08/05 Rơi tự do - Kỳ 2: Tóm tắt lại câu chuyện

Chủ Nhật, 08/05/2011, 20:00 (GMT+7)


TTO - Khi những thách thức phía trước đã trở nên rõ ràng, câu hỏi vẫn là: nó đã xảy ra như thế nào? Đó không phải là cách thức mà nền kinh tế thị trường vận hành, theo như người ta vẫn hiểu. Đã có cái gì đó không ổn – rất không ổn.

Không thể tự dưng lại cắt ngang vào dòng chảy liên tục của lịch sử. Nhằm mục đích vắn tắt, tôi bắt đầu với sự bùng nổ của bong bóng công nghệ (hoặc “dot-com”) vào mùa xuân năm 2000 – một bong bóng mà Alan Greenspan, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang tại thời điểm đó, đã cho phép phát triển và đã duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ của nó trong cuối thập niên 1990. Giá của cổ phiếu công nghệ đã giảm 78% trong giai đoạn từ tháng 3 năm 2000 đến tháng 10 năm 2002.

Người ta vẫn hy vọng rằng những thiệt hại này sẽ không ảnh hưởng đến nền kinh tế trên quy mô rộng lớn hơn, nhưng thực ra là có. Phần nhiều các khoản đầu tư đã đi vào lĩnh vực công nghệ cao, và khi bong bóng các cổ phiếu trong ngành công nghệ vỡ tung, tình hình đầu tư chững lại. Trong tháng 3 năm 2001, nước Mỹ rơi vào suy thoái.

Chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã tận dụng đợt suy thoái ngắn sau sự sụp đổ của bong bóng công nghệ như một cái cớ để thúc đẩy chương trình nghị sự với việc cắt giảm thuế cho người giàu, giải pháp mà tổng thống đã tuyên bố là “liều thuốc” dành cho mọi căn bệnh kinh tế. Tuy nhiên, việc cắt giảm thuế đã không được thiết kế để kích thích nền kinh tế và động thái này chỉ có hiệu quả ở một mức độ hạn chế. Gánh nặng đặt lên vai chính sách tiền tệ để khôi phục lại nền kinh tế trở về tình trạng có đầy đủ việc làm.

Theo đó, Greenspan giảm lãi suất, thị trường tràn ngập thanh khoản. Với năng lực dư thừa rất nhiều trong nền kinh tế, không ngạc nhiên gì khi thấy lãi suất thấp đã không dẫn đến mức đầu tư nhiều hơn dành cho máy móc và trang thiết bị. Hành động này có tác dụng nhất định, nhưng chỉ là sự thay thế bong bóng công nghệ bằng một bong bóng nhà ở, chế tạo ra một quả bom tiêu dùng và bất động sản.

Gánh nặng đối với chính sách tiền tệ đã tăng thêm khi giá dầu bắt đầu tăng vọt sau cuộc chiến tranh xâm lược Iraq năm 2003. Hoa Kỳ đã dành hàng trăm tỷ dollar để nhập khẩu dầu – số tiền này lẽ ra đã được dùng để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ. Giá dầu tăng từ $ 32 một thùng hồi tháng 3 năm 2003 khi cuộc chiến Iraq bắt đầu lên đến $ 137 một thùng vào tháng 7 năm 2008.

Điều này có nghĩa rằng Hoa Kỳ đã chi 1.4 tỷ dollar mỗi ngày để nhập khẩu dầu (tăng từ con số $ 292 triệu mỗi ngày, trước khi xảy ra cuộc chiến), thay vì chi tiêu trong nội địa. Greenspan đã cảm thấy rằng ông có thể giữ các mức lãi suất thấp, vì khi đó áp lực lạm phát là ít, và khi không có bong bóng nhà ở được duy trì bởi lãi suất thấp và sự bùng nổ tiêu dùng được hỗ trợ từ bong bóng nhà ở, thì nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn yếu.

Trong các năm tăng trưởng nóng và dễ dàng vay tiền, phố Wall đã không đưa ra được một sản phẩm vay thế chấp phù hợp. Một sản phẩm tốt ở đây phải có chi phí giao dịch thấp và lãi suất thấp, nó lẽ ra phải giúp người ta quản lý được các rủi ro trong việc sở hữu nhà ở, bao gồm cả sự bảo vệ trong trường hợp nhà cửa mất giá hoặc người đi vay mất việc. Các chủ nhà đều muốn các khoản thanh toán hàng tháng là có thể được dự đoán trước, chứ không phải bị “bắn hạ” mà không có lời cảnh báo nào, và cũng chẳng muốn có các chi phí ẩn.

Các thị trường tài chính Mỹ đã không tìm kiếm để xây dựng nên những sản phẩm tốt hơn, ngay cả khi chúng đã được sử dụng tại các quốc gia khác. Thay vào đó, các tổ chức tại phố Wall, khi chỉ tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận, đã đi đến giải pháp là các khoản thế chấp có chi phí giao dịch cao và lãi suất biến động thông qua các khoản thanh toán có thể đột ngột kết thúc, mà không có biện pháp phòng vệ chống lại các rủi ro khi giá trị nhà giảm sút hoặc mất việc làm.

Nếu những nhà thiết kế của loại hình thế chấp đi vay này chú trọng vào các mục đích – những gì chúng ta thực sự muốn có từ thị trường tín dụng – hơn là việc làm thế nào để tối đa hóa lợi nhuận, thì họ đã có thể nghĩ ra các sản phẩm có thể gia tăng tỷ lệ sở hữu nhà trong dài hạn. Họ lẽ ra đã có thể “làm từ tốt đến xuất sắc”. Nhưng những nỗ lực của họ lại đem đến một loạt các khoản thế chấp phức tạp, giúp họ thu về rất nhiều tiền trong ngắn hạn và tạm thời làm tăng nhẹ tỷ lệ sở hữu nhà ở, nhưng xét trên tổng thể thì chi phí xã hội là vô cùng lớn.

Các thất bại trên thị trường vay thế chấp là triệu chứng của những thất bại lớn hơn trên toàn hệ thống tài chính, bao gồm và đáng chú ý nhất là các ngân hàng. Có hai chức năng cốt lõi của hệ thống ngân hàng. Thứ nhất là cung cấp một cơ chế thanh toán hiệu quả, theo đó ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch, chuyển tiền gửi của các chủ tài khoản đến những người mà họ mua hàng hóa và dịch vụ. Chức năng cốt lõi thứ hai là đánh giá và quản lý rủi ro và cấp các khoản tín dụng.

Điều này liên quan đến chức năng chính thứ nhất, bởi vì nếu một ngân hàng yếu kém trong việc thẩm định năng lực tín dụng, nếu nó chơi trò “đỏ đen” liều lĩnh, hoặc đặt quá nhiều tiền vào các nghiệp vụ mạo hiểm đầy rủi ro và sau đó thất bại, ngân hàng đó không thể giữ lời hứa của mình để hoàn trả lại cho những người đã đến gửi tiền. Nếu một ngân hàng làm tốt công việc của mình, nó sẽ cấp tiền để khởi đầu việc kinh doanh cho các doanh nghiệp mới và mở rộng các doanh nghiệp đã có, kinh tế phát triển, có công ăn việc làm, và đồng thời ngân hàng cũng thu được một khoản lợi nhuận – đủ để hoàn trả lại những người gửi tiền cùng với lãi suất cho họ, cũng như tạo ra khoản thu nhập cạnh tranh cho những những người đã đầu tư tiền cho ngân hàng đó.

Nét quyến rũ của các khoản lợi nhuận dễ kiếm từ các chi phí giao dịch đã làm rất nhiều ngân hàng lớn xao nhãng các chức năng cốt lõi của họ. Hệ thống ngân hàng ở Mỹ và nhiều nước khác đã không tập trung vào việc cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay tiền, đây chính là các yếu tố cơ bản tạo việc làm trong mọi nền kinh tế, mà thay vì vậy họ lại chú trọng vào việc thúc đẩy chứng khoán hóa (securitization: chuyển đổi các khoản mà ngân hàng đã cho vay và các tài sản khác thành cổ phiếu rồi chào bán cho các nhà đầu tư – ND), đặc biệt là trên thị trường vay thế chấp.

Chính việc bị lôi cuốn vào chứng khoán hóa tài sản thế chấp này là mối hiểm nguy chết người. Trong thời Trung cổ, nhà giả kim đã cố gắng biến đổi các kim loại cơ bản thành vàng. Còn những nhà giả kim thời hiện đại đã chuyển đổi các khoản thế chấp dưới chuẩn, đầy rủi ro thành các sản phẩm được “xếp loại ưu” (mức AAA), đủ an toàn để các quỹ hưu trí nắm giữ. Và các cơ quan thẩm định còn “phù hộ” cho những gì mà các ngân hàng đã làm. Cuối cùng, các ngân hàng đã trực tiếp tham gia trò cờ bạc – không những chỉ làm trung gian cho các tài sản đầy rủi ro mà họ đã tạo ra, mà còn đang thực sự nắm giữ tài sản.

Các ngân hàng, và cả các cơ quan điều tiết, có lẽ đã cho rằng họ đã chuyển giao cho người khác những rủi ro khó chịu do chính họ tạo ra, nhưng đến ngày đại họa – khi thị trường sụp đổ – thì hóa ra chính họ cũng đã mất cảnh giác.

JOSEPH E. STIGLITZ

No comments:

Post a Comment