Eurozone: Khi sự hoảng loạn lấn át lý trí


Thứ 5, 07/06/2012, 20:36
Giờ đây, nỗi sợ là làn sóng vỡ nợ của các ngân hàng và các nước sẽ dẫn đến sự sụp đổ tương tự trong eurozone.
Giả sử như vào tháng 6 năm 2007, bạn nghe được thông tin rằng vào ngày 1/6/2012 lợi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 10 năm là 1,54%, lợi suất trái phiếu Mỹ là 1,47% và trái phiếu Đức là 1,17%. Lãi suất chính thức dao động từ mức gần 0% ở Mỹ và Nhật Bản đến 1% ở eurozone. Bạn sẽ nghĩ gì? Chắc chắn bạn sẽ cho rằng kinh tế thế giới đang rơi vào đại suy thoái. Có thể bạn đã sai khi cho rằng tình hình giống như thời kỳ những năm 1930. 

Tuy nhiên, bạn đã đúng về những nguy cơ: phương Tây đang ở trong thời kỳ suy thoái dai dẳng, những nguy cơ suy giảm mới đang dần hình thành ở eurozone và trên hết, các nhà hoạch định chính sách đang mắc phải những sai lầm nghiêm trọng. 

Dấu hiệu rõ ràng nhất và cũng là nguyên nhân của những yếu kém kinh tế hiện nay là sự dịch chuyển của cán cân tài chính tư nhân vốn đo lường sự chênh lệch giữa thu nhập và chi tiêu của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Cán cân này đang chuyển dịch từ thâm hụt sang thặng dư. Chi tiêu của người dân đang chìm trong nợ nần và sợ hãi suy giảm đã gây ra những yếu kém của nền kinh tế các nước phương Tây, kể cả Đức. Theo số liệu thống kê của IMF, từ năm 2007 đến 2012, cán cân tài chính của Mỹ sẽ đạt mức thặng dư 7,1% GDP; tỷ lệ là 6,0% ở Anh; 5,2% ở Nhật và 2,9% ở eurozone. Sẵn sàng thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ và bỏ qua thâm hụt tài khóa khổng lồ chính là nguyên nhân gây ra suy thoái và thậm chí làm hồi phục yếu ớt. 

Tài chính đóng vai trò trung tâm trong các cuộc khủng hoảng, tạo nên sự phấn khích, chi tiêu quá đà và đẩy sự hoảng loạn lên cao. Những nghi ngờ về sự ổn định tài chính phụ thuộc rất lớn vào khả năng trả nợ của các con nợ. Cuối năm 2008, các nghi ngờ này lên đến đỉnh điểm và bây giờ những gì đang diễn ra trong eurozone là mối lo ngại lớn nhất.
Hẳn mọi người đã quên mất rằng sự sụp đổ của ngân hàng Kreditanstalt của nước Áo vào năm 1931 đã dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu với một loạt ngân hàng sụp đổ. Giờ đây, nỗi sợ là làn sóng vỡ nợ của các ngân hàng và các nước sẽ dẫn đến sự sụp đổ tương tự trong eurozone. Sự sụp đổ của eurozone sau đó sẽ tự phá vỡ những bức tường đang ngăn chặn suy thoái lan tỏa.  

Liệu nỗi lo sợ này có thể trở thành hiện thực? Rất có thể. Trong cơn hoảng loạn, nỗi lo sợ có sức mạnh của riêng mình.

Tất cả những gì cần thiết để tạo nên cuộc đại suy thoái năm 1930 là các nền kinh tế mong manh dễ vỡ, chính sách tài khóa cứng nhắc, các cuộc tranh luận gay gắt về những điều cần làm, ý tưởng chịu đựng trở nên phố biến, các chính trị gia suy nghĩ thiển cận. Các chính trị gia phải loại bỏ triệt để nỗi sợ này chứ không phải là khơi nó lên. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo của eurozone đã hoàn toàn thất bại. 

Minh Anh
Theo TTVN/FT

No comments:

Post a Comment