Cập nhật: 11:10 GMT - thứ hai, 26 tháng 9, 2011
Đề cương của một kế hoạch cứu trợ lớn và đầy tham vọng khu vực đồng euro đang được hình thành, theo tin từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ở Washington.
Phóng viên kinh tế của BBC Robert Peston cho biết bản kế hoạch này sẽ bao gồm việc xóa 50% số nợ công khổng lồ của Chính phủ Hy Lạp.
Chủ đề liên quan
Bản kế hoạch cũng tính đến chuyện tăng quy mô của của quỹ cứu trợ khu vực đồng euro lên 2.000 tỷ euro ($2700 tỷ đô la).
Các chính phủ Châu Âu đang hy vọng sẽ hoàn tất bản kế hoạch này trong khoảng thời gian từ 5 đến 6 tuần tới.
Các nhà phân tích cho biết việc biến bản đề cương hiện tại thành hiện thực sẽ là một công việc hết sức khó khăn.
Họ tin rằng nếu kế hoạch này thất bại thì giá phải trả sẽ là một cuộc khủng hoảng tài chính mà có thể đưa tăng trưởng thế giới vào suy thoái hoặc thậm chí còn tệ hơn.
Cho đến giờ các nhà đầu tư vẫn không hài lòng với tốc độ mà các chính phủ Châu Âu đang đối phó với cuộc khủng hoảng nợ.
Các nhà phân tích cho rằng chỉ có hành động, chứ không phải lời nói, mới có thể trấn an thị trường chứng khoán đang rất dễ bị tổn thương như hiện nay.
Tin tức về bản kế hoạch giải cứu này xuất hiện sau khi IMF có cuộc họp thường niên ở thủ đô Washington của Mỹ vào tuần trước.
Gói cứu trợ này được trông đợi sẽ nâng năng lực cứu trợ của Cơ quan ổn định tài chính Châu Âu (EFSF), cơ quan cứu trợ tài chính chủ chốt của châu lục, lên gấp bốn lần con số đã được đề xuất trước đó là 440 tỷ euro.
"Cá nhân tôi nghĩ rằng [rời khu vực đồng euro] sẽ đưa chúng tôi trở lại vào thời những năm 60 và 70 của thế kỷ trước"
Constantine Papadopoulos, bộ trưởng hợp tác kinh tế quốc tế Hy Lạp
EFSF sẽ gánh chịu rủi ro chính trong việc cho vay các chính phủ mắc nợ mà hiện đang cố gắng vay mượn từ các ngân hàng thương mại thông thường, chẳng hạn như Chính phủ Ý.
Bằng cách đó, EFSF sẽ giúp cho Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tránh được rủi ro trong việc cho vay.
Giảm nửa số nợ
Hiện đang có suy đoán rằng các nhà đầu tư tư nhân rất có thể chấp nhận giảm một nửa số nợ mà họ đang nắm giữ của Hy Lạp.
Trước đó các nhà lãnh đạo Châu Âu đã đồng ý với một bản kế hoạch hồi tháng 7 cho phép giảm 20% số nợ mà Hy Lạp phải hoàn trả cho các ngân hàng. Bản kế hoạch này cho đến nay vẫn chưa được thông qua.
Sau cuộc thảo luận với bà Christine Lagarde, tân Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế, Bộ trưởng tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos nói Athens sẽ ‘làm tất cả những gì cần làm’ để giảm mức nợ khổng lồ của nước ông hiện đang đứng ở mức 160% tổng sản phẩm quốc nội.
Trong cuộc gặp ở Washington này, Bộ trưởng Venizelos cũng cam kết Hy Lạp sẽ ở trong khu vực đồng euro nhưng phủ nhận các cáo buộc chỉ cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp cũng đủ gây ra phản ứng dây chuyền ở các quốc gia khác trong khu vực đồng euro.
Trước đó, Constantine Papadopoulos, bộ trưởng hợp tác kinh tế quốc tế của Hy Lạp, nói rời khu vực đồng euro sẽ làm ‘thảm họa’ đối với Hy Lạp.
“Cá nhân tôi nghĩ rằng [rời khu vực đồng euro] sẽ đưa chúng tôi trở lại vào thời những năm 60 và 70 của thế kỷ trước,” ông nói với BBC.
Ông nói rõ thêm rằng ý ông không phải đề cập đến tình hình chính trị ở Hy Lạp vào lúc đó khi mà quân đội lên nắm quyền thông qua đảo chính, mà là mức sống của người dân và cấu trúc của nền kinh tế.
Về mặt công khai thì các nhà lãnh đạo thế giới nói rằng sẽ không có kế hoạch nào cho phép Hy Lạp vỡ nợ, nhưng theo một số nguồn tin thì họ đang thảo luận về một kế hoạch cho phép Hy Lạp được vỡ nợ ở một số khoản nợ và ở lại khu vực đồng euro.
"Cho đến nay vẫn chưa rõ chi tiết là G20 sẽ đối phó với cuộc khủng hoảng này như thế nào, do đó nếu không có hành động cụ thể thì sức ép lên thị trường sẽ không giải tỏa được bao nhiêu"
Mitul Kotacha, chuyên gia của Crédit Agricole
Kế hoạch cứu trợ cũng tính đến việc củng cố các ngân hàng lớn ở khu vực đồng euro, vốn được cảm nhận là có quá ít vốn để gánh chịu các khoản lỗ.
Tuy nhiên các nghị sĩ của các quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung Châu Âu lo ngại rằng kế hoạch này sẽ tạo ra nhiều rủi ro hơn cho người đóng thuế và các ngân hàng sẽ không dám huy động thêm vốn vì sẽ rất đắt đỏ.
Phản ứng mạnh mẽ
Trong ngày cuối tuần vừa qua 25/9, nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 đã tái khẳng định cam kết về một ‘phản ứng quốc tế mạnh và có phối hợp’ để giải quyết cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên các nhà phân tích cảnh báo rằng chừng đó vẫn chưa đủ để làm thỏa mãn các nhà đầu tư.
“Cho đến nay vẫn chưa rõ chi tiết là G20 sẽ đối phó với cuộc khủng hoảng này như thế nào, do đó nếu không có hành động cụ thể thì sức ép lên thị trường sẽ không giải tỏa được bao nhiêu,” chuyên gia kinh tế Mitul Kotacha của Ngân hàng Pháp Crédit Agricole cho hay.
Trong tuần này, các quan chức Liên minh Châu Âu và IMF sẽ trở lại Athens để đánh giá những tiến triển của nước này trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách.
Hy Lạp hiện đang vẫn nhận tiền từ gói cứu trợ đầu tiên được thông qua hồi tháng Năm năm ngoái. Nếu quốc gia này bị đánh giá là không theo đúng các mục tiêu cắt giảm chi tiêu thì họ sẽ không nhận được gói cứu trợ kế tiếp.
Các nhà phân tích cho rằng điều này hoàn toàn có thể xảy ra.
Nếu không có được các khoản vay trong tháng thì Chính phủ Hy Lạp sẽ không thể thanh toán các khoản nợ đến hạn vào giữa tháng sau.
Gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp đã được thông qua vào tháng 7 năm nay nhưng vẫn cần được quốc hội một số nước thành viên khu vực đồng tiền chung Châu Âu thông qua.
Các thị trường Châu Âu đều sụt giảm vào sáng thứ Hai ngày 26/9: chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 2%, trong khi chỉ số FTSE của Anh và DAX của Đức đều giảm 1% trong phiên giao dịch sớm.
Trước đó, cổ phiếu Châu Á cũng giảm điểm: chỉ số Nikkei của Nhật giảm 2,2%, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 2,4% và chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 2,6%.
No comments:
Post a Comment