Tác giả: NGUYỄN CHÍNH TÂM
Để vượt qua cái bẫy đô la, các quốc gia EU đồng ý từ bỏ đồng tiền riêng của mình, cùng kiến tạo một "cái neo" tiền tệ ổn định không những về tỷ giá, mà còn về giá trị. Tuy vậy, khu vực euro tự tạo ra cho mình một cái bẫy khác.
Khi ra đời năm 1999, đồng euro đại diện cho sức mạnh lẫn biểu tượng. Điều này được thể hiện không chỉ bởi kích thước của khu vực tiền tệ, với 17 quốc gia và dân số hơn 328 triệu người, mà còn tham vọng của cả Liên minh EU trở thành một cực chính trị độc lập trên bình diện toàn cầu. Nhiều nhà quan sát thậm chí còn lạc quan về viễn cảnh một trật tự lưỡng cực với đồng tiền chung euro đối đầu, cạnh tranh và vượt mặt mỹ kim xanh.
Từ năm 2009, một bóng ma đang ám ảnh châu Âu: Bóng ma nợ công và hệ quả của nó lên đồng tiền. Tất cả giới tinh hoa của châu lục, từ ngân hàng, doanh nghiệp, chính khách hay học giả tháp ngà đều xoay cuồng trước những diễn biến không ngừng từ Hy Lạp đến Ireland và hai xứ vùng bán đảo Iberia Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Trong vòng xoáy của cơn khủng hoảng, tương lai đồng euro đang đặt dưới một dấu chấm hỏi lớn.
Ước mơ dang dở của lục địa già
Về cơ bản, đồng euro là một thành công. Nói như các nhà chính trị, dự án đồng tiền chung không những gánh trên vai tham vọng kinh tế của một thị trường thống nhất, mà cả sứ mệnh chính trị xây dựng một "nền hòa bình vĩnh cửu" cho lục địa già.
Sự thật kinh tế ít hoa mỹ hơn: sự ra đời của euro là một phản ứng với trật tự tiền tệ-tài chính sau thế chiến II và chính sách bá quyền của đôla Mỹ.
Để vượt qua cái bẫy đô la, các quốc gia EU đồng ý từ bỏ đồng tiền riêng của mình, cùng kiến tạo một "cái neo" tiền tệ ổn định không những về tỷ giá, mà còn về giá trị. |
Từ những thập niên 60, thâm hụt ngân sách vì chiến tranh Việt Nam, các chính phủ Washington thường xuyên phải sử dụng tỷ giá đô la làm đòn bẩy ngân sách. Nhờ vị trí đặc biệt của Mỹ kim trong trật tự kinh tế thế giới, thay vì phải thay đổi chính sách hay cải cách cấu trúc (kèm theo những phí tổn phát sinh) để tái cân bằng ngân sách, Mỹ đẩy gánh nặng này "san sẻ" cùng các đồng minh. Sự biến động tỷ giá đôla làm các chính phủ Tây Âu lâm vào thế khó, phải miễn cưỡng sống chung với lũ: theo đuôi chính sách Mỹ kim và nhập khẩu luôn lạm phát từ nước này.
"USD là tiền tệ của chúng ta, nhưng là vấn đề của bạn", phát biểu cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ John Connally được xem như biểu tượng cho mối quan hệ tiền tệ-tài chính "ngoài nóng, trong lạnh" của hai bờ Đại Tây Dương.
Euro và khu vực tiền tệ chung châu Âu được thành hình nhằm giúp các nước thành viên trung lập hóa ảnh hưởng biến động tỷ giá. Để vượt qua cái bẫy đô la, các quốc gia đồng ý từ bỏ đồng tiền riêng của mình, cùng kiến tạo một "cái neo" tiền tệ ổn định không những về tỷ giá, mà còn về giá trị.
Tuy vậy, khu vực euro tự tạo ra cho mình một cái bẫy khác. Ngày hôm nay, khi nói về khủng hoảng, những Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland là vấn đề. Đa số các nước này đều có tình trạng thâm hụt ngân sách cao, tỷ lệ thất nghiệp báo động, khả năng cạnh tranh kém. Hy Lạp còn bị gán thêm thành tích giả mạo thống kê, tham nhũng, không minh bạch trong chính sách tài khóa.
Nhưng lỗ hổng trong nền kinh tế khu vực lớn hơn như thế. Đó là hoài nghi về hiệu năng của việc sử dụng một đồng tiền chung, mà không có một chính sách hay cơ chế quản trị kinh tế thống nhất.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra về tính bất hợp lý trên bình diện cấu trúc của khu vực euro khi cố gắng kết hợp nhiều nền kinh tế chênh lệch về lượng, và khác nhau về chất thành một khối.
Khó khăn này tiếp tục nhân đôi bởi sự chần chừ (hay bỏ lỡ) của các quốc gia chủ chốt trong việc xúc tiến một liên minh chính trị làm bàn đạp. Tính "chủ quyền" của mỗi quốc gia trong hồ sơ này lại là nguyên tắc được đặt cao hơn tính "châu Âu" trong quá trình ra chính sách, dẫn đến lệch pha trong mắt xích của hệ thống điều hành.
Việc thiếu vắng một chính phủ kinh tế trung ương được diễn đạt như "lỗi cấu trúc" của toàn bộ vấn đề. Không đồng nhất về chính sách tài khóa, ngân sách hay thuế má, mỗi chính phủ có thể lựa chọn giải pháp riêng, mà không lường đến kết quả cuối cùng phản ánh lên sức khỏe đồng tiền chung. Ngược lại, một thống nhất chung về tiền tệ cũng hạn chế lựa chọn mỗi quốc gia trong quá trình quyết sách.
Như Hy Lạp năm 2009, nếu euro không tồn tại, nước này có thể phá giá nội tệ thúc đẩy xuất khẩu, cân bằng cán cân thanh toán. Nhưng khi khu vực đồng euro hình thành, cánh cửa này đóng lại, bởi 16 nước tham gia thống nhất một đơn vị tiền tệ chung. Giải pháp của Hy Lạp chỉ còn là một: tiết kiệm, tiết kiệm và tiết kiệm. Kế hoạch "thắt lưng, buột bụng" chủ yếu vào hầu bao ngân sách Nhà nước, bao gồm cả lương hưu, tiền lương, và tăng thuế.
Những kịch bản của tương lai
Cuộc khủng hoảng khu vực euro làm sống lại cuộc tranh luận về đồng euro và dẫn tới nhiều kết luận. Những người nghi ngờ euro có dịp khẳng định lại quan điểm: khu vực euro không phải là một khu vực tiền tệ tối ưu và yêu cầu một sự phân chia ranh giới.
Phiên bản cứng của đề nghị này kêu gọi các nước đang bị vấn đề nợ công và thâm hụt ngân sách rời khỏi liên minh tiền tệ, để tự giải quyết vấn đề ngân sách. Hoặc nếu điều đó không xảy ra, nước Đức, một trong chính phủ "đứng mũi chịu sào" các gói giải cứu, cần suy nghĩ đến việc quay về đồng D-Mark, rời bỏ khu vực đồng tiền chung.
Đề nghị này bị xem là khó khả thi, vì hai lý do chính. Góc nhìn kinh tế, sự quay trở lại đồng tiền quốc gia bị đánh giá sẽ tạo rủi ro kinh tế cao. Kịch bản vỡ nợ được thay thế bằng kịch bản "chuyển tiền" trong vòng một sáng, một tối. Giả sử Hy Lạp từ bỏ khối euro, lựa chọn lại đồng Drachma, thì sau khi đổi tiền xu hướng công dân nước này -trước những dấu hiệu bất ổn kinh tế vĩ mô của nước mình- quay lại đồng euro như "hầm trú ẩn" an toàn là một kịch bản dự báo trước. Sự chuyển đổi đồng loạt trong thời gian ngắn ví như làn sóng khổng lồ phá vỡ thêm bức tường chống bão vốn đã mỏng manh, mà có thể thấy qua sự sụp đổ đồng loạt của các ngân hàng.
Góc nhìn chính trị, khả năng loại từ một nước nào đó ra khỏi liên minh chưa có tiền lệ trong lịch sử, và cũng rất nhạy cảm với kế hoạch thống nhất. EU ra đời không phải để trừ, mà cộng. Tiêu chí của nó là kết hợp những quốc gia dựa vào tự nguyện và đồng thuận trên sự khác biệt.
Phiên bản mềm hòa dịu hơn, bày tỏ sự lo lắng về sự khác biệt quá lớn giữa các nền kinh tế, và yêu cầu một thống nhất với hai vùng riêng biệt. Hai khu vực tiền tệ nên được hình thành tương ứng trên sức mạnh thực của các nền kinh tế. Đồng tiền Tây âu với Đức, Pháp làm tâm điểm và đồng tiền Nam âu với các nước có nền kinh tế yếu hơn và đang chịu thâm hụt về ngân sách.
Mặc dù nhận được một số tán đồng ban đầu, giải pháp phân chia vùng không thoát khỏi cái bóng của nguy cơ phá giá hay bị nâng giá đồng tiền giữa hai khối dẫn đến khả năng mâu thuẫn thương mại như đã xảy ra trong quá khứ giữa D-Mark, Peseta hay đồng Lira.
Một tiếp cận khác nhìn vấn đề từ lỗi cấu trúc. Một chính sách chung về kinh tế cho châu Âu cần được "đặt lên bàn nghị sự". Có người nói cần một chính phủ kinh tế Liên âu. Có người phản bác, chính phủ to tát quá, một cơ chế quản trị chung (governance) sẽ gần với thực tế.
Dù cho chính phủ hay cơ chế chung, đề nghị này hướng tới một bước hội nhập sâu rộng, gắn chặt hơn các nước lại với nhau, một giải pháp mà trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng hiện nay tạo ra nghi ngờ nhiều hơn đồng thuận. Trên hết việc này đòi hỏi các nước thành viên tiếp tục giao nộp thêm nhiều quyền trong địa hạt quản lý kinh tế, đồng nghĩa với việc khuôn khổ chính sách của từng quốc gia phải "EU hóa" hơn theo một chuẩn chung.
Thứ hai, giải pháp "thêm nhiều EU" tuy được giới chính chị gia ủng hộ, nhưng vẫn chưa đạt đồng thuận giữa các nước lãnh đạo. Chính phủ Berlin hình dung đây phải là cơ chế mang tính liên kết các phạm vi chính sách kinh tế (như chính sách tài khóa, văn hóa ổn định, điều khiển chính sách tỷ giá..), sao cho vai trò chính là tạo ra khuôn khổ nhất định, xây dựng luật và động lực cho các thành viên hoạt động. Ngược lại, lãnh đạo điện Élysée dặt yêu cầu cơ chế quản trị chung phải là một thể chế chính trị, không những chỉ mang nhiệm vụ điều phối, mà còn đảm bảo trách nhiệm can thiệp vào những lỗ hỏng còn yếu kém của thị trường chung. Nói một cách nôm na, anh không chỉ là trọng tài, mà còn là một diễn viên thực thụ.
Cuối cùng, thiết lập mô hình một "siêu chính phủ" đặt lại vấn đề "trách nhiệm và quyền hạn" các thiết chế quản trị. Chính phủ quốc gia do người dân mỗi nước bầu lên, nhưng quyền lợi của họ lại được đại diện qua ở một cơ chế chỉ định có những địa điểm khác nhau trên khắp bản đồ châu lục. Tìm được tính chính đáng từ ủy nhiệm của cử tri cho một thiết chế được giao quyền lãnh đạo, nhưng không đảm bảo chịu trách nhiệm là câu hỏi không dễ trả lời.
Các tranh luận về đồng euro sẽ còn tiếp diễn. Vượt qua những bất đồng, ít ra một đồng thuận đang được thành hình: khủng hoảng là cái nguy, cũng là cái cơ, vì tạo cơ hội cho EU thay đổi. Hành tranh đầu tiên của cải cách là nhìn nhận khoảng cách giữa ý muốn chính trị từ Berlin, Paris, Brussels và thực tế kinh tế diễn ra từng ngày từng giờ trên các thị trường. Thu hẹp khoảng cách này không dễ, nhưng phải làm, dù đồng euro có chọn con đường tương lai nào đi chăng nữa.
No comments:
Post a Comment