13/07 Vỡ nợ thẻ tín dụng: Nguy cơ mới của kinh tế Brazil


(Tamnhin.net) - Một số nhà kinh tế lo ngại rằng những người mắc nợ thẻ tín dụng đang bị lãi suất cho vay "trên trời" chôn sống. Nếu nợ thẻ tín dụng làm xói mòn sức mua của tầng lớp trung lưu, Brazil có thể sa vào suy thoái.
Theo kết quả nghiên cứu do Fecomercio, một liên đoàn thương mại Brazil, thực hiện hồi đầu năm nay, lãi suất nợ thẻ tín dụng trung bình ở trung tâm tài chính Sao Paulo của Brazil là 238%. Điều này có nghĩa nếu vay 1.000 USD trong một năm thì hóa đơn thanh toán sẽ là 3.380 USD. Mức phí này dự kiến sẽ tăng, do Ngân hàng Trung ương Brazil có thể sẽ tăng lãi suất để chống lạm phát.

Brazil từng rơi vào siêu lạm phát trong những năm 1990 và hỗn loạn kinh tế đầu những năm 2000. Khi nước này kiểm soát được kinh tế, các ngân hàng bắt đầu mở rộng việc cung cấp tín dụng. Số thẻ tín dụng ngân hàng đang lưu thông đã tăng gấp 3, lên 150 triệu thẻ  trong 8 năm qua. Các nhà kinh tế nói rằng nhiều người Brazil đang nhận được thẻ tín dụng mà không biết cách kiểm soát nợ. Nhưng đối với những người muốn mua đồ mà không có tiền mặt trong tay thì không còn sự lựa chọn nào khác. Lãi suất "trên trời" đồng nghĩa với việc hàng tháng người Brazil phải trả hết nợ nếu không sẽ nhanh chóng chìm ngập trong nợ nần.

Hôm 11/7, cơ quan xếp hạng tín dụng Serasa Experian cho hay trong 6 tháng đầu năm nay, số người Brazil vỡ nợ tăng 22% so với cùng kỳ năm 2010, mức tăng lớn nhất trong vòng 9 năm qua. Các nhà kinh tế độc lập nói rằng cứ 10 người Brazil thì 1 người bị vỡ nợ. Đến cuối năm nay, Ngân hàng Trung ương Brazil dự đoán có 28% thu nhập khả dụng của người Brazil sẽ được dùng vào việc trả nợ, so với mức 16% ở Mỹ và chưa tới 10% ở những nước đang phát triển khác.

Theo khảo sát mới nhất của Liên minh công nghiệp quốc gia, trong tháng 6, lòng tin người tiêu dùng ở Brazil giảm xuống mức thấp trong hai năm qua, phần lớn là do lãi suất tăng và mức lạm phát 6,71%, trên mức trần mục tiêu 6,5% của chính phủ, đang tác động tới những người nghèo Brazil.

Tất cả những việc đó đang diễn ra trong khi tỷ lệ thất nghiệp của Brazil đang ở mức thấp kỷ lục và nền kinh tế vẫn mạnh đã gây lo ngại cho nhiều nhà kinh tế, những người dự đoán tình hình sẽ xấu đi khi tăng trưởng kinh tế của Brazil chậm lại. Kinh tế Brazil đã tăng 7,5% năm ngoái, dự kiến sẽ chỉ còn 4% trong năm nay. Nhà kinh tế Neil Shearing thuộc Capital Economics ở Luân Đôn nói: "Hai hoặc ba năm tới có thể sẽ rất nguy hiểm đối với Brazil, một phần vì khả năng xảy ra bong bóng tín dụng. Chúng tôi không đánh giá thấp khả năng xảy ra suy thoái ở Brazil trong 3 năm tới do bong bóng tín dụng".

Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega phủ nhận rằng kinh tế Brazil đang quá nóng và làm gia tăng nguy cơ bong bóng tín dụng. Hầu hết những đánh giá kinh tế gần đây của Chính phủ đều nhấn mạnh rằng nợ tín dụng khu vực tư tương đương 54% GDP của Brazil, thấp hơn rất nhiều mức 120% ở Trung Quốc và Nam Phi, nơi mức lãi suất còn thấp hơn nhiều.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Alexandre Tombini tuần trước nói rằng số vụ vỡ nợ tiêu dùng ở Brazil sẽ chững lại và giảm dần khi người Brazil thận trọng hơn với tín dụng.

Theo David Beker, phụ trách bộ phận chiến lược thu nhập cố định và kinh tế Mỹ Latinh của Bank of America Merrill Lynch ở Sao Paulo, "kinh tế Brazil đang thích nghi với vai trò gia tăng nhanh chóng của tín dụng, nhưng nói rằng có bong bóng hoặc bong bóng sắp nổ là sự thổi phồng". Chuyên gia Beker nói rằng Ngân hàng Trung ương Brazil quan ngại về tăng trưởng tín dụng và nhận thấy rằng người thu nhập thấp đã vay nhiều hơn mức họ có thể trả. Vì vậy, ngân hàng này có thể áp dụng thêm biện pháp để kiềm chế tín dụng, trong đó yêu cầu các ngân hàng dự trữ nhiều hơn và đánh thuế đối với một số hoạt động mua bán bằng thẻ tín dụng. Trước đó, họ đã sử dụng cả hai biện pháp. Chuyên gia này cho rằng mối nguy lớn hơn đối với Brazil là để lạm phát mất kiểm soát. Chống lạm phát có nghĩa tăng lãi suất, điều khiến các ngân hàng phải đánh lãi suất thẻ tín dụng cao hơn.

Samy Dana, nhà kinh tế và giáo sư tài chính thuộc Getulio Vargas Foundation, lo ngại bong bóng tín dụng có thể tạo ra những bong bóng khác như bong bóng bất động sản vì người Brazil đã chi quá nhiều so với số tiền mà họ kiếm được.

Giống như nhiều người trong số 40 triệu người Brazil gia nhập tầng lớp trung lưu từ năm 2003, tài xế taxi Xavier đã “sập bẫy” cách tiêu dùng kiểu Mỹ và lao vào thế giới tín dụng dễ dàng đầy hấp dẫn này. Xavier đã 3 lần bị vỡ nợ trong vòng có 4 năm. Hiện, anh đang "nợ như chúa chổm". Việc có thêm nhiều "con nợ"  như Xavier đang làm gia tăng nỗi lo ngại rằng sự bùng nổ kinh tế ở Brazil có thể là một phần nguyên nhân tạo ra bong bóng tín dụng cá nhân, với mức lãi suất nợ thẻ tín dụng thường vượt 200%. Các nhà kinh tế e sợ rằng nếu bong bóng vỡ, nó có thể gây nguy hại nghiêm trọng tới nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ này.
  
Hải Yến (theo AP)

13/07 IMF khuyến cáo Italy thắt lưng buộc bụng



Italy đang đối diện khả năng phải nhận gói giải cứu tài chính.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa yêu cầu Italy đảm bảo rằng họ "cương quyết thực hiện" việc cắt giảm chi tiêu để giảm nợ của quốc gia này.
Bình luận được đưa ra trong bối cảnh tiếp tục có quan ngại Italy có thể là nước tiếp theo bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực dùng đồng Euro.

Chính phủ Italy đang triển khai kế hoạch ngân sách thắt lưng buộc bụng.

IMF cho biết Rome có thể quá lạc quan về tăng trưởng kinh tế.

"Ban giám đốc [IMF] nhấn mạnh rằng việc cương quyết thực hiện giải pháp cắt giảm chi tiêu là hết sức quan trọng và cảm thấy rằng các biện pháp cắt giảm chi tiêu sẽ có tác động tích cực cho thị trường về tâm lý," phúc trình của IMF nói.

Phúc trình này nói kế hoạch cải cách thuế thiếu chi tiết, và chính phủ Ý phải làm nhiều hơn để thúc đẩy nền kinh tế.

"Chỉ có duy trì tăng trưởng bền vững mới giảm bớt gánh nặng nợ công," phúc trình nói thêm.

IMF dự đoán rằng nền kinh tế Ý sẽ tăng trưởng 1% trong năm nay, giảm từ mức 1,3% trong năm 2010.

Chỉ tiêu giảm thâm hụt
Mối quan ngại về tài chính của Italy khiến ​​chỉ số chứng khoán chính là FTSE MIB, giảm 4% vào một thời điểm hôm thứ Ba, trước khi hồi phục và tăng lại 1,2%.
Chỉ số chứng khoán tăng 1,2% trong phiên giao dịch đầu ngày thứ Tư đầu.

Bộ trưởng Tài chính Italy, Giulio Tremonti, đề xuất cắt giảm ngân sách 48 tỷ euro trong vòng ba năm, và nhằm mục đích cắt giảm thâm hụt từ 3,9% GDP trong năm nay xuống 0% vào năm 2014.
Ông đã đưa cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu tại Brussels lên sớm hơn vào hôm thứ Ba để có thể tiếp tục làm việc về kế hoạch thắt lưng buộc bụng.

Trong khi đó cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực dùng euro tiếp tục gây quan ngại và nợ của Cộng hòa Ai Len bị Moody’s hạ xuống mức kém an toàn vào hôm thứ Ba.

Moody cho hay có "khả năng đang gia tăng" là Cộng hòa Ai Len sẽ cần gói giải cứu tài chính thứ hai từ Liên minh châu Âu và IMF.

Cộng hòa Ai Len là một trong ba quốc gia tại khu vực đồng euro cho đến nay cần hỗ trợ tài chính như vậy, hai nước còn lại là Hy Lạp và Bồ Đào Nha.

13/07 Mỹ: FED vạch chiến lược thoát khỏi khủng hoảng

13/07/2011 | 10:30:00

Theo biên bản cuộc họp về chính sách mới đây của Ban Giám đốc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) được công bố ngày 12/7, FED đã thông qua một chiến lược 5 năm nhằm từng bước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ vẫn còn chia rẽ về việc sẽ áp dụng chính sách tiền tệ nào trong thời gian trung hạn.

Tại cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - diễn ra ngày 21-22/6 vừa qua, các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương Mỹ đã nhất trí rằng khi các điều kiện kinh tế cho phép, thể chế này sẽ bắt đầu nâng tỷ lệ lãi suất hiện ở mức rất thấp và sau đó dự kiến trong khoảng từ 3-5 năm sẽ dần dần bán tháo hàng tỷ USD trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ vốn được mua vào trước đây nhằm bơm tiền mặt cho nền kinh tế ốm yếu.

Các nhà hoạch định chính sách của FED cho biết, biện pháp này nhằm "giảm thiểu tối đa" những tác động có thể có đối với việc cấp tín dụng cho các khu vực của kinh tế Mỹ.

Các thành viên của FOMC cũng bày tỏ lo ngại về những tác động của vấn đề nợ công ở Mỹ và châu Âu đối với triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ.

FOMC cho rằng "sẽ có những hậu quả nghiêm trọng" đối với các thị trường tài chính và khả năng vay mượn của nước Mỹ trong trường hợp chính phủ liên bang không còn tiền mặt để chi trả các khoản chi tiêu khiến nước Mỹ có thể bị vỡ nợ.

Biên bản cuộc họp của FOMC nêu rõ sau khi thảo luận, trừ một người, tất cả các thành viên còn lại trong ủy ban đã thống nhất về những điểm mấu chốt của chiến lược đưa nền kinh tế Mỹ thoát khỏi khủng hoảng.

FOMC nhấn mạnh sẽ cân nhắc kỹ thời điểm và kế hoạch cụ thể để thực hiện chiến lược này, trong đó chú trọng việc thúc đẩy tạo thêm nhiều việc làm và duy trì giá cả ổn định.

Trong khi đó, báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 12/7 cho thấy, thâm hụt thương mại của nước này đã tăng hơn 15% trong tháng Năm, vào khoảng 50,2 tỷ USD, mức cao nhất trong hơn 30 tháng qua (từ tháng 10/2008).

Mức thâm hụt trên cao hơn con số mà các nhà phân tích Phố Wall đưa ra trước đó là 44,5 tỷ USD.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tăng kim ngạch nhập khẩu là do giá dầu tăng cao, đạt mức kỷ lục vào cuối mùa Xuân vừa qua với giá mỗi thùng dầu tăng 41 cent so với một năm trước. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng, thâm hụt thương mại sẽ sớm giảm do giá dầu đã hạ trong những tháng gần đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

13/07 Eurozone họp hội nghị giải quyết khủng hoảng nợ

13/07/2011 | 10:40:00

Theo báo chí Bỉ, Hội nghị thượng đỉnh bất thường các nhà lãnh đạo khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có khả năng sẽ diễn ra vào ngày 15/7 tại Brussels.

Hội nghị nhằm tìm kiếm các biện pháp giải quyết khủng hoảng nợ ngày một nghiêm trọng đang lây lan sang Italy, Tây Ban Nha và có nguy cơ đe dọa sự sống còn của đồng tiền chung châu Âu euro sau 12 năm ra đời.

Khả năng diễn ra cuộc họp thượng đỉnh bất thường chứng tỏ mối lo lắng đang gia tăng của các nhà lãnh đạo châu Âu trước mối nguy hiểm của cuộc khủng hoảng nợ đang đe dọa Italy và Tây Ban Nha.

Lãi xuất yêu cầu của thị trường tài chính để cho Italy và Tây Ban Nha vay đã tăng lên rất mạnh trong khi thị trường chứng khoản mất điểm.

Tình hình này đang đặt châu Âu dưới áp lực rất lớn trong việc vượt qua những bất đồng liên quan đến các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng và đặc biệt thống nhất gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp.

Cuộc họp của các Bộ trưởng tài chính Eurozone ngày 11/7 vừa qua đã đạt được một số kết quả nhất định như quyết định tăng cường quỹ cứu trợ tài chính bằng cách trang bị thêm cho quỹ một số công cụ mới cũng như giảm lãi suất đối với các khoản vay dành cho Hy Lạp trong gói cứu trợ thứ hai.

Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn chưa đủ để thuyết phục được thị trường tài chính./.

(Vietnam+)

13/07 Vỡ nợ sẽ tác động xấu đến hệ thống tài chính Mỹ

13/07/2011 | 15:11:00

Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg ngày 12/7 cảnh báo rằng việc Mỹ rơi vào tình trạng bị vỡ nợ sẽ tác động mang tính thảm họa đối với hệ thống tài chính của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Theo ông Bloomberg, người được đánh giá là một trong những ứng cử viên cho vị trí Bộ trưởng Tài chính, thay ông Timothy Geithner, nhấn mạnh Chính phủ Mỹ phải tránh gây tổn hại đến nền kinh tế đất nước, cũng như sự tín nhiệm của Mỹ trên thế giới bằng cách tự đẩy mình vào cảnh vỡ nợ lần đầu tiên.

Hiện nay, Quốc hội Mỹ và Tổng thống Barack Obama vẫn đang tranh cãi về một thỏa hiệp cho phép nâng mức trần nợ của Mỹ lên 14.300 tỷ USD.

Các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa đối lập hiện kiểm soát Hạ viện Mỹ phản đối việc tăng thuế, trong khi lãnh đạo đảng Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện lại phản đối việc cắt giảm ngân sách dành cho các chương trình an sinh xã hội và chăm sóc y tế. Nếu như chính quyền của Tổng thống Obama và Quốc hội Mỹ không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào trước ngày 2/8 tới, nước Mỹ sẽ rơi vào thảm cảnh "hết tiền."

Thị trưởng Bloomberg, được đánh giá là một chuyên gia tài chính, cảnh báo việc Mỹ bị vỡ nợ sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là vào thời điểm nước này đang cố gắng phục hồi từ cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất trong mấy thập kỷ qua.

Trong một diễn biến liên quan, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lo ngại rằng sự suy yếu của thị trường việc làm có thể tác động tiêu cực đối với sự phục hồi kinh tế của Mỹ. Theo họ, kinh tế Mỹ sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong nửa cuối của năm nay sau khi có dấu hiệu chững lại vào mùa Xuân. Tuy nhiên, triển vọng đối với cả tình trạng việc làm và lạm phát đều không chắc chắn, do đà tăng trưởng chậm của nền kinh tế và giá năng lượng leo thang.

Kinh tế Mỹ chỉ tạo thêm được 18.000 việc làm trong tháng Sáu năm nay, mức thấp nhất trong vòng 9 tháng qua.

Các số liệu việc làm trong tháng Năm vừa qua cũng bị điều chỉnh theo hướng thấp đi, chỉ có thêm 25.000 việc làm, ít hơn một nửa so với các báo cáo trước đó. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên 9,2%, mức cao nhất trong năm nay. Các công ty Mỹ đã giảm các kế hoạch tuyển dụng lao động sau khi thuê mướn trung bình khoảng 215.000 việc/tháng trong giai đoạn từ tháng Hai đến tháng tư năm nay.

Theo các nhà phân tích, kinh tế Mỹ cần thêm ít nhất 125.000 việc làm/tháng để theo kịp tăng trưởng dân số.

FED đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2011 từ 3,1-3,3% xuống còn 2,7-2,9%, đồng thời cho biết tỷ lệ thất nghiệp sẽ cao hơn so với dự kiến trước đó. Giới phân tích cho rằng kinh tế Mỹ cần phải đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2011 để có thể kéo tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống./.

Khắc Hiếu (TTXVN/Vietnam+)

13/07 IMF sẽ có phó giám đốc điều hành người Trung Quốc và Mỹ

Thứ 4, 13/07/2011, 06:59


Ngày thứ Ba, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công bố sẽ bổ nhiệm tư vấn của Nhà trắng, ông David Lipton làm quan chức cấp cao thứ 2 và đưa ông Zhu Min, hiện đang làm phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, lên một vị phí phó giám đốc điều hành mới được lập ra.
Việc bổ nhiệm quan chức cấp cao mới của Tổng giám đốc điều hành IMF, bà Christine Lagarde, cho thấy quan điểm không thay đổi: châu Âu giữ vị trí cao nhất và Mỹ nắm vị trí thứ 2.
Việc bổ nhiệm ông Zhu chẳng qua là động thái để cân bằng lãnh đạo với sự đại diện từ nhóm thị trường mới nổi.
Ông Lipton, trợ lý đặc biệt cho Tổng thống Mỹ về các vấn đề kinh tế quốc tế, từng làm quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ thời kỳ cựu Tổng thống Bill Clinton. Ông sẽ có vai trò làm cầu nối giữa IMF và Mỹ, tổ chức cấp tiền nhiều và có quyền lực nhất đối với IMF.
Ông Lipton, 57 tuổi, sẽ trở thành tư vấn đặc biệt cho bà Lagarde từ ngày 26/07/2011 trước khi nhận nhiệm vụ mới của chức vụ phó giám đốc điều hành từ ngày 01/09/2011. Ông sẽ trở thành người kế nhiệm cho ông John Lipsky, người sẽ vẫn giữ vai trò tư vấn đặc biệt cho tổng giám đốc IMF cho đến tháng 11/2011.
Khởi đầu với vai trò nhân viên IMF vào thập niên 1980, ông Lipton đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới chuyển hướng suốt 3 thập kỷ qua. Ông là quan chức hàng đầu của Nhà Trắng về vấn đề khủng hoảng nợ châu Âu, định hướng hỗ trợ kinh tế của Mỹ dành cho Pakistan và tính toán về gói giải cứu dành cho Ai Cập cũng như Tusisia.
Trước khi làm chính trị, ông Lipton làm việc tại Citigroup trong vai trò trưởng bộ phận quản lý rủi ro và giám đốc điều hành tại Moore Capital Management.
Việc bổ nhiệm ông Zhu, hiện đã là quan chức cấp cao thuộc IMF, cho thấy bà Lagarde đã thực hiện cam kết cho thị trường mới nổi có tiếng nói lớn hơn trong quỹ. Nhóm nước này bao lâu nay đã phản đối thỏa thuận ngầm giữa Mỹ và châu Âu về quyền lãnh đạo tại IMF.
Ngọc Diệp
Theo WSJ