Các thị trường tự chúng rõ ràng là đã sụp đổ – và tình huống này là rất thường xuyên. Có nhiều lý do giải thích cho những thất bại này, nhưng có 2 điểm đặc biệt thích đáng đối với ngành tài chính: “tính chất đại diện” – trong thế giới ngày nay là số người nắm giữ tiền và ra quyết định thay mặt những người khác (nghĩa là làm đại diện cho người khác), và tầm quan trọng ngày càng tăng của “ngoại ứng” hay “ảnh hưởng, tác động bên ngoài” (externalities).
Vấn đề đại diện là một yếu tố mang tính hiện đại. Các tập đoàn hiện đại với vô số các cổ đông nhỏ sẽ có khác biệt về cơ bản so với các công ty gia đình. Có sự tách bạch trong quyền sở hữu và kiểm soát doanh nghiệp, theo đó ban quản lý, sở hữu chút ít cổ phiếu của công ty, có thể điều hành việc tìm kiếm lợi nhuận.
Vấn đề này cũng tồn tại trong quá trình đầu tư: phần lớn các khoản đầu tư đã được thực hiện thông qua các quỹ hưu trí và các định chế khác. Những người ra quyết định đầu tư – và đánh giá hoạt động của công ty – không làm cho chính họ mà là đang thay mặt cho những người ủy thác các khoản quỹ để nhờ họ coi sóc giúp. Cùng với chuỗi “đại diện” này, những mối quan tâm về hiệu quả hoạt động đã bị dịch chuyển thành sự tập trung vào lợi nhuận trong ngắn hạn.
Với lợi tức chi trả không phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động trên dài hạn, mà ảnh hưởng bởi giá cả trên thị trường chứng khoán, một cách tự nhiên thì việc quản lý sẽ là làm những gì để đẩy giá trên thị trường chứng khoán tăng thêm – thậm chí phải lừa đảo (hoặc “sáng tạo”) trong công tác kế toán. Trọng tâm ngắn hạn này được củng cố bởi nhu cầu lợi nhuận hàng quý ở mức cao từ các nhà phân tích thị trường chứng khoán. Động cơ lợi nhuận ngắn hạn khiến các ngân hàng tập trung vào việc làm thế nào để tạo ra nguồn thu phí cao hơn, và trong một số trường hợp là làm thế nào để qua mặt các quy định về tài chính kế toán.
Sáng kiến mà phố Wall rất tự hào là giấc mơ về các sản phẩm mới có thể tạo thêm thu nhập trong ngắn hạn cho các doanh nghiệp của họ. Những vấn đề phát sinh từ tỷ lệ vỡ nợ cao sau một số cải tiến này dường như chỉ là chuyện tương lai xa vời. Mặt khác, các công ty tài chính chẳng quan tâm tí nào đến những cải tiến nhằm giúp người dân có thể giữ được nhà cửa của họ hoặc bảo vệ họ khi lãi suất đột ngột tăng.
Nói tóm lại thì khâu “kiểm soát chất lượng” (QC) hoặc đã thực hiện rất ít hoặc không hiệu quả. Một lần nữa, theo lý thuyết thì người ta vẫn cho rằng thị trường sẽ thực thi kỷ luật. Các công ty sản xuất ra các sản phẩm quá nguy hiểm sẽ phải mất uy tín. Giá cổ phiếu của chúng sẽ giảm nhanh. Nhưng trong thế giới năng động ngày nay, tính kỷ luật của thị trường đã không còn nữa.
Các nhà phù thủy tài chính đã phát minh ra các sản phẩm mang tính rủi ro cao nhưng mức lợi nhuận cũng bình thường – với những nhược điểm không rõ ràng trong nhiều năm. Hàng ngàn nhà quản lý tiền tệ khoe khoang rằng họ “có thể thành công trên thị trường”, và đã có nhiều nhà đầu tư thiển cận tin vào điều đó. Nhưng các ông “thầy pháp tài chính” cũng đã bị mê hoặc trong tâm trạng phởn phơ vui sướng – họ tự lừa dối mình, cũng như những người đã mua các sản phẩm của họ. Điều này giúp giải thích tại sao khi thị trường sụp đổ mà họ vẫn còn nắm giữ các sản phẩm độc hại trị giá hàng tỉ dollar.
Chứng khoán hóa, lĩnh vực “hot” nhất của các sản phẩm tài chính trong những năm qua dẫn đến sự sụp đổ, là một ví dụ điển hình của những rủi ro phát sinh từ các sáng kiến mới, vì điều này có nghĩa là mối quan hệ giữa người cho vay và bên đi vay đã bị phá vỡ. Chứng khoán hóa có một lợi thế lớn, cho phép phân tán rủi ro, nhưng nó cũng có một bất lợi không nhỏ khi gây ra vấn đề từ các thông tin không hoàn hảo, và điều này nhấn chìm những lợi ích từ sự đa dạng hóa ngày càng cao.
Thực tế, những người đi mua chứng khoán thế chấp bằng tài sản (mortgaged-backed security) đang cho những chủ sở hữu nhà vay tiền mà chẳng biết gì về những con nợ này cả! Họ đã tin tưởng rằng các ngân hàng đang bán cho mình những sản phẩm đã được kiểm chứng, còn các ngân hàng thì tin cậy vào bên thế chấp nguyên thủy. Động cơ của bên thế chấp nguyên thủy này lại là tập trung vào số lượng các khoản thế chấp, chứ không phải là chất lượng của chúng. Họ tạo ra rất nhiều các khoản thế chấp thực sự rất vớ vẩn. Các ngân hàng muốn đổ lỗi cho các bên thế chấp nguyên thủy, nhưng thực ra chỉ cần xem lướt qua cũng có thể thấy các khoản thế chấp này vốn sẵn có các rủi ro.
Thực tế là các quan chức ngân hàng không muốn biết. Động cơ của họ là ”đẩy” những khoản thế chấp, và các loại chứng khoán mà họ tạo ra từ các khoản thế chấp đó, sang người khác, càng nhanh càng tốt. Trong phòng thí nghiệm Frankenstein của phố Wall, giới ngân hàng tạo ra các sản phẩm mới đầy rủi ro (công cụ nợ có đảm bảo [collateralized debt instrument], công cụ nợ có đảm bảo được điều chỉnh [collateralized debt instrument squared], và hoán đổi rủi ro tín dụng [credit default swap], một số các công cụ này sẽ được thảo luận trong các chương sau), mà không có cơ chế để quản lý con quái vật do chính họ đã tạo ra.
Họ đã trở thành nhà kinh doanh “mua bán lòng vòng” – lấy những khoản thế chấp từ bên thế chấp nguyên thủy, đóng gói chúng lại một lần nữa, rồi chuyển chúng vào sổ sách của các quỹ hưu trí và những đơn vị khác – bởi vì đó là nơi có mức phí cao nhất, trái với việc kinh doanh kiểu “tồn trữ” vốn là mô hình kinh doanh truyền thống cho các ngân hàng (hình thành các khoản thế chấp và sau đó nắm giữ chúng). Hoặc đó là những gì họ nghĩ trong đầu, cho đến khi tai nạn xảy ra và họ nhận ra hàng tỷ dollar đang nằm trong các món tài sản xấu còn ghi trong sổ sách của họ.
JOSEPH E. STIGLITZ
No comments:
Post a Comment