Thứ Sáu, 11/11/2011, 08:09 (GMT+7)
TT - Đồng euro và chứng khoán toàn cầu tiếp tục tụt dốc thảm hại khi nền kinh tế Ý bị đẩy đến bờ vực khủng hoảng. Đức và Pháp bắt đầu bàn về khả năng khu vực đồng euro tan vỡ.
Căng thẳng diễn ra trên thị trường chứng khoán Phố Wall, New York do tin xấu từ Ý - Ảnh: Reuters |
Theo báo Wall Street Journal, trong phiên giao dịch ngày 10-11 đồng euro lần đầu tiên trong một tháng qua đã sụt giảm xuống dưới 1,35 USD. Các thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu cũng chao đảo. Chỉ số Nikkei (Nhật) sụt 2,9%, Kospi (Hàn Quốc) 3,8%, Hang Seng (Hong Kong) 4,4%. Giá dầu giảm nhẹ xuống còn 95,59 USD/thùng. Trong khi đó giá vàng vẫn duy trì ở mức cao 1.760 USD/ounce.
Thị trường chao đảo do giới đầu tư mất niềm tin vào khả năng Ý có thể vượt qua khủng hoảng. Wall Street Journal cho biết lãi suất trái phiếu mười năm của Chính phủ Ý đã tăng vọt lên tới 7,48% - mức khủng hoảng nếu không có sự can thiệp khẩn cấp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tăng trưởng Ý đang rất thấp, do đó chính phủ nước này khó có khả năng trả nợ với mức lãi suất cao như vậy. Chỉ riêng năm 2012 Ý sẽ phải trả tới hơn 300 tỉ euro (405 tỉ USD) tiền nợ.Cơ hội nào cho Ý?
Nợ công Ý hiện lên tới 2.570 tỉ USD (chiếm 120% GDP), cao hơn nhiều so với Hi Lạp. Giới chuyên môn nhận định nền kinh tế Ý quá lớn, nợ quá cao, do đó châu Âu không đủ nguồn lực để cứu trợ Ý như cứu Hi Lạp hay Bồ Đào Nha. Phản ứng tiêu cực của thị trường không chỉ được giải thích bằng việc giới đầu tư không tin rằng sự ra đi của Thủ tướng Berlusconi có thể giải quyết được gì mà còn “chẳng có gì đảm bảo người thay thế ông Berlusconi sẽ làm tốt hơn” như nhà đầu tư Christian Jimenez thuộc Hãng Diamant Bleu Gestion nhận định.
“Châu Âu đã chuyển từ một cuộc khủng hoảng có thể giải quyết ở Hi Lạp sang một thách thức lớn hơn nhiều là Ý” - chuyên gia Frederic Neumann thuộc Ngân hàng HSBC ở Hong Kong nhận định. Theo báo New York Times, nếu các thị trường ngừng cho Ý vay tiền, Ý sẽ vỡ nợ và khủng hoảng nợ sẽ bao trùm châu Âu. Các ngân hàng Pháp sẽ sụp đổ đầu tiên do đang nắm tới 100 tỉ USD trái phiếu Chính phủ Ý và đã cho các công ty, người tiêu dùng Ý vay tới 300 tỉ USD. Hệ thống tài chính châu Âu và Mỹ liên hệ chặt chẽ với nhau, do đó cơn địa chấn ở châu Âu cũng đồng nghĩa với khủng hoảng ở Mỹ.
Một số nhà quan sát cho rằng Ý vẫn đủ sức chịu đựng mức lãi suất trên 7% trong một thời gian nữa bởi nền kinh tế Ý mạnh hơn Hi Lạp, trong khi thâm hụt ngân sách thấp hơn. Tình thế có thể đảo chiều nếu Ý chọn được một chính phủ mới và cam kết đưa ra các chính sách mạnh mẽ nhằm thúc đẩy tăng trưởng và giảm nợ. Tổng thống Ý Giorgio Napolitano khẳng định ông Berlusconi sẽ từ chức chỉ trong vài ngày tới. Điều cần thiết hơn là các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) phải tăng sức mạnh EFSF để sẵn sàng ứng cứu các nước đang khủng hoảng.
Tuy nhiên, tại hội nghị G-20 ở Cannes, Pháp, ý tưởng tăng nguồn lực cho EFSF lên 1.400 tỉ USD bị phản đối công khai. Các nước thặng dư như Trung Quốc và Nga, từng được kỳ vọng sẽ chìa tay giải cứu châu Âu, tỏ ra không mấy mặn mà. Bắc Kinh và Matxcơva cho biết sẽ chỉ xem xét hợp tác với IMF, nơi các quy định rõ ràng hơn và có sự đảm bảo. Trong thời điểm trước mắt, ít nhất châu Âu chưa thể trông đợi vào sự hỗ trợ tài chính từ bên ngoài.
Hiện tại, ECB vẫn đang đổ tiền mua trái phiếu chính phủ Ý và Hi Lạp. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng để giúp Ý và Hi Lạp trụ được trong thời gian tới, ECB cần phải mua trái phiếu Ý và Hi Lạp ở quy mô lớn hơn nhiều so với trước đây, một khả năng khó xảy ra. Chuyên gia Ben May thuộc Hãng Capital Economics cho rằng Ý cần một khoản cứu trợ 650 tỉ euro (877 tỉ USD) để đủ sức trụ lại trong ba năm tới, một con số quá lớn. Ở Hi Lạp, các đảng chính trị cũng đang bế tắc trong việc chọn chính phủ mới nhằm đảm bảo nhận được khoản cứu trợ 130 tỉ euro (175,5 tỉ USD).
Một châu Âu hai tốc độ?
Theo báo Guardian, thị trường tài chính châu Âu còn rúng động vì tin Đức và Pháp bắt đầu bàn đến khả năng khu vực đồng euro có thể rạn vỡ nếu Ý không vượt qua được khủng hoảng. Các quan chức cấp cao ở Paris, Berlin và Brussels đã thảo luận khả năng một hoặc vài nước rời khỏi khu vực đồng euro, trong khi các nước còn lại xích gần nhau hơn về phương diện kinh tế và tài chính, bao gồm việc sử dụng chính sách thuế và tài khóa chung. “Pháp và Đức đã thảo luận rất căng thẳng ở mọi cấp độ trong vài tháng qua” - một quan chức cấp cao EU tiết lộ.
Một số nguồn tin khác cho biết Pháp và Đức đang thảo luận việc thay đổi hiệp ước châu Âu để dẫn tới chính sách quản lý kinh tế chung cho các nước khu vực đồng euro, đảm bảo có sự giám sát trung ương đối với ngân sách và tài chính của từng nước thành viên. Kế hoạch này sẽ buộc một số nền kinh tế nhỏ trong khu vực đồng euro phải lựa chọn một là tuân thủ luật chơi chung, đồng nghĩa với việc chủ quyền bị xâm phạm, hai là rời khu vực đồng euro. Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định đã đến lúc đột phá để có một “châu Âu mới”.
Theo Reuters, Anh và một số nước thành viên EU không sử dụng đồng euro phản đối ý tưởng này. Bởi nó sẽ tạo ra một “châu Âu hai tốc độ” - khu vực đồng euro và phần còn lại - với các quy định và điều kiện kinh tế - tài chính khác biệt. Các quan chức Anh đã cảnh báo các nước sử dụng đồng euro không nên tạo ra “một câu lạc bộ trong câu lạc bộ EU” để cứu đồng euro.
SƠN HÀ
No comments:
Post a Comment