Moody's, Standard & Poor's và Fitch kiểm soát. Cả ba cơ quan này đều bị chỉ trích là không độc lập trong việc xếp hạng tín dụng và bị các thân chủ (mà họ xếp hạng) chi phối.

Liên minh châu Âu (EU) đã áp điều luật mới yêu cầu bắt buộc đăng ký giấy phép hoạt động đối với các CRA, trong khi Mỹ cũng vừa áp thêm điều luật nhằm cải thiện sự minh bạch trong ngành xếp hạng tín dụng và khuyến khích sự cạnh tranh trong ngành này.

Hạ Ninh (theo Reuters)

TBKTSG ONLINE

10/05 S&P, Moody’s và Fitch cùng “vùi dập” Hy Lạp


Thứ Ba, 10/05/2011 | 05:57
Phản hồi: 0   

(Vietstock) - Ba hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là Standard & Poor's (S&P), Moody’s và Fich cùng nhau “vùi dập” Hy Lạp trong ngày thứ Hai sau khi các nhà làm chính sách Eurozone thừa nhận rằng Athens sẽ sớm cần gói giải cứu thứ 2.


Theo đó, ông Jean-Claude Juncker - Chủ tịch các bộ trưởng tài chính châu Âu cho biết sau cuộc đàm phán diễn ra hôm thứ Sáu tuần trước, các quan chức đã đồng thuận rằng Athens sẽ cần gói giải cứu thứ 2.

Bên cạnh đó, các quan chức còn cho biết Liên minh châu Âu (EU) cũng đang xem xét cắt giảm lãi suất đối với Ireland trong các tuần tới và nới lỏng các điều khoản trong gói giải cứu dành cho Hy Lạp khi khu vực đồng tiền chung này ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng nợ.

Tuy nhiên, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P cho rằng Hy Lạp cần phải thực hiện thêm nhiều biện pháp quyết liệt để ổn định khoản nợ khổng lồ 327 tỷ EUR (tương đương 470 tỷ USD). Tổ chức này cho biết Athens có thể phải cắt giảm tới 70% mệnh giá trái phiếu, điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư sẽ bị thua lỗ nặng nề.

Theo đó, S&P hạ xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Hy Lạp từ BB- xuống B, chỉ cao hơn một bậc so với Pakistan; và hạ xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn của nước này từ B xuống C. S&P duy trì triển vọng tiêu cực đối với 2 mức xếp hạng mới.

Động thái trên đã tác động xấu đến nhóm cổ phiếu ngân hàng Hy Lạp khi nhà đầu tư chuyển sang tìm kiếm sự an toàn ở trái phiếu Đức, đồng EUR trượt xuống mức thấp nhất trong 3 tuần so với đồng USD.

Cùng ngày, Moody’s cảnh báo sẽ hạ vài bậc tín nhiệm ngoại tệ và nội tệ của Hy Lạp, và đưa mức xếp hạng hiện nay của nước này là B1 vào diện xem xét hạ bậc do mối lo lắng ngày càng sâu sắc rằng những người nắm giữ trái phiếu tư nhân sẽ bị thua lỗ nặng.

Trong khi đó, Fitch vẫn duy trì mức xếp hạng BB+ cho Hy Lạp với triển vọng tiêu cực và sẽ không bình luận gì về thông tin trên tờ Sueddeutsche Zeitung của Đức rằng tổ chức này sắp hạ bậc tín nhiệm của Hy Lạp xuống B hay B- ngay trong tuần.

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết EC kỳ vọng quyết định cắt giảm lãi suất đối với Ireland sẽ được công bố trong các tuần tới nhằm giúp nước này ổn định nợ.

Ông Olli Rehn, Người phát ngôn của EU về các vấn đề kinh tế và tiền tệ cho rằng: “Rõ ràng, EC ủng hộ việc cắt giảm lãi suất. EC đang cố gắng chống lại việc tái cấu trúc nợ”.

Phạm Thị Phước (Theo Reuters)

10/05 Bồ Đào Nha điều tra ba hãng đánh giá tín dụng

Thứ Ba, 10/05/2011 | 19:18

Phản hồi: 0 | A


Ngày 10/5, Cơ quan công tố Bồ Đào Nha đã bắt đầu tiến hành điều tra hoạt động của ba hãng xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới là Moody's, Standard & Poors và Fitch, do những đánh giá mà các hãng trên đưa ra làm giảm vị thế của Bồ Đào Nha và gián tiếp tạo nên áp lực khiến giá trị trái phiếu chính phủ của nước này giảm, gây khó khăn cho việc phát hành trong tương lai.

* S&P, Moody’s và Fitch cùng “vùi dập” Hy Lạp

Theo lời đại diện Cơ quan công tố Bồ Đào Nha, quyết định điều tra hoạt động của Moody's, Standard & Poors và Fitch được đưa ra sau khi bốn nhà kinh tế trong nước đệ đơn kiện ba hãng trên nhiều lần đưa ra các đánh giá hạ thấp về Bồ Đào Nha, đồng thời yêu cầu làm rõ hành động này có nhằm trục lợi và có vi phạm các nguyên tắc cạnh tranh không.

Vào đầu tháng 4/2011, lần lượt Moody's, Standard & Poors và Fitch đã hạ mức xếp hạng tín dụng dài hạn của Bồ Đào Nha xuống một bậc, từ "A3" xuống "Baa1," thậm chí còn xem xét tiếp tục đánh tụt hạng.

Trước đó, Standard & Poors đã từng hạ một bậc và Fitch hạ ba bậc xếp hạng tín dụng của Bồ Đào Nha.

Giới phân tích cho rằng việc các hãng đánh giá tín dụng liên tiếp hạ mức xếp hạng tín dụng đối với Bồ Đào Nha sẽ làm cho nước này thêm khó khăn trong việc huy động nguồn vốn trong bối cảnh khủng hoảng nợ hiện nay.

Việc điều tra diễn ra trong bối cảnh Bồ Đào Nha chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tháng Ba năm nay, Thủ tướng nước này đã phải đệ đơn từ chức sau khi không được Quốc hội ủng hộ các biện pháp chống khủng hoảng. Đầu tháng Tư vừa qua, Bồ Đào Nha cũng đã phải cầu cứu Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cấp tín dụng giải quyết khủng hoảng nợ trong nước.

VIETNAM+

10/05 Hy Lạp phản đối kết quả xếp hạng tín dụng của S&P

Thứ Ba, 10/05/2011 | 09:14

Phản hồi: 0 | A

Theo Hy Lạp, S&P hạ xếp hạng khi chưa có thêm bất kì tín hiệu tiêu cực nào kể từ lần hạ xếp hạng trước. Điều này là hoàn toàn vô lý.

* S&P, Moody’s và Fitch cùng “vùi dập” Hy Lạp

Bộ Tài chính Hy Lạp hôm qua đã bác bỏ kết quả xếp hạng tín dụng mới của Standard & Poor's và cho rằng, kết quả này là phi lý.

Bộ Tài chính cho biết, hành động hạ xếp hạng này đưa ra tại một thời điểm chưa có bất kì tín hiệu tiêu cực mới nào, kể từ khi S&P hạ xếp hạng của nước này 1 tháng trước đây. Như vậy, hành động hạ xếp hạng này là vô lý.

Trong tuyên bố của Bộ Tài chính Hy Lạp nêu rõ, quyết định xếp hạng tín dụng nên được dựa trên dữ liệu khách quan, dựa vào các thông báo và đánh giá thực tế của các nhà hoạch định chính sách về các điều kiện mà một nền kinh tế đang phải đối mặt, không phải dựa trên những tin đồn thị trường và báo chí.

Hành động hạ xếp hạng tín nhiệm của S&P đến sau khi tạp chí Đức Der Spiegel nói rằng, Hy Lạp đang xem xét việc rời khỏi khu vực đồng Euro. Hy Lạp đã mạnh mẽ bác bỏ việc hạ xếp hạng tín nhiệm của các công ty xếp hạng trong 18 tháng qua, cho rằng những hành động đó là vô căn cứ và nhằm mục đích đầu cơ.

Cũng trong ngày hôm qua, Thủ tướng George Papandreou cho biết, Hy Lạp quyết tâm thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ, đang ngày càng nghiêm trọng, không phải do bản thân Hy Lạp mà chỉ bởi sự tấn công của các nhà đầu cơ.

Tuyết Mai (Theo Xinhuanet)

DVT