20/09 Nguy cơ vỡ nợ châu Âu và “quân cờ” giá vàng


▪  HỒNG NGỌC
20/09/2011 08:25 (GMT+7)
 
Giá vàng đang mất dần sức hấp dẫn trước sự đi lên của đồng USD - Ảnh: Reuters.
Phiên giao dịch đêm qua (19/9), giá vàng giao sau trên thị trường Mỹ giảm gần 36 USD/ounce xuống mức thấp nhất ba tuần qua, do nhà đầu tư bán tháo vàng để trữ tiền mặt trước nguy cơ Hy Lạp có khả năng vỡ nợ, đe dọa triển vọng chứng khoán Mỹ và đẩy bật giá trị đồng USD.

Cụ thể, giá vàng giao tháng 12 giảm 35,80 USD/ounce, tương ứng 2%, xuống 1.778,90 USD/ounce trên sàn Comex ở New York. Đây là mức đóng cửa thấp nhất kể từ hôm 25/8 tới nay của vàng hợp đồng này. Trong phiên, có lúc giá vàng kỳ hạn giảm tới 43,70 USD xuống 1.771 USD/ounce.

Đà giảm cũng diễn ra tương tự trên thị trường vàng giao ngay. Hôm qua, giá vàng giao ngay hạ từ mức 1.810,84 USD/ounce cuối tuần trước, xuống còn 1.777,8 USD/ounce. Trong phiên, có lúc giá rớt xuống dưới 1.770 USD/ounce.

Tuần trước, trong cuộc điều tra dư luận của Kitco với 28 nhà phân tích, giao dịch và đầu tư vàng, có tới 15 ý kiến (53,6%) dự báo giá vàng sẽ giảm trong tuần này, trong khi có 9 người (32,1%) nhận định giá sẽ tăng và 4 ý chiến cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.

Chiến lược gia Mark Leibovit của hãng giao dịch vàng VRGold Trader.com, nhận định: “Tôi e rằng, nhiều chỉ báo cho thấy giá vàng có thể xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 1.702 USD/ounce, dù không phải là ngay trong tuần này, nhưng sẽ sớm xảy ra”.

Còn theo David Meger, giám đốc giao dịch kim loại tại Vision Financial Markets ở Chicago, “có lẽ mọi người bắt đầu cảm thấy bất an khi giá vàng đã tăng quá nhanh và mạnh thời gian qua. Thị trường cần thiết điều chỉnh để tìm lại sức mạnh thực”. 

Meger cho rằng, khủng hoảng nợ công ở châu Âu hiện nay đang khuyến khích mọi người giữ tiền mặt thay vì các tài sản khác. Chứng khoán Mỹ đêm qua bốc hơi gần 1% dù phục hồi trở lại vào cuối phiên. Trong khi, giá xăng trượt hơn 3%, dầu thô giảm hơn 2%, do lo lắng triển vọng tiêu thụ năng lượng ở mức thấp.

Trong khi đó, chỉ số đồng USD, thước đo giá trị của đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt khác, đã tăng 0,8% lên 77,14 điểm. Đây là lần đầu tiên trong vài tháng qua, mối tương quan tăng giảm giữa vàng và USD được tái lập. Trước đó, hoạt động giao dịch vàng phần lớn căn cứ vào kết quả trên sàn chứng khoán.

Cuối tuần trước, hội nghị các bộ trưởng bộ tài chính châu Âu kết thúc nhưng không đưa ra được giải pháp nào mới cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công, mà còn trì hoãn thêm gói cứu trợ tiếp theo dành cho Hy Lạp kèm theo nhiều điều kiện khắt khe khác.

Theo Chủ tịch Khu vực đồng tiền chung châu Âu Jean-Claude Juncker, khoản tiền cứu trợ tiếp theo trị giá 8 tỷ Euro (khoảng 11 tỷ USD) cho Hy Lạp sẽ được quyết định trong tháng 10 năm nay. Lý do trì hoãn là để các quan chức hữu quan có thời gian kiểm tra việc Hy Lạp thực hiện cam kết cải cách.

Như vậy, sau hội nghị này, Hy Lạp không có được triển vọng sáng sủa hơn trước trong việc giải quyết vấn đề nợ công mà thậm chí có thể phải đối phó với những điều kiện còn ngặt nghèo hơn. Bởi nếu không vượt qua kỳ sát hạch, Hy Lạp có thể khó nhận được khoản cứu trợ tiếp theo.

Kết quả nghèo nàn của cuộc họp được giới đầu cơ mong đợi suốt tuần qua càng làm khoét sâu những lo lắng về khả năng Hy Lạp sẽ là mắt xích đầu tiên mở hàng "vỡ nợ". Phát biểu tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo, nếu Hy Lạp vỡ nợ, không quốc gia nào thoát khỏi bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, những đề xuất của phía Mỹ tại hội nghị bao gồm tăng vốn cho Quỹ ổn định tài chính châu Âu để hỗ trợ các nước thành viên đang gặp khó khăn, đồng thời nhanh chóng hành động nhằm "chống đỡ" hệ thống tài chính và ngân hàng của khu vực, đã không nhận được ánh mắt thiện cảm của giới chức châu Âu.

Theo giới phân tích, bất đồng giữa châu Âu và Mỹ có thể tác động xấu đến những nỗ lực hợp tác và hành động chung giải quyết cuộc khủng hoảng, từ đó "đào sâu" cái hố ngăn cách giữa hai bên và đẩy những nguy cơ khủng hoảng tài chính lên thêm một bậc.

Cũng liên quan tới châu Âu, hôm qua, tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) quyết định hạ xếp hạng tín dụng của Italy xuống A, với triển vọng tiêu cực. Theo S&P, nguyên nhân hạ bậc vì nợ ròng chính phủ của Italy hiện rất cao và dự báo sẽ sớm đạt đỉnh, vượt xa dự báo.

S&P cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Italy đang suy yếu và dự báo rằng liên minh cầm quyền mong manh và những khác biệt chính sách trong quốc hội sẽ tiếp tục hạn chế khả năng giải quyết dứt khoát những thách thức kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước.

Như vậy, Italy đã trở thành quốc gia thứ 6 trong khu vực đồng tiền chung châu Âu bị các tổ chức xếp hạng tín dụng hạ bậc trong năm nay, sau Tây Ban Nha, Ireland, Bồ Đào Nha, Cyprus và Hy Lạp, bất kể trước đó Thủ tướng Italy đã thông qua kế hoạch thắt lưng buộc bụng trị giá 54 tỷ Euro.

Mặc dù không tác động mạnh tới thị trường hàng hóa đêm qua, nhưng diễn biến chính trị tại Mỹ cũng khiến nhà đầu tư quốc tế có đôi chút lo lắng. Hôm qua, Tổng thống Mỹ đã đưa ra kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách trị giá 3.600 tỷ USD bằng cách tăng các loại thuế đánh vào người giàu.

Không nằm ngoài dự đoán, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã bác bỏ kế hoạch được cho là gây nguy hiểm và làm rõ rằng đề xuất này có ít cơ hội để được ban hành thành luật. Điều này ít nhiều đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư về khả năng thỏa hiệp chính trị ở Mỹ để cứu vãn kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những cái nhìn bi quan về triển vọng kinh tế Mỹ, châu Âu, không ít nhà phân tích vẫn cho rằng, xu thế này có thể đảo ngược, bởi trên thị trường cũng đã xuất hiện một số động thái mới có thể đảo ngược tình thế, chẳng hạn như việc Hy Lạp tiếp tục thắt lưng buộc bụng hay các nước BRICS mua nợ châu Âu.

Hôm 18/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp, Venizelos Evangelos, cho biết Chính phủ nước này sẽ khởi động một loạt các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới nhằm cắt giảm chi tiêu công vào năm 2012, trấn an các “chủ nợ” rằng tình hình tài chính của nước này vẫn được nằm trong tầm kiểm soát.

Sau cuộc họp nội các kéo dài 3 giờ, với sự chủ trì của Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou, Bộ trưởng Venizelos cho biết Chính phủ sẽ thực hiện các mục tiêu ngân sách được đề ra trong kế hoạch phục hồi kinh tế giai đoạn 2011-2015.

Các biện pháp bao gồm tinh giản biên chế trong lĩnh vực công; tạm ngừng trả lương hưu từ nay đến năm 2015; sáp nhập hoặc đóng cửa khoảng 30 công ty quốc doanh. Tuần trước, Chính phủ Hy Lạp cũng đã thông qua một số biện pháp khẩn cấp khác bao gồm đánh mức thuế mới đối với lĩnh vực bất động sản.

Trong một diễn biến khác, các nước thuộc nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã mua nợ châu Âu thông qua Quỹ bình ổn tài chính châu Âu và sẵn sàng mua thêm để hỗ trợ các nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.

Trả lời trên tờ Valor Economico của Brazil số ra hôm qua, ông Christophe Frankel, Trưởng bộ phận tài chính của ESSF, nói rằng: “Chúng tôi rất hài lòng khi một số nước BRICS đã đầu tư mua nợ của chúng tôi. Điều này cho thấy, thành phần nhà đầu tư của chúng tôi đang có xu hướng đa dạng hóa”.

Ngoài ra, những dấu hiệu yếu kém của nền kinh tế Mỹ gần đây đang làm tăng những đồn đoán về khả năng cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ khai mạc hôm nay sẽ đưa ra chương trình nới lỏng định lượng mới nhằm cứu vãn nền kinh tế đầu tàu. Giới phân tích cho rằng, bất cứ hành động nào tương tự đều sẽ đẩy bật giá vàng.

No comments:

Post a Comment