Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, GDP quí 4/2009 của Trung Quốc tăng cao nhất kể từ năm 2007 với tốc độ 10,7% sau khi tăng 9,1% vào quí 3. Bên cạnh những nỗ lực chung của toàn nền kinh tế, kinh tế quí 4 tăng còn nhờ gói hỗ trợ 4.000 tỉ nhân dân tệ (586 tỉ USD) không có tiền lệ nhằm thúc đẩy tiêu dùng và mở rộng tín dụng từ các NHTM nhà nước. Theo đó, Trung Quốc đã tiến hành trợ cấp cho người dân nông thôn khi mua đồ dùng gia đình và miễn thuế khi mua xe tiết kiệm năng lượng, góp phần đưa Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ xe con lớn nhất thế giới năm 2009.
Năm 2009, GDP tăng 8,7% và đạt 33.555 tỉ nhân dân tệ (4.900 tỉ USD), trong đó xuất khẩu trong tháng 12 đã tăng trở lại sau 13 tháng giảm sút và Trung Quốc đã vượt CHLB Đức để trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, doanh thu bán lẻ thực tế năm 2009 tăng 16,9% - mức tăng cao nhất kể từ năm 1986, đầu tư vào tài sản cố định tại khu vực thành thị tăng 30,5%, giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh. Chỉ tính riêng tháng 12/2009, giá cả hàng tiêu dùng tăng 1,9%, giá thành sản xuất tăng 1,7%, giá cổ phiếu và nhà nhất tăng cao, gây lo ngại là nền kinh tế tăng trưởng quá nóng và áp lực lạm phát. Ngoài lạm phát, các nhà tạo lập chính sách Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro bong bóng tài sản khi luồng vốn vào đã làm tăng lượng tiền mặt trong nền kinh tế và cho vay tăng mạnh không có tiền lệ năm 2009. Việc quản lý kinh tế có thể sẽ khó khăn hơn do nhiều nguồn tiền đã đổ vào Trung Quốc với kỳ vọng là kinh tế phục hồi và nhân dân tệ tăng giá do tỉ giá được duy trì ở mức thấp 6,83 nhân dân tệ/USD kể từ tháng 7/2008 nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Theo đánh giá của ngân hàng America – Merrill Lynch, trong 6 tháng đầu năm 2010, dòng vốn vào Trung Quốc sẽ đạt khoảng 30 tỉ USD/tháng.
Trong năm 2010, tổng mức tín dụng trong năm 2010 dự kiến đạt 7.500 tỉ nhân dân tệ, giảm 22% so năm trước, GDP sẽ tăng 9,5% và Trung Quốc có thể sẽ vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, lạm phát có thể tăng 3-3,5%.
Trong hoàn cảnh đó, NHTW sẽ tăng lãi suất và thắt chặt điều kiện cho vay một cách kịp thời nhằm tránh nguy cơ tăng trưởng quá nóng, tăng dần tỉ giá để kiềm chế lạm phát và thúc đẩy nhu cầu trong nước, góp phần tái cân bằng kinh tế trong nước và toàn cầu. Cho đến cuối năm, đồng nhân dân tệ có thể sẽ tăng khoảng 3-5% so với USD.
Khả năng điều chỉnh tăng giá đồng nhân dân tệ và chi phí sản xuất trong nước tăng còn có tác dụng thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài, góp phần giảm sự phụ thuộc vào nhu cầu năng lượng, hạn chế ô nhiễm và nâng cao chất lượng sản phẩm. Do cơ sở hạ tầng trong nước đã gần như hoàn thiện, nhu cầu vật liệu xây dựng giảm mạnh, thị trường thép gần như bão hòa và cần phải chuyển sang những thị trường mới nổi khác như châu Phi, Nam Mỹ và một số nước châu Á.
Để tăng giá trị sản phẩm, Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm kỹ thuật cao, công nghệ sạch và xây dựng thương hiệu nhằm bổ sung cho nguồn cung ứng dầu mỏ, khí đốt và hàng hóa đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp trong nước.
Nhằm mở rộng thị phần tại nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước phải vượt qua nhiều khó khăn và phải có thời gian. Ngoài yêu cầu công nghệ, các doanh nghiệp phải khắc phục sự khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán, v.v. Về vấn đề này, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã xác định được tầm quan trọng của việc thích ứng với môi trường địa phương của từng nước. Do việc nâng cao trình độ công nghệ không thể đạt được một sớm một chiều, kể cả bằng tiền, các doanh nghiệp Trung Quốc hướng chủ yếu vào công nghiệp khai khoáng, một ngành cần nhiều năng lượng và tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, bắt đầu bằng việc mở rộng sang các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hướng đi này có lợi cho quản lý, tiết kiệm thời gian, có thể tuyển dụng lao động hoa kiều làm cầu nối để khắc phục sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ.
Như vậy, mặc dù kinh tế thế giới bị khủng hoảng nặng nề, nhưng kinh tế Trung Quốc liên tục đạt tăng trưởng cao và có thể vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới vào năm 2010. Bên cạnh thuận lợi là cơ bản, kinh tế Trung Quốc năm 2010 phải đối mặt với áp lực lạm phát, nhất là luồng vốn vào, đòi hỏi NHTW phải thắt chặt CSTT và có biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.
Hoàng Thế Thỏa
Ngày 27/01/2010
http://www.sbv.gov.vn/vn/home/tinnghiencuu.jsp?tin=793
No comments:
Post a Comment