TTO - Trong đợt suy thoái quy mô lớn (Great Recession) khởi đầu từ năm 2008, hàng triệu người ở Mỹ và trên khắp thế giới đã bị mất nhà cửa và việc làm. Một cuộc khủng hoảng khởi đầu tại Hoa Kỳ đã sớm lan ra toàn cầu, khi hàng chục triệu người mất việc làm trên toàn thế giới - riêng tại Trung Quốc đã là 20 triệu người - và hàng chục triệu người khác rơi vào cảnh đói nghèo...
Giáo sư Joseph E.Stiglitz - nhà kinh tế học người Mỹ đã đoạt giải Nobel Kinh tế 2001 - nhìn nhận lại và rút ra những bài học từ cuộc khủng hoảng đó trong cuốn sách "Rơi tự do" (Freefall), Nhà xuất bản Thời Đại và DTBooks xuất bản.
TTO hân hạnh trích đăng 5 kỳ từ cuốn sách này, mỗi kỳ xuất hiện trên TTO vào 20g mỗi đêm.
-------------
Một thị trường được gỡ bỏ các quy định, tràn ngập thanh khoản và lãi suất thấp, một bong bóng bất động sản toàn cầu, cộng với sự tăng vọt bất thường trong hoạt động cho vay dưới chuẩn là một sự kết hợp tai hại. Thêm vào đó là thâm hụt tài chính và thương mại của Hoa Kỳ và sự tích lũy đồng dollar tương ứng trên quy mô lớn của Trung Quốc – một nền kinh tế toàn cầu bấp bênh – và rõ ràng là tình hình vô cùng mất cân đối.
Điều đã là sự khác biệt giữa cuộc khủng hoảng này với rất nhiều cuộc khủng hoảng trước đó trong một phần tư thế kỷ vừa qua là: cuộc khủng hoảng này mang cái nhãn “sản xuất tại Hoa Kỳ”. Nếu như các cuộc khủng hoảng trước đó đã được kìm chế, thì sản phẩm “sản xuất tại Hoa Kỳ” này đã lây lan nhanh chóng ra toàn thế giới. Chúng ta luôn nghĩ rằng đất nước của chúng ta là một trong những động lực của sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu, một nước xuất khẩu với các chính sách kinh tế đúng đắn – không có suy thoái. Lần cuối cùng Hoa Kỳ “xuất khẩu” một cuộc khủng hoảng là giai đoạn Đại suy thoái của thập niên 1930.
Đó là các nét chính của một câu chuyện nổi tiếng và thường được nghe nói tới. Nước Mỹ đã có một bong bóng nhà ở. Khi bong bóng vỡ và giá nhà đất sụt giảm từ mức cao ngất ngưởng, ngày càng có nhiều chủ nhà thấy mình “chìm dưới mặt nước”: khoản nợ của họ tăng cao hơn so với giá trị tài sản thế chấp. Khi bị mất nhà cửa, nhiều người cũng đánh mất luôn tiền tiết kiệm đã dành dụm cả đời và những giấc mơ về tương lai của họ – con cái được học đại học, một quỹ hưu trí để sống thoải mái. Theo một góc độ nhất định thì người Mỹ đã từng sống trong một giấc mơ.
Một quốc gia giàu có nhất thế giới đã sống vượt ra ngoài số lượng của cải mà nó thực có, và sức mạnh của nền kinh tế Mỹ, và cả nền kinh tế thế giới, lại phụ thuộc vào điều đó. Nền kinh tế toàn cầu ngày càng cần gia tăng mức tiêu dùng, nhưng làm sao có được điều này khi thu nhập của nhiều người Mỹ đã bị đình trệ trong thời gian dài? Người Mỹ tìm đến một giải pháp khéo léo: vay và tiêu dùng, cứ làm như là thu nhập của họ vẫn đang đi lên. Thế là họ đã đi vay. Mức tiết kiệm bình quân tuột xuống mức zero – và khi có nhiều người Mỹ giàu có tiết kiệm được một số tiền đáng kể, thì có nghĩa là những người Mỹ nghèo có mức tiết kiệm là số âm. Nói cách khác, họ đã ngập sâu trong nợ nần. Những người đi vay và luôn cả người cho vay đều có thể cảm thấy hài lòng về những gì xảy ra: người đi vay vẫn thả sức tiêu dùng, chứ không đối mặt với thực tế là thu nhập đang trì trệ và sụt giảm, còn bên cho vay có thể tận hưởng lợi nhuận kỷ lục từ mức phí cao.
Lãi suất thấp và các quy định lỏng lẻo đã nuôi dưỡng bong bóng nhà ở. Khi giá nhà tăng vọt, các chủ nhà có thể lấy được tiền mặt từ chính căn nhà của họ. Những khoản rút tiền từ tài sản thế chấp này – trong một năm đã lên đến 975 tỷ dollar, nghĩa là hơn 7% GDP 3 (tổng sản phẩm quốc nội, biện pháp tiêu chuẩn để đo lường tổng số tất cả các hàng hoá và dịch vụ được sản xuất ra trong nền kinh tế) – cho phép người đi vay thanh toán bằng “tiền tươi” để mua một chiếc xe hơi mới và vẫn còn có một số tiền còn lại để dành cho việc hưu trí. Nhưng tất cả các khoản vay này đã được đặt trên một giả định nguy hiểm là: giá nhà sẽ tiếp tục tăng lên, hoặc ít nhất là không đổi.
Nền kinh tế đã trở nên lộn xộn: từ hai phần ba tới ba phần tư nền kinh tế (GDP) là liên quan đến nhà ở: xây dựng nhà mới hoặc mua đồ đạc, hoặc dùng nhà ở cũ để vay tiền cho mục đích tiêu dùng. Mô hình này không bền vững – và nó đã không thể được duy trì. Bong bóng vỡ, đầu tiên ảnh hưởng tới các khoản thế chấp xấu nhất (các khoản thế chấp dưới chuẩn, được cấp cho các cá nhân có thu nhập thấp), sau đó nhanh chóng ảnh hưởng đến toàn bộ mảng bất động sản dân cư.
Khi bong bóng vỡ, hiệu ứng đã được khuếch đại bởi vì các ngân hàng đã tạo ra các sản phẩm phức tạp dựa trên mức giá đỉnh điểm của các tài sản thế chấp. Tệ hại hơn, họ đã cùng nhau, và cùng với cả những tổ chức khác trên thế giới, tham gia vào những trò cá cược trị giá hàng tỉ dollar. Điều phức tạp này, kết hợp với việc tình hình nhanh chóng xấu đi và đòn bẩy tài chính cao của các ngân hàng (họ, cũng như các hộ gia đình, đã tài trợ cho các khoản đầu tư của mình bằng các khoản vay lãi suất cao), có nghĩa là các ngân hàng đã không biết: liệu những gì họ nợ người gửi tiền và người mua trái phiếu có vượt quá giá trị tài sản của họ hay không. Vì thế họ nhận ra rằng mình cũng không thể biết được vị thế của bất kỳ ngân hàng nào khác. Sự tin cậy làm nền móng cho hệ thống ngân hàng đã bốc hơi. Các ngân hàng từ chối cho nhau vay, hoặc đòi mức lãi suất cao để bù đắp cho việc phải gánh chịu rủi ro. Thị trường tín dụng toàn cầu bắt đầu tan rã.
Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ và thế giới đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính và cả một cuộc khủng hoảng kinh tế. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã có một số bộ phận cấu thành: khủng hoảng bất động sản dân dụng, kéo theo ngay sau đó là các vấn đề bất động sản thương mại. Nhu cầu giảm, khi các hộ gia đình thấy giá trị của căn nhà của họ (và nếu họ sở hữu cổ phiếu thì luôn cả giá trị của chúng) giảm sút, và khả năng – cũng như sự sẵn sàng – để đi vay tiền cũng giảm. Xuất hiện chu kỳ tồn kho, khi thị trường tín dụng bị đóng băng và nhu cầu giảm, các công ty cũng giảm lượng hàng tồn kho của họ càng nhanh càng tốt. Thế là ngành sản xuất Hoa Kỳ đã sụp đổ.
Có những câu hỏi sâu hơn: Điều gì sẽ thay thế “con ngựa tiêu dùng bất kham” của người Mỹ, thứ đã duy trì nền kinh tế trong những năm trước khi bong bóng vỡ? Hoa Kỳ và Châu Âu sẽ làm thế nào để quản lý việc tái cơ cấu, ví dụ, dịch chuyển theo hướng một nền kinh tế dịch vụ đã từng gây ra đủ khó khăn trong quá trình phát triển bùng nổ? Tái cấu trúc là việc không thể tránh khỏi – toàn cầu hóa và bước tiến công nghệ đòi hỏi phải làm điều này – nhưng nó sẽ không dễ dàng.
JOSEPH E. STIGLITZ
No comments:
Post a Comment