02/09/2010 Paul Krugman: “Đây chưa phải phục hồi”

Kinh tế tăng trưởng chậm lại, thất nghiệp vẫn rất cao, nền kinh tế Mỹ trông giống như sắp sửa rơi vào suy thoái lần hai hơn.



Người viết bài này là nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm 2008, ông Paul Krugman.

Trong bài diễn văn hôm 27/06, Chủ tịch FED Ben Bernanke vẫn nói nền kinh tế đang tiếp tục phục hồi, tuy có chậm hơn mong đợi.

Đáng buồn là điều này không đúng: đó không gọi là phục hồi, dù có hiểu theo bất kỳ nghĩa nào. Các nhà hoạch định chính sách nên làm bất kỳ điều gì để thay đổi sự thật đó.

Chút sự thật ít ỏi trong lời tuyên bố “kinh tế tiếp tục phục hồi” là GDP vẫn đang tăng: Mỹ đang không suy thoái kiểu cổ điển trong đó chỉ số gì cũng lao dốc. Nhưng thế thì sao?

Câu hỏi quan trọng là liệu tăng trưởng có đủ nhanh để hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp cao khủng khiếp hay không.

Mỹ cần tăng trưởng khoảng 2,5% chỉ để giữ tỷ lệ thất nghiệp không tăng thêm và muốn giảm mạnh tỷ lệ ấy thì phải tăng trưởng nhanh hơn thế nhiều. Dù vậy tăng trưởng hiện đang ở mức 1-2% và nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục chậm lại trong các tháng tới.

Nền kinh tế sẽ lần thứ hai thực sự rơi vào suy thoái khi GDP giảm xuống? Ai quan tâm?

Nếu thất nghiệp còn tăng từ nay tới hết năm, mà nhiều khả năng là như vậy, số liệu GDP có cao hơn hay thấp hơn con số 0 một chút cũng chẳng thành vấn đề.

Mọi chuyện đã rõ như ban ngày nhưng các nhà hoạch định chính sách vẫn muốn chối.

Trong cuộc họp bàn về chính sách tiền tệ gần đây nhất, FED ra tuyên bố họ “dự đoán [nền kinh tế] sẽ dần trở về với mức độ sử dụng các nguồn lực cao”, dịch ra “tiếng phổ thông” tức là họ nghĩ thất nghiệp sẽ giảm.

Tinh thần lạc quan ấy lại chẳng được số liệu kinh tế nào ủng hộ cả. Trong khi đó Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner nói “chúng ta đang trên đà phục hồi.” Tiếc là không phải vậy.

Tại sao những người có nhiều thông tin lại cố che dấu thực trạng của nền kinh tế? Xin lỗi nhưng mọi sự đều vì họ muốn trốn tránh trách nhiệm.

Trong trường hợp của FED, thừa nhận nền kinh tế đang không phục hồi tức là đặt chính mình dưới sức ép phải “làm gì đó”.

Và ít nhất là cho đến nay, FED sợ mất mặt vì thử hỗ trợ nền kinh tế rồi thất bại nhiều hơn là sợ dân chúng khốn đốn khi họ khoanh tay đứng nhìn và thỏa mãn với một sự “phục hồi” chưa hề tồn tại.

Với chính quyền Obama, giới quan chức dường như miễng cưỡng phải thừa nhận gói kích thích đầu tiên quá nhỏ.

Thực tế, thế là đủ để hạn chế đà rơi của nền kinh tế, một nghiên cứu gần đây của Văn phòng Ngân sách Quốc hội cho thấy thất nghiệp có thể lên tới mức hai con số nếu không có gói kích thích, nhưng chưa đủ để giảm mạnh tỷ lệ thất nghiệp.

Dù có ở thời đỉnh cao uy tín như đầu năm 2009, TT Obama cũng không thể làm Thượng viện phê chuẩn một kế hoạch nào đó to tát hơn. Chắc chắn bây giờ ông cũng chẳng thể thông qua thêm một gói kích thích nữa.

Vì thế sau khi cân nhắc kỹ, giới quan chức chính phủ đã có thể đổ lỗi cho sự phá rối từ Đảng Cộng hòa. Nhưng thay vào đó, họ lại chọn cách gượng cười trước bức tranh u ám và chẳng thuyết phục được ai.

Kết quả bầu cử vào tháng 11 tới với chiến thắng thuộc về những kẻ phá rối sẽ làm tê liệt Quốc hội hàng năm trời.

Vậy chính phủ nên làm gì nữa bên cạnh việc nói lên sự thật về nền kinh tế?

FED có rất nhiều lựa chọn.

Họ có thể mua chứng khoán nợ dài hạn và chứng khoán nợ của khu vực tư nhân. Họ có thể hạ thấp lãi suất dài hạn bằng cách thông báo ý định giữ lãi suất ngắn hạn ở mức thấp.

Họ có thể tăng tỷ lệ lạm phát mục tiêu trong trung hạn, khiến việc giữ tiền mặt bớt hấp dẫn các doanh nghiệp.

Không ai biết chắc các biện pháp ấy hiệu quả đến đâu, nhưng tốt hơn là thử cái gì đó, dù cho có thể chẳng mấy tác dụng nhưng còn hơn đứng nhìn người lao động lao đao

Chính quyền hiện nay ít được tự do hành động vì họ không thể thông qua luật do sự cản trở của phe Cộng hòa. Nhưng họ vẫn còn các lựa chọn khác.

Họ có thể chỉnh sửa các kế hoạch hỗ trợ người mua nhà đang gặp khó khăn vốn chưa mấy thành công.

Họ có thể sử dụng các tổ chức cho vay được chính phủ bảo đảm như Fannie Mae và Freddia Mac để tính nước tái cấp vốn cho các khoản vay thế chấp mua nhà, thông qua đó mà trợ cấp cho các gia đình Mỹ.

Đúng là thể nào phe Cộng hòa cũng rít lên, nhưng đằng nào mà họ chả rít.

Cuối cùng họ có thể giải quyết nghiêm túc việc Trung Quốc “làm giá” đồng nội tệ: Trung Quốc phải hứa thay đổi chính sách bao nhiêu lần rồi bội ước mới là đủ để chính phủ quyết định đã đến lúc hành động?

Các nhà hoạch định chính sách nên theo đuổi những lựa chọn nào? Nếu tôi được quyền quyết, tôi sẽ chọn tất.

Tôi biết một số người cả ở FED lẫn trong chính quyền sẽ nói gì: họ sẽ cảnh báo về những rủi ro khi làm bất kỳ điều gì “không bình thường”.

Nhưng chúng ta đã thấy hậu quả của cầu an và đợi quá trình phục hồi tự đến là thế nào: nước Mỹ trông ngày càng giống như đang ở trong trạng thái trì trệ và thất nghiệp cao vĩnh viễn.

Đã đến lúc thừa nhận rằng chúng ta chưa hề phục hồi và làm mọi cách có thể để thay đổi tình thế hiện nay.

Minh Tuấn
Theo Economist

No comments:

Post a Comment