Châu Âu không còn nhiều thời gian để cứu Eurozone


Thứ 4, 13/06/2012, 17:53
Có vẻ như các chính phủ châu Âu mới chỉ đang "rón rén" thực hiện các biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ, trong khi họ có khả năng làm nhiều hơn thế.
Các "kiến trúc sư" của Khu vực đồng euro (Eurozone) cùng các nhà lãnh đạo đang tích cực "chạy đua" để giải cứu khu vực đồng tiền chung châu Âu khỏi nguy cơ tan rã và nỗ lực tái cơ cấu bộ máy trong bối cảnh "ngọn lửa khủng hoảng" ngày càng lan rộng. 

Sau khi phải "bơm" tiền cứu trợ cho Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, cuối tuần qua, các bộ trưởng tài chính của 17 nước thành viên Eurozone đã nhất trí dành khoản hỗ trợ tài chính trị giá 100 tỷ euro (125 tỷ USD) để vực dậy ngành ngân hàng đang điêu đứng của Tây Ban Nha - nền kinh tế có giá trị lớn gấp đôi ba nền kinh tế kể trên gộp lại. 

Đây là lần đầu tiên Eurozone áp dụng biện pháp ngăn ngừa để hỗ trợ một thành viên của khu vực tránh khỏi việc ngừng giao dịch trên thị trường. 

Sự kiện này cho thấy Đức đã thay đổi quan điểm, khi trụ cột kinh tế này trước đây từng nhấn mạnh rằng tất cả các gói cứu trợ sẽ chỉ là "giải pháp cuối cùng." 

Các nhà phân tích đánh giá rằng quyết định cứu trợ Tây Ban Nha là bước tiến mới linh hoạt hơn trong cách giải quyết cuộc khủng hoảng, hoặc đó là do các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhận ra rằng hành động nhanh chóng là cách giúp tiết kiệm tiền một cách hiệu quả. 

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng nếu châu Âu phải trang trải nhu cầu vay mượn của Tây Ban Nha trong vòng ba năm tới theo kế hoạch vừa được thông qua, thì châu lục này sẽ buộc phải "giật gấu vá vai" quỹ giải cứu duy nhất của Eurozone, nhất là trong trường hợp Ireland và Bồ Đào Nha tiếp tục cần thêm trợ giúp trước khi hai nền kinh tế này đủ khả năng quay trở lại thị trường. 

Có thể với gói cứu trợ vừa được thông qua, người ta sẽ có thêm thời gian để tái cấu trúc "ngôi nhà chung" Eurozone. Song khả năng Hy Lạp sẽ lại "bén lửa" nếu đảng cánh tả Syriza, vốn phản đối các điều kiện của gói cứu trợ quốc tế cho Athens, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội diễn ra ngày 17/6, hoặc các cuộc bầu cử lại rơi vào bế tắc một lần nữa.

Hệ quả sẽ là gói cứu trợ bị đình trệ, hoặc Hy Lạp bị vỡ nợ, làm gia tăng nguy cơ tháo vốn tại các thị trường đang điêu đứng vì khủng hoảng nợ công. 

Đối với những người ngoài cuộc, có vẻ như các chính phủ châu Âu mới chỉ đang "rón rén" thực hiện các biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ, trong khi họ có khả năng làm nhiều hơn thế. 

Thủ tướng Canada Stephen Harper nhận định: "Châu Âu là một trong những khu vực giàu có nhất trên thế giới, tuy nhiên, cuộc giải cứu đồng euro có vẻ như mới chỉ được giải quyết nửa vời, do thiếu sức mạnh tổng lực của ngân hàng trung ương, thiếu một cơ quan đầu não với các thẩm quyền tài chính và cơ chế quản lý ngân hàng, vốn là các nhân tố cần thiết trong một liên minh tiền tệ." Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng tiến trình (tái cấu trúc) tại châu Âu sẽ kéo dài nhiều tháng, hoặc thậm chí là nhiều năm. 

Liên quan đến cuộc khủng hoảng tại châu Âu, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuần trước đã thực hiện một số cuộc điện đàm với các lãnh đạo khu vực và kêu gọi thực hiện các biện pháp nhanh chóng nhằm vực dậy đồng euro. 

Washington lo ngại rằng cuộc khủng hoảng thậm chí sẽ có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ và hủy hoại chiến dịch tái tranh cử của đương kim Tổng thống.

Mặc dù đồng quan điểm với Washington, nỗ lực tìm kiếm các sáng kiến cứu hệ thống tài chính và ngân hàng, song các nhà phân tích cho rằng tiến trình điều chỉnh Hiệp ước tài chính châu Âu và phê chuẩn của 27 nước thành viên đang diễn ra rất "chậm chạp." 

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng các nước EU cần trao cho các thể chế châu Âu - bao gồm cả Tòa án Công lý châu Âu - thêm quyền quản lý ngân sách quốc gia để liên minh này hoạt động thực sự hiệu quả.

Tuy nhiên, việc thay đổi hiệp ước có thể sẽ gây ra căng thẳng tại nhiều nước như Pháp và Hà Lan - hai nước đã phản đối hiệp ước châu Âu trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2005. 

Nhà đầu tư kỳ cựu tại châu Âu George Soros, người ủng hộ kế hoạch hội nhập châu Âu, cho rằng tiến trình thay đổi chính trị không xoa dịu nổi sự mất kiên nhẫn của thị trường, bởi vậy các nhà lãnh đạo EU sẽ chỉ còn ba tháng để giải cứu đồng euro. 

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cho rằng các nhà đầu tư đang quá bi quan. Theo ông, dư luận đang đánh giá thấp sức mạnh của những cam kết chính trị mà các nước thành viên khu vực đồng euro đưa ra.

Theo TTXVN

No comments:

Post a Comment