Viễn thông Mỹ ngăn sáp nhập để chống độc quyền


Thứ 4 - 21/03/2012
ATT.jpg
Chính phủ Mỹ cáo buộc thương vụ T-Mobile sáp nhập với AT&T là “vi phạm đạo luật chống độc quyền”

ICTnews - Sau khi xóa bỏ chế độ lũng đoạn của nhà mạng độc quyền AT&T, Viễn thông Mỹ đã duy trì thành công tính cạnh tranh trên thị trường bằng cách ngăn chặn thương vụ sáp nhập giữa AT&T và T-Mobile.
Tính cạnh tranh là cần thiết để phát triển
Những năm 1980, khái niệm “hãng viễn thông” tại Mỹ gần như đồng nghĩa với Công ty Điện thoại và Điện báo Hoa Kỳ (AT&T - American Telephone & Telegraph). Vào thời điểm đó, AT&T kiểm soát gần như toàn bộ các lĩnh vực kinh doanh viễn thông. Các chi nhánh địa phương của AT&T được phép độc quyền kinh doanh một số dịch vụ cụ thể. Trong khi Ủy ban truyền thông liên bang chỉ điều tiết giá cước của cuộc gọi đường dài liên bang, nhà mạng được tự ý định giá các cuộc gọi nội hạt và đường dài trong bang.
Sau khi những tiến bộ về công nghệ làm xuất hiện một số công ty có thể cạnh tranh với AT&T, mọi việc đã bắt đầu thay đổi. Chính sách điều tiết ngành viễn thông của Mỹ đã được tiến hành qua 2 giai đoạn:
Năm 1984, tòa án đã đưa ra quyết định các hãng như MCI Communications và Sprint Communications được quyền tham gia kinh doanh tại các chi nhánh địa phương, mặc dù AT&T vẫn giữ độc quyền về dịch vụ điện thoại đường dài.
Năm 1996, nhận thấy các nhà độc quyền địa phương đang ngăn cản sự phát triển của các dịch vụ như truyền hình cáp, di động không dây, Internet và nhiều tiện ích khác, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Viễn thông mới, cho phép các công ty nhỏ mới thành lập cũng được phép kinh doanh điện thoại đường dài và truyền hình cáp, dẫn tới sự tan giã của “đế chế” AT&T, mở ra cho ngành viễn thông Mỹ một giai đoạn phát triển mới với tính cạnh tranh cao trên thị trường. Hiện nay, 4 nhà mạng lớn hoạt động tại nước này là AT&T, T-Mobile, Verizon và Sprint. Mới đây, AT&T bị cho là muốn giành lại thế độc quyền bằng cách mua lại nhà mạng T-Mobile.
Vụ sáp nhập gây tai tiếng
Tháng 03/2011, hãng viễn thông AT&T tuyên bố kế hoạch mua lại T-Mobile từ công ty mẹ Deutsche Telekom với giá 39 tỷ USD. Nếu thành công, thương vụ này đã có thể đưa AT&T vượt qua Verizon, trở thành hãng viễn thông lớn nhất tại Mỹ. Vào thời điểm đó, AT&T đang chiếm khoảng 32% thị phần, T-Mobile chiếm 11%, Verizon 34,5% và Sprint là 22,5%. Sau khi sáp nhập với T-Mobile. AT&T sẽ chiếm 43% thị phần, thực sự áp đảo so với Verizon và Sprint.
AT&T luôn tuyên bố kế hoạch mua lại T-Mobile là nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ, đẩy nhanh quá trình phổ biến chuẩn mạng 4G LTE tới người dùng tại Mỹ, đồng thời tạo ra thêm 96.000 việc làm từ khoản đầu tư lên tới 8 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng (một phần số tiền sẽ được đầu tư phát triện mạng LTE hay 4G cho tốc độ nhanh hơn).
Tuy nhiên, giới phân tích, các cơ quan quản lý viễn thông và thậm chí cả Chính phủ Mỹ đều lo ngại thay đổi này sẽ làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường viễn thông, vì khi AT&T và Verizon chiếm tới 3/4 thị phần tại Mỹ, hai nhà mạng này có thể sẽ độc quyền một số dịch vụ.
Ngăn sáp nhập để chống độc quyền
Tháng 08/2011, chính phủ Mỹ đã nộp đơn kiện lên Bộ Tư pháp Mỹ, cho rằng thương vụ T-Mobile sáp nhập với AT&T phải bị xếp vào diện “vi phạm đạo luật chống độc quyền”.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ James Cole nhận định: “Sự sáp nhập giữa T-Mobile và AT&T sẽ khiến hàng chục triệu khách hãng toàn nước Mỹ phải trả cước phí cao hơn, có ít lựa chọn hơn và chất lượng dịch vụ di động không dây giảm sút. Khách hàng trong nước ở các khu vực nông thôn và người có thu nhập thấp đang hưởng lợi từ cuộc cạnh tranh của 4 nhà mạng trong nước”. Ủy ban Truyền thông Liên bang cũng có quan điểm tương tự, cho rằng việc AT&T mua lại T-Mobile là trái với lợi ích của cộng đồng.
Trước kế hoạch thâu tóm của đối thủ, nhà mạng Sprint cũng cho rằng, thỏa thuận mua lại T-Mobile của AT&T sẽ đưa môi trường cạnh tranh quay trở lại thập niên mở cửa ngành công nghiệp viễn thông Mỹ, sau sự tan rã độc quyền của AT&T hồi những năm 1980.
Cuối tháng 11/2011, AT&T đã rút đơn xin sáp nhập gửi lên Ủy ban Truyền thông Liên bang. Mục tiêu của họ là dồn sức chống lại đơn kiện của Bộ Tư pháp Mỹ trước, sau đó sẽ lại đâm đơn đề nghị lên Ủy ban Truyền thông Liên Bang.
Tuy nhiên, “mánh khóe” của AT&T không có hiệu quả khi Bộ Tư pháp Mỹ quyết định “ăn miếng trả miếng”, rút lại đơn kiện với lý luận rằng việc theo đuổi vụ kiện AT&T là không cần thiết và gây lãng phí, bởi vì nhà mạng này đã tự động rút đơn đề nghị mua lại T-Mobile.
Trước biện pháp quá cứng rắn của các cơ quan luật pháp, giữa tháng 12/2011, AT&T buộc phải tuyên bố từ bỏ thỏa thuận mua lại T-Mobile. Thất bại của AT&T đã được tạp chí danh tiếng Time bình chọn là một trong những chiến lược kinh doanh “lầm lỡ nhất” trong năm 2011. Đây thực sự là bài học đắt giá dành cho những công ty muốn mua bán hoặc sáp nhập để tăng cường vị thế của mình trên thị trường.
Phạm Duyên
Tổng hợp

No comments:

Post a Comment