29/07/2011 | 16:02:00
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp với các lãnh đạo Nghị viện về thâm hụt ngân sách ngày 14/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Những ngày cuối tháng 7 này, không chỉ riêng nước Mỹ mà gần như cả thế giới đang "nín thở" chờ quyết định của các nhà lãnh đạo chóp bu ở Washington về vấn đề nợ công và chi tiêu của chính phủ Mỹ.
"Cuộc thi gan" giữa Lừa - loài vật biểu tượng của đảng Dân chủ và Voi - biểu trưng cho đảng Cộng hòa, xung quanh vấn đề nợ còn căng thẳng và kịch tính hơn nhiều, nếu không nói là sẽ đi vào lịch sử chính trị nước Mỹ.
Sau chuỗi thất bại liên tiếp trong các cuộc thương lượng kéo dài nhiều tuần qua, các nhà lãnh đạo thuộc cả hai chính đảng lớn tại Quốc hội Mỹ tiếp tục thảo luận hai kế hoạch đối lập nhau để tìm tiếng nói chung nhằm ngăn chặn nước Mỹ lần đầu tiên vỡ nợ trong bối cảnh thời hạn chót 2/8 đã gần kề.
Tính đến ngày 16/5 vừa qua, tổng nợ công của Mỹ đã chạm mức tối đa 14.294 tỷ USD, tương đương gần 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Bộ Tài chính Mỹ đã phải thực hiện các biện pháp đặc biệt để giúp chính quyền Obama cầm cự đến ngày 2/8 tới.
Sau thời hạn đó, nếu Hạ viện, do đảng Cộng hòa chiếm ưu thế, không ủng hộ phá ngưỡng trần nợ, Bộ Tài chính không thể phát hành thêm trái phiếu và khi đó Chính phủ Mỹ sẽ không có khả năng thực hiện một số nghĩa vụ tài chính và lâm vào cảnh vỡ nợ.
Trong bài phát biểu tối 25/7 trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Barack Obama đã gia tăng áp lực buộc Quốc hội có một giải pháp về nợ công và thâm hụt ngân sách. Cường quốc kinh tế số một thế giới hiện cần 700 tỷ USD để thanh toán các khoản chi tiêu từ nay đến cuối năm. Tài khóa hiện nay (từ 1/10/2010 đến 31/9/2011) vẫn chưa kết thúc, nhưng thâm hụt ngân sách đã lên tới 1.500 tỷ USD, tương đương 9,8% GDP.
Lịch sử cho thấy dưới thời Tổng thống Ronald Reagan thuộc đảng Cộng hòa, Mỹ đã tăng mức trần nợ công tổng cộng… 17 lần. Từ đó đến nay, qua mấy đời tổng thống, chủ đề nợ công nóng lên không ít lần và trong phần lớn trường hợp luôn được tháo gỡ bằng cách nâng trần nợ mà không gặp phải sự tranh cãi nào giữa hai đảng. Nhưng lần này sự việc có vẻ khác đi.
Các nhà lập pháp hàng đầu thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang nhất quyết đánh bại vào phút chót đề xuất của đối thủ về cắt giảm chi tiêu liên bang và nâng trần giới hạn vay nợ của chính phủ.
Thượng nghị sỹ Harry Reid, lãnh đạo phe Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện, đã đề nghị kế hoạch cắt giảm 2.700 tỷ USD chi tiêu trong vòng 10 năm mà không cắt xén các chương trình phúc lợi xã hội dành cho người nghèo và người cao tuổi, nâng mức trần nợ thêm 2.700 tỷ USD (gồm cả khoản vay của chính phủ sau cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2012), nhưng không tăng thuế.
Kế hoạch này thực tế đã bác bỏ kế hoạch của Chủ tịch Hạ viện John Boehner, trong đó đề xuất giảm 1.200 tỷ USD chi tiêu của các cơ quan chính phủ trong vòng 10 năm, nâng mức trần nợ thêm 1.000 tỷ USD từ nay tới cuối năm và có thể nâng thêm lần nữa vào năm tới kèm theo các điều kiện.
Một điểm chung trong hai bản kế hoạch trên là không đề cập việc tăng thuế để tránh đụng phải thái độ cứng rắn của những người Cộng hòa bảo thủ và hy vọng khả năng được chấp thuận sẽ lớn hơn. Trên thực tế, cắt giảm chi tiêu và tăng thuế (để giải quyết thâm hụt ngân sách) là những biện pháp cần thiết, nhưng trong bối cảnh Mỹ sắp bước vào cuộc tổng tuyển cử 2012, cả hai biện pháp đó đều khó có thể được cử tri chấp thuận.
Trong bài phát biểu tối 25/7, mà Nhật báo Phố Wall miêu tả giống lời kêu gọi của một nhà gây quỹ thuộc Ủy ban toàn quốc của đảng Dân chủ hơn là của người đứng đầu chính phủ, Tổng thống Obama đã thẳng thắn thừa nhận ông không có khả năng đạt được thỏa thuận về nâng trần nợ đến năm 2013 (tức sau năm bầu cử), trong khi giảm thâm hụt ngân sách khoảng 4.000 tỷ USD bằng cách vừa cắt giảm ngân sách liên bang vừa tăng thuế đối với tầng lớp giàu nhất ở Mỹ.
Tuyên bố này, theo giới bình luận, gián tiếp cho thấy rõ các cuộc thương lượng hiện nay không dính dáng gì đến trần nợ công hay thâm hụt ngân sách. Các chính trị gia Mỹ không bận tâm mấy đến ngày 2/8 mà thực chất họ đang nỗ lực hết sức cho ngày… 6/11/2012 - ngày bầu cử tổng thống và quốc hội Mỹ.
Trước thềm tổng tuyển cử, bất kỳ vấn đề kinh tế nào cũng sẽ là trọng tâm của cuộc cạnh tranh chính trị tại Washington. Vì thế, cuộc chiến về nâng trần nợ và giảm chi tiêu đã được dùng làm vũ khí để hạ gục đối thủ.
Tuy nhiên, khi "giờ G" sắp điểm, phần đông dư luận dự đoán các chính trị gia Mỹ sẽ không để đất nước rơi vào cảnh mất khả năng thanh toán nợ, vì một nước lớn như Mỹ bị phá sản là điều không thể tưởng tượng nổi. Nhiều khả năng một thỏa thuận dung hòa giữa các bên sẽ được đưa ra vào phút chót.
Ai cũng hiểu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, nước Mỹ vỡ nợ sẽ gây chấn động thị trường và đẩy thế giới vào làn sóng khủng hoảng thứ hai.
Đã đến lúc "trò đu dây nợ công" hay "trò chơi cân não" giữa chính quyền của Tổng thống thuộc đảng Dân chủ và Hạ viện do đảng Cộng hòa chiếm ưu thế phải ngừng lại để tránh xảy ra “kịch bản đen tối nhất”./.
"Cuộc thi gan" giữa Lừa - loài vật biểu tượng của đảng Dân chủ và Voi - biểu trưng cho đảng Cộng hòa, xung quanh vấn đề nợ còn căng thẳng và kịch tính hơn nhiều, nếu không nói là sẽ đi vào lịch sử chính trị nước Mỹ.
Sau chuỗi thất bại liên tiếp trong các cuộc thương lượng kéo dài nhiều tuần qua, các nhà lãnh đạo thuộc cả hai chính đảng lớn tại Quốc hội Mỹ tiếp tục thảo luận hai kế hoạch đối lập nhau để tìm tiếng nói chung nhằm ngăn chặn nước Mỹ lần đầu tiên vỡ nợ trong bối cảnh thời hạn chót 2/8 đã gần kề.
Tính đến ngày 16/5 vừa qua, tổng nợ công của Mỹ đã chạm mức tối đa 14.294 tỷ USD, tương đương gần 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Bộ Tài chính Mỹ đã phải thực hiện các biện pháp đặc biệt để giúp chính quyền Obama cầm cự đến ngày 2/8 tới.
Sau thời hạn đó, nếu Hạ viện, do đảng Cộng hòa chiếm ưu thế, không ủng hộ phá ngưỡng trần nợ, Bộ Tài chính không thể phát hành thêm trái phiếu và khi đó Chính phủ Mỹ sẽ không có khả năng thực hiện một số nghĩa vụ tài chính và lâm vào cảnh vỡ nợ.
Trong bài phát biểu tối 25/7 trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Barack Obama đã gia tăng áp lực buộc Quốc hội có một giải pháp về nợ công và thâm hụt ngân sách. Cường quốc kinh tế số một thế giới hiện cần 700 tỷ USD để thanh toán các khoản chi tiêu từ nay đến cuối năm. Tài khóa hiện nay (từ 1/10/2010 đến 31/9/2011) vẫn chưa kết thúc, nhưng thâm hụt ngân sách đã lên tới 1.500 tỷ USD, tương đương 9,8% GDP.
Lịch sử cho thấy dưới thời Tổng thống Ronald Reagan thuộc đảng Cộng hòa, Mỹ đã tăng mức trần nợ công tổng cộng… 17 lần. Từ đó đến nay, qua mấy đời tổng thống, chủ đề nợ công nóng lên không ít lần và trong phần lớn trường hợp luôn được tháo gỡ bằng cách nâng trần nợ mà không gặp phải sự tranh cãi nào giữa hai đảng. Nhưng lần này sự việc có vẻ khác đi.
Các nhà lập pháp hàng đầu thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang nhất quyết đánh bại vào phút chót đề xuất của đối thủ về cắt giảm chi tiêu liên bang và nâng trần giới hạn vay nợ của chính phủ.
Thượng nghị sỹ Harry Reid, lãnh đạo phe Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện, đã đề nghị kế hoạch cắt giảm 2.700 tỷ USD chi tiêu trong vòng 10 năm mà không cắt xén các chương trình phúc lợi xã hội dành cho người nghèo và người cao tuổi, nâng mức trần nợ thêm 2.700 tỷ USD (gồm cả khoản vay của chính phủ sau cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2012), nhưng không tăng thuế.
Kế hoạch này thực tế đã bác bỏ kế hoạch của Chủ tịch Hạ viện John Boehner, trong đó đề xuất giảm 1.200 tỷ USD chi tiêu của các cơ quan chính phủ trong vòng 10 năm, nâng mức trần nợ thêm 1.000 tỷ USD từ nay tới cuối năm và có thể nâng thêm lần nữa vào năm tới kèm theo các điều kiện.
Một điểm chung trong hai bản kế hoạch trên là không đề cập việc tăng thuế để tránh đụng phải thái độ cứng rắn của những người Cộng hòa bảo thủ và hy vọng khả năng được chấp thuận sẽ lớn hơn. Trên thực tế, cắt giảm chi tiêu và tăng thuế (để giải quyết thâm hụt ngân sách) là những biện pháp cần thiết, nhưng trong bối cảnh Mỹ sắp bước vào cuộc tổng tuyển cử 2012, cả hai biện pháp đó đều khó có thể được cử tri chấp thuận.
Trong bài phát biểu tối 25/7, mà Nhật báo Phố Wall miêu tả giống lời kêu gọi của một nhà gây quỹ thuộc Ủy ban toàn quốc của đảng Dân chủ hơn là của người đứng đầu chính phủ, Tổng thống Obama đã thẳng thắn thừa nhận ông không có khả năng đạt được thỏa thuận về nâng trần nợ đến năm 2013 (tức sau năm bầu cử), trong khi giảm thâm hụt ngân sách khoảng 4.000 tỷ USD bằng cách vừa cắt giảm ngân sách liên bang vừa tăng thuế đối với tầng lớp giàu nhất ở Mỹ.
Tuyên bố này, theo giới bình luận, gián tiếp cho thấy rõ các cuộc thương lượng hiện nay không dính dáng gì đến trần nợ công hay thâm hụt ngân sách. Các chính trị gia Mỹ không bận tâm mấy đến ngày 2/8 mà thực chất họ đang nỗ lực hết sức cho ngày… 6/11/2012 - ngày bầu cử tổng thống và quốc hội Mỹ.
Trước thềm tổng tuyển cử, bất kỳ vấn đề kinh tế nào cũng sẽ là trọng tâm của cuộc cạnh tranh chính trị tại Washington. Vì thế, cuộc chiến về nâng trần nợ và giảm chi tiêu đã được dùng làm vũ khí để hạ gục đối thủ.
Tuy nhiên, khi "giờ G" sắp điểm, phần đông dư luận dự đoán các chính trị gia Mỹ sẽ không để đất nước rơi vào cảnh mất khả năng thanh toán nợ, vì một nước lớn như Mỹ bị phá sản là điều không thể tưởng tượng nổi. Nhiều khả năng một thỏa thuận dung hòa giữa các bên sẽ được đưa ra vào phút chót.
Ai cũng hiểu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, nước Mỹ vỡ nợ sẽ gây chấn động thị trường và đẩy thế giới vào làn sóng khủng hoảng thứ hai.
Đã đến lúc "trò đu dây nợ công" hay "trò chơi cân não" giữa chính quyền của Tổng thống thuộc đảng Dân chủ và Hạ viện do đảng Cộng hòa chiếm ưu thế phải ngừng lại để tránh xảy ra “kịch bản đen tối nhất”./.
Nguyệt Ánh (TTXVN/Vietnam+)