Hội nghị Bộ trưởng tài chính 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng các lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bắt đầu diễn ra tại Hàn Quốc từ chiều 22/10, với tâm điểm là chiến tranh tiền tệ.
Các nhà hoạch định chính sách tài chính G20 lo ngại việc này có thể dẫn đến một cuộc suy thoái toàn cầu lần nữa.
Tấm biển chào mừng Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàn Quốc. Ảnh: AP
Ngay trước khi Hội nghị G20 khai mạc, ông Jim Flaherty – Bộ trưởng Tài chính Canada cho biết các nước G20 sẽ cùng thống nhất với nhau về hướng giải quyết vấn đề tiền tệ. Ông nói: “Điều mà chúng tôi cố gắng đạt được chính là một kế hoạch hành động nhằm ngăn chặn các nước cố tình bảo vệ đồng tiền của nước mình bằng nhiều cách”.
Ông giải thích lý do là vì không một thành viên G20 nào muốn mình quá hung hăng hoặc phải rời khỏi đây mà không đạt được bất cứ sự thỏa thuận nào. Các quan chức nước chủ nhà Hàn Quốc dự đoán sẽ có tiến triển trong việc giải quyết các vấn đề về tiền tệ. Người ta lo ngại các quốc gia sẽ hạ giá đồng tiền của mình một cách quyết liệt để bảo vệ hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cũng cảnh báo thế giới không nên hy vọng vào cái gọi là “Cuộc mặc cả lớn như trong “Thỏa thuận Plaza” năm 1985 - làm đồng USD mất giá so với các loại tiền chủ yếu khác.
Trước phiên họp của G20, bộ trưởng các nước G7 cũng đã nhóm họp với nhau. Ông Flaherty đã chủ trì các buổi nói chuyện đó và kết luận rằng các nước đã “trao đổi quan điểm một cách thẳng thắn” tại các buổi họp không chính thức này.
Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - đang phải đối mặt với sức ép nhằm khiến nước này dừng việc kiểm soát tiền tệ, vì theo như Mỹ, EU và Nhật Bản, đồng NDT đang bị định giá quá thấp.
Việc đồng USD mất giá càng làm tăng lượng tiền đổ vào đồng tiền các nước châu Á. Tuy nhiên, có những lo ngại rằng dòng tiền này có thể gây ra sự bất ổn cho các nền kinh tế.
Nhà nghiên cứu Jeong Young-Sik tại Viện nghiên cứu kinh tế Samsung ở Seoul lại không thấy được sự thống nhất trong lập trường của các nước châu Á tại Hội nghị G20 lần này. Ông cho rằng Nhật Bản, với vị thế là một nước phát triển mạnh, sẽ có quan điểm gần với Mỹ hơn. Trong khi Hàn Quốc và Trung Quốc lại khá nhạy cảm đối với vấn đề nâng giá đồng tiền của nước họ.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Tài chính Nhật - ông Yoshihiko Noda - đã tuyên bố rằng vai trò chủ tịch hội nghị lần này của Hàn Quốc sẽ bị nghi ngờ nếu như nước này tiếp tục can thiệp vào việc hạ giá đồng won.
Thế nhưng, vào thứ 6 tuần này, ông Noda cũng đã từ chối lời đề nghị của Mỹ rằng tất cả các nước G20 nên đồng ý về một mục tiêu chung cho cán cân thanh toán vãng lai để giải quyết những căng thẳng về tiền tệ. Ông đã gọi mục tiêu “số học” này là không tưởng.
Các bộ trưởng tài chính G20 tại phiên khai mạc chiều qua ở Hàn Quốc. Ảnh: AFP
Trong một bức thư gửi các thành viên G20, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã thúc giục các nước có mức thặng dư thương mại lớn, đặc biệt là Trung Quốc, thay đổi chính sách để tăng cường các yếu tố phát triển trong nước và hỗ trợ nhu cầu quốc tế. Cùng lúc đó, ông cũng nói các nước đang phải chịu thâm hụt thương mại và ngân sách như Mỹ nên tập trung vào các chính sách bền vững để cắt giảm cả hai việc trên.
Cuộc họp lần này kéo dài trong hai ngày thứ 6 và thứ 7, mục đích chính là để chốt lại chương trình nghị sự cho Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 sẽ diễn ra tại Seoul vào tháng tới. Hội nghị lần này có sự tham gia của 112 CEO trên toàn thế giới, bao gồm cả nhà sáng lập Microsoft Bill Gates. Theo thông báo, có tổng cộng 35 CEO từ lĩnh vực sản xuất và CNTT, 28 CEO từ tài chính, 25 từ năng lượng, 24 từ hậu cần, hàng hải và các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, Hội nghị lần này sẽ không có sự góp mặt của ông Guido Mantega - Bộ trưởng tài chính Brazil và ông Henrique Meirelles - Thống đốc ngân hàng trung ương Brazil. Lý do cho sự vắng mặt của ông Mantega vẫn chưa được tiết lộ. Còn ông Meirelles nói rằng do còn một số vấn đề cần phải giải quyết nên ông sẽ không thể tham dự. Chính ông Mantega là người đầu tiên nói rằng thế giới đang đối mặt với cuộc chiến tranh tiền tệ.
Hà Thu