TTO - Hôm nay TTO trích đăng kỳ cuối của cuốn sách "Rơi tự do" (Freefall) của giáo sư Joseph E.Stiglitz. 10 kỳ TTO trích đăng vừa qua chỉ là một phần trong cuốn sách về kinh tế lý thú này. Cám ơn bạn đọc đã theo dõi.
Khi cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm 2008 đang đến gần, hầu như tất cả mọi người (tất nhiên là trừ Tổng thống Bush) đều thấy rõ ràng là cần phải làm nhiều việc hơn nữa để đưa được nền kinh tế ra khỏi suy thoái. Chính phủ vẫn hy vọng rằng, sau khi giải cứu các ngân hàng, các mức lãi suất thấp sẽ đủ đáp ứng yêu cầu công việc trên.
Các chính sách tiền tệ sai lầm có thể đã đóng vai trò trung tâm trong việc đưa đến Đại suy thoái, nhưng chúng sẽ không đưa đất nước ra khỏi suy thoái đó. John Maynard Keynes đã từng lý giải về sự bất lực của chính sách tiền tệ trong thời kỳ suy thoái bằng cách so sánh nó với việc dùng sợi dây để đẩy đồ vật. Khi việc kinh doanh đang sụt giảm, việc giảm lãi suất từ 2% xuống còn 1% sẽ không khiến cho các công ty xây dựng thêm nhà xưởng mới hoặc mua máy móc thiết bị mới.
Tình trạng dư thừa năng lực sản xuất thường gia tăng đáng kể trên đà suy thoái. Với những bất trắc như trên, thì thậm chí là mức lãi suất 0% cũng có thể không làm nền kinh tế hồi phục được. Hơn nữa, ngân hàng trung ương có thể hạ thấp mức lãi suất dành cho chính phủ, nhưng nó không thể quyết định được lãi suất cho các công ty hoặc thậm chí là việc các ngân hàng khác có sẵn sàng cho vay hay không. Điều có thể hy vọng nhất từ chính sách tiền tệ là nó sẽ không làm cho tình hình tồi tệ thêm – như FED và Bộ Tài chính đã sai lầm trong việc quản lý sự sụp đổ của Lehman Brothers.
Cả hai ứng cử viên tổng thống, Barack Obama và John McCain, đều đồng ý rằng cần có một chiến lược căn bản có dạng mũi đinh ba: chặn đứng dòng lũ của các khoản thế chấp xấu, kích thích nền kinh tế, và giải cứu ngành ngân hàng. Nhưng họ bất đồng về những gì nên được thực hiện trong mỗi lĩnh vực. Rất nhiều trận chiến về kinh tế, ý thức hệ, và sự phân phối từng diễn ra trong một phần tư thế kỷ trước đã được tái hiện. Kích thích kinh tế theo đề xuất của McCain là tập trung vào việc cắt giảm thuế từ đó sẽ khuyến khích tiêu dùng.
Kế hoạch của Obama lại kêu gọi tăng chi tiêu chính phủ và đặc biệt là lĩnh vực đầu tư, bao gồm cả “đầu tư xanh” nhằm giúp ích cho môi trường.6 McCain đã có một chiến lược để giải quyết vấn đề tịch biên tài sản thế chấp – chính phủ sẽ nhận lãnh các khoản thua lỗ của ngân hàng từ các khoản tín dụng xấu. Trong lĩnh vực này, McCain là người tiêu xài mạnh tay; còn chương trình của Obama khiêm tốn hơn nhưng tập trung vào việc hỗ trợ các chủ sở hữu nhà ở. Không có ứng cử viên nào có tầm nhìn rõ ràng về những gì cần làm với các ngân hàng, và cả hai đều sợ “chọc ngoáy” vào các thị trường, thậm chí còn nói bóng gió về những lời chỉ trích các nỗ lực giải cứu của Tổng thống Bush trước kia.
Thật kỳ lạ, McCain đôi khi đứng trên lập trường dân túy nhiều hơn cả Obama và dường như ông này sẵn sàng hơn trong việc chỉ trích nhiều hành vi thái quá của phố Wall. McCain có thể “ra đi êm ái”: đảng Cộng hòa được hiểu là đảng của các doanh nghiệp lớn, và McCain có tiếng là một kẻ phá hỏng niềm tin này. Obama, giống như Bill Clinton trước kia, nỗ lực để tạo khoảng cách với tai tiếng chống lại doanh nghiệp của đảng Dân chủ già cỗi, mặc dù lúc đầu ông cũng đã phát biểu hùng hồn tại trường Cooper Union giải thích lý do tại sao cần phải có các quy định tốt hơn.
Không ứng viên nào muốn gặp rủi ro khi đi vào những nguyên nhân sâu xa hơn của cuộc khủng hoảng. Phê bình sự tham lam của phố Wall là có thể chấp nhận được, nhưng thảo luận những vấn đề trong quản trị doanh nghiệp làm phát sinh các cấu trúc khuyến khích các sai lầm và từ đó cho phép những hành vi xấu có lẽ là việc quá nặng tính kỹ thuật. Nói về những nỗi khốn khổ của dân thường Hoa Kỳ thì chấp nhận được, nhưng gắn kết điều này đến sự giảm sút của tổng cầu sẽ là rủi ro, không theo đúng châm ngôn của một chiến dịch vận động tranh cử thường thấy là “giữ vấn đề ở mức đơn giản”. Obama sẽ thúc đẩy để tăng cường quyền thành lập nghiệp đoàn, nhưng chỉ như một quyền cơ bản, không phải là một phần trong chiến lược khả dĩ liên kết được với sự khôi phục kinh tế hay thậm chí là với mục tiêu khiêm tốn hơn của quá trình giảm bớt sự bất bình đẳng.
Khi tổng thống mới nhậm chức, đã có một tập hợp các dấu hiệu của việc cứu trợ. Ít nhất thì người ta nghĩ cũng phải cần làm một cái gì đó. Trong các chương tiếp theo, tôi sẽ tìm hiểu kỹ những gì mà chính quyền Obama phải đối mặt khi đã nắm được quyền lực, họ đối phó với cuộc khủng hoảng như thế nào, và những gì lẽ ra nên làm để nền kinh tế đi lên cũng như ngăn chặn một cuộc khủng hoảng khác xảy ra. Tôi sẽ thử lý giải tại sao những nhà hoạch định chính sách đã chọn một số phương pháp tiếp cận nhất định – luôn cả những gì họ đã nghĩ hoặc hy vọng có thể diễn ra.
Cuối cùng, đội ngũ của ông Obama đã chọn một chiến lược bảo thủ, một chiến lược mà tôi mô tả là “loay hoay tháo gỡ”. Có lẽ, theo cách phản trực giác, đây là một chiến lược rất nguy hiểm. Một số rủi ro vốn có trong kế hoạch tổng thống của Obama có thể được nhìn thấy rõ ràng ngay khi cuốn sách này được xuất bản; những rủi ro khác sẽ chỉ lộ diện sau nhiều năm. Nhưng câu hỏi vẫn là: tại sao Obama và các cố vấn của ông ta vẫn chọn sự loay hoay này?
JOSEPH E. STIGLITZ
No comments:
Post a Comment