Lộ diện “tâm bão” mới của khủng hoảng nợ châu Âu?


CAO HIỀN
11/04/2012 11:46 (GMT+7)
pictureNếu những "chiếc phao" tài chính không hiệu quả, Tây Ban Nha sẽ phải tái cơ cấu nợ như Hy Lạp - Ảnh: Reuters.
Sự lao dốc của thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu trong tuần trước và trong phiên giao dịch đêm qua (10/4) đã làm nổi bật vai trò của Tây Ban Nha như một tâm bão mới của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.

Theo đánh giá của giới phân tích, khoản tiền 1.000 tỷ Euro (tương đương 1.300 tỷ USD) mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) "bơm" cho các ngân hàng trong khu vực chỉ có thể trấn an các thị trường và giới đầu tư trong mấy tháng đầu năm 2012.

Tuy nhiên, đợt chào bán trái phiếu gây thất vọng của Tây Ban Nha tuần trước và lợi suất trái phiếu nước này nhảy vọt đêm qua đã trở thành dấu hiệu cho thấy hiện tại chỉ là sự yên ắng tạm thời trước khi “bão” nợ công châu Âu tiếp tục hoành hành.

Hôm qua (10/4), nỗi lo về bão nợ công châu Âu sẽ trở lại dữ dội hơn đã khiến các sàn chứng khoán Mỹ, Anh, Pháp, Đức đỏ quạch. Riêng tại Mỹ, chỉ số VIX đo lường trạng thái bất ổn của nhà đầu tư tại Phố Wall đã nhảy phiên thứ 8 liên tiếp.

Nguyên nhân khiến giới đầu tư cảm thấy bất an là bởi lợi suất trái phiếu chính phủ của Italy và Tây Ban Nha đồng loạt vọt cao. Trong đó, trọng điểm là trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha lên sát 6%, cao nhất trong hơn 3 tháng qua.

Trên thực tế, đây không phải là phiên giao dịch hiếm cho thấy tác động của thị trường trái phiếu Tây Ban Nha đối với giao dịch chứng khoán. Tuần trước, vụ bán trái phiếu không thành công của Tây Ban Nha cũng đã khiến chứng khoán thế giới sụt mạnh.

Cụ thể, hôm 4/4, Bộ Tài chính Tây Ban Nha chỉ bán được lượng trái phiếu trị giá 2,59 tỷ Euro (3,408 tỷ USD), với thời gian đáo hạn vào các năm 2015, 2016 và 2020, thấp hơn so với mục tiêu đề ra là bán được lượng trái phiếu có trị giá từ 2,5 - 3,5 tỷ Euro.

Chưa hết, ngay sau phiên đấu giá, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của nước này đã tăng vọt lên 5,6%, cao nhất trong gần 3 tháng. Có thể thấy, gần đây, chi phí vay mượn của Tây Ban Nha đã liên tục gia tăng bất chấp việc giảm chi tiêu.

Những tin nóng về thị trường trái phiếu Tây Ban Nha đã khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng, nền kinh tế này khó hoàn thành mục tiêu thâm hụt ngân sách năm 2012. Giới phân tích của Societe Generale còn dự báo kinh tế Tây Ban Nha sẽ sụt 1,7% trong 2012.

Theo các chuyên gia Societe Generale, “sức ép lên lợi suất trái phiếu chính phủ chắc chắn sẽ dẫn tới kịch bản Tây Ban Nha có thể trở thành quốc gia thứ 4 trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu phải chìa tay xin cứu trợ tài chính từ Liên minh châu Âu”.

Nếu trường hợp này xảy ra, việc cứu trợ Tây Ban Nha sẽ gặp nhiều khó khăn hơn các quốc gia khác, khi quy mô của nền kinh tế này lớn gấp hai lần so với quy mô của ba nền kinh tế phải viện đến cứu trợ từ bên ngoài là Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland.

Thêm vào đó, những yếu tố đe dọa nền kinh tế Tây Ban Nha không hề giống như các quốc gia khác, không hoàn toàn do chi tiêu quá mức mà chủ yếu xuất phát từ vấn đề thị trường bất động sản và tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt là trong giới trẻ.

Trong đó, thị trường bất động sản được coi là khởi nguồn khủng hoảng. Từ 1985 đến 2007, giá địa ốc tại Tây Ban Nha tăng hơn 200%. Và khi thị trường bất động sản khủng hoảng thì Tây Ban Nha sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ quả bong bóng vỡ này.

Tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục cũng là một khó khăn của Tây Ban Nha. Hiện tỷ lệ thất nghiệp của nước này đang là 24,3%, cao ngất ngưởng. Nhưng điều đáng lo hơn là nó tập trung ở giới trẻ. Gần một nửa người Tây Ban Nha dưới 25 tuổi không có việc làm.

Giới phân tích cho rằng, những mối lo ngại như trên đã đẩy chi phí vay mượn của Madrid lên cao. Nếu lãi suất trái phiếu lên mức quá cao, các quốc gia sẽ không thể vay mượn từ các thị trường mở và thay vào đó là buộc phải xin cứu trợ từ khu vực bên ngoài.

Hiện nay, Tây Ban Nha đang nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách trong năm 2012 xuống 5,3% GDP, từ mức 8,5% GDP năm 2011, nhằm thuyết phục thị trường rằng nước này sẽ không "nối gót" Hy Lạp phải xin cứu trợ tài chính từ bên ngoài.

Tuần trước, hôm 3/4, Chính phủ Tây Ban Nha do Đảng Nhân dân (PP) đứng đầu đã trình Quốc hội nước này bản dự thảo ngân sách "thắt lưng buộc bụng" cho năm 2012 với nhiều khoản chi phí bị cắt giảm mạnh nhằm giảm thâm hụt ngân sách.

Theo dự thảo, ngoại trừ trợ cấp hưu trí, chi phí cho hàng loạt vấn đề quan trọng như đối ngoại, viện trợ cho nước ngoài, giáo dục, chăm sóc y tế công cộng, tạo việc làm, xây dựng hạ tầng, nghiên cứu quân sự... đều bị cắt giảm từ 21% đến hơn 38%.

Phát biểu tại phiên họp nội các thông qua dự thảo ngân sách này trước khi trình Quốc hội, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nhấn mạnh việc cắt giảm chi tiêu công hiện điều cần thiết, để giảm gánh nặng nợ nần và khôi phục lòng tin của các đối tác.

Tiếp đó, hôm 9/4, Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố có kế hoạch cắt giảm 10 tỷ Euro (tương đương 13 tỷ USD) chi tiêu cho các dịch vụ y tế và giáo dục của nước này. Thủ tướng Rajoy đã có cuộc gặp với lãnh đạo các bộ liên quan để bàn về việc này.

Trong một thông cáo ra cùng ngày, Chính phủ Tây Ban Nha khẳng định kế hoạch trên là một phần trong nỗ lực nhằm giảm thâm hụt ngân sách xuống 3% GDP trong năm 2013, theo như quy định về hạn mức thâm hụt chi tiêu công của Liên minh châu Âu.

Hiện giới đầu tư tài chính quốc tế đang chờ đợi những ảnh hưởng tích cực từ nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha, song không ít người bi quan cho rằng, nền kinh tế này đang rơi vào vòng luẩn quẩn của sự sụp đổ kinh tế, tài chính và chính trị.

Mặc dù hiện tại, Tây Ban Nha vẫn khẳng định khả năng tự lực cánh sinh, nhưng các nhà chuyên môn cho rằng, nếu những "chiếc phao" tài chính không hiệu quả, Tây Ban Nha sẽ phải tái cơ cấu nợ như Hy Lạp và đây sẽ là cú sốc lớn với Khu vực đồng Euro.

No comments:

Post a Comment