17/08 "Xác suất xảy ra khủng hoảng lần hai là trên 50%"



Nguy cơ cuộc khủng hoảng lần hai là có thật. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick, thế giới sẽ phải đối mặt với một giai đoạn mới "nguy hiểm hơn" với rất ít "chỗ thở" tại hầu hết các nền kinh tế phát triển trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công đang tiếp tục hoành hành châu Âu.

Gần đây, Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) đã đưa ra cảnh báo, các dấu hiệu trì trệ trong tăng trưởng kinh tế đã xuất hiện ở các nền kinh tế phát triển như Canada, Pháp, Đức, Italy và Anh, tại nền kinh tế đang phát triển và mới nổi  như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Ngoài ra, so sánh với các chỉ số kinh tế trong tháng Bảy, các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại cũng đã xuất hiện ở Mỹ, Nhật Bản và Nga.

“Môi trường kinh tế thế giới xấu đi và đương nhiên nó sẽ tác động đến động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, tác động cụ thể còn phụ thuộc vào độ biến thiên của các cường độ tác động và tính bất trắc,” Tiến sĩ Bùi Trường Giang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trao đổi với Vietnam+.

- Thưa ông, thế giới có khả năng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới. Song mới đây, giới lãnh đạo Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) vẫn lạc quan tin rằng khối này có thể chống chọi được tác động của các cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại các quốc gia phát triển. Vậy theo ông, cần hay không một sự cảnh báo đối với Việt Nam?

Tiến sĩ Bùi Trường Giang: Môi trường kinh tế thế giới xấu đi và đương nhiên nó sẽ tác động đến động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên tác động cụ thể, phụ thuộc vào độ biến thiên của các cường độ tác động, tính bất trắc và chúng tôi đã có những dự báo từ đầu năm.

Hiện nguy cơ lớn nhất là tình trạng lan truyền tâm lý nợ công, vì các ngân hàng cho vay lẫn nhau chằng chịt như mạng nhện, một ngân hàng "gục" thì sẽ kéo theo ảnh hưởng cả hệ thống, khiến môi trường đầu tư toàn cầu đầy rủi ro và nền kinh tế đối ngoại của Việt Nam sẽ bị tác động rất rõ nét. 

Theo tôi, với Việt Nam, xuất khẩu sẽ là khu vực bị ảnh hưởng đầu tiên bởi môi trường kinh doanh gặp nhiều bất trắc thì nhu cầu nhập khẩu toàn cầu sẽ giảm.

Trong một báo cáo từ Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu tháng Bảy đạt 8,4 tỷ USD, giảm nhẹ 0,7% so với tháng trước. Nếu tính chung bảy tháng, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 51,5 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ. Tuy thế, cần phải tính đến những khó khăn sẽ đến vào nửa cuối năm 2011 và đầu năm 2012.

Thứ hai là tác động tâm lý trong hoạt động kinh tế. Môi trường quốc tế bất ổn thì giá các loại tài sản như vàng, tiền tệ sẽ biến động khôn lường. Điều này sẽ kích thích tâm lý đầu cơ trong nước.

Ảnh hưởng mà chúng ta vừa nhìn thấy, là việc giá vàng rung lắc trong thời gian vừa qua, tạo ra “cơn bão tâm lý” trong xã hội. Khi tính bất trắc và rủi ro trong các kênh đầu tư tăng lên, cộng thêm hiệu ứng từ những kênh thông tin không chuẩn sẽ đẩy các biến động kinh tế tăng quá mức và khi đó nền kinh tế sẽ đứng trước nguy cơ vượt quá năng lực kiểm soát.

- Theo ông, về mặt chính sách, có thể áp dụng theo những biện pháp mà Chính phủ đã xử lý trong cuộc khủng hoảng năm 2008?


Tiến sĩ Bùi Trường Giang: Theo đánh giá từ phía các chuyên gia kinh tế, khủng hoảng lần này là hoàn toàn có thể, với xác suất trên 50%, vậy làm thế nào để có thể ứng phó với nguy cơ khủng hoảng lần hai này.

Cuối năm 2008, Việt Nam chuẩn bị chạy nước rút cho một chu kỳ kế hoạch 5 năm. Còn hiện tại, chúng ta đang khởi đầu một quy trình mới, mục tiêu sẽ khác rất nhiều so với giai đoạn cuối của quy trình cũ.

Bước khởi đầu này sẽ định hình cho cả một quá trình, bối cảnh kế hoạch kinh tế 5 năm lần này có tính chất rất quan trọng và là nền tảng cho chiến lược 10 năm (2011 – 2020).

Do đó, nếu để tình trạng khủng hoảng kinh tế khẩn cấp như trường hợp năm 2008, đến mức độ không ai còn bận tâm đến trung và dài hạn, dồn hết mọi nguồn lực ứng phó những khó khăn ngay trước mắt, thì sẽ làm mất “dòng chảy chính sách,” đồng thời phải bỏ dở những chiến lược lâu dài bài bản.

Thêm vào đó, trong điều kiện hiện nay, lựa chọn không gian chính sách không còn được dồi dào như trước. Từ kết quả của việc kích cầu mạnh tay trong năm 2009, giới chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo những hiệu ứng về tài khóa. Bơm lượng tiền lớn ra chi tiêu đồng nghĩa với việc thâm hụt ngân sách tăng. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh từ khối tư nhân cũng như các động lực kinh tế trong xã hội chưa kịp phục hồi để bù đắp cho ngân sách, điều này sẽ làm cho thâm hụt càng nghiêm trọng và dẫn đến nợ công tăng cao.

Thách thức của chúng ta giờ đây là vừa phải đối phó với nguy cơ khủng hoảng mới vừa phải cân bằng với những định hướng trung hạn và dài hạn, để thực hiện mục tiêu phát triển chiến lược kinh tế xã hội từ nay đến năm 2020 mà Đại hội Đảng XI đã đề ra.

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 7 - 8%/năm, GDP năm 2020 bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010, GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 USD.

Cuối cùng, câu chuyện đặt ra là chúng ta đang bước vào một kế hoạch 5 năm trong một môi trường kinh tế thế giới rất xấu.

Biện pháp đầu tiên được nghĩ đến là có thể dùng chính sách kích cầu, bơm tiền cứu trợ như năm 2009 nhưng bây giờ tiềm lực ngân sách lại là vấn đề. Thêm vào đó, trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh những chính sách kích thích kinh tế thì phải đặc biệt chú trọng đến các vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ tạo điều kiện miễn giảm, hoãn các nghĩa vụ tài khóa cho hệ thống doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp duy trì được hoạt động, giữ được việc làm có nghĩa là người dân có thu nhập, chỉ có ổn định xã hội thì mới ổn định được kinh tế và chính trị.

- Rõ ràng thời điểm hiện nay, năng lực tung ra một gói kích thích kinh tế mới là thấp hơn so với thời điểm 2008, vậy theo ông nhân tố nào sẽ là năng lực trụ cột của các giải pháp lần này?

Tiến sĩ Bùi Trường Giang: Như lần trước, nhà nước huy động rồi tự kích thích, đầu tư công như thế tốt, có tác dụng kích thích tăng trưởng, nhưng rõ ràng chúng ta không thể thâm hụt mãi được. Hơn nữa, tăng "nóng" ngay từ đầu thì sẽ làm méo mó mô hình kinh tế cho cả nhiệm kỳ sau này.

Có một điểm đáng chú ý, về cơ bản tiết kiệm trong dân Việt Nam là rất khỏe, hệ thống doanh nghiệp tư nhân khả năng chịu đựng dẻo dai, tính cầm cự và thích nghi tốt. Khác với các nước, nếu vay nợ công quá lớn thì chính phủ chẳng còn gì để huy động nữa bởi tỷ lệ tiết kiệm của họ thấp.

Phải khẳng định tổng thể nguồn lực kinh tế xã hội của ta vẫn còn tốt và điều cần thiết là biện pháp chính sách phải biết khơi dậy nguồn lực, khác với việc cố gắng tận thu từ xã hội để bù đắp cho chi tiêu.

Khi người dân và doanh nghiệp cùng đồng lòng ứng phó, cộng thêm những chính sách hỗ trợ của chính phủ thì gánh nặng khủng hoảng lần này sẽ đỡ hơn lần trước./.
Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

No comments:

Post a Comment