13/07/2011 | 10:30:00
Theo biên bản cuộc họp về chính sách mới đây của Ban Giám đốc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) được công bố ngày 12/7, FED đã thông qua một chiến lược 5 năm nhằm từng bước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ vẫn còn chia rẽ về việc sẽ áp dụng chính sách tiền tệ nào trong thời gian trung hạn.
Tại cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - diễn ra ngày 21-22/6 vừa qua, các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương Mỹ đã nhất trí rằng khi các điều kiện kinh tế cho phép, thể chế này sẽ bắt đầu nâng tỷ lệ lãi suất hiện ở mức rất thấp và sau đó dự kiến trong khoảng từ 3-5 năm sẽ dần dần bán tháo hàng tỷ USD trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ vốn được mua vào trước đây nhằm bơm tiền mặt cho nền kinh tế ốm yếu.
Các nhà hoạch định chính sách của FED cho biết, biện pháp này nhằm "giảm thiểu tối đa" những tác động có thể có đối với việc cấp tín dụng cho các khu vực của kinh tế Mỹ.
Các thành viên của FOMC cũng bày tỏ lo ngại về những tác động của vấn đề nợ công ở Mỹ và châu Âu đối với triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
FOMC cho rằng "sẽ có những hậu quả nghiêm trọng" đối với các thị trường tài chính và khả năng vay mượn của nước Mỹ trong trường hợp chính phủ liên bang không còn tiền mặt để chi trả các khoản chi tiêu khiến nước Mỹ có thể bị vỡ nợ.
Biên bản cuộc họp của FOMC nêu rõ sau khi thảo luận, trừ một người, tất cả các thành viên còn lại trong ủy ban đã thống nhất về những điểm mấu chốt của chiến lược đưa nền kinh tế Mỹ thoát khỏi khủng hoảng.
FOMC nhấn mạnh sẽ cân nhắc kỹ thời điểm và kế hoạch cụ thể để thực hiện chiến lược này, trong đó chú trọng việc thúc đẩy tạo thêm nhiều việc làm và duy trì giá cả ổn định.
Trong khi đó, báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 12/7 cho thấy, thâm hụt thương mại của nước này đã tăng hơn 15% trong tháng Năm, vào khoảng 50,2 tỷ USD, mức cao nhất trong hơn 30 tháng qua (từ tháng 10/2008).
Mức thâm hụt trên cao hơn con số mà các nhà phân tích Phố Wall đưa ra trước đó là 44,5 tỷ USD.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tăng kim ngạch nhập khẩu là do giá dầu tăng cao, đạt mức kỷ lục vào cuối mùa Xuân vừa qua với giá mỗi thùng dầu tăng 41 cent so với một năm trước. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng, thâm hụt thương mại sẽ sớm giảm do giá dầu đã hạ trong những tháng gần đây./.
(TTXVN/Vietnam+)
No comments:
Post a Comment