Thứ 2, 18/06/2012
Mặc dù Madrid đã theo đuổi một số cải cách kinh tế trong nước, các thị trường tài chính vẫn chưa cảm thấy ấn tượng, do đó Madrid cần lưu ý tới ba điểm cần phải thực hiện.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cuối tuần qua khuyến cáo Tây Ban Nha cần nhanh chóng triển khai các cải cách toàn diện nhằm lấy lại lòng tin của thị trường, cho dù Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã nhất trí dành khoản cứu trợ lên tới 100 tỷ euro (125 tỷ USD) cho hệ thống ngân hàng nước này.
Theo IMF, trong bối cảnh lòng tin thị trường vẫn yếu và triển vọng kinh tế Tây Ban Nha còn nhiều khó khăn, Madrid cần lưu ý tới ba điểm cần phải thực hiện.
Thứ nhất là tăng thuế giá trị gia tăng (VAT), điều mà đảng cầm quyền đã cam kết trong chiến dịch tranh cử rằng sẽ không thực thi.
Thứ hai, Tây Ban Nha cần ngay lập tức xây dựng bộ luật về cắt giảm lương trong khu vực nhà nước.
Thứ ba, tách biệt các ngân hàng yếu kém ra khỏi nhóm các ngân hàng không cần hỗ trợ và nhóm các ngân hàng có khả năng và độ tin cậy song cần hỗ trợ.
Trên thực tế, Tây Ban Nha đã theo đuổi một số cải cách kinh tế trong nước như, định hướng các ngân hàng có liên quan tới bong bóng bất động sản củng cố bảng quyết toán ngân sách, tái cơ cấu ngân hàng Bankia, cải cách các quy định trên thị trường lao động, đưa ra luật ngân sách mới bao gồm việc kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các khoản chi tiêu lớn của chính quyền khu vực.
Tuy nhiên, các thị trường tài chính vẫn chưa cảm thấy "ấn tượng" với những gì Chính phủ Tây Ban Nha đang thực hiện. Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi Eurozone được thành lập năm 1999.
Nợ công của Tây Ban Nha trong quý 1/2012 đã tăng lên tương đương 72,1% GDP và có thể vọt lên 79,8% GDP vào cuối năm nay.
Theo IMF, cuộc khủng hoảng hiện nay tại Tây Ban Nha đang có chiều hướng tồi tệ hơn, khi tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức kỷ lục 24% và còn tiếp tục tăng, trong khi các hộ gia đình và doanh nghiệp đang cố gắng giảm nợ, đồng nghĩa với kinh tế Tây Ban Nha có thể sẽ suy giảm trong năm nay và năm 2013.
Trước mắt, gói cứu trợ hệ thống ngân có thể phần nào hạn chế những rủi ro, song thị trường có thể căng thẳng trở lại nếu Tây Ban Nha không thể ngăn chặn tình trạng các nhà đầu tư tháo chạy khỏi nước này hoặc xuất hiện những sức ép mới trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội tại Hy Lạp, điều có thể quyết định vận mệnh của "xứ sở của các vị thần" trong Eurozone.
IMF cho rằng xếp hạng tín nhiệm của Tây Ban Nha sụt giảm là do thâm hụt ngân sách của nước này lên tới 8,9% GDP năm 2011, cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 6% GDP.
Mục tiêu thâm hụt ngân sách 5,3% GDP mà Madrid đặt ra cho năm nay rất khó có thể thực hiện nay. Vì vậy, IMF cho rằng Tây Ban Nha không nên theo đuổi mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách "không thực tế."
Trong trung hạn, các mục tiêu đó có thể khả thi và phù hợp, song trong ngắn hạn, lộ trình giảm thâm hụt ngân sách cần được cân bằng "mềm mại" hơn, nhất là khi kinh tế Tây Ban Nha đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Việt Khoa
TTXVN
No comments:
Post a Comment