17/02/2012
Tổng thống Pháp tự đẩy mình vào cuộc chiến khó khăn nhất trong sự nghiệp chính trị: nhiều năm tín nhiệm sụt giảm, điều hành nền kinh tế yếu... khi tuyên bố tranh cử nhiệm kỳ hai.
Ảnh: wordpress |
Nicolas Sarkozy - người đàn ông đã cải thiện quan hệ của Pháp với Mỹ, tập hợp các nhà lãnh đạo châu Âu để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính và châm ngòi cho cuộc không kích quốc tế tại Libya lại không hề được yêu thích ở chính nước Pháp. Kết quả thăm dò cho thấy, đối thủ đến từ đảng Xã hội Pháp có thể sẽ là người tham dự các hội nghị thượng đỉnh thế giới bắt đầu từ tháng 5.
Nhưng Sarkozy không phải là người dễ dàng từ bỏ. Khi tuyên bố tranh cử, ông cam kết sẽ đưa những người thất nghiệp trở lại lao động và tiến hành các cải cách mới để đảm bảo một “nước Pháp mạnh mẽ” và người Pháp sẽ có “cách sống” để có thể tồn tại trong thế kỷ 21.
"Vâng, tôi là một ứng viên”, ông nói trên truyền hình quốc gia TF1 hôm thứ tư, chấm dứt nhiều tuần tranh cãi về việc liệu ông có tham gia tranh cử tiếp hay không.
Trong lịch sử nước Pháp, tuyên bố tái tranh cử khi đang giữ chức tổng thống là cả một nghệ thuật đòi hỏi sự khắt khe. Việc chuyển đổi vị thế từ “tổng thống - ứng cử viên” sang “ứng cử viên - tổng thống” là điều không bao giờ dễ dàng bởi luôn có những phán xét nhập nhằng giữa những gì làm được khi đã làm Tổng thống và những gì có thể làm được khi có thể lại làm tổng thống.
Đó là lí do mỗi tổng thống Pháp khi tuyên bố tái tranh cử đều phải tìm mọi cách làm mới mình theo cách tốt nhất có thể, hoặc theo cách ít tệ hại nhất.
Các cuộc thăm dò cho thấy, Tổng thống Pháp sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến đầy cam go để thuyết phục cử tri rằng họ nên bầu lại cho ông. Ông chỉ có hai tháng để thay đổi tư duy của họ: vòng đầu tiên của cuộc bầu cử là 22/4.
Theo kết quả những cuộc điều tra dư luận các tháng gần đây thì, ông Sarkozy đứng sau Francois Hollande (đảng Xã hội), người đe dọa sẽ loại bỏ những cải cách của Sarkozy và đang vận động chống lại “thế giới tài chính”. Ông Sarkozy còn bị mất mặt trước ứng viên Marine Le Pen thuộc đảng Mặt trận Quốc gia.
Là người đàn ông với những lời đánh giá là khoe khoang hơn khiêm tốn, ông Sarkozy thừa nhận không hoàn thành tất cả mục tiêu đặt ra khi ông đắc cử năm 2007 trong làn sóng hy vọng đổi thay sẽ mang lại danh tiếng của nước Pháp cũng như tăng cường ảnh hưởng toàn cầu cho quốc gia này.
5 năm sau đó, nước Pháp đang vật lộn để thoát khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II còn người Pháp thì vỡ mộng. Tỉ lệ thất nghiệp lên đến gần 10%, tương lai kinh tế châu Âu bấp bênh, nợ chính phủ khổng lồ khiến quốc gia không còn giữ được mức xếp hạng tín nhiệm AAA bấy lâu nay theo đánh giá của tổ chức Standard & Poor's.
Chiếc ghế thuộc về ai?
Trong tuyên bố hôm thứ tư, ông Sarkozy cho hay sẽ tập trung vào nỗ lực tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. “Nước Pháp không thể giả vờ rằng, cuộc khủng hoảng không tồn tại”, Sarkozy nói. “Chúng ta phải tiếp tục thực hiện những thay đổi. Tuy vậy, ông chỉ phác thảo ra một đề xuất chắc chắn là: tổ chức trưng cầu dân ý về trợ cấp thất nghiệp và đào tạo cho người thất nghiệp.
Theo giới phân tích, giờ đây, khi ông chính thức tuyên bố là ứng viên tranh cử, thì các đối thủ của ông sẽ nhanh chóng tập trung vào ông. “Nhiệm kỳ của ông ấy là một thất bại”, ứng viên Xã hội Hollande nói trong buổi mít tinh lớn. Còn Le Pen thì chỉ trích ông “thiếu khiêm tốn” và nói ông không thể khiến người Pháp quên đi “những sai lầm nghiêm trọng” trong nhiệm kỳ của mình.
Cuộc bầu cử tổng thống hai vòng của Pháp trong tháng 4 và tháng 5 dường như có ảnh hưởng lớn với khắp EU. Ông Sarkozy đã tham gia chặt chẽ vào cuộc chiến cứu đồng euro giữa lúc xảy ra cuộc khủng hoảng nợ trong khối và gây ảnh hưởng tới các thị trường toàn cầu.
Trước đó, ông Sarkozy đã thiết lập một tài khoản Twitter cá nhân và cảm ơn tất cả những ai “sẽ vui lòng theo tôi”. Hàng chục nghìn người đã tham gia trong vòng vài giờ.
Thăm dò dư luận cho thấy, các vấn đề chính trị của Tổng thống Sarkozy là do chính ông tạo ra giống như tai ương với nền kinh tế Pháp. Người chỉ trích cáo buộc ông đã không giữ lời hứa cải thiện sức mua, tự tăng lương cho mình, tiêu xài hoang phí giữa lúc kêu gọi người dân tiết kiệm, có hành xử trái với hình ảnh văn hoá nước Pháp…
Trong đêm bầu cử 2007, ông đã tổ chức ăn mừng chiến thắng ở một trong những nhà hàng đắt đỏ nhất Paris; trước khi vào nhiệm sở, ông từng vi vu vài ngày trên chiếc du thuyền của một nhà tư bản công nghiệp, một người bạn siêu giàu.
Cuối năm 2007, Sarkozy đã li dị và bắt đầu “ve vãn” cựu siêu mẫu người Italia Carla Bruni. Đầu năm 2008, Sarkozy còn thô lỗ xúc phạm vị khách tại hội chợ nông nghiệp lớn nhất Paris khi buột miệng chửi thề vì đã từ chối bắt tay ông - vụ việc được ghi lại bằng video khiến rất nhiều người tỏ ra hồ nghi về phẩm chất tổng thống của ông.
Ở bình diện quốc tế, ông Sarkozy ít nhiều được hoan nghênh. Khi Pháp giữ ghế chủ tịch EU, ông đã đảm nhận vai trò trung gian quan trọng để tháo gỡ căng thẳng sau cuộc xung đột ngắn giữa Grudia và Nga. Ông đưa Pháp trở lại vị trí hàng đầu của NATO năm 2009.
Theo kết quả các cuộc thăm dò, Hollande và Sarkozy có thể giành vị trí đầu tiên và thứ hai trong vòng bầu cử lần một và sau đó đối đầu trực tiếp ở vòng hai ngày 6/5. Một cuộc thăm dò tuần trước cho thấy, Hollande dẫn trước Sarkozy 20 điểm trong vòng bầu cử lần hai giả định. Sarkozy đã đánh bại đối tác lâu năm của Hollande - Segolène Royal thuộc đảng Xã hội trong cuộc bầu cử năm 2007.
Giờ đây, giữa lúc sự thất vọng tràn ngập thế giới trên các thị trường tài chính và tiền tệ lớn, rất nhiều cử tri Pháp có thể sẵn sàng trao chiếc ghế tổng thống cho đại diện phái tả lần đầu tiên kể từ những năm 1980.
Thái An (theo abcnews)
No comments:
Post a Comment