Thứ Tư, 18/05/2011 | 17:49
Phản hồi: 0
(Vietstock) - Một số thị trường chứng khoán châu Á có thể đang thu hút sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư tổ chức theo kết quả cuộc khảo sát các nhà quản lý quỹ do Bank of America Merrill Lynch thực hiện. Tuy nhiên, diễn biến chung của các thị trường đều tương đối ảm đạm trong tháng 5.
Tháng ảm đạm của chứng khoán thế giới
Từ đầu tháng 5 đến nay, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 2%, Hang Seng của Hồng Kông rớt 3.5%, Sensex của Ấn Độ sụt 5.2%, Kospi của Hàn Quốc hạ 4.1%, Nikkei 225 của Nhật Bản và S&P/ASX 200 của Australia cùng lùi 2.9%, chỉ số Taiex của Đài Loan mất 1.4%.
Tương tự, chứng khoán Mỹ và các thị trường chứng khoán châu Âu cũng mất điểm trong tháng này. Cụ thể, chỉ số Dow Jones giảm 2.6%, còn Stoxx 600 hạ 2.3%.
Tuy nhiên, trong khi các thị trường chứng khoán châu Á mất điểm trong năm nay với chỉ số Sensex của Ấn Độ trượt tới 11.6%, thì chỉ số Dow Jones lại tăng 7.8% còn DAX của Đức tiến 5%.
Theo cuộc khảo sát thì Mỹ là một trong những quốc gia được hưởng lợi từ niềm lạc quan thấp tại các thị trường mới nổi trong những tháng gần đây.
Thị trường mới nổi hấp dẫn bất chấp nỗi lo lạm phát
Lạm phát đã trở thành một trong những mối quan ngại chính đến nhà đầu tư ở nhiều thị trường mới nổi, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ. Ngân hàng trung ương của các quốc gia này đã liên tục nâng lãi suất để kiểm soát đà tăng vọt của giá cả. Và khi lãi suất tăng cao, mối lo lắng về quá trình tăng trưởng của nền kinh tế cũng tăng theo.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và chính sách tài khóa của Mỹ đã trở thành tâm điểm trong thời gian gần đây và làm lu mờ xu hướng tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi.
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy: “Một lần nữa vấn đề nợ của Liên minh châu Âu (EU) là một trong những rủi ro chính đối với hoạt động đầu tư”.
Thêm vào đó, vì chương trình nới lỏng định lượng tại Mỹ sắp kết thúc nên các nhà quản lý quỹ ngày càng trở nên lo sợ về tính bền vững của đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chỉ 10% các nhà quản lý quỹ cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong năm tới, thấp hơn so với mức 27% trong tháng 4 và 58% trong tháng 2.
Cùng lúc, cuộc khảo sát cho thấy kỳ vọng lạm phát toàn cầu suy yếu trong tháng 5, với khoảng 61% các nhà quản lý quỹ dự báo lạm phát sẽ tăng trong vòng 12 tháng tới, thấp hơn mức 69% trong tháng 4.
Trong tháng qua, giá dầu rớt mạnh cùng với đà sụt giảm của thị trường hàng hóa.
Trước bối cảnh này, các nhà quản lý quỹ trở lại ưa thích các thị trường mới nổi hơn so với các thị trường phát triển. Theo cuộc khảo sát, 28% nhà đầu tư tăng tỷ trọng danh mục (overweight) tại các thị trường mới nổi trong tháng 5, cao hơn so với mức 22% trong tháng 4. Số liệu này chứng tỏ đây là một khu vực đầu tư được ưa thích nhất.
Cuộc khảo sát cho thấy: “Đà phục hồi của các thị trường mới nổi toàn cầu tiếp tục tăng tốc khi khu vực này giành lại được vị thế là một trong những khu vực phổ biến nhất và vì tăng trưởng bền vững ngày càng trở nên hấp dẫn trong một thế giới nặng về tăng trưởng”.
Tuy nhiên, mức độ quan tâm đến thị trường mới nổi vẫn còn thấp hơn so với năm ngoái khi vào tháng 11 có tới 56% nhà quản lý quỹ tăng tỷ trọng danh mục tài sản tại khu vực này.
Các giám đốc quản lý quỹ cho biết: “Chúng tôi cho rằng diễn biến tương đối yếu kém gần đây của các thị trường mới nổi gần như đã chấm dứt, nhưng muốn khởi sắc trở lại, khu vực này cần phải đợi đến khi chu kỳ thắt chặt chính sách kết thúc”.
Chứng khoán Trung Quốc là thị trường được ưa thích nhất của các nhà quản lý quỹ châu Á - Thái Bình Dương với khoảng 16% nhà quản lý quỹ tăng tỷ trọng danh mục tại nước này. Mức độ quan tâm của các nhà quản lý quỹ đối với thị trường Hồng Kông cũng tương tự như Trung Quốc với tỷ lệ 16%. Tương tự, các nhà quản lý quỹ cũng tăng tỷ trọng danh mục tại hai thị trường Thái Lan và Indonesia.
Tuy nhiên, các nhà quản lý châu Á - Thái Bình Dương lại giảm tỷ trọng danh mục (underweight) tại Ấn Độ, Malaysia và Philippines.
Xét về nhóm ngành, các giám đốc quản lý quỹ tăng tỷ trọng danh mục các công ty ngành công nghiệp, công nghệ và năng lượng. Điển hình là các công ty như Infosys Technologies và PetroChina.
Các ngành bị cắt giảm tỷ trọng danh mục là tiện ích, bảo hiểm, truyền thông và ngân hàng. Chẳng hạn như Agricultural Bank of China Ltd và ICICI Bank.
Các giám đốc quản lý quỹ xa lánh Nhật Bản và Australia
Trong số các thị trường phát triển của khu vực, như Nhật Bản và Australia, các nhà quản lý quỹ kém lạc quan hơn nhiều.
Australia là thị trường kém hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương khi có hơn 25% cắt giảm tỷ trọng danh mục tại quốc gia này trong tháng 5, cao hơn so với mức gần 15% trong tháng 4. Đồng đôla Australia tăng vọt so với đồng USD trong các tháng gần đây và làm dấy lên mối lo ngại về tính bền vững của lợi nhuận doanh nghiệp Australia.
Đối với thị trường Nhật Bản, tỷ lệ các nhà quản lý quỹ giảm tỷ trọng danh mục tại thị trường này cũng tăng từ 17% lên 18%.
Phạm Thị Phước (Theo MarketWatch)
No comments:
Post a Comment