Hoa Kỳ - Trung Quốc: Căng thẳng “đầu tư” lục địa đen
Trong chuyến thăm châu Phi ngày 10-6-2011, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cho biết nước này “lo ngại viện trợ nước ngoài và đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi không nhất quán với tiêu chuẩn quốc tế về tính minh bạch và quản trị tốt”. Tuy nhiên, có phải minh bạch và quản trị là những quan ngại hàng đầu của Washington?
Trong một điện tín ngày 23-2-2010 bị WikiLeaks tiết lộ, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách các vấn đề châu Phi Johnnie Carson bày tỏ quan ngại về sự hiện diện của Trung Quốc tại châu Phi.
“Hoa Kỳ không xem Trung Quốc là một mối đe dọa về quân sự, an ninh hay tình báo. Nhưng Trung Quốc là một đối thủ kinh tế rất hung hăng, nguy hại và không có đạo đức” - điện tín của Johnnie Carson quan ngại.
Một phân tích của Global Research (GR) có trụ sở ở Canada chỉ ra mối quan tâm hàng đầu của cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc tại lục địa đen chính là các vấn đề kinh tế, đặc biệt là dầu mỏ.
Để minh chứng, GR đưa ra trường hợp ở thành phố Darfur (Sudan) - nơi diễn ra cuộc chiến đẫm máu nhất lục địa đen và là nơi có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ - để thấy rõ hơn mâu thuẫn lợi ích giữa 2 nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới này.
Chính sách của Trung Quốc
GR cho biết từ lâu Trung Quốc đã khởi động hàng loạt chiến lược bảo đảm nguồn cung nguyên liệu thô cho đất nước từ châu Phi, trong đó dầu mỏ được nhận định là quan trọng nhất. Khoảng 30% nhu cầu dầu thô của Trung Quốc được cung cấp từ châu Phi. Điều đó giải thích vì sao nước này tìm mọi cách “kết thân” với chính phủ những quốc gia giàu dầu mỏ ở lục địa đen.
Tháng 11-2006, Trung Quốc có động thái khiến phương Tây chú ý khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh bất thường quy tụ 40 nguyên thủ các nước châu Phi. Những người được Trung Quốc trải thảm đỏ bao gồm nguyên thủ các nước Algeria, Nigeria, Mali, Angola, Cộng hòa Trung Phi, Zambia, Nam Phi…
Kết quả, Trung Quốc đạt được nhiều hợp đồng dầu mỏ béo bở, như năm 2008 được phép đầu tư vào mỏ dầu có sản lượng 175.000 thùng/ngày tại Nigeria.
Nội chiến tại Darfur có sự “góp phần” của cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. |
Trung Quốc tỏ ra phóng khoáng với lục địa đen, sẵn sàng cung cấp khoản vay mềm không lãi suất và không kèm điều kiện “phiền phức” về nhân quyền và chính trị như phương Tây. Với cách làm như vậy Trung Quốc nổi lên là nhà cho vay hàng đầu ở châu Phi, vượt xa các định chế nơi Hoa Kỳ thao túng như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Năm 2006, Trung Quốc cho Nigeria, Angola và Mozambique vay hơn 8 tỷ USD, so với khoản cho vay 2,3 tỷ USD từ WB cho vùng hạ Sahara. “Chính sách dầu mỏ” này của Trung Quốc bị Hoa Kỳ cáo buộc đang cố gắng chiếm hữu các mỏ dầu ở lục địa đen bằng mọi giá.
Công ty Xăng dầu quốc gia Trung Quốc (CNPC) hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Sudan, với khoảng 5 tỷ USD cho hoạt động khai thác dầu mỏ. Từ năm 1999, Trung Quốc đầu tư 15 tỷ USD vào Sudan. Các mỏ dầu của Sudan, chủ yếu tập trung ở miền Nam, nơi diễn ra cuộc nội chiến đẫm máu từ nhiều năm qua.
Khoảng 8% dầu mỏ đến Trung Quốc được nhập từ miền Nam Sudan chiếm 65-80% trong tổng sản lượng 500.000 thùng/ngày tại các mỏ dầu ở đó. CNPC nắm quyền khai thác mỏ dầu số 6 ở Darfur (gần biên giới với Chad và Cộng hòa Trung Phi) và sở hữu 50% cổ phần một nhà máy lọc dầu gần Khartoum.
Âm mưu Lầu Năm Góc
Cuộc xung đột tại Darfur được xem là thảm họa nhân đạo lớn nhất hành tinh, với 350.000 người đã bị cướp đi mạng sống trong vài năm qua. Do không thể tiếp cận bằng con đường chính thức, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã tài trợ và huấn luyện quân sự cho các lực lượng nổi dậy ở Darfur, trong đó có Quân đội Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLA).
Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng mở các khóa huấn luyện quân sự cho sĩ quan châu Phi. Trường Giáo dục Quân sự quốc tế (IMET) của Hoa Kỳ đã đào tạo nhiều sĩ quan quân sự đến từ Chad, Ethiopia, Eritrea, Cameroon và Cộng hòa Trung Phi, những nước giáp biên giới Sudan. Viện trợ phát triển của Hoa Kỳ cho khu vực hạ Sahara, bao gồm Chad, bị cắt giảm nhưng viện trợ quân sự lại có xu hướng gia tăng.
Theo GR, dầu mỏ và nguyên liệu thô là nguyên nhân dẫn đến động thái trên của Hoa Kỳ, bởi miền Nam Sudan từ thượng lưu sông Nile đến các vùng biên giới với Chad đều giàu dầu mỏ.
Từ đầu thập niên 70 của thế trước, các đại gia dầu mỏ Hoa Kỳ đã biết về sự giàu có vàng đen của Sudan. Năm 1979, Tập đoàn Chevron của Hoa Kỳ đã tìm thấy trữ lượng dầu khổng lồ ở miền Nam Sudan và đầu tư 1,2 tỷ USD thăm dò, thử nghiệm.
Các mỏ dầu Chevron phát hiện được cho là nguyên nhân dẫn đến cuộc nội chiến thứ 2 của Sudan năm 1983. Chiến tranh khiến Chevron từ bỏ hoạt động khai thác và bán lại cơ sở vào năm 1992. Đến năm 1999, Trung Quốc nhảy vào và đạt được nhiều thành tựu.
Nhưng Chevron chưa rời bỏ hẳn Darfur. Hãng này vẫn hoạt động tại nước láng giềng Chad, cùng với đại gia dầu mỏ Hoa Kỳ khác là Exxon Mobil. 2 công ty này đầu tư 3,7 tỷ USD xây hệ thống ống dẫn 160.000 thùng dầu/ngày từ Doba ở Chad gần Darfur, qua Cameroon đến Kribi ở Đại Tây Dương.
Để làm điều này, Hoa Kỳ đã làm việc với “Tổng thống trọn đời” của Chad là Idriss Deby. Chính Deby với sự hỗ trợ về vũ khí, các chương trình đào tạo quân sự từ Hoa Kỳ, đã tấn công Darfur vào năm 2004, làm bùng nổ xung đột Darfur.
---------
VĂN CƯỜNG
No comments:
Post a Comment