Mỹ: Bốn ngân hàng lớn không chịu nổi khủng hoảng

15/03/2012



Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Theo số liệu mới công bố của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), bốn ngân hàng lớn của nước này, gồm Citigroup, Ally, Suntrust và MetLife, đã không vượt qua bài kiểm tra sức chịu đựng (stress-test) trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế mới.


Như vậy trong đợt sát hạch vừa qua của FED đối với 19 ngân hàng hàng đầu, thì có 15 ngân hàng "vượt vũ môn" thành công và 4 ngân hàng không qua được bài kiểm tra khả năng chịu đựng khủng hoảng.


Theo FED, bất chấp sự sụt giảm đáng kể nguồn vốn so với dự kiến, 15/19 ngân hàng lớn của Mỹ vẫn duy trì được tỷ lệ vốn trên mức quy định tối thiểu, nhờ các thể chế tài chính này đã nỗ lực tăng bộ đệm vốn và rút ra được các bài học quý báu sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.



Bài kiểm tra của FED đối với các ngân hàng lớn của Mỹ được thực hiện dựa trên kịch bản kinh tế Mỹ suy thoái nặng, thị trường chứng khoán sụt giảm 50%, giá nhà đất giảm 21% và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên tới 13%, trong khi tình hình cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu có thể diễn biến xấu hơn. FED kết luận, tới thời điểm cuối bài kiểm tra, phần lớn các ngân hàng có vốn cấp 1 cao hơn so với mức tương ứng mà họ có trong giai đoạn khủng hoảng năm 2009. Đáng tiếc, Citigroup là một trong 4 ngân hàng không qua được bài kiểm tra này, khi chỉ có tỷ lệ vốn cấp 1 ở mức 4,9%, thấp hơn quy định tối thiểu 5%.


Trong khi đó, Ally chính là ngân hàng có mức độ vốn cấp 1 thấp nhất, chỉ đạt 2,5% trong bài kiểm tra so với mức tương ứng 8% mà ngân hàng này từng đạt được tại thời điểm quý 3/2011. Kết quả kiểm tra cũng lưu ý các ngân hàng Mỹ cần chú ý tới khả năng dễ bị tổn thương trong các khoản vay nhà đất, thương mại, vay chi tiêu tiêu dùng và thẻ tín dụng.


[FED lại quyết định duy trì tỷ lệ lãi suất khoản vay]


Nhìn chung, kết quả kiểm tra khá tích cực này đã mở đường cho một số ngân hàng có nguồn vốn dồi dào có thể ngay lập tức điều chỉnh chi trả cổ tức mới hoặc cao hơn cho các cổ đông, sau khi FED từng "ngăn cấm" hoặc "hạn chế" hành động này đối với nhiều ngân hàng khác của Mỹ hồi năm ngoái. Cụ thể, JPMorgan Chase thông báo tăng 20% cổ tức cho các cổ đông hay Wells Fargo cũng tăng đáng kể số cổ tức dự kiến so với trước đây.


Về phần mình, Citigroup vẫn bảo vệ vị thế của mình là một trong những ngân hàng có mức vốn hóa cao nhất trên toàn thế giới và yêu cầu FED công bố chi tiết hơn kết quả kiểm tra. Tuy nhiên, Citigroup sẽ rút lại kế hoạch tăng chi trả cổ tức trước đó./.

Việt Khoa (TTXVN)
http://www.vietnamplus.vn/Home/My-Bon-ngan-hang-lon-khong-chiu-noi-khung-hoang/20123/130842.vnplus 

No comments:

Post a Comment