Thứ Bảy, 05/11/2011, 09:30 (GMT+7)
TT - Chính quyền Mỹ đang điều tra xem hơn nửa tỉ USD mà khách hàng gửi trong MF Global đã biến đi đâu. Truyền thông Mỹ cũng đang lật tẩy những thủ đoạn mờ ám của MF Global, hãng tài chính Mỹ đầu tiên sụp đổ vì khủng hoảng nợ châu Âu.
Tổng giám đốc Jon Corzine đẩy MF Global vào cảnh phá sản chỉ sau chưa đầy hai năm nắm quyền - Ảnh: Reuters |
Báo Wall Street Journal cho biết trong vòng hai năm qua, MF Global đã cố tình che giấu con số nợ thực của mình khi công bố số liệu tài chính hằng quý. Ví dụ, trong quý 3-2010, khi báo cáo với các cổ đông, MF Global công bố các khoản vay ngắn hạn của mình là khoảng 18,7 tỉ USD. Trên thực tế con số này lên tới 28,4 tỉ USD, cao hơn 34%.
Liều lĩnh và mờ ám!
Giới chuyên gia tài chính cho biết việc tô hồng các con số này đã giúp MF Global che đậy số tiền vay và mức độ đầu tư mạo hiểm thực tế. MF Global đã vay nhiều tỉ USD để đầu tư và giao dịch trái phiếu chính phủ của một số nước châu Âu đang ngập trong nợ nần. Theo tài liệu của Ủy ban Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Mỹ (CFTC), MF Global có tới 25.000-50.000 chủ nợ với số nợ khoảng 40 tỉ USD và ôm 6,3 tỉ USD trái phiếu của châu Âu.CFTC, Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang điều tra bằng cách nào 633 triệu USD mà các khách hàng gửi trong tài khoản của MF Global đã biến mất. CFTC, SEC và FBI nghi ngờ MF Global đã dùng số tiền này để phục vụ các hoạt động của công ty trong giai đoạn khủng hoảng. Theo luật pháp Mỹ, các công ty môi giới phải tách riêng quỹ khách hàng với quỹ của công ty, và chỉ được dùng quỹ khách hàng để đầu tư vào các kênh an toàn như trái phiếu chính phủ Mỹ.
Theo báo Washington Post, từ lâu nhà chức trách Mỹ đã cảnh báo cách quản lý quỹ khách hàng của các công ty tài chính là một nguồn tạo nên các nguy cơ tài chính. Năm ngoái, CFTC đã đề xuất các quy định nhằm thắt chặt việc quản lý quỹ khách hàng, nhưng đã bị MF Global phản đối kịch liệt. MF Global mô tả CFTC là đang “cố sửa chữa những thứ đang yên ổn” và khẳng định các quy định mới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu từ hoạt động đầu tư và quỹ khách hàng của các công ty tài chính Phố Wall. Do vậy, đến nay những đề xuất này vẫn còn nằm trên bàn các quan chức CFTC.
Các nhà phân tích nhận định sự sụp đổ của MF Global một lần nữa làm dấy lên câu hỏi: Liệu hệ thống tài chính Mỹ có thật sự an toàn hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008? Đến nay, những người thiệt thòi trước hết vẫn là các khách hàng. Bởi lẽ, như Bloomberg dẫn lời các chuyên gia tài chính cho biết trong trường hợp MF Global bị kiện ra tòa, sẽ phải mất rất nhiều năm nữa may ra các khách hàng mới đòi lại được số tiền mà họ đã gửi vào.
Kẻ liều lĩnh
Giới quan sát nhận định sự sụp đổ của MF Global xuất phát từ những liều lĩnh sai lầm của tổng giám đốc Jon Corzine, người từng là tổng giám đốc Tập đoàn Goldman Sachs và từng là thống đốc bang New Jersey. “Corzine đã cố biến MF Global thành một Goldman Sachs mới. Việc Corzine đánh bạc với trái phiếu châu Âu đã đẩy công ty vào khủng hoảng” - chuyên gia Chris Low thuộc Hãng FTN Financial nhận định.
Báo Business Week mô tả trong sự nghiệp kéo dài 24 năm ở Goldman Sachs, Corzine nổi tiếng là nhà giao dịch liều lĩnh và mạo hiểm. Năm 1986, ông ta đã đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ và bị lỗ 150 triệu USD, nhưng cương quyết không bán tháo và cuối cùng lại lời 10 triệu USD khi thị trường đảo chiều. Năm 1994, các nhân viên giao dịch của Corzine thiệt hại 100 triệu USD/tháng do đầu tư vào một “canh bạc” tài chính khác. Nhưng sau đó Corzine vẫn trở thành tổng giám đốc Goldman Sachs. Năm 1995, Corzine lại yêu cầu các nhà đầu tư mạo hiểm hơn để nâng lợi nhuận của Goldman Sachs lên 2 tỉ USD/năm. Nhưng giữa năm 1998, cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra ở Nga và Goldman Sachs thua lỗ tới 1 tỉ USD. Cuối năm đó, Corzine bị đẩy ra khỏi Goldman Sachs. Corzine không chỉ mạo hiểm trong nghề nghiệp mà trong cả cuộc sống.
Ông ta từng bỏ 60 triệu USD tiền túi ra để tranh cử chức thượng nghị sĩ đại diện cho New Jersey, rồi đem chiếc ghế đó ra đánh cược trong cuộc tranh cử chức thống đốc bang năm 2005. Năm 2007, ông bị thương nặng trong một vụ tai nạn xe hơi do phóng xe với tốc độ hơn 144 km/giờ mà không cài dây an toàn.
Khi Corzine lên nắm quyền ở MF Global vào tháng 3-2010, Phố Wall cho rằng nó sẽ nhanh chóng trở thành một ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới. Nhưng sự mạo hiểm của Corzine giờ đã phải trả giá. Với 41 tỉ USD tài sản, MF Global là vụ phá sản lớn thứ tám trong lịch sử nước Mỹ và sự nghiệp tài chính của Corzine có lẽ cũng chấm dứt.
SƠN HÀ
No comments:
Post a Comment