18/04 “Điểm mặt” 10 công ty lớn nhất châu Á

Chế độ đọc sáchThứ 2, 18/04/2011, 17:23

7/10 công ty lớn nhất châu Á đến từ Trung Quốc.

Trong năm qua, các công ty hàng đầu của châu Á chịu tác động không nhỏ bởi giá dầu tăng cao, động đất tại Nhật và khủng hoảng hạt nhân, bão lụt cũng như tình hình thiên nhiên bất lợi tại Úc.

Thế nhưng với lợi nhuận kỷ lục, tăng trưởng kinh tế cao và thanh khoản thừa thãi từ phía các Ngân hàng Trung ương, giá trị thị trường của các công ty này tiếp tục tăng.

Tính đến ngày 14/04/2011, 11/20 công ty lớn nhất châu Á là công ty Trung Quốc. Danh sách này còn có 5 công ty của Úc, 3 công ty Nhật, 1 công ty Ấn Độ và 1 công ty Hàn Quốc.

PetroChina

Xếp hạng: 1

Giá trị vốn hóa thị trường: 329,6 tỷ USD.

Giá dầu tăng cao đã giúp giá trị thị trường của công ty năng lượng lớn nhất Trung Quốc tăng thêm 30% trong năm vừa qua.

Được sáng lập nàm 1999, PetroChina là chi nhánh của Tập đoàn năng lượng nhà nước (CNPC). Tập đoàn này hiện vẫn nắm 86% cổ phần tại PetroChina. PetroChina còn là công ty lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh thu. Doanh thu của công ty năm 2010 đạt 222 tỷ USD.

Giống như Sinopec, cổ phiếu PetroChina được niêm yết trên sàn Hồng Kông, New York và Thượng Hải. Công ty hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm, khai thác, lọc dầu và bán lẻ xăng dầu. PetroChina hiện sở hữu khoảng 18.000 chi nhánh bán lẻ xăng dầu trên khắp Trung Quốc.

Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC)

Xếp hạng: 2

Giá trị vốn hóa thị trường: 259,2 tỷ USD

Sau khi công bố lợi nhuận cao kỷ lục 25 tỷ USD vào năm 2010, ngân hàng lớn nhất trong nhóm 4 ngân hàng hàng đầu Trung Quốc cho rằng tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức thấp. Những nỗi lo về chính sách tiền tệ của Trung Quốc đã khiến nhà đầu tư đứng bên lề thị trường bất chấp các thông tin lợi nhuận cao. Cổ phiếu ICBC tại Hồng Kông chỉ tăng được 9% trong năm qua.

ICBC không chỉ là ngân hàng có lãi nhất thế giới mà còn là ngân hàng có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới. Ngân hàng phục vụ 216 triệu khách hàng cá nhân thông qua khoảng 16.200 chi nhánh.

Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc

Xếp hạng: 3

Giá trị vốn hóa thị trường:

Tăng trưởng tín dụng ấn tượng của Trung Quốc để cứu kinh tế châu Âu trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu đã giúp ngân hàng lớn thứ 2 tại Trung Quốc công bố lợi nhuận tăng 26% trong năm tài khóa kết thúc ngày 31/03/2011. Giá trị thị trường của ngân hàng tăng 15% trong năm 2010.

Dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc 4 lần nâng lãi suất cơ bản từ tháng 10/2010, các chuyên gia phân tích cho rằng các năm nay ngân hàng sẽ công bố lợi nhuận cao kỷ lục.

China Mobile

Xếp hạng: 4

Giá trị vốn hóa thị trường: 189,7 tỷ USD

Khi bạn phải phục vụ khoảng 600 triệu khách hàng, tăng trưởng sẽ là vấn đề lớn. ChinaMobile gặp phải tình trạng tương tự trong năm qua. ChinaMobile công bố lợi nhuận ròng quý 4/2010 tăng 3%. ChinaMobile cũng là hãng viễn thông di động lớn nhất thế giới tính theo số lượng thuê bao.

Các cổ đông của công ty có thể vui mừng khi ChinaMobile tăng lợi tức. Dưới sự lãnh đạo của CEO Wang Jianzhou, ChinaMobible hiện đang có 48 tỷ USD tiền mặt và các tài sản tương đương.

BHP Billiton

Xếp hạng: 5

Giá trị vốn hóa thị trường: 170,2 tỷ USD

Giá hàng hóa cao đẩy giá trị vốn hóa thị trường của BHP Billiton tăng 11% trong năm vừa qua. Công ty đã mua lại 7,8 tỷ cổ phiếu tại Úc và Anh từ tháng 11/2010.

Công việc kinh doanh của BHP Billiton chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt tại bang Queensland của Úc. Lũ lụt và các cơn bão đã khiến bang thiệt hại tới 30 triệu tấn than đá sản lượng.

Bank of China

Xếp hạng: 6

Giá trị vốn hóa thị trường: 150 tỷ USD

Dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không ngừng nâng lãi suất cơ bản và thắt chặt thanh khoản, các ngân hàng nước này vẫn tiếp tục công bố lợi nhuận cao. Bank of China, ngân hàng lớn thứ 4 tại Trung Quốc tính theo tài sản và thứ 3 nếu tính theo giá trị thị trường, công bố lợi nhuận quý 4/2010 tăng 33%.

Ngân hàng BOC hiện là ngân hàng ngoại hối lớn nhất Trung Quốc và có thể hưởng lợi từ việc Trung Quốc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc

Xếp hạng: 7

Giá trị vốn hóa thị trường: 148,3 tỷ USD

Là ngân hàng nhỏ nhất trong nhóm 4 ngân hàng nhà nước của Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc hiện đang là công ty lớn thứ 7 châu Á tính theo giá trị thị trường. Đơt IPO của ngân hàng vào năm 2010 hút về 22,1 tỷ USD từ thị trường Thượng Hải và Hồng Kông, đợt IPO của ngân hàng này lớn nhất trong lịch sử, cao hơn so với đợt IPO của ICBC vào năm 2006.

4 năm trước đây, ngân hàng hoàn toàn mất thanh khoản, thế nhưng việc Trung Quốc muốn phát triển thị trường trong nước đã hỗ trợ quan trọng cho ngân hàng. Lợi nhuận ròng quý 4/2010 tăng 83%. Chủ tịch ngân hàng cho biết khoảng 96% các chi nhánh của ngân hàng kinh doanh có lãi.

Toyota Motor

Xếp hạng: 8

Giá trị vốn hóa thị trường: 135,5 tỷ USD

Sau khi đi xuống sâu trong năm 2010, cổ phiếu Toyota đã hồi phục thế nhưng đi xuống sau thảm họa động đất sóng thần ngày 11/03/2011. Cổ phiếu Toyota đã hạ 11% trong năm vừa qua.

Động đất đã làm gián đoạn sản xuất gần như tại tất cả các nhà máy tại Nhật của Toyota. Công ty đang hạn chế sản xuất tại Bắc Mỹ, đóng cửa nhà máy tại châu Âu vài ngày và sản lượng ô tô tháng 5/2011 dự kiến giảm.

Samsung Electronics

Xếp hạng: 9

Giá trị vốn hóa thị trường 134,8 tỷ USD

Là công ty lớn nhất Hàn Quốc, giá trị thị trường của Samsung tăng trong suốt năm qua và cổ phiếu lên mức kỷ lục vào tháng 1/2011. Cổ phiếu Samsung từ đó đến nay giảm bởi lo lắng về cạnh tranh của iPhone đối với dòng điện thoại thông minh của Samsung, ngoài ra sản phẩm máy tính bảng của hãng cũng chịu cạnh tranh mạnh mẽ từ iPad2.

Được sáng lập năm 1969 tại Daegu, Hàn Quốc, Samsung có chặng đường phát triển dài. Năm 2010, hãng thu được 150 tỷ doanh thu. Dù vậy, Samsung vẫn là một công ty gia đình.

CNOOC

Xếp hạng: 10

Giá trị vốn hóa thị trường: 113,8 tỷ USD

CNOOC hiện là công ty khai thác dầu ngoài khơi hàng đầu Trung Quốc và nằm trong nhóm 1/3 công ty dầu và khí đốt Trung Quốc có mặt trong top 20 doanh nghiệp lớn nhất châu Á.

Lợi nhuận quý 4/2010 của CNOOC tăng 72% nhờ giá dầu tăng cao.

Giá trị thị trường của Sinopec tăng hơn 40% trong năm qua, cao hơn Sinopec trên phương diện giá trị thị trường. Công ty này được chính phủ Trung Quốc thành lập năm 1982 để khai thác dầu ngoài khơi, CNOOC liên tục củng cố sự phát triển trên thế giới của mình bằng cách mua lại cổ phần của nhiều dự án khí đốt và năng lượng.

Ngọc Diệp
Theo CNBC

20/04 Fortune công bố danh sách doanh nhân quyền lực nhất châu Á

Chế độ đọc sáchThứ 4, 20/04/2011, 17:36
Akio Toyoda, CEO của Toyota, được vinh danh doanh nhân quyền lực nhất châu Á
Xếp hạng doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Fortune phản ánh sự chuyển dời sức mạnh quan trọng trong khu vực, từ Nhật sang Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác.

Xếp hạng doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Fortune phản ánh sự chuyển dời sức mạnh quan trọng trong khu vực, từ Nhật sang Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác. CEO của Toyota vẫn đứng đầu danh sách thế nhưng chỉ 2 giám đốc điều hành tại Nhật, Masayoshi Son của Softbank và Takanobu Ito của Honda tạo được thay đổi.

Để đưa ra được bản danh sách 25 danh nhân quyền lực nhất tại châu Á, Fortune đã tiến hành nghiên cứu về doanh thu, lợi nhuận và tăng trưởng của các công ty phát triển mạnh nhất khu vực và cuối cùng đánh giá ảnh hưởng của từng vị trí điều hành đến sự phát triển của công ty.

Fortune cũng quan tâm đến toàn cầu hóa. Đối với Ratan Tata, người đã biến công việc kinh doanh của gia đình thành tập đoàn đa quốc gia với chi nhánh tại hơn 80 nước, ông hoàn toàn xứng đáng để dành được vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng này.

Bao lâu nay, thế giới đều biết đến một số giám đốc điều hành người Trung Quốc như Ren Zhengfei của Huewei và Terry Gou của Foxconn. Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đang đẩy mạnh đưa công ty của họ đến với thế giới và trong nhiều trường hợp thế giới tìm đến với họ để đầu tư hoặc liên minh.

Môi trường kinh doanh châu Á còn thiếu quá nhiều để trở nên thật sự biết chuộng người tài. Mối quan hệ mật thiết với chính phủ hết sức phổ biến, có thể kể đến Tata, Toyoda, Samsung. Tuy nhiên cũng đã có thay đổi. Bà Chanda Kochhar, người đứng ở vị trí thứ 17 trong bản danh sách của Fortune, đã đi lên từ một tập sự của ICICI để trở thành người phụ nữ Ấn Độ đầu tiên điều hành một ngân hàng tư nhân.

Dưới đây là 5 người đứng đầu bản danh sách:

1. Akio Toyoda

Công ty: Toyota Motor

Nước: Nhật

Chức vụ: CEO

Tuổi: 55

Ông Toyoda đứng đầu công ty lớn nhất tại châu Á và có thể coi như quyền lực nhất. Khi Toyota đương đầu với nhiều cú sốc, giống như năm 2010 khi vấn đề liên quan đến an toàn buộc công ty phải triệu hồi một số dòng xe bán chạy nhất, hàng triệu người tiêu dùng trên thế giới đã “lãnh đủ”.

Và khi công ty tiến hành đổi mới sản phẩm, cả thế giới dõi theo. 14 năm sau khi sản xuất xe Prius, Toyoda đang hối thúc công ty sản xuất thêm 10 mẫu xe hybrid mới trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2015.

Ông cũng muốn tập trung vào tăng trưởng tại các thị trường mới nổi như Trung Quốc hay Ấn Độ, hiện đang đóng góp khoảng 40% vào doanh thu 223 tỷ USD hàng năm của Toyota.

Ông Toyoda đã đảm nhiệm chức vụ CEO của Toyota được 2 năm và thể hiện rõ sức mạnh của mình. Ông đã vượt qua được cú sốc thu hồi xe mà ông bị buộc phải từ chức. Hiện nay, cổ đông của ông đang hy vọng ông sẽ lèo lái được hãng ô tô lớn này tăng trưởng ổn định hơn.

2. Ratan Tata

Công ty: Tata Sons

Nước: Ấn Độ

Chức vụ: Chủ tịch

Tuổi: 73

Nếu ai đó có thể mang được văn hóa cà phê đến nước Ấn Độ vốn quá chuộng chè, đó chính là Ratan Tata. Hoạt động kinh doanh của tập đoàn Tata đa dạng, từ ngành ô tô cho đến thép và viễn thông. Tata mới đây đã ký thỏa thuận với Starbucks với mục tiêu đưa dây chuyền cà phê đến Ấn Độ. Đây là chuỗi liên minh mới nhất đã giúp tập đoàn này từ quản lý một chuỗi công ty chủ yếu phục vụ thị trường nội địa sang tập đoàn đa quốc gia với giá trị vốn hóa thị trường lên tới 67 tỷ USD.

Các đối tác liên minh của Tata bao gồm Lockheed Martin, AIG, và Cummins. Tata cũng đã thâu tóm một số tên tuổi nổi tiếng như Jaguar Land Rover và Tetley Tea của Anh hay Pierre Hotel của Mỹ. Không hề dễ dàng để mua được nhóm tên tuổi trên, để làm được điều này, Tata có cả sự kiên trì và sức mạnh.

3. Mukesh D. Ambani

Công ty: Reliance Industries

Nước: India

Chức vụ: Chủ tịch kiêm CEO

Tuổi: 53

CEO Mukesh Ambani của Reliance Industries có uy tín trong việc thỏa thuận và thực tế ông đã thành công trong thâu tóm nhiều tài sản trong lĩnh vực viễn thông, hóa chất và năng lượng để nhanh chóng xây dựng được tập đoàn đa ngành trị giá 45 tỷ USD.

Tài sản của Ambani ước tính khoảng 27 tỷ USD và gần đây ông đã chuyển vào tòa nhà trị giá tỷ USD và trở thành đối tượng được giới truyền thông săn đón.

Đầu năm2011, ông đã thuyết phục được BP đầu tư 7,2 tỷ USD mua 30% cổ phần tại Reliance. Thương vụ đầu tư này có quy mô lớn nhất tại Ấn Độ từ trước đến nay.

Tháng 3/2011, Bank of America đã coi Ambani là giám đốc điều hành không mang quốc tịch Mỹ đầu tiên trong ban điều hành của ngân hàng này.

4. Kun-Hee Lee

Công ty: Samsung

Nước: Hàn Quốc

Chức vụ: Chủ tịch kiểm CEO

Tuổi: 69

Chủ tịch Kun-Hee Lee đã biến Samsung Electronics từ một công ty sản xuất hàng điện tử cấp thấp sang tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện thoại di động, tivi và chip máy tính. Công ty điện tử Samsung thường được so sánh với HP, thế nhưng xét trên nhiều phương diện, Samsung được coi như Apple của Hàn Quốc, nổi tiếng tại Hàn Quốc với thiết kế và hoạt động đổi mới cũng như kết quả tài chính (lợi nhuận năm 2010 tăng 65% lên 14,3 tỷ USD).

Ông Lee cực kỳ có quyền lực tại Hàn Quốc, bất chấp bê bối tham nhũng đã khiến ông từng phải từ chức chủ tịch vào năm 2008. Tháng 12/2009, ông đã được ân xá và vài tháng sau đó lại nắm chức chủ tịch.

5. Ren Zhengfei

Công ty: Huawei Technologies

Nước: Trung Quốc

Chức vụ: CEO

Tuổi: 67

Công chúng không mấy biết về Ren Zhengfei, cựu quan chức trong quân đội Trung Quốc hiện đang điều hàng công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc. Thế nhưng việc người ta không biết đến ông nhiều không cản trở ông xây dựng nên đế chế toàn cầu hiện đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống điện thoại và Internet của thế giới. Doanh thu năm 2010 của Huawei ước đạt khoảng 28 tỷ USD, tăng 28%.

Khoảng 2/3 doanh thu của công ty đến từ khách hàng bên ngoài Trung Quốc. Thế nhưng cho đến nay, vì lý do an ninh, ông chưa tiếp cận được thị trường mà ông thèm muốn: Mỹ. Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại California có thể giúp tăng sự hiện diện của Huawei tại Mỹ thế nhưng các chuyên gia cho rằng ông sẽ vẫn rất kín tiếng.

Ngọc Diệp
Theo Fortune

21/04 Yếu tố nào đã giúp Singapore trở thành trung tâm tài chính thế giới?

Thứ 5, 21/04/2011, 15:27

Tổ chức, công ty hoạt động tại Singapore được nhận giấy phép cực nhanh mà không mất phí ngầm, thuế thấp, hạ tầng tốt. Internet tại Singapore nhanh gấp 100 lần Trung Quốc.

Thập niên 1950, Ngân hàng Bank of China, 1 trong 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, sử dụng tòa nhà 20 năm tuổi gần bưu điện trung tâm làm trụ sở. Từ các tòa nhà cho đến công ty, dòng chảy của mọi thứ tại Singapore lúc đó dường như hết sức chậm chạp.

Năm 2011, tòa nhà Bank of China dường như lạc lõng bởi gần như tất cả mọi thứ tại Singapore đã thay đổi.

Citigroup đã chuyển trụ sở chính đến cùng quận với Bank of China, đầu đường Shenton Way (trung tâm tài chính) và sau đó chuyển đến khu trung tâm Suntec City. Citigroup sẽ sớm chuyển đến cùng khu vực với ngân hàng Standard Chartered tại Marina Bay.

Trung tâm giành cho nhân viên văn phòng được đặt gần sân bay đẳng cấp. Tại khu vực gần khu phố của người Trung Quốc, trước đây từng được biết đến với nhà chứa, nhà thổ, nay sừng sững tòa nhà trung tâm của các tổ chức đầu tư, luật và nhiều tổ chức như vậy.

Tốc độ và quy mô của các thay đổi đã đủ để đưa Singapore lên tầm cỡ trung tâm tài chính thế giới. Trong khi chính trị gia thuộc chính phủ Anh hay Thụy Sỹ còn đang bận tranh cãi xem có nên chào đón các ngân hàng hay trừng phạt họ, Singapore đã mở trường riêng để đào tạo các nhân viên ngân hàng; chính phủ Singapore cho ngân hàng UBS thuê một tòa nhà để đào tạo và Credit Suisse cũng đưa ra kế hoạch tương tự.

Càng phát triển, Singapore càng cần nhân sự tài năng. Cho đến nay, khoảng 2.880 tổ chức tài chính đã đăng ký hoạt động chức năng này hay khác với Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore. Trong đó có cả tên tuổi lớn cũng như công ty nhỏ.

Chính phủ Singapore luôn biết tận dụng cơ hội tốt để phát triển ngành tài chính. Ông Gerard Lee, trưởng điều hành tại Lion Global Investors và từng tham gia trong Quỹ thịnh vượng của chính phủ Singapore, nhớ lại năm 1971, khi người Mỹ bỏ neo đồng USD vào vàng, Singapore lập tức tranh thủ cơ hội này để phát triển thành trung tâm ngoại tệ của khu vực.

Ngày nay, mọi chuyện cũng không khác mấy: Singapore đang tự định vị để trở thành trung tâm giao dịch đồng nhân dân tệ lớn bên ngoài biên giới Trung Quốc khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu muốn quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

Các ngành kinh doanh liên quan cũng nhờ vậy mà phát triển. Một trong những ngân hàng lớn cho biết hơn một nửa khối lượng giao dịch OTC trong hàng hóa được thực hiện tại Singapore.

Theo Barclays Capital, chỉ riêng trong thị trường nhà đầu tư lẻ, khối lượng giao dịch các sản phẩm liên quan đến ngoại hối đã tăng 29 lần từ năm 2005, khối lượng giao dịch sản phẩm lãi suất tăng tới 43 lần.

Chính phủ Singapore đã dự báo trước được ảnh hưởng sẽ đến sau khi Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc năm 1997. Thập niên 1990, môi trường hoạt động của các tổ chức quản lý quỹ khắc nghiệt đến nỗi chỉ một vào tổ chức tồn tại được.

Điều đó đã thay đổi. Singapore tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở công ty và thay đổi lại quy định để giảm đi một số chi phí tốn kém cho các doanh nghiệp, đặc biệt thuế giao dịch.

Khi quá trình trao trả Hồng Kông hoàn tất, rất nhiều khách hàng đã tìm đến Singapore. Hiện nay, tài sản của các tổ chức tại Singapore lớn hơn so với Hồng Kông.

Để giữ chân số tài sản này, chính phủ Singapore phát triển khung chấp thuận tài khoản tín thác. Luật pháp thông thoáng, khả năng quản lý tài sản và ngoại tệ khiến Singapore trở thành địa điểm hấp dẫn cho mọi loại hình quản lý.

Cách tiếp cận của chính phủ Singapore được coi như phản đề của thuyết tự do kinh tế. Nói rộng ra, Singapore quản lý chặt chẽ tài chính nội địa và đưa ra biện pháp thu hút các công ty quốc tế.

Các công ty có thể giành được giấy phép nhanh chóng, dễ dàng, một điểm sáng trong thế giới đầy quan liêu. Nhân sự chủ chốt cũng có thể nhanh chóng được nhận visa làm việc. Các công ty có tầm quan trọng nhất định được giãn thuế và chi phí thay đổi địa điểm làm việc được đền bù.

Các nhân viên ngân hàng và chuyên gia quản lý quỹ đầu tư kể một cách nhiệt tình về môi trường kinh doanh an toàn, sạch sẽ và hiệu quả. Tốc độ Internet nhanh gấp 100 lần so với mạng Internet Trung Quốc với quá nhiều “tường lửa”, và nhanh gấp 8 lần so với Hồng Kông. Thuế thấp và ổn định, không giống Mỹ và châu Âu.

Ngày một nhiều công ty cho biết nhiều người từ chối chuyển nơi làm việc bởi dù lương của họ sẽ được tăng nhưng lập tức thuế thu nhập cao sẽ “cuốn bay” mức tăng lương đó.

Khó có thể kể hết ưu điểm của Singapore. Gần đây ở Singapore người ta thường nhắc đến câu chuyện có 2 đối tượng đã đọc hết đạo luật cải tổ ngành tài chính Mỹ, thứ nhất là nhóm các học giả Mỹ (đọc xong vẫn cảm thấy hoa mắt) và Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (vốn tranh thủ tìm kiếm cơ hội để tăng thêm sức hút cho đảo quốc này).

Dù đang nắm nhiều lợi thế, Singapore cũng có những sai lầm. Thị trường chứng khoán, thường được hiểu sai là cái cốt yếu tạo nên vị thế một trung tâm tài chính, đã cố gắng thu hút các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Trung Quốc và cuối cùng rất nhiều rắc rối xảy ra quanh việc này.

Gần đây, vài công ty đã hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore và niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông vốn có sức hút như một cửa ngõ để tiếp cận với Trung Quốc Đại Lục.

Nỗ lực thâu tóm sàn Australia’s exchange của Singapore Exchange gần đây đã bị bác bỏ bởi lý do lợi ích quốc gia. Quyết định này có thể bắt nguồn từ văn hóa huy động vốn khác nhau giữa 2 quốc gia. Công ty Úc thường sử dụng các đợt chào bán nhỏ để có tiền cho hoạt động khai khoáng và chấp thuận môi trường truyền thông thông thoáng hơn.

Chính sách tại các quốc gia khác có thể hạn chế tăng trưởng của Singapore. Hiện nay, nhiều tổ chức tài chính thế giới tại Singapore không muốn làm ăn với người Mỹ giàu có do cách tiếp cận thô bạo của nước Mỹ với vấn đề thuế.

Thế nhưng để làm được tốt hơn người Singapore, chính phủ nước khác cần phải tạo ra được môi trường an toàn, thuế thấp và không có nạn quan liêu. Trên phương diện này, chẳng có gì để lo lắng.

Ngọc Diệp
Theo Economist

02/05 Đến mùa hè này, phần lớn nhà máy tại Nhật sẽ khôi phục lại sản xuất

Thứ 2, 02/05/2011, 19:33

Dù tác động của động đất và sóng thần lên ngành sản xuất Nhật như thế nào, trụ cột quan trọng nhất của kinh tế Nhật sẽ có thể hồi phục nhanh trong vài tháng.

Khi mặt đất bị chấn động mạnh vào buổi chiều ngày 11/03/2011, trần nhà tại nhà máy lớn của Ricoh sụp xuống.

Cho đến nay, trần vẫn chưa được sửa. Thế nhưng người làm việc tại nhà máy đã trở lại, họ đội mũ cứng phòng trường hợp xấu.

Hoạt động làm việc tại nhà máy Ricoh có thể là ví dụ sinh động cho sự phục hồi đang diễn ra trong ngành sản xuất của Nhật. Chỉ 7 tuần sau khi sau trận động đất, sóng thần khủng khiếp tại Nhật khiến trần của nhiều tòa nhà bị sập, làm vỡ bể chứa nước và gây gián đoạn dây chuyền sản xuất, hoạt động sản xuất tại nhà máy của Ricoh đang gần trở lại bình thường.

Ông Shiro Kondo, chủ tịch của Ricoh, trong bài phỏng vấn tại trụ sở nhà máy ở Tokyo, khẳng định: “Tác động của trận động đất vừa qua không lớn như thế giới tưởng.”

Ở những tốc độ khác nhau, câu chuyện giống như Ricoh đang diễn ra trên khắp đất nước Nhật. Điều này cho thấy dù tác động của động đất và sóng thần lên ngành sản xuất nước này như thế nào, trụ cột quan trọng nhất của kinh tế Nhật sẽ có thể hồi phục nhanh trong vài tháng.

Không còn nghi ngờ gì nữa, mọi chuyện chưa thể trở lại như bình thường. Một số lĩnh vực như sản xuất ô tô chịu tác động nặng nề hơn ngành khác. Mỗi ngày, các công ty công bố diễn biến tích cực tại nhóm nhà máy chịu tác động mạnh bởi động đất.

Chính phủ Nhật ước tính rằng khoảng 7% các nhà máy của Nhật nằm trong vùng chịu tàn phá nặng nề nhất bởi động đất.

Kết quả khảo sát đối với khoảng 70 nhà máy bị động đất phá hủy cho thấy khoảng 2/3 đã khôi phục lại sản xuất, số còn lại sẽ hiện thực được mục tiêu trên vào mùa hè.

Ông Masatomo Onishi, chuyên gia nghiên cứu tại đại học Kansai, người nghiên cứu về quá trình phục hồi của nền kinh tế sau động đất Kobe 1995, nhận xét khi thảm họa xảy ra, các công ty Nhật thường hợp tác với nhau và người lao động nhanh chóng đóng góp vào hoạt động tái thiết.

Ngọc Diệp

Theo Nytimes

03/05 Bao giờ Fed ngừng “nới lỏng định lượng”? (phần 2)

Chế độ đọc sáchThứ 3, 03/05/2011, 10:30

Có thể Fed sẽ tăng lãi suất trước rồi sau đó mới bán ra trái phiếu chính phủ.

Một câu hỏi khác là liệu số lao động “chưa” tìm được việc có cao như tỷ lệ thất nghiệp cho thấy hay một số lao động hiện “không thể” tìm được việc. Ít nhất, một số thành viên FOMC trong các cuộc phỏng vấn với Financial Times vẫn thận trọng về số lao động “chưa” tìm được việc.

“Tôi cảm thấy tự tin hơn khi tư duy về khoảng trống sản lượng dựa trên lạm phát lõi. Nếu thấy lạm phát lõi tăng, đó là dấu hiệu cho thấy khoảng trống sản lượng đang hẹp lại,” Narayana Kocherlakota, Chủ tịch Fed Minneapolis, nói.

Lập luận cuối cùng của phái “diều hâu” là giữ lãi suất thấp quá lâu là đang khuyến khích đầu cơ tài chính và nhào nặn một cuộc khủng hoảng trong tương lai.

“Tôi lo các thành viên thị trường sẽ dựa dẫm vào sự hào phóng của chúng ta,” Chủ tịch Fed Dallas Richard Fiser nói. Ông cũng lưu ý rằng các hành động của Fed đã bóp méo các quy tắc thông thường trong đó kỳ đáo hạn khác nhau thì lợi suất trái phiếu cũng khác nhau. “Chúng ta đã cố tình bẻ quẹo đường cong lợi suất, tự vẽ đường cong này và đặt luôn cho nó các mức giá.”

Tuy vậy, hiện ủy ban vẫn nghiêng về phía “bồ câu” và cho đến nay họ vẫn miễn cưỡng thảo luận về chính sách “thoái lui” của Fed. Một nguyên nhân là họ biết thị trường và giới kinh tế thích chủ đề này đến đâu.

Chiến lược “thoái lui” với các nhà kinh tế học tiền tệ cũng tương đương với việc chọn một đội bóng chày “toàn sao” hay bàn xem Kate Middleton khi kết hôn với Thái tử Anh: lựa chọn nhiều và phức tạp đến nỗi ai cũng có thể lên tiếng. Cuộc tranh luận năm ngoái về các chi tiết của kế hoạch “thoái lui” khiến người ta lầm tưởng nó đã bắt đầu rồi.

Bán ra trái phiếu thế nào?

Khác biệt thứ hai là Fed hiện thặng dư cả trái phiếu chính phủ và các chứng khoán bảo đảm bằng tài sản. Bảng cân đối kế toán càng lớn, các quan chức Fed càng có động cơ đánh giá lại việc bán tài sản.

Chủ tịch Fed Philadelphia Charles Plosser đã gợi ý gắn việc bán tài sản với nâng lãi suất. Ví dụ như, ông đề xuất, Fed có thể cam kết bán 125 tỷ đôla tài sản mỗi lần tăng lãi suất thêm 0,25%.

Dù vậy, khi mà QE2 đã sắp hết thì lục lại các kế hoạch “thoái lui” cũng là tự nhiên.

Phần lớn các quan chức Fed vẫn ủng hộ lộ trình đã thảo luận năm ngoái: thứ nhất, rút lại cam kết giữ lãi suất cực thấp trong một “giai đoạn dài”, sau đó rút số dự trữ trong hệ thống ngân hàng, tăng lãi suất ngắn hạn và chỉ sau đó mới bắt đầu bán danh mục tài sản. Ông Kocherlakota cho rằng thắt chặt chính sách sử dụng lãi suất và giảm bảng cân đối kế toán có thể tiến hành độc lập với nhau.

Tuy vậy, việc có thêm 600 tỷ đôla trái phiếu chính phủ nhờ đợt mua tài sản hiện nay có thể làm mọi chuyện khác đi một chút. Thứ nhất, bán hết tài sản tích trữ do QE sẽ mất nhiều thời gian hơn. Vi dụ, nếu mỗi quý bán 100 tỷ đôla thì sẽ mất cả năm rưỡi nữa mới bán hết được 600 tỷ đôla.

Do đó có lẽ nên thu hẹp bảng cân đối kế toán sớm và nhanh hơn. Một cách là không tái đầu tư các khoản thanh toán sớm cho danh mục đầu tư các chứng khoán bảo đảm bằng tài sản của Fed (tức số tiền nhận được khi ai đó thanh toán sớm khoản cho vay thế chấp mua nhà của mình).

Nếu Fed có thể thuyết phục thị trường rằng làm vậy không phải là dấu hiệu cho thấy cơ quan này sẽ sớm tăng lãi suất, FOMC có lẽ cũng muốn sớm đi theo cách này ngay sau khi hoàn thành QE2.

Cuộc thảo luận mới sẽ không bắt đầu trước khi FED chấm dứt nới lỏng vào cuối tháng 6, nhưng có lẽ nó cũng sẽ căng thẳng chẳng kém gì năm ngoái. Như Chủ tịch Fed Dallas, ông Fisher, nói về nới lỏng định lượng: “Nó rất có tác dụng nhưng câu hỏi đặt ra là nó sẽ kéo dài đến bao giờ.”

Cách “ra tín hiệu” mới của Fed

“Nếu bạn không giải thích, ai đó sẽ giải thích cho bạn.”

Cú sốc đối với thị trường trong mùa hè năm ngoái khi Fed chuyển từ chiến lược “thoái lui” sang tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ càng nghiêm trọng hơn vì Fed ra tín hiệu không rõ ràng.

Cả hai phe “diều hâu” và “bồ câu” trong FOMC nêu lên những cách hiểu khác nhau, khiến giá trái phiếu chính phủ biến động mạnh.

Sự im lặng của Fed sau khi thông báo đợt nới lỏng định lượng thứ hai hồi tháng 11 năm ngoái giúp những người phản đối chính sách này, từ các thành viên bảo thủ trong Đảng Cộng hòa tới các chính phủ nước ngoài, được dịp tô vẽ chương trình mua tài sản là rủi ro, vô trách nhiệm và không cần thiết.

Nay Fed đã có câu trả lời cho vấn đề này. Từ cuối tháng 4, Chủ tịch Ben Bernanke đã nói chuyện trực tiếp với giới truyền thông. FOMC cập nhật dự báo kinh tế của mình trong 4/8 cuộc họp thường niên; tiếp theo đó sẽ là những cuộc họp báo như các NHTW khác thường làm.

“Điều đó giúp tăng tính minh bạch,” Chủ tịch Fed Dallas, ông Richard Fiser, người từng tham gia một nhóm chuyên trách về vấn đề này trực thuộc FOMC, nói. “Nếu không giải thích điều gì đó thì rồi ai đó sẽ giải thích giúp bạn.”

Các quan chức Fed hy vọng họp báo sẽ thu hút được sự chú ý tới các dự báo của họ và cho thấy các quyết sách đều có liên quan tới những gì họ kỳ vọng ở nền kinh tế.

Với Fed, đây không chỉ là thay đổi cách ra tín hiệu. Nhờ thu hút sự chú ý tới các dự báo định lượng của mình, Fed đang tiến dần tới một chính sách minh bạch và hệ thống hơn. Chủ tịch Ben Bernanke từ lâu đã chủ trương cách tiếp cận này.

Các cuộc họp báo sẽ khiến các cách thức ra tín hiệu của Fed khác đi một chút. Các biên bản tóm tắt sẽ không quan trọng như trước; và khi đã được trực tiếp hỏi chuyện ông Bernanke, giới truyền thông sẽ bớt chú ý tới các phiên điều trần của ông trước Quốc hội.

Thị trường cũng sẽ không phản ứng mạnh trước phát biểu có hàm ý chính sách của các thành viên khác của FOMC, dù cho nếu như Chủ tịch Bernanke đã đại diện chính thức cho toàn ủy ban thì các Chủ tịch Fed địa phương có lẽ sẽ thoải mái thể hiện quan điểm của mình trước công chúng hơn.

Trong ngắn hạn thì có lẽ sẽ không có thêm thay đổi nào nữa nhưng nhóm “ra tín hiệu” sẽ không giải tán và sẽ tiếp tục nghiên cứu cách đưa ra các dự báo nhiều giá trị thông tin hơn.

Chắc chắn cách tiếp cận minh bạch của Chủ tịch Bernanke sẽ tiếp tục được triển khai tại Fed.

Minh Tuấn
Theo Economist