Xử lý hoán đổi nợ, Hy Lạp và Eurozone "nhẹ gánh"

11/03/2012

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Các nhà đầu tư đã chấp nhận một thỏa thuận hoán đổi nợ lớn chưa từng có trong lịch sử cho Hy Lạp để cứu nước này khỏi nguy cơ vỡ nợ, song giới phân tích cho rằng điều này không có nghĩa "vở kịch" Hy Lạp đã hạ màn.


Các nhà lãnh đạo châu Âu đã hoan nghênh thỏa thuận mà Hy Lạp vừa đạt được như một bước ngoặt trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực. Chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro (Eurozone) Jean-Claude Juncker nói những yếu tố cần thiết cho việc xem xét lần cuối để thông qua gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp đã sẵn sàng.



Cao ủy phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Olli Rehn thể hiện sự hài lòng về sự tham gia tự nguyện của các chủ nợ tư nhân vào thỏa thuận hoán đổi nợ với Hy Lạp, cho đó là "đóng góp quyết định" vào sự ổn định tài chính của cả Eurozone.


Về phía các chủ nợ tư nhân của Hy Lạp, ông Josef Ackermann, Chủ tịch Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tổ chức đại diện cho các chủ nợ lớn trong các cuộc thương lượng về thỏa thuận hoán đổi nợ, cho rằng thỏa thuận đã cho Hy Lạp thời gian để tiến hành chương trình cải cách kinh tế và tăng cường khả năng của Eurozone trong việc tạo ra một môi trường kinh tế ổn định và tăng trưởng.


Trong khi đó, Giám đốc quản lý IIF Charles Dallara nói thêm rằng sự tham gia tự nguyện của các chủ nợ đã làm giảm rủi ro lây lan trong các thị trường, giúp Hy Lạp có điều kiện để xây dựng sức mạnh kinh tế dựa trên những nỗ lực cải cách.


Sau khi Athens đạt được thỏa thuận hoán đổi nợ với các chủ nợ tư nhân, các hãng xếp hạng tín dụng Moody's và Standard & Poor's tuyên bố Hy Lạp trên thực tế đã vỡ nợ, Fitch đánh tụt hạng tín nhiệm của nước này xuống mức "vỡ nợ có giới hạn," còn Hiệp hội hoán đổi chứng khoán phái sinh coi thỏa thuận này là "sự kiện tín dụng," tức "vỡ nợ kỹ thuật." Mặc dù vậy, các bộ trưởng tài chính Eurozone thông báo việc giải ngân gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp đang được tiến hành.


Theo Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble, Eurozone ngày 9/3 đã giải ngân 35,5 tỷ euro trong gói cứu trợ này để hỗ trợ các nhà đầu tư đồng ý hoán đổi nợ cho Hy Lạp. Số tiền còn lại có thể được cấp cho nước này vào tuần này.


Trong diễn biến liên quan, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cùng ngày cho biết quỹ có kế hoạch cung cấp khoản cho vay mới cho Hy Lạp trị giá 28 tỷ euro (36,7 tỷ USD) như một phần của gói cứu trợ thứ hai dành cho nước này, một số tiền lớn hơn nhiều so với mức được nhận định.


Bà khẳng định IMF sẽ tiếp tục chung tay với Chính phủ Hy Lạp, các đối tác châu Âu và các nhà đầu tư tư nhân để đưa nước này ra khỏi cuộc khủng hoảng, trở lại con đường tăng trưởng và xa hơn là góp phần ổn định tình hình tài chính của toàn cầu. Quyết định về mức đóng góp của IMF sẽ được đưa ra vào tuần tới.


Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định dù thỏa thuận hoán đổi nợ đã thành công, song mức nợ công của Hy Lạp vẫn chưa ổn định. Dù gánh nặng nợ của nước này đã được giảm đi đáng kể, nhưng không ai có ảo tưởng rằng cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp đã qua. Khi kinh tế vẫn đang trong một cuộc suy thoái sâu đã kéo dài sang năm thứ năm, nước này có thể sẽ cần đến một gói cứu trợ thứ ba.


Các số liệu mới công bố cho thấy kinh tế Hy Lạp giảm 7,5% trong quý 4/2011, so với mức nhận định là 7%. Trong khi đó, có những lo ngại rằng các nền kinh tế khác ở Eurozone như Bồ Đào Nha, Iceland và Tây Ban Nha sẽ lại đi vào "vết xe đổ" của Hy Lạp, khi cũng cần đến một thỏa thuận tái cơ cấu nợ tương tự./.

Lê Minh (TTXVN)


http://www.vietnamplus.vn/Home/Xu-ly-hoan-doi-no-Hy-Lap-va-Eurozone-nhe-ganh/20123/130170.vnplus 

No comments:

Post a Comment