27/06 Mỹ cũng phải chịu trách nhiệm về khủng hoảng tại Hy Lạp


A+ A- A-Kiểu đọc sáchThứ 2, 27/06/2011, 08:29

IMF, EC và ECB thực chất đang chơi trò chơi nguy hiểm: Đẩy Hy Lạp đến chân tường. Đứng sau IMF phải kể đến Mỹ.
Để nhận được tiền giải cứu, Hy Lạp phải chịu những điều kiện quá ngặt nghèo. Nếu Hy Lạp vỡ nợ, nước Mỹ tốt nhất nên chuẩn bị tinh thần đối đầu với cú sốc kinh tế.
Chính phủ các nước châu Âu đang chơi một trò chơi nguy hiểm với Hy Lạp. Hiện đã hết thời hạn mà Quốc hội Mỹ có thể xem xét được vai trò của chính phủ trong quá trình này như thế nào và chúng ta nên chuẩn bị cho khả năng Hy Lạp vỡ nợ ra sao. Tùy thuộc vào việc nó xảy ra như thế nào, vụ vỡ nợ của Hy Lạp sẽ gây ra tác động rất lớn lên hệ thống tài chính quốc tế, kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu.
Chính phủ Mỹ có vai trò trực tiếp và quan trọng trong khủng hoảng Hy Lạp bởi Bộ Tài chính Mỹ có tiếng nói lớn trong Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). IMF, cùng với Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bộ ba tổ chức được biết đến với cái tên Troika, đang thỏa thuận gói giải cứu mới với chính phủ Hy Lạp, đổi lại nước này phải thắt chặt ngân sách.
Gói giải cứu sẽ mang đến thêm nỗi khổ cho người Hy Lạp, ai cũng thừa nhận điều này. Thế nhưng Troika vẫn tin họ sẽ có thể khiến chương trình này được nghị viện Hy Lạp thông qua với lời đe dọa không tiếp tục giải ngân khoản vay 17 tỷ USD tiếp theo, Hy Lạp bị đẩy đến sát bờ vực vỡ nợ.
Lần thứ nhất, Troika đã chiến thắng người Hy Lạp bằng một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào ngày thứ Ba vừa rồi. Và nếu đảng cầm quyền vẫn dẫn trước một chút trong ngày thứ Ba tới, họ cũng sẽ chiến thắng trong vòng bỏ phiếu cho kế hoạch thắt chặt ngân sách. Tuy nhiên trò đánh bạc đó đầy rủi ro và cuộc bỏ phiếu tuần này sẽ không chấm dứt được bất ổn.
Dường như người ta đã quên có một cuộc khủng hoảng nợ đã xảy ra cách đây chỉ hơn 1 năm, vào tháng 5/2010. Cuộc khủng hoảng gây chấn động thị trường tài chính thế giới. Mọi chuyện đã trở nên tồi tệ hơn bởi chính sự thái quá của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), vốn đang muốn chơi trò đẩy đến cùng đường khi đó.
Ngày 06/05/2010, ở thời điểm khủng hoảng châu Âu đang hết sức căng thẳng, ECB từ chối cam kết mua trái phiếu chính phủ châu Âu.
EBC đưa ra quan điểm này với luận điểm chính sách trên nếu thực hiện sẽ giống như hình thức tiền tệ hóa nợ của nhóm nước có nền kinh tế yếu tại châu Âu, cũng giống như Fed đã tiền tệ hóa một phần trong số 2 nghìn tỷ USD nợ chính phủ Mỹ (thông qua biện pháp nới lỏng định lượng) trong vài năm qua.
Thị trường lập tức phản ứng tiêu cực, thị trường chứng khoán Mỹ đổ dốc, ECB thay đổi quan điểm của mình chỉ 4 ngày sau đó và bắt đầu mua nợ chính phủ và tư nhân của các nước châu Âu.
Có thể giới chức châu Âu tin họ có đủ công cụ để ngăn bất kỳ sự hoảng sợ nào có thể xảy ra lần này ngay cả nếu Hy Lạp vỡ nợ. Vào năm ngoái, họ đã có thể nhờ Fed hoán đổi USD khi cần thiết. Thế nhưng cần nhớ trong 1 năm qua, khủng hoảng tại châu Âu đã trở nên trầm trọng hơn rất nhiều.
Ở thời điểm đỉnh cao khủng hoảng năm 2010, lợi suất trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm của Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha lần lượt là 12,4%; 6,3% và 5,9%. Hiện nay con số này đã lên 16,8%; 11,4% và 11,9%.
Rõ ràng rủi ro khủng hoảng nợ Hy Lạp lan ra đã tăng mạnh trong năm qua. Cùng thời điểm đó nhiều chuyên gia kinh tế đã khẳng định các biện pháp mà Troika đưa ra chỉ khiến kinh tế Hy Lạp khó khăn và nợ chồng chất hơn.
Kinh tế Hy Lạp năm 2010 tăng trưởng âm 4,5%, tỷ lệ thất nghiệp lên vượt mức 16% và công chúng Hy Lạp phản đối dữ dội các biện pháp thắt chặt ngân sách.
Việc các trái chủ tình nguyện chịu thiệt, theo đề xuất hiện tại, sẽ không giải quyết được vấn đề. Người dân Hy Lạp phải chịu quá nhiều biện pháp trừng phạt. Người dân Tây Ban Nha cũng vậy, tỷ lệ thất nghiệp nơi đây đã lên tới 21%.
Chính phủ Hy Lạp đã sa thải khoảng 10% người làm việc trong chính phủ và dự kiến sẽ sa thải thêm 20%. Hy Lạp phải dành ra 12% GDP cho các chương trình thắt chặt ngân sách trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2015, giải pháp này cuối cùng chẳng bao giờ chấm dứt được suy thoái kinh tế.
Khả năng Hy Lạp vỡ nợ dường như khó tránh khỏi và khả năng khủng hoảng lan ra khắp khu vực rất lớn. Chính phủ Mỹ đang làm gì để ngăn khủng hoảng tài chính và chuẩn bị cho những tác động xấu có thể đến? Ai đó hẳn sẽ tin rằng khi đã trải qua những khó khăn sau khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ vào năm 2008, một số quan chức có trách nhiệm trong chính phủ Mỹ hẳn không khỏi điên đầu.
Đình Hảo – Ngọc Diệp
Theo Telegraph

No comments:

Post a Comment