03/05 Cuộc “vạn lý trường chinh” của nhân dân tệ

Thứ 3, 03/05/2011, 10:06


Đến nay, mặc dù Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng đồng nhân dân tệ (NDT) vẫn chưa là một loại tiền tệ quốc tế.

Và để nâng đồng NDT thành một đồng tiền quốc tế, Trung Quốc đang nỗ lực bắt đầu một cuộc “vạn lý trường chinh”.

Thúc đẩy giao thương bằng nhân dân tệ

Theo Wall Street Journal, vào thứ Ba tuần trước (19-4-2011), một quan chức cao cấp trong ngành tài chính Hồng Kông cho biết Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang “tích cực xem xét” những quy định mới để đồng NDT lưu thông qua biên giới được dễ dàng hơn.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn đang kiểm soát nghiêm ngặt các dòng tiền ra vào nền kinh tế. Với chiều hướng thay đổi đó, Bắc Kinh muốn tạo niềm tin cho các đối tác nước ngoài rằng có thể dễ dàng sử dụng NDT đầu tư trở lại Trung Quốc để họ chấp nhận thanh toán bằng NDT trong giao thương.

Thứ Hai tuần trước (18-4-2011), Tân Hoa xã trích dẫn báo cáo của một quan chức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết giá trị giao thương quốc tế của NDT trong quí 1 năm nay đã đạt 7% tổng ngoại thương, một sự tăng trưởng đáng kể khi tỷ lệ trên chỉ là 5,7% trong quí 4 và 0,5% trong quí 1 năm trước.

Như vậy, trong quí 1 vừa qua, giá trị ngoại thương bằng NDT đã tăng từ mức 309,3 tỉ NDT (tương đương 47,3 tỉ đô la Mỹ) của quí trước lên thành 360,3 tỉ NDT (tương đương 55,2 tỉ đô la Mỹ) và gấp gần đến hai mươi lần so với con số 18,4 tỉ NDT (tương đương 2,8 tỉ đô la Mỹ) cùng kỳ năm trước.

Những con số tăng trưởng không ngừng của giá trị ngoại thương bằng NDT là kết quả của những nỗ lực không ngừng của Bắc Kinh để tăng cường khả năng giao thương của NDT. Tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã nâng số lượng doanh nghiệp xuất khẩu được phép sử dụng NDT trong ngoại thương từ mức vài trăm lên thành 70.000 doanh nghiệp.

Trung Quốc cũng đẩy mạnh cả các thỏa thuận thương mại song phương bằng NDT với nhiều quốc gia khác. Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã có được sự thỏa thuận với Nga để loại bỏ đô la Mỹ ra khỏi giao thương giữa hai nước. Trung Quốc cũng đã có thỏa thuận với Brazil để tăng cường thanh toán giao thương song phương bằng NDT hơn là đô la Mỹ. Wall Street Journal đã dẫn lời một quan chức ngành tiền tệ Singapore cho biết Singapore cũng đang đàm phán để thực hiện việc giao thương song phương bằng NDT.

Trung Quốc cũng đang thúc đẩy các công ty phương Tây và Trung Quốc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu bằng NDT. Các doanh nghiệp như Caterpillar Inc, McDonald’s Corp và Unilever NV trở thành những đơn vị tiên phong trong nỗ lực trên. Tháng 8 năm ngoái, McDonald’s đã trở thành doanh nghiệp phi tài chính đầu tiên phát hành trái phiếu bằng NDT trị giá 200 triệu NDT (tương đương 29 triệu đô la Mỹ). Nếu đồng NDT có thể được đầu tư dễ dàng hơn tại Trung Quốc, sẽ càng kích thích các doanh nghiệp khác huy động vốn bằng NDT.

“Quốc tế hoá” NDT và “hạ bệ” đô la Mỹ

Để “quốc tế hóa” NDT, Bắc Kinh cũng đang ra sức vận động để NDT có một vai trò lớn hơn trong các định chế tài chính quốc tế. Trước mắt, Bắc Kinh đang muốn NDT nhanh chóng có mặt trong rổ tiền tệ SDRs (Special Drawing Rights), loại tiền tệ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mà các quốc gia có thể dùng để dự trữ. Hiện tại, rổ tiền tệ SDRs đang chỉ có đô la Mỹ, euro, bảng Anh và yen Nhật.

Trung Quốc thể hiện rất rõ tham vọng trên. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên phát biểu rằng: “Nếu có ai đề nghị rằng NDT nên nằm trong rổ tiền tệ SDRs thì chúng tôi sẽ hoan nghênh ý kiến đó”. Cuối tháng trước, khối G20, về cơ bản, đã đồng ý một tiến trình để NDT có mặt trong rổ tiền tệ SDRs.

Đó là một trong những nỗ lực thúc đẩy hình thành một hệ thống kinh tế tài chính mà trong đó NDT đóng vai trò trung tâm, hay nói một cách khác là nhằm phát triển NDT trở thành đồng tiền quốc tế. Thông qua việc “quốc tế hóa”, nâng cao vị thế NDT, Trung Quốc cũng muốn tìm cách giảm nhẹ vai trò của đồng đô la Mỹ và đang liên tục vận động để SDRs dần thay thế đô la Mỹ trong dự trữ của các nền kinh tế. Năm ngoái, Trung Quốc đã đưa Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Dân làm cố vấn đặc biệt cho Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss Kahn nhằm thúc đẩy nhanh hơn quá trình trên.

Rủi ro và thử thách

Mặc dù Trung Quốc đang đạt được một số thành công nhất định trong việc “quốc tế hóa” và gia tăng vị thế NDT, nhưng cũng đang vấp phải không ít khó khăn.

Trước hết, tham vọng có mặt trong rổ tiền tệ SDRs của Trung Quốc đã gặp phải sự phản đối kịch liệt từ nhiều nước với lý do Trung Quốc vẫn chưa thả nổi tỷ giá NDT theo thị trường.

Tại hội nghị bộ trưởng tài chính khối G20 vào cuối tháng trước, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Timothy Geithner dù đồng ý là: “Theo thời gian, chúng tôi tin rằng các loại tiền tệ của các nền kinh tế lớn sử dụng nhiều trong các giao dịch thương mại và tài chính quốc tế sẽ trở thành một phần của rổ tiền tệ SDRs”, nhưng vẫn cho rằng: “Để đạt được mục tiêu này, các nước liên quan cần phải có hệ thống tỷ giá linh hoạt, ngân hàng trung ương độc lập và cho phép các dòng vốn tự do”.

Hoa Kỳ vẫn luôn chỉ trích Trung Quốc đã không chịu thả nổi tỷ giá của NDT. Dù sao thì Hoa Kỳ vẫn có một vai trò lớn trong IMF nên sự phản đối từ Hoa Kỳ sẽ là lực cản lớn.

Không riêng gì Hoa Kỳ, ngay cả Pháp cũng ngầm cho rằng Trung Quốc phải thả nổi tỷ giá NDT nếu muốn có mặt trong rổ tiền tệ SDRs. Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde cũng nhấn mạnh vào tính linh hoạt của tỷ giá tiền tệ và sự độc lập của ngân hàng trung ương như là điều kiện tiên quyết để tham gia thị trường tài chính toàn cầu. Bà Christine Lagarde khẳng định, đồng NDT có mặt trong rổ tiền tệ SDRs hay không, phụ thuộc vào chính quyền Trung Quốc. Ngay cả các thành viên của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, trong hội nghị thượng đỉnh vừa qua tại Trung Quốc, cũng chưa nhất trí để có được thỏa thuận cho phép NDT có mặt trong rổ tiền tệ SDRs.

Bên cạnh thử thách để gia nhập rổ tiền tệ SDRs, dự trữ ngoại tệ khổng lồ trị giá hơn 3.047 tỉ đô la Mỹ, mà phần lớn là đô la Mỹ, cũng trở thành một rủi ro cho Trung Quốc khi đô la Mỹ mất giá. Trung Quốc vẫn chưa có biện pháp “thanh lý” đô la Mỹ trong kho dự trữ của mình trong khi các quốc gia khác vừa không muốn đô la Mỹ mất giá nhanh chóng khi đô la Mỹ vẫn là phương tiện dự trữ chính, cũng vừa không sẵn sàng “giảm tải” kho dự trữ khổng lồ trên cho Trung Quốc.

Điều đó sẽ khiến cho quá trình đẩy mạnh vai trò dự trữ của SDRs bị chậm đi. Hiện tại, Trung Quốc chỉ đưa được NDT ra nước ngoài và tạo sự luân chuyển tốt hơn nhưng chưa có biện pháp giảm bớt dự trữ đô la Mỹ hay nói cách khác là Trung Quốc đang nan giải với kho dự trữ ngoại tệ, cũng giống như nan giải với tỷ giá linh hoạt vì nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu.

Chính vì thế, “quốc tế hóa” NDT sẽ là cuộc “vạn lý trường chinh” đầy thử thách của Trung Quốc.
Theo Ngô Minh Trí
TBKTSG

No comments:

Post a Comment