05/07 'VN là điểm nóng tăng trưởng của thế giới'


Việt Nam là một trong 7 nền kinh tế mới nổi có nguy cơ tăng trưởng nóng cao nhất thế giới, theo báo cáo của The Economist.
kinh_te_viet_nam_tang_truong_nong
Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ việc tăng trưởng nóng.

Nguy cơ tăng trưởng nóng tại các nền kinh tế mới nổi được nhắc đến nhiều sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ 2008 - 2009 và được đặc biệt chú ý trong giai đoạn gần đây khi mà tình trạng lạm phát tăng cao, đe dọa quá trình phục hồi kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
Nguy cơ này được bộ phận nghiên cứu của The Economist đề cập khá rõ trong báo cáo về 27 nền kinh tế mới nổi (trong đó có Việt Nam) được công bố cuối tuần qua, thông qua việc phân tích 6 chỉ báo khác nhau: giá cả, GDP, việc làm, tín dụng, lãi suất và cán cân vãng lai.
Chỉ đứng sau Venezuela và Argentina về tốc độ tăng giá tiêu dùng trong vòng một năm trở lại đây, Việt Nam là một trong những nước có lạm phát cao nhất trong 27 nền kinh tế được khảo sát. Mức tăng CPI so với một năm trước của Việt Nam là xấp xỉ 20%.
Trong khi đó, theo số liệu thu thập được của bộ phận nghiên cứu, tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 2008 - 2011 của nước ta thấp hơn trung bình của 10 năm trước đó khoảng 1,2%. Thống kê này khiến Việt Nam rơi vào nhóm 10 nước chịu anh hưởng nặng nhất do khủng hoảng tài chính trong số các nền kinh tế mới nổi.
Điểm sáng xuất hiện ở thị trường lao động khi tỷ lệ thất nghiệp hiện tại là 4,4%, thấp hơn gần một điểm phần trăm so với mức trung bình 10 năm gần đây. Tuy nhiên, khả năng tạo việc làm của thị trường lao động nước ta vẫn chỉ ở mức trung bình trong số các quốc gia được khảo sát.
Đối với tín dụng, chỉ báo được The Economist sử dụng là hiệu số giữa tốc độ tăng trưởng cho vay đối với khu vực tư nhân với mức tăng GDP danh nghĩa. Với cách tính này, mức “thừa” tín dụng của Việt Nam trong 12 tháng qua là khoảng 7%, cao thứ 8 trong 27 nước được khảo sát. Theo các chuyên gia, chỉ báo nói trên thường có xu hướng dương ở hầu hết các nền kinh tế mới nổi (do khu vực tài chính đang phát triển) nhưng nếu mức dương quá lớn sẽ dễ khiến dòng tiền chảy mạnh vào các lĩnh vực phi sản xuất, gây ra bóng bóng tài sản.
Trong khi tăng trưởng tín dụng cao thì lãi suất tại Việt Nam, theo The Economist, lãi suất thực âm khoảng 4,7%. Mức thực âm này chỉ kém hơn so với Venezuela và Argentina (khoảng 10 - 11%). Việt Nam cũng tiếp tục đứng thứ 3 khi các chuyên gia xem xét chỉ báo cuối cùng là mức thâm hụt cán cân vãng lai. Theo đó, mức thâm hụt trong năm 2011 của nền kinh tế là khoảng 4%, thấp hơn so với Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi (lần lượt là 8% và 4,4%).
Tổng hợp các yếu tố nêu trên, The Economist xếp Việt Nam là một trong 7 nền kinh tế mới nổi có nguy cơ tăng trưởng nóng cao nhất thế giới với điểm số 84 (tối đa là 100 cho nước có nguy cơ cao nhất). Bằng điểm với Việt Nam là 5 nền kinh tế khác bao gồm Brazil, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ. Argentina là nước có nguy cơ cao nhất với điểm số tuyệt đối 100. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ nhận điểm số dưới 60 sau những nỗ lực thắt chặt tiền tệ gần đây.
Theo các chuyên gia của The Economist, giải phát tốt nhất để “hạ nhiệt” cho các nền kinh tế đang tăng trưởng nóng nêu trên là tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, cải thiện tình trạng lãi suất thực âm cũng như lấp đầy thâm hụt ngân sách - vốn vẫn rất cao ở một số quốc gia… Nếu các biện pháp không được tiến hành kịp thời, các chuyên gia cho rằng nhiều nền kinh tế sẽ phải đối mặt với nguy cơ bong bóng tài sản trong tương lai gần, gây ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phục hồi kinh tế. Nếu điều này diễn ra trên diện rộng, nguy cơ về một cuộc khủng hoảng khác cũng sẽ hiển hiện.
Chi tiết các chỉ tiêu của The Economist
Chỉ số giá tiêu dùng
Biến động giá tiêu dùng (%) so trong vòng một năm qua. Ở hạng mục này, CPI của Việt Nam tăng gần 20%, cao thứ 3 trong 27 nước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP).
So sánh tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 3 năm qua với giai đoạn 10 năm trước đó. Việt Nam là một trong 10 nước giảm mạnh nhất với mức giảm trên 1%.
Tỷ lệ thất nghiệp.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam giảm gần một điểm phần trăm trong vòng 10 năm qua. Hiện đứng ở mức 4,4% dân số trong độ tuổi lao động.
Tăng trưởng tín dụng cho khu vực tư nhân so với mức tăng GDP danh nghĩa.
Tăng trưởng tín dụng cho khu vực tư nhân tại Việt Nam cao hơn mức tăng GDP danh nghĩa khoảng 7% trong vòng 12 tháng qua, cao thứ 8 trong số các nước được khảo sát.
Lãi suất thực
Lãi suất tại Việt Nam hiện không đủ bù đắp lạm phát, hiện thực âm hơn 4%.
Thâm hụt cán cân vãng lai
Thâm hụt cán cân vãng lai của Việt Nam cũng âm khoảng 4%, cao thứ 3 sau Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi.

Theo: VnExpress

No comments:

Post a Comment