Giáo sư Tim Jackson
Cập nhật: 10:35 GMT - thứ sáu, 23 tháng 9, 2011
Mỗi xã hội đều dựa vào một huyền thoại nào đó và sống theo đó. Huyền thoại của chúng ta là tăng trưởng kinh tế.
Trong vòng năm thập niên qua việc theo đuổi tăng trưởng đã trở thành mục tiêu về chính sách quan trọng duy nhất tại nhiều nơi trên thế giới.
Nền kinh tế toàn cầu giờ đây lớn gấp năm lần so với nửa thế kỷ trước.
Cứ đà tăng trưởng này thì đến năm 2100 nó sẽ lớn gấp 80 lần.
Đà tiến hoạt động kinh tế toàn cầu sôi động một cách lạ thường này là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.
Nó hoàn toàn không thích ứng với nguồn tài nguyên hạn chế và hệ sinh thái mong manh mà sự tồn tại của chúng ta phụ thuộc vào. Và kèm theo đó là sự xuống cấp của khoảng 60% hệ sinh thái toàn cầu.
Hầu như chúng ta thường lảng tránh những con số gây choáng ngợp này. Tăng trưởng thì vẫn phải tăng, chúng ta quả quyết.
Những lý do để nhắm mắt làm ngơ đồng loạt này dễ thấy.
Chủ nghĩa tư bản phương tây được cấu trúc dựa trên tăng trưởng để đảm bảo ổn định. Khi tăng trưởng bị chững lại – như xảy ra gần đây – các chính khách bị hoang mang.
Các doanh nghiệp chật vật tồn tại. Mọi người mất việc, và đôi khi mất cả nhà nữa. Vòng xoáy suy thoái hé lộ dần.
Chất vấn tăng trưởng được coi là hành động của những kẻ mất trí, của người lý tưởng hóa và các nhà hoạt động cách mạng.
Nhưng chúng ta vẫn phải xem xét vấn đề này. Huyền thoại về tăng trưởng kinh tế đã cho chúng ta bài học thất bại.
'Đầu cơ thả phanh'
Tăng trưởng đã chẳng giúp được gì cho hai tỉ người chỉ sống với dưới hai đôla một ngày.
Nó đã làm đổ vỡ hệ sinh thái mong manh mà ta vẫn phụ thuộc vào để tồn tại. Nó đã thất bại, một cách ngoạn mục, bằng những cách riêng của nó, trong nỗ lực tạo ra một nền kinh tế ổn định và đảm bảo cuộc sống mọi người.
"Tạo của cải cho số ít cá nhân, dựa trên sự phá hủy sinh thái và sự bất công xã hội triền miên, không thể là nền tảng cho một xã hội văn minh"
Giáo sư Tim Jackson
Tạo của cải cho số ít cá nhân, dựa trên sự phá hủy sinh thái và sự bất công xã hội triền miên, không thể là nền tảng cho một xã hội văn minh.
Nhưng khủng hoảng kinh tế cho chúng ta một cơ hội đặc biệt để đầu tư vào sự thay đổi. Để loại bỏ kiểu nghĩ ngắn đã làm hoen ố xã hội suốt bao nhiêu năm.
Để tiến hành một cuộc đại tu tận gốc các thị trường tư bản vốn hoạt động yếu kém.
Thực trạng đầu cơ vô độ về hàng hóa và các sản phẩm tài chính đưa thế giới tài chính đến bờ vực sụp đổ chỉ ba năm trước đây.
Nó cần phải được thay đổi bởi một cơ chế đồng vốn khác lâu dài hơn, chậm rãi hơn.
Đầu tư vững chắc vào tài sản có giá trị lâu dài: đầu tư vào công nghệ sạch với hàm lượng các-bon thấp; vào y tế và giáo dục; vào nhà cửa chất lượng tốt và hệ thống giao thông hiệu quả; vào các khu nhà công và không gian mở. Đầu tư vào tương lai của cộng đồng chúng ta.
'Đại tu doanh nghiệp'
Doanh nghiệp cũng tới lúc cần phải đại tu.
Kiếm lời một cách tàn nhẫn từ tiền thuế của người dân là vô đạo đức. Bàn tay vô hình của thị trường phải được thuần hóa để phục vụ mọi người.
Những chủ tịch tập đoàn biết nhìn xa trông rộng từ những công ty có chiến lược đã hiểu được những đòi hỏi này.
Doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội đã bắt đầu là phát triển mạnh trong nền kinh tế sau khủng hoảng.
Sửa sai cho nền kinh tế chỉ là một phần của cuộc chiến.
Chúng ta cũng phải đối diện với cái logic cuộn thừng của chủ nghĩa tiêu dùng.
Ngày tháng mà ta tiêu tiền mà ta không sở hữu vào những thứ ta không cần chỉ cốt để làm người khác phải trầm trồ đã hết rồi.
Sống lành mạnh là phải có nguồn dinh dưỡng tốt, có nhà cửa khấm khá, là tiếp cận dễ dàng tới các dịch vụ chất lượng cao, cộng đồng bình ổn, và hài lòng với công việc.
Giàu có – với cách hiểu nào đi nữa về ngôn từ, cũng vượt quá sự quan ngại về vật chất.
Nó phụ thuộc vào tình yêu của chúng ta cho gia đình, trong sự giúp đỡ bạn bè quanh ta.
Nó chính là sức mạnh của cộng đồng chúng ta, trong khả năng mà chúng ta có thể tham gia sâu rộng vào cuộc sống xã hội một cách có ý nghĩa cũng như có mục đích cho cuộc sống của chúng ta.
Thách thức đối với xã hội là phải tạo được những điều kiện để điều đó thành hiện thực.
No comments:
Post a Comment