Bà Angela Merkel chỉ học những điều sai trái của lịch sử?

Chủ nhật, 17/06/2012


Bà Angela Merkel đang rút ra những bài học từ các cuộc khủng hoảng trong lịch sử. Tuy nhiên, đó lại là những bài học hoàn toàn sai lầm.
Một bộ sưu tập tem trong bảo tàng lịch sử Đức tại Berlin có thể tóm tắt được cái giá của sự hấp tấp trong điều hành nền kinh tế. Bộ sưu tập tem từ thời Weimar có giá trị 10 pfennigs (0,1 mác Đức) vào năm 1920 đã tăng giá gấp đôi trong 1 năm sau đó. Đến năm 1922, giá tăng lên 10 mác. Bộ sưu tập có giá 30 mác vào tháng  1/1923, 1.000 mác vào tháng 5 và 800.000 mác vào tháng 10. Đến cuối năm 1923, thậm chí giá còn lên tới 10 tỷ mác. Theo lời chú thích của bảo tàng, đây là đỉnh cao của siêu lạm phát với sự mất uy tín của Đức quốc xã. 

Thông điệp mà bộ sưu tập này muốn truyền đạt là rất rõ ràng: sự hoang phí dẫn đến kinh tế chao đảo, chủ nghĩa cực đoan và cuối cùng là kết thúc bi thảm cho châu Âu. Đối với nước Đức ngày nay, thịnh vượng và trật tự chính trị phải dựa trên nền tảng tiền tệ hợp lý. Đối với Thủ tướng Đức Angela Merkel,  bà đang cố gắng đồng điệu với người dân khi cố gắng thuyết phục họ rằng eurozone phải giữ được ổn định tài chính nếu muốn vượt qua khủng hoảng nợ. 

Tuy nhiên, bà Merkel chỉ đang học tập những điều sai trái của lịch sử? Không phải siêu lạm phát của những năm 1920 mà chính là suy thoái và thất nghiệp của những năm 1930 đã đẩy Hitler tới sự độc tài. Giống như  người tiền nhiệm, bà Merkel đang bị chỉ trích là "đổ thêm dầu vào lửa" khi ép buộc các nước phải tuân theo thắt lưng buộc bụng trong khi các nước ngày càng lún sâu vào suy thoái. Mặc dù đại suy thoái những năm 1930 khắc sâu trong tâm trí người Mỹ, dường như người Đức không hề nhớ về nó. 

Những điều sai lầm đang được áp dụng ở Hy Lạp. Đã bước vào năm suy thoái thứ 5 liên tiếp, tháng 5 vừa qua người Hy Lạp đã dồn lá phiếu cho các đảng cánh tả và cánh hữu, trừng phạt đảng ủng hộ gói cứu trợ. Thậm chí, kể cả trong trường hợp chính đảng giành lại được chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày hôm nay, Hy Lạp vẫn có khả năng phải rời eurozone. 

Sau đó, Tây Ban Nha sẽ là quân domino tiếp theo. Nếu như vậy, Italia và xa hơn nữa là Pháp cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Theo giới quan sát, nỗi sợ thực sự của người Đức không phải là eurozone sẽ đổ vỡ mà là mọi thứ sẽ đổ vỡ  ở Đức. Sự thịnh vượng và ổn định của Đức được xây dựng dựa trên Pháp và cả khối liên minh châu Âu. 

Giờ đây, tâm trạng của chính phủ Đức bị pha trộn bởi sự khinh bỉ, sự u ám và cả sự oán hận vì bị cả thế giới hiểu lầm. Mỹ, hầu hết các nước châu Âu và thậm chí cả các đảng đối lập của Đức đều đang hối thúc bà Merkel hành động quyết đoán để cứu lấy đồng euro. Thực tế, nếu nhìn vào các gói cứu trợ, dường như Đức phải chịu  trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ của các nước khác. Đây không phải là điều mà bà Merkel muốn nhắc đến khi nói về việc liên kết chặt chẽ hơn trong eurozone.
 
Dưới các sức ép, bà Merkel có thể sẵn sàng xem xét một số bước khác như hạ thuế trên toàn châu Âu hoặc chuyển tiền cho các nước cần tiền. Tuy nhiên, trước khi làm việc đó, người Đức lại muốn kiểm soát các chính sách kinh tế. Làm sao mà người Đức có thể tài trợ cho các khoản nợ của người Pháp khi ông Hollande giảm độ tuổi nghỉ hưu cho người lao động? Người Pháp muốn dùng tăng trưởng để bù đắp ngân sách, tuy nhiên, đối với người Đức thì các luật lệ chặt chẽ về ngân sách mới chỉ là bước đầu của quá trình hội nhập.  Chỉ khi có được một liên minh chính trị với Chính phủ chung, người Đức mới chịu mở hầu bao chia sẻ với các nước còn lại. 

Phải đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa một bên là mất kiểm soát đối với cơn hoảng loạn của châu Âu và một bên là phải hy sinh quá nhiều thứ để cứu lấy đồng euro, sự rối trí của bà Merkel có thể được tha thứ. Tuy nhiên, nếu đồng tiền chung châu Âu trở thành một thứ chỉ tồn tại trong viện bảo tàng, chắc chắn lịch sử sẽ coi Thủ tướng Đức là một kẻ bại trận, giống như vị Thủ tướng Đức thời Weimar. 

Anh Thư
Theo TTVN/Economist

No comments:

Post a Comment