15/09 Vì sao Trung Quốc “chìa tay” giải cứu châu Âu?

HỒNG NGỌC
15/09/2011 09:56 (GMT+7)
pictureKhông hề miễn phí, phía sau đề nghị giải cứu châu Âu của Trung Quốc còn có điều kiện đi kèm - Ảnh: Getty.
E-mailBản để inCỡ chữChia sẻ:facebooktwittergooglerss
Giữa lúc châu Âu đang bấn loạn với việc giải quyết bài toán nợ công, việc Trung Quốc ngỏ ý giúp đỡ lục địa già vượt qua khó khăn có thể coi như một cơn mưa rào giữa trời khô hạn.

Tuy nhiên, không có chuyện miễn phí, phía sau đề nghị của Trung Quốc còn có điều kiện đi kèm, đài RFI cho hay.

15/09 Nợ công châu Âu có còn thuốc chữa?


▪  HỒNG NGỌC
15/09/2011 08:27 (GMT+7)
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Ba Lan tuyên bố, Liên minh châu Âu có thể bị hủy hoại vì cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Hôm qua (14/9), ông Jacek Rostowski, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ba Lan, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, tuyên bố tổ chức này có thể bị hủy hoại vì cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

"Châu Âu đang gặp nguy hiểm. Nếu Eurozone tan rã, Liên minh Châu Âu sẽ không thể tồn tại và những hậu quả thì bất cứ ai cũng có thể tưởng tượng được", ông Rostowski phát biểu tại Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp.

Nhất trí với nhận định của ông Rostowski, lãnh đạo Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso cho rằng, châu Âu đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tồi tệ. "Đó là một trận chiến cho tương lai chính trị của châu Âu cũng như cho sự hòa nhập của châu Âu nói chung", ông nói.

Trước đó một ngày, hôm 13/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng yêu cầu lãnh đạo châu Âu phải có trách nhiệm với cuộc khủng hoảng nợ. “Các nhà lãnh đạo của khu vực châu Âu cần nhóm họp và quyết định phương án hợp tác điều tiết tiền tệ cùng chính sách tài chính hiệu quả và tập trung hơn”, ông Obama tuyên bố.

“Họ đã làm các bước để hãm đà khủng hoảng chứ chưa giải quyết được khủng hoảng. Chúng ta vẫn tiếp tục chứng kiến sự yếu kém của nền kinh tế thế giới cho tới khi vấn đề này kết thúc”, Tổng thống Mỹ nói thêm.

Theo báo cáo thường niên về tình hình tài chính công châu Âu của Ủy ban Châu Âu công bố hôm 13/9, nợ công của 17 nước Khu vực đồng tiền chung sẽ tiếp tục tăng và có thể lên tới 88,7% GDP vào năm 2012, bất chấp việc kinh tế tăng trưởng trở lại.

Ủy ban trên dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay của khu vực đồng Euro ở mức 1,8%, tương đương năm ngoái. Nhưng tỷ lệ nợ/GDP tại đây tiếp tục tăng sau các đợt tăng cao trong năm 2008-2009 và 2009-2010 vào lúc cao điểm của cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Theo Ủy ban Châu Âu, nợ sẽ chiếm 87,9% GDP của nhóm trong năm nay. Riêng tỷ lệ nợ/GDP của Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha cũng như Italy sẽ lên tới hơn 100%, trong khi mức trần theo quy định của Liên minh châu Âu chỉ là 60%. Năm 2007, tỷ lệ nợ/GDP trong Khu vực đồng tiền chung mới chỉ ở mức 66,3%.

Còn đối với Liên minh Châu Âu gồm 27 thành viên, tỷ lệ nợ/GDP được điều chỉnh tăng từ mức 59% của năm 2007 lên mức dự báo 83,3% cho năm tới.

Cuối buổi chiều qua (14/9), tổ chức định mức tín nhiệm Moody's đã hạ bậc xếp hạng tín dụng của hai nhà băng hàng đầu nước Pháp. Theo đó, xếp hạng của Credit Agricole bị hạ từ Aa1 xuống Aa2 trong khi mức đánh giá đối với Societe Generale bị đưa từ Aa2 xuống Aa3. Triển vọng xếp hạng đối với cả 2 ngân hàng là “tiêu cực”.

Một ngân hàng uy tín khác của Pháp là BNP Paribas cũng bị Moody’s đưa vào diện xem xét hạ bậc. Tuy nhiên, theo hãng tin BBC, quyết định cuối cùng chưa được hãng này đưa ra.

Sức khỏe tài chính của các ngân hàng Pháp xấu đi trong mắt các cơ quan đánh giá tín nhiệm chủ yếu xuất phát từ việc đầu tư của các nhà băng này vào trái phiếu của Hy Lạp - quốc gia được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là đang cận kề nguy cơ vỡ nợ.

Dẫn giải cho quyết định hạ bậc tín nhiệm đối với Societe Generale và Credit Agricole, Moody’s cho rằng các ngân hàng này có thể thua lỗ lớn từ số trái phiếu của Chính phủ Hy Lạp. Đó là chưa kể đến số nợ của Ireland và Bồ Đào Nha này đang nắm trong tay.

Ngoài ra, Moody’s cũng khẳng định việc hạ xếp hạng đối với các ngân hàng nêu trên phần nào cho thấy sự “mong manh” của thị trường tài chính hiện nay. Sự kiện này cũng làm xấu đi khá nhiều bức tranh kinh tế tại châu Âu.

Quyết định của Moody's đã ngay lập tức phản ánh lên giá trị của đồng Euro. Trong phiên giao dịch 14/9 tại châu Á, đồng Euro xuống giá mạnh so với USD và Yên Nhật. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch buổi chiều tại Tokyo, Euro được giao dịch ở mức 1,3631 USD, giảm so với mức 1,3682 USD vào cuối phiên 13/9 tại New York.

Đồng tiền chung châu Âu cũng giảm giá so với đồng Yên của Nhật Bản, từ mức 105,21 Yên/Euro xuống 104,82 Yên/Euro. Trong khi đó, tỷ giá giữa đồng USD và đồng Yên hầu như không thay đổi so với phiên trước đó, đứng ở mức 76,86 Yên/USD.

Tuy nhiên, đúng như sự chờ đợi của giới phân tích, cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Angela Merkel, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou diễn ra vào tối qua (14/9) đã nhanh chóng xoa dịu những lo lắng của các thị trường về nguy cơ vỡ nợ công của châu Âu.

Hôm qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã thỏa thuận rằng, Hy Lạp sẽ tiếp tục ở lại Khu vực đồng Euro, bất chấp cuộc khủng hoảng nợ ngày càng gay cấn ở quốc gia này.

Trong cuộc hội đàm trên điện thoại diễn ra tối qua, các quan chức trên cho biết, họ ủng hộ quyết định đạt được tại một hội nghị các lãnh đạo châu Âu hồi tháng 7, theo đó sẽ giải cứu Hy Lạp ra khỏi nguy cơ vỡ nợ công, hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên Chính phủ Hy Lạp cho biết.

Về phía Hy Lạp, Thủ tướng Papandreou cũng khẳng định nước này quyết tâm thực hiện đầy đủ các cam kết với Liên minh Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách để hạ nhiệt mức nợ công đang ngày một phình to.

Thị trường cũng phản ứng tích cực với thông tin Ủy ban Châu Âu đề xuất phát hành trái phiếu Eurozone để giải cứu Hy Lạp, mặc dù cho tới giờ phút này việc phát hành trái phiếu vẫn vấp phải sự phản đối của một số nước thành viên.

Ngoài ra, việc Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm về kế hoạch thắt lưng buộc bụng mới ở nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu này, cũng góp phần xoa dịu tâm lý của giới đầu cơ trên các thị trường hàng hóa.

Bên cạnh những quyết tâm của giới chức châu Âu, tuyên bố mới đây của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo về việc nước này sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào Khu vực đồng tiền chung châu Âu và kêu gọi các nước phương Tây đang đối mặt khủng hoảng nợ cố gắng ổn định tình hình kinh tế trong nước, cũng được xem là một yếu tố tích cực.

Phát biểu trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại thành phố cảng Đại Liên (Trung Quốc), ông Ôn Gia Bảo cho rằng sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu sẽ là một quá trình "dài" và "khó khăn", song Trung Quốc vẫn quan tâm đến việc mở rộng đầu tư vào các khoản nợ công tại châu Âu.

Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã có cuộc đàm phán với Italy nhằm đi tới thỏa thuận mua trái phiếu Chính phủ nước này và đầu tư vào một số công ty chiến lược. Triển vọng đầu tư của Bắc Kinh vào Italy diễn ra đúng vào thời điểm thị trường yêu cầu tăng lãi suất mua nợ công của Italy, dự kiến tăng tới mức 120% GDP trong năm nay.

Giới phân tích hiện đang chờ đợi kết quả cuộc họp không chính thức các bộ trưởng tài chính châu Âu diễn ra vào ngày mai (16/9) tại Wroclaw, Ba Lan, với sự tham dự khá bất ngờ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Timothy Geithner.

Đây là chuyến công du châu Âu thứ hai của ông Geithner trong vòng một tuần sau khi ông có cuộc gặp với các đối tác chính của EU tại Hội nghị Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cuối tuần trước nhằm thảo luận về tác động của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đối với kinh tế thế giới.

Ông Geithner dự kiến kêu gọi các bộ trưởng tài chính Eurozone nhanh chóng phê chuẩn các khoản đóng góp của mỗi nước trong gói cứu trợ chung dành cho Hy Lạp. Tuy nhiên, quy mô quĩ cứu trợ không được đề cập.

Những thông tin tích cực này đã tác động tới diễn biến trên các thị trường vàng, chứng khoán, dầu trong phiên giao dịch đêm 14/9. Trong đó, chứng khoán hồi phục mạnh, giá dầu thô, vàng đồng loạt lao dốc.

Cụ thể, trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 140,88 điểm, tương ứng 1,27%, lên 11.246,73 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 15,81 điểm, tương ứng 1,35%, lên 1.188,68 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 40,40 điểm, tương ứng 1,60%, lên 2.572,55 điểm.

Các sàn chứng khoán khu vực châu Âu cũng tăng mạnh phiên thứ hai liên tiếp. Chỉ số FTSE 100 của thị trường Anh tăng 1,02% lên 5.227,02 điểm. Chỉ số CAC 40 của chứng khoán Pháp cộng 1,87% lên 2.949,14 điểm và chỉ số DAX của thị trường Đức nhảy tớt 3,36% lên 5.340,19 điểm.

Trên thị trường dầu, chốt phiên giao dịch hàng hóa New York (Mỹ) đêm qua, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 10/2011 bốc hơi 1,30 USD, tương ứng 1,4%, xuống còn 88,91 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu hợp đồng loại này đã rớt xuống mức thấp mới là 88,21 USD/thùng.

Cùng với dầu thô, giá vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.819,2 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 3,2 USD xuống 1.826,5 USD/oz. Trong ngày, giá vàng có thời điểm xuống 1.807,6 USD/ounce và lên mức cao nhất ở ngưỡng 1.838,7 USD/ounce.

15/09 Vì sao Trung Quốc “chìa tay” giải cứu châu Âu?


▪  HỒNG NGỌC
15/09/2011 09:56 (GMT+7)
 
Không hề miễn phí, phía sau đề nghị giải cứu châu Âu của Trung Quốc còn có điều kiện đi kèm - Ảnh: Getty.
Giữa lúc châu Âu đang bấn loạn với việc giải quyết bài toán nợ công, việc Trung Quốc ngỏ ý giúp đỡ lục địa già vượt qua khó khăn có thể coi như một cơn mưa rào giữa trời khô hạn.

Tuy nhiên, không có chuyện miễn phí, phía sau đề nghị của Trung Quốc còn có điều kiện đi kèm, đài RFI cho hay.

Hôm qua (14/9), tại phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 5 ở Đại Liên (Liêu Ninh, Trung Quốc), trước đại diện chính phủ và các doanh nhân của hơn 90 nước, Thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định chính phủ nước này sẵn sàng làm nhiều hơn nữa để lấy lại cân bằng cho tăng trưởng kinh tế thế giới.

Ông Ôn Gia Bảo nêu rõ, Trung Quốc sẽ tiếp tục tích cực tham gia tiến trình toàn cầu hóa kinh tế, thúc đẩy việc xây dựng hệ thống mậu dịch quốc tế cũng như thể chế tài chính công bằng và hợp lý, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan để môi trường đầu tư trở nên công khai hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp các nước.

Sau khi đưa ra những hứa hẹn Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư vào châu Âu, lục địa vốn đang lún sâu trong cuộc khủng hoảng nợ công, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã hối thúc các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu "đáp lễ" bằng cách công nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường đầy đủ trước lịch trình đề ra.

Theo lịch trình của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đến năm 2016 kinh tế Trung Quốc mới được xem xét để được hưởng quy chế đầy đủ của một nền kinh tế thị trường. Quy chế này sẽ giúp cho Trung Quốc gỡ bỏ được những hạn chế về đầu tư và xuất khẩu sang châu Âu.

Tuyên bố nêu trên của Thủ tướng Trung Quốc đưa ra đúng vào lúc mà các quốc gia mới trỗi dậy trong nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) vào tuần tới cũng sẽ thảo luận về khả năng hỗ trợ Liên minh châu Âu giải quyết dứt điểm bài toán nợ công đã kéo dài dai dẳng suốt thời gian qua.

Trên thực tế, vào cuối năm ngoái, khi Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính, thành công trong việc phục hồi kinh tế, người ta cũng đã đặt dấu hỏi về những gì Bắc Kinh mong đợi từ việc trợ giúp này.

Theo các nhà phân tích tình hình thế giới, Trung Quốc đã tính toán kỹ lưỡng những mối lợi về kinh tế, chính trị, uy tín, khi đầu tư mua trái phiếu chính phủ của các nước châu Âu.

Trước hết, đó là việc Trung Quốc muốn đa dạng hóa đầu tư tài chính, giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD. Để đảm bảo an toàn trong quản lý ngoại hối, việc đa dạng hóa các ngoại tệ dự trữ là một điều kiện quan trọng. Ngoài trái phiếu của các nước châu Âu, Trung Quốc cũng đã mua vào không ít trái phiếu chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc.

Thứ hai, châu Âu đã là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Việc Bắc Kinh giúp đỡ châu Âu về tài chính, có thể giúp hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục thuận lợi chảy vào thị trường này, đồng thời cũng thu hút được thêm các công nghệ cao nhập khẩu từ châu Âu.

Trong bài bình luận "Trung Quốc sẽ cởi mở hơn với thế giới" đăng trên tờ báo Đức Sueddeutsche Zeitung hồi tháng 1 năm nay, Phó thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng viết, "chúng tôi hy vọng rằng, Liên minh châu Âu sẽ nới lỏng hạn chế với hàng xuất khẩu công nghệ cao tới Trung Quốc… và phát triển quan hệ thương mại cân bằng, ổn định”.

Theo giới phân tích, thông điệp này là rất rõ ràng. Với dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang chìa cánh tay sức mạnh tài chính để cứu châu Âu trong cơn vật lộn thời hậu suy thoái, nhằm đổi lấy công nghệ và mở cửa biên giới.

“Trung Quốc đã trở thành người cứu hoả của thế giới nhìn về khía cạnh tài chính. Họ vận dụng cách này ở khắp nơi, và công nghệ cao là với châu Âu cũng như hàng hoá với châu Phi”, José Ignacio Torreblanca, nhà nghiên cứu cấp cao của Hội đồng đối ngoại châu Âu nói. “Và châu Âu không còn chọn lựa nào khác ngoài việc chấp nhận”.

Ngoài ra, theo giáo sư kinh tế Patrick Chovanec của Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh), trong vai trò nước hỗ trợ tài chính cho châu Âu, Trung Quốc sẽ có lợi về mặt chính trị và ngoại giao. Châu Âu và Trung Quốc hiện vẫn tồn tại những mâu thuẫn, như buôn bán vũ khí hay tỷ giá Nhân dân tệ.

Có thể nói, việc Trung Quốc mua trái phiếu chính phủ của các nước châu Âu là một cách để nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tạo nền móng vững chắc cho vị thế cường quốc, bảo đảm an toàn cho việc xuất khẩu, đồng thời tiếp tục theo đuổi và thực hiện thành công các chính sách về chính trị và ngoại giao.
 
Thảo luận (6 ý kiến)
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
 
Phan Bảo Lâm 16:37 (GMT+7) - Thứ Sáu, 23/9/2011
Tôi vừa đồng ý vừa không đồng ý với bạn Nguyễn Lưu.

Không phải châu Âu nghiên cứu ra công nghệ gì cũng áp dụng nó ngay mà cần phải qua thử nghiệm, đặc biệt là đánh giá về hiệu quả kinh tế.

Ví như dường sắt cao tốc, công nghệ của Nhật được xem là hàng đầu TG nhưng vẫn kém của Đức nhưng người Đức không phát triển đường sắt cao tốc vì hiệu quả kinh tế của nó quá thấp mà họ ứng dụng công nghệ ấy vào việc khác. Nước tạo ra công nghệ thì họ biết dùng công nghệ vào việc gì có ích nhất, không việc này thì việc kia.

Còn nước học hỏi công nghệ như TQ ngoài việc xây đường sắt cao tốc ra chả biết dùng công nghệ ấy vào việc gì khác. Lẽ tất nhiên, mỗi 1 lĩnh vựa đòi hỏi sự kết hợp của nhiều loại công nghệ khác nhau 1 cách muôn hình vạn trạng chớ không cứng nhắc loại công nghệ này chỉ áp dụng cho mỗi 1 việc nhất định nào đó.

Về điều này thì TQ kém xa châu Âu. Nói cách khác là trình độ ứng dụng công nghệ của TQ còn rất kém, còn nặng về copy rập khuôn. Nếu TQ đạt đến trình độ ấy thì tin rằng TQ chỉ có thể so sánh với… Mỹ.

Các nước châu Âu hiện nay đang đổ rất nhiều tiền vào nghiên cứu công nghệ hạt cơ bản gồm năng lượng và vật liệu phi tự nhiên mà cụ thể là công trình đường hầm lượng tử dài 31 km đã được đưa vào vận hành mấy năm trước. Đó là công trình nghiên cứu của tương lai (kết quả được áp dụng trong 50 năm nữa).

Còn phát minh sáng chế thì, 1 triệu phát minh sáng chế không bán được lấy 1 xu không bằng 1 phát minh sáng chế bán được 1 triệu đơn vị tiền tệ bất kỳ. Vấn đề không phải là số lượng phát minh sáng chế mà là có bao nhiêu phát minh sáng chế đi vào cuộc sống con người.

Về điều này, TQ chỉ có thể tự hào nhờ phát minh sáng chế của… tổ tiên họ mấy nghìn năm trước. Còn việc TQ chìa tay ra “cứu” châu Âu chỉ là cách để họ chiếm lĩnh thị trường hàng hóa châu Âu mà thôi.

Theo tôi nghĩ, TQ nên cứu chính họ thì hơn. Đa phần người dân TQ còn nghèo, chỉ 1/3 dân số đạt đến mức thu nhập trung lưu, phần lớn thu nhập được tích trữ trong… quỹ dự trữ ngoại hối khổng lồ của họ cho thấy họ đang bế tắc về các vấn đề xã hội.

Châu Âu nợ công cao chính là do họ chi tiêu thái quá vào các hoạt động xã hội. 1 anh ki cóp tiền và 1 anh xài tiền vô độ, bảo anh ki cóp tiền cứu anh xài tiền vô độ thì bao nhiêu cho đủ. Nợ công của châu Âu phải do chính châu Âu tự giải quyết thông qua các chính sách tài chính đối nội và giữa các nước thành viên.

Khi chưa có biện pháp giải quyết căn cơ thì mọi sự giúp đỡ từ bên ngoài chỉ như muối bỏ biển, chả khác nào cho thằng nghiện cờ bạc mượn tiền đi đánh bài.

Khi người châu Âu không tự hạn chế được chi tiêu của chính họ (1 tuần chỉ làm việc có 4 ngày rưỡi mà lãnh lương bằng cha người ta) thì không ai cứu được họ.
Đặng Xuân Tấn 15:28 (GMT+7) - Thứ Ba, 20/9/2011
- Một xu hướng không thể nào cưỡng nỗi của kinh tế thế giới là sức mạnh kinh tế sẽ chuyển dần từ Tây (các nước phát triển nói rộng) sang Đông (các nước mới phát triển), cũng chẳng khác gì qui luật tự nhiên là, nước, ở nơi quá đầy, quá bão hòa, tất yếu sẽ chuyển sang nơi còn quá trũng.

Nếu các nước phát triển không làm CÁI GÌ LỚN, thì dầu có cản trở này, cản trở nọ như bảo hộ mậu dịch, bảo hộ công nghệ thì, MỘT NGÀY NÀO ĐÓ, nó vẫn chảy đến, như dòng chảy của tự nhiên, mà không gì cưỡng nỗi.

- Các nước đã phát triển, không ngồi yên để chờ MỘT NGÀY NÀO ĐÓ, mà họ làm CÁI GÌ LỚN. May mắn cho các nước phát triển là trong nhóm "các nước mới phát triển", có một nước lớn nhất mà trong lịch sử phát triển của nó, để lại quá nhiều nghi kỵ cho hầu hết các nước còn lại.

Tận dụng điều này, các nước phát triển thực hiện CÁI GÌ LỚN thứ nhật - chiến lược "không chiến tự nhiên thành". Đây là chiến lược liên quan đến kinh tế mà các nước phát triển triển khai hàng chục năm nay... Nếu chiến lược này không thành công thì không tránh khỏi CÁI GÌ LỚN thứ 2 - "phải chiến mới có thành".

- Nước lớn nhất nhóm "mới phát triển" cũng biết điều này, và lại dùng chiến lược "chia rẽ nội bộ". "Chìa tay giải cứu" là một trong những chiêu thức.

- Điều gì sẽ đến hồi sau sẽ rõ...
Sang Huỳnh 13:31 (GMT+7) - Thứ Ba, 20/9/2011
Tôi không đồng tình với ý kiến của bạn Nguyễn Lưu.

Trên thế giới, cách mạng công nghiệp đã trãi qua những lần đầu tiên của nó ngay chính tại Châu Âu, hay được gọi là lục địa già xứng đáng với sự phát triển lâu đời của nó.

Không thể phủ nhận sự vươn lên và duy trì vị trí hàng đầu của làng công nghiệp cơ khí hiện đại như Anh, Đức, Pháp... Trong khi tên tuổi của Trung Quốc chỉ có được nhờ thực hiện việc gia công cho những tên tuổi từ phương Tây và Nhật Bản. Ngoài ra, hầu hết là sản phẩm nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ và kém chất lượng!

Các viện dẫn minh họa để so sánh của bạn thiếu thuyết phục vì bạn sử dụng hai từ "có lẽ" nhiều quá, thay vì đưa ra bằng chứng thuyết phục.
Hoàng Văn Hùng 08:04 (GMT+7) - Thứ Bảy, 17/9/2011
Cảm ơn tác giả rất nhiều!

Bài viết đã khái quát được tình hình thế giới hiện nay và tham vọng của Trung Quốc.
Hoàn Lê 21:02 (GMT+7) - Thứ Năm, 15/9/2011
Bài viết hay quá. Cảm ơn tác giả rất nhiều. 
Nguyễn Lưu 13:36 (GMT+7) - Thứ Năm, 15/9/2011
Châu Âu hiện nay có công nghệ cao gì so với Trung Quốc:
- Điện tử: không
- Năng lượng mặt trời: không
- Năng lưọng mới (xe ô tô điện, ô tô lai): không
- Phát điện gió: không
- Cơ khí chế tạo: có lẽ chỉ còn Đức là có công nghệ cao hơn Trung Quốc trong lĩnh vực máy công cụ chính xác
- Đường sắt cao tốc: không
- Điện tử viễn thông: không
- Công nghệ quốc phòng: một số lĩnh vực Trung Quốc kém hơn nhưng một số phát triển hơn châu Âu
- Công nghệ sinh học: không có khác biệt rõ rệt

Như vậy, có lẽ chỉ còn lĩnh vực hàng không dân dụng (máy bay thương mại cỡ lớn) là châu Âu còn có ưu thế vượt trội so với Trung Quốc. Hầu hết các lĩnh vực khác, công nghệ của Trung Quốc đã ngang bằng, hoặc gần đuổi kịp hoặc thậm chí vượt xa công nghệ châu Âu. Báo cáo của WIPO hàng năm cho thấy, năm 2010, trong 5 công ty đứng đầu về bằng phát minh quốc tế, hai công ty là của Trung Quốc, 01 là của Nhật Bản.

Việc tiếp tục nói, châu Âu xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc hiện nay chủ yếu mang tính ngoại giao, hoặc nói theo thói quen, hoặc để thỏa mãn thị hiếu của độc giả phương Tây, vốn không chấp nhận một quốc gia đi sau không cùng chủng tộc và văn hóa lại vượt lên trên họ.

15/09 Chủ tịch WB: Kinh tế thế giới đang “trong vòng nguy hiểm”


▪  AN HUY
15/09/2011 13:39 (GMT+7)
 
Chủ tịch WB lo ngại kinh tế toàn cầu đã bước vào một giai đoạn nguy hiểm mới.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick nhận định, kinh tế toàn cầu đã bước vào một giai đoạn nguy hiểm mới, và châu Âu, Nhật Bản cùng Mỹ cần phải có những quyết sách cứng rắn để tránh kéo lùi tăng trường của thế giới.

“Trừ phi châu Âu, Nhật Bản và Mỹ thực thi trách nhiệm, còn không, họ sẽ không chỉ kéo lùi tăng trưởng của chính mình mà còn của cả nền kinh tế toàn cầu”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Zoellick trong một bài phát biểu tại Đại học George Washington, Mỹ.

“Họ đã trì hoãn quá lâu trong việc đưa ra những quyết định khó khăn, do đó những lựa chọn còn lại đến lúc này còn rất ít ỏi và không hề dễ dàng”, ông Zoellick nhận định trước thềm cuộc họp của WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tuần tới.

Reuters nhận định, bài phát biểu với những ngôn từ có phần gay gắt của vị Chủ tịch WB đã cho thấy mối lo ngại tăng cao của các nhà hoạch định chính sách toàn cầu về cuộc khủng hoảng nợ công đang leo thang ở châu Âu. Những mối lo về cuộc khủng hoảng này cũng đang che mờ những quan ngại về nền tài chính công và cải cách tại Mỹ và Nhật Bản.

Ông Zoellick nói thêm, cũng chính các quốc gia đang khiến thế giới căng thẳng mối lo nợ công đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc thể hiện vai trò toàn cầu với tư cách một cường quốc kinh tế. Bởi thế, các quốc gia này cần hành động có trách nhiệm và đối diện với những vấn đề kinh tế của chính mình.

Trước đó, vào ngày 13/9, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới diễn ra tại Trung Quốc, Thủ tướng nước này Ôn Gia Bảo đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia phát triển thực thi chính sách tài khóa và tiền tệ có trách nhiệm nhằm ngăn ngừa nguy cơ lan rộng của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Tuần tới, cuộc họp của IMF và WB tại Washington sẽ đặt trọng tâm vào chủ đề khủng hoảng nợ châu Âu và nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp. 

Ông Zoellick cho rằng, các nước châu Âu đang phủ nhận những sự thật không mấy dễ chịu về trách nhiệm chung của họ, trong khi Nhật Bản trì hoãn những cải cách kinh tế và xã hội cần thiết, còn sự chia tách chính trị ở Mỹ đang cản trở nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách.

“Thời gian không còn nữa. Nếu chúng ta không đi trước các sự kiện, nếu chúng ta không thích nghi với thay đổi, nếu chúng ta không vượt lên những tiểu xảo chính trị hoặc nhận thức ra rằng quyền lực đi cùng với trách nhiệm, chúng ta sẽ bị cuốn vào những dòng chảy nguy hiểm”, ông Zoellick nói.

Chủ tịch WB cho rằng, cuộc khủng hoảng của châu Âu đã đạt tới điểm mà các nhà lãnh đạo chính trị cần ra quyết định cho tương lai của khối sử dụng đồng Euro thay vì “giải quyết các vấn đề hàng ngày một cách chắp vá”. Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng khối Eurozone sẽ vượt qua được khủng hoảng.

Tuy nhiên, ông Zoellick nói thêm: “Để duy trì được Eurozone với tất cả các thành viên hiện tại, khối này cần một liên minh tài khóa mạnh hơn nhiều so với hiện nay. Nếu không, tôi không tin là Eurozone có thể duy trì được cấu trúc hiện nay”.

15/09 Top 50 doanh nghiệp châu Á, Trung Quốc áp đảo



 
  E-mail        Bản để in        Cỡ chữ        Chia sẻ:          Chia sẻ tin lên LinkHay.com
▪  HỒNG NGỌC
15/09/2011 10:41 (GMT+7)
 
Chưa từng có quốc gia nào góp mặt nhiều công ty trong Fab 50 như Trung Quốc.
Tạp chí chuyên xếp hạng Forbes mới đây đã công bố danh sách 50 doanh nghiệp hàng đầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Fab 50). Trong đó, chiếm phần lớn là các doanh nghiệp Trung Quốc, với 23 công ty.

Theo Forbes, ngành kinh doanh bất động sản, xây dựng, sản xuất ôtô, linh phụ kiện, khai thác vàng tiếp tục tăng trưởng bùng nổ ở Trung Quốc, đã giúp các doanh nghiệp này vượt lên trên các đối thủ khác ở châu Á. Từ khi Fab 50 được công bố vào năm 2005, chưa từng có quốc gia nào góp mặt nhiều công ty như Trung Quốc.

Tạp chí cho hay, xu hướng áp đảo của các doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy vị thế ngày càng tăng của nước này ở châu Á. Đứng sau Trung Quốc về số doanh nghiệp là Hàn Quốc với 8 đơn vị, Ấn Độ 7 công ty.

Đáng chú ý, lần đầu tiên không có doanh nghiệp nào của Nhật Bản lọt vào Fab 50 của Forbes. Năm ngoái, 2 công ty Nhật lọt vào danh sách này là Nintendo và Rakuten, trong khi năm 2005 là 13 doanh nghiệp.

Để đưa ra Fab 50. Forbes đã chọn lựa từ hơn 1.000 công ty châu Á - Thái Bình Dương có doanh thu hoặc giá trị vốn thị trường ít nhất ba tỷ USD; đánh giá dựa trên hiệu suất tài chính trong vòng 5 năm qua, trừ những công ty nợ quá nhiều hoặc chính phủ sở hữu từ 50% cổ phần trở lên.

Dưới đây là 10 doanh nghiệp lớn nhất châu Á về vốn hóa thị trường:

1. Tencent Holdings


Quốc gia: Trung Quốc
Giá trị vốn hóa: 44,3 tỷ USD
Doanh thu: 3 tỷ USD
Lĩnh vực kinh doanh: Công nghệ

2. Tata Consultancy Services


Quốc gia: Ấn Độ
Giá trị vốn hóa: 44,3 tỷ USD
Doanh thu: 8,4 tỷ USD
Lĩnh vực kinh doanh: Công nghệ

3. China Merchants Bank


Quốc gia: Trung Quốc
Giá trị vốn hóa: 41,6 tỷ USD
Doanh thu: 15,2 tỷ USD
Lĩnh vực kinh doanh: Ngân hàng

4. Wesfarmers


Quốc gia: Australia
Giá trị vốn hóa: 38,1 tỷ USD
Doanh thu: 58,4 tỷ USD
Lĩnh vực kinh doanh: Đa ngành

5. ITC


Quốc gia: Ấn Độ
Giá trị vốn hóa: 33,7 tỷ USD
Doanh thu: 5 tỷ USD
Lĩnh vực kinh doanh: Nông nghiệp

6. Bharti Airtel


Quốc gia: Ấn Độ
Giá trị vốn hóa: 33,3 tỷ USD
Doanh thu: 13,4 tỷ USD
Lĩnh vực kinh doanh: Công nghệ

7. Newscret Mining


Quốc gia: Australia
Giá trị vốn hóa: 32,3 tỷ USD
Doanh thu: 4,4 tỷ USD
Lĩnh vực kinh doanh: Nguyên vật liệu

8. Hyundai Mobis


Quốc gia: Hàn Quốc
Giá trị vốn hóa: 30,8 tỷ USD
Doanh thu: 19,8 tỷ USD
Lĩnh vực kinh doanh: Hàng tiêu dùng bền

9. Bank Central Asia


Quốc gia: Indonesia
Giá trị vốn hóa: 23,2 tỷ USD
Doanh thu: 3,1 tỷ USD
Lĩnh vực kinh doanh: Ngân hàng

10. HTC


Vùng lãnh thổ: Đài Loan (Trung Quốc)
Giá trị vốn hóa: 22,8 tỷ USD
Doanh thu: 9,6 tỷ USD
Lĩnh vực kinh doanh: Công nghệ