Cập nhật :Thứ sáu, 2-12-2011
(VINANET) – Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi chủ nghĩa bảo hộ thương mại tăng cường và các nước ngày càng phẫn nộ với chính sách trợ cấp trong nước của Trung Quốc. Xung đột trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ gia tăng so với những gì Bắc Kinh chứng kiến trong suốt 10 năm qua.
Tháng 12/2011, Trung Quốc tròn 10 năm gia nhập WTO, kinh tế nước này được cảnh báo có thể đối mặt với nhiều thách thức trước yêu cầu mở cửa kinh tế.
Giờ đây không ai còn cho rằng việc Trung Quốc trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới và có khối lượng giao dịch thương mại thứ 2 thế giới sẽ đem lại nhiều thuận lợi.
Giai đoạn tới của Trung Quốc trong WTO sẽ trở nên khó khăn hơn. Một mặt, Trung Quốc vẫn mở cửa thị trường theo quy tắc WTO, mặt khác, nước này vẫn trợ cấp khá lớn cho các ngành công nghiệp chủ lực.
Đầu tư của nhà nước cho công nghệ sạch đã gây phẫn nộ cho các đối tác thương mại Trung Quốc, sự phẫn nộ gia tăng sau khi Bắc Kinh tuyên bố kế hoạch đầu tư quy mô lớn cho “các ngành công nghiệp chiến lược” vào cuối tháng 11/2011.
Điều này chỉ làm xung đột gia tăng khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và các nước đều tập trung thúc đẩy xuất khẩu.
“Một số điểm trong hệ thống kinh tế của Trung Quốc về mặt cơ bản không thống nhất với các nguyên tắc kinh tế thị trường của WTO. Trong những năm đầu, các nước thành viên WTO có thể chấp nhận việc này, tuy nhiên khi thương mại của Trung Quốc tăng trưởng như hiện nay, các nước sẽ gia tăng các biện pháp chống lại Trung Quốc, ” Giáo sư luật và chuyên gia WTO tại đại học quốc gia Singapore , Wang Jiangyu, cho biết.
Chuyên gia này cho rằng việc chính phủ trợ giá hàng hóa và quy định giá đất rẻ tạo ra lợi thế không công bằng có thể dẫn tới các nước gia tăng các biện pháp chống trợ cấp đối với Trung Quốc – một vũ khí thương mại tấn công trực diện vào mô hình kinh tế được bảo hộ bởi chính phủ nước này.
Tấn công “Chủ nghĩa bảo hộ” Bắc Kinh
Cho tới nay, các thành viên WTO đã sử dụng các biện pháp chống bán phá giá để nhắm vào các chính sách thương mại Trung Quốc.
Điều đó tương đối dễ làm, vì Trung Quốc vẫn bị coi là nền kinh tế phi thị trường mặc dù đã ký kết các điều khoản với WTO từ năm 2001. Để xây dựng biện pháp chống bán phá giá, một nước có thể thay thế giá Trung Quốc bằng giá của một nước thứ 3, thường là nước theo cơ chế thị trường.
Điều khoản mà Bắc Kinh cho là không công bằng sẽ hết hiệu lực năm 2016. Nhưng quyết định gần đây của WTO cho rằng chính phủ Trung Quốc vẫn phải tiếp tục giải trình sự tham gia của nhà nước trong các lĩnh vực tài chính, đất đai và giá nguyên vật liệu sản xuất.
Điều ngày nghĩa là các nước có thể sử dụng cách thức tương tự trong biện pháp chống trợ cấp- sử dụng lãi suất và giá thị trường cao hơn tại nước thứ 3 để phát hiện có trợ giá của chính phủ Trung Quốc.
Về bản chất, Trung Quốc vẫn phải giải thích các chính sách trợ cấp của nền kinh tế phi thị trường trong năm 2016.
Giáo sư luật tại Đại học Hồng Kông, Chin Seng Lim, cho rằng việc chính phủ sở hữu tất cả đất đai và ngân hàng đã khiến giá đất rẻ và lãi suất thấp, trong trường hợp này, tính chất bảo hộ còn cao hơn so với việc hàng hóa bị định giá thấp không công bằng.
“Chủ nghĩa bảo hộ Trung Quốc” đang bị tấn công. Trả đũa bằng biện pháp chống trợ cấp hiện đã bắt đầu và công nghệ xanh có khả năng sẽ trở thành một chiến trường.
Trong đầu tháng 11/2011, chính phủ Mỹ tiến hành điều tra lô nhập khẩu các tấm kim loại mặt trời của Trung Quốc sau khi các công ty năng lượng mặt trời tại Mỹ đề nghị áp đặt thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Ngược lại, Bộ thương mại Trung Quốc hôm thứ 6 (25/11) cho rằng Mỹ đang có hành động trợ cấp đối với ngành năng lượng tái tạo.
Theo ông Lim: “Cuộc chiến thương mại đã bắt đầu bằng sự trả đũa lẫn nhau và xoay quanh luật chống trợ cấp.”
Thay đổi các mục tiêu
Ông Long Yongtu, người dẫn đầu trong cuộc đàm phán đưa Trung Quốc gia nhập WTO đã lo lắng về nỗ lực tự do hóa kinh tế của nước này.
“Về bản chất sau 10 năm, dường như Trung Quốc ngày càng xa dần WTO,” ông Long Yongtu phát biểu tại lễ kỉ niệm 10 năm Trung Quốc gia nhập WTO vào tháng 11/2011.
Theo các chuyên gia thương mại, xung đột trong WTO chắc chắn sẽ xảy ra bởi các quy tắc thương mại không được tuân tủ và mục tiêu của Trung Quốc đã thay đổi khiến nước này ngày càng xa dần WTO.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các chính sách và kinh doanh Trung Quốc tại đại học Ấn Độ, Scott Kennedy, cho biết ưu tiên hàng đầu của các lãnh đạo Trung Quốc không phải là tự do hóa nền kinh tế mà là thúc đẩy năng lực cạnh tranh bằng cách nâng cao chuỗi giá trị công nghiệp trong nước.
Kennedy trả lời phỏng vấn của Reuters tại Bắc Kinh: “Đó là một nhiệm vụ khác đặt lên vai ông Long Yongtu cùng cộng sự của mình bên cạnh nỗ lực tiếp tục thúc đẩy tự do hóa và cải thiện kinh tế trong nước.”
Trong suốt các cuộc đàm phán thương mại tại Thành Đô, Trung Quốc đã xác nhận với các quan chức Mỹ rằng Bắc Kinh dự kiến đầu tư 1,7 nghìn tỉ USD vào các ngành chiến lược trong 5 năm tới.
Chính phủ các nước có thể nhận thấy nhiều hoạt động đầu tư của Trung Quốc mang tính chất trợ cấp không công bằng nhằm phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng trong nước, chẳng hạn lĩnh vực công nghệ sạch và công nghệ cao.
Sau một thập kỉ, các cuộc đàm phán không đem lại kết quả, các đối tác thương mại Trung Quốc bị làm cho tức giận có thể sẽ kiện lên Ủy ban giải quyết các tranh chấp WTO để tìm giải pháp.
Giáo sư luật trường đại học Hồng Kông, Lim, cho biết hiện tại các nước đang xem xét liệu là có nên cho phép một nước không theo kinh tế thị trường gia nhập WTO hay không.
“Tuy nhiên WTO khó có thể gọi là một Tổ chức Thương mại Thế giới nếu không có Trung Quốc. Vì vậy chúng ta cần thay đổi các quy tắc của Trung Quốc hoặc thay đổi các quy tắc toàn cầu để hài hòa với Trung Quốc.”
(Reuters)
No comments:
Post a Comment