05/07 Kinh tế 24h: Tác dụng phụ khó nhằn


▪  DIỆP ANH
05/07/2011 08:33 (GMT+7)
 
Hy Lạp vẫn có khả năng rơi vào vỡ nợ, dù chỉ một phần?
Nếu Hy Lạp áp dụng kế hoạch đảo nợ do các ngân hàng Pháp đề xuất, quốc gia châu Âu này có nguy cơ rơi vào tình trạng vỡ nợ một phần, tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) hôm 4/7 lên tiếng cảnh báo.

Trước đó, các ngân hàng Pháp, chủ nợ lớn của Hy Lạp, tình nguyện đề xuất đảo nợ cho nước này với các điều khoản khác nhau. S&P cho rằng, đề xuất này có thể khiến các nhà đầu tư trái phiếu thua lỗ, và nhiều khả năng đẩy Hy Lạp vào tình trạng vỡ nợ một phần.

Theo S&P, gói hỗ trợ chính thức nhằm đáp ứng nhu cầu cấp vốn cho Chính phủ Hy Lạp trong giai đoạn 2011-2014 có thể đòi hỏi sự tái cấu trúc nợ của lĩnh vực tư nhân dưới hình thức mà tổ chức này xem là vỡ nợ một phần.

Sau khi ý kiến này của S&P được đưa ra, một quan chức tài chính cấp cao cho biết, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục chấp nhận việc Hy Lạp dùng nợ để thế chấp cho các khoản vay, trừ khi tất cả các cơ quan xếp hạng tín dụng lớn đánh giá rằng Hy Lạp sẽ vỡ nợ.

ECB sẽ dựa trên nguyên tắc sử dụng đánh giá tốt nhất hiện có của các cơ quan xếp hạng S&P, Fitch Ratings và Moody's. Hiện, S&P và Fitch Ratings đều đã đưa ra nhận định Hy Lạp có nguy cơ vỡ nợ trong khi Moody’s vẫn chưa bình luận gì.

Chỉ cần 1 trong số 3 cơ quan xếp hạng này không hạ xếp hạng Hy Lạp, ECB có thể tiếp tục chống đỡ cho hệ thống ngân hàng của Hy Lạp. Việc ECB tiếp tục hỗ trợ Athens rất quan trọng bởi các ngân hàng Hy Lạp gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tài trợ của ECB.

Trong khi đó, các quan chức Pháp và Đức nói rằng, họ không quan tâm quá mức đến các báo cáo của S&P. Họ nhấn mạnh rằng kế hoạch đảo nợ không thể gây ra vỡ nợ, mà sẽ kích hoạt các khoản thanh toán trên giao dịch hoán đổi vỡ nợ tín dụng, hình thức bảo hiểm chống lại vỡ nợ.

Trong một động thái khác, các chuyên gia kinh tế tham dự hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) diễn ra ở Geneva (Thụy Sỹ) cho rằng, hiện tại không thích hợp để thế giới thắt lưng buộc bụng, cắt giảm mạnh hệ thống an sinh xã hội.

Các chính sách kinh tế khắc khổ, được nhiều nước phát triển và đang phát triển theo đuổi hiện nay để đối phó với nợ nần gia tăng, đang đe dọa tiến trình phục hồi kinh tế mong manh của các nền kinh tế thế giới.

Đặc biệt, những chương trình thắt lưng buộc bụng này còn cắt giảm các chương trình y tế và xã hội vốn có tác động sống còn đối với người nghèo, đồng thời mở rộng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội.

Các nhà kinh tế thế giới cảnh báo, các chính sách "thắt lưng buộc bụng" có nguy cơ đưa nền kinh tế thế giới trở lại suy thoái, đẩy giá lương thực và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Để tránh nguy cơ này, các nước cần tăng cường phối hợp phản ứng chính sách hơn là thực hiện chính sách khắc khổ.

Liên quan tới triển vọng của kinh tế Mỹ, tờ Time bình luận, nước này sẽ không theo chân Hy Lạp, mặc dù thời hạn chót để nâng trần nợ ngày càng tới gần trong khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chưa thể thỏa hiệp được với nhau.

Theo tờ Time, Mỹ vẫn chưa thể quyết định nên chọn giải pháp cắt giảm chi tiêu hay tăng thuế (chi tiêu cho an ninh xã hội, và chăm sóc y tế có thể tăng từ mức 10% GDP hiện nay lên đến mức 15% GDP vào năm 2030, là mức khó chống đỡ được) mà hai đảng lớn ở Mỹ hiện vẫn khăng khăng theo ý của mình.

Một bên bác bỏ giải pháp tăng thuế, một bên lại không chấp nhận việc cắt giảm mạnh những khoản chi tiêu có thể cắt giảm. Nhưng các tranh cãi về tiền bạc thì có thể thoả hiệp được.

Thêm vào đó, thế giới chưa mất niềm tin vào nền kinh tế Mỹ. Người ta mượn tiền của Mỹ vì nó rẻ hơn là mượn ở bất cứ nước nào khác. Thị trường chứng khoán thì vẫn mạnh, các công ty thì vẫn làm ăn phát đạt.

Trong khi đó, theo thống kê của Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC), sáu tháng đầu năm nay, có tới 48 ngân hàng của Mỹ phải đóng cửa do làm ăn thua lỗ. Những ngân hàng này có tổng tài sản trị giá 18,7 tỷ USD và tổng tiền gửi lên tới 16,7 tỷ USD.

Tiền bảo hiểm phải chi trả cho các ngân hàng này có thể lên tới 4,2 tỷ USD. Tuy nhiên, số ngân hàng bị "sập tiệm" này đã giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái (86 ngân hàng). Hầu hết các ngân hàng bị phá sản từ đầu năm đến nay có tài sản chưa đến 1 tỷ USD.

Lớn nhất trong số các ngân hàng đó là Superior Bank , với khoảng 3 tỷ USD tài sản và 2,7 tỷ USD tiền gửi; tiếp đó là ngân hàng First Community Bank với tài sản trị giá 2,31 tỷ USD và số tiền gửi là 1,94 tỷ USD; và ngân hàng United Western Bank có tài sản trị giá 2,05 tỷ USD và tiền gửi là 1,65 tỷ USD.

FDIC cho rằng, thời điểm khó khăn nhất của ngành ngân hàng Mỹ đã qua. FDIC ước tính, số ngân hàng phá sản trong năm nay sẽ ít hơn những năm trước và các vụ phá sản ngân hàng có thể gây thiệt hại cho ngành bảo hiểm tiền gửi khoảng 45 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2010 đến hết năm 2014.

Liên quan tới kinh tế Trung Quốc, tờ MarketWatch dẫn lời các chuyên gia phân tích cho rằng, chính quyền địa phương Trung Quốc đang có nguy cơ khủng hoảng tài chính và phải cần tới 1 gói cứu trợ từ Chính phủ.

Trước đó, hôm 27/6, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc báo cáo, các khoản nợ của các chính quyền địa phương lên tới 1.650 tỷ USD, chiếm 27% GDP. Tháng trước, hãng tin Reuters cho hay, Bắc Kinh đang xem xét một gói cứu trợ cho chính quyền địa phương để chống lại nguy cơ vỡ nợ.

Chuyên gia kinh tế Tao Dong cho biết, chính quyền địa phương đang phải đối mặt với rất nhiều khoản nợ sắp đến hạn và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn vay mới do Nhà nước kiểm soát các ngân hàng ngày càng chặt.

No comments:

Post a Comment