Bài đăng : Thứ ba 25 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 25 Tháng Mười 2011
Bài báo trở lại với tình hình khủng hoảng chưa từng thấy tại Ôn Châu, tỉnh Triết Giang, được xem là một trong những vùng năng động nhất Trung Quốc. Không trả nổi nợ, hàng ngàn công ty cỡ nhỏ đã phải đóng cửa. Cả trăm chủ nhân đã biến dạng, họ trốn ở những nơi kín đáo hoặc ra nước ngoài. Ba người đã nhảy lầu tự tử, để lại những món nợ kếch xù. Tình hình rất nghiêm trọng, thủ tướng Ôn Gia Bảo vào đầu tháng 10/2011 đã phải đến đây xem xét, hầu có biện pháp ngăn chặn không cho khủng hoảng nghiêm trọng thêm. Từ đấy, theo bài báo, lãnh đạo Ôn Châu đã thuyết phục được một chủ nhân đang trốn ở Mỹ trở về. Nhìn Ôn Châu, giới truyền thông Trung Quốc bắt đầu tự hỏi : Tình hình này có sẽ lan rộng ra phần còn lại của Trung Quốc hay không ?
Tác giả bài báo giải thích : Ôn Châu là vùng đầu tiên "đã mọc lại đuôi tư bản" vào đầu thập niên 80, hoạt động theo mô hình kinh tế tự do. Phần lớn trong số 400.000 công ty vừa và nhỏ đã vay tiền nơi những ngân hàng tư - không hợp pháp ở Trung Quốc, nhưng vẫn được chấp nhận.
Không chỉ có ở Ôn Châu, 10% vốn vay tại Trung Quốc là do hàng ngàn ngân hàng đen này cung cấp.
Theo bài báo, tính từ đầu năm đến giờ, các ngân hàng này đã cho vay 177 tỷ yuan (20 tỷ euro), cho riêng ngành địa ốc. Khoản tiền trên tương đương với tín dụng mà các ngân hàng nhà nước cung cấp. Tiền của ngân hàng đen này, phần không nhỏ đến từ tiền tiết kiệm của người dân. Có đến 80% người Ôn Châu gởi tiết kiệm của họ vào đấy, vì lãi cao hơn quỹ tiết kiệm của các ngân hàng nhà nước.
Tác giả bài báo còn giải thích là khi người vay vốn không trả nổi nợ, thì giới cho vay này sẵn sàng bắt cóc hay ám sát để lấy lại tiền.
Các ngân hàng đen này hoạt động rất mạnh. Một mặt, vì ngân hàng nhà nước siết chặt tín dụng, cho các công ty trong lãnh vực tư vay nhỏ giọt, trong lúc mà họ mở rộng hầu bao đối với công ty nhà nước, vay bao nhiêu cũng được với lãi suất rất thấp.
Theo bài báo, những khoản tín dụng đó lẽ ra phải được đưa vào guồng máy sản xuất, nhưng trong thực tế lại chạy vào ngân hàng đen vì có lợi hơn : lãi suất của hệ thống đen này rất cao, từ 30% đến 80% một năm, quá béo bở !
Tuy nhiên, tình hình kể trên đang bị xáo trộn. Với lãi suất cực cao như thế, trong tình hình kinh tế toàn cầu bị khủng hoảng, xuất khẩu giảm, lương nhân công tăng lên, điều đó tác hại đến các công ty như ở Ôn Châu, họ không thể trả được nợ. Cả một mảng lớn kinh tế của Ôn Châu bị sụp đổ, những công ty hoạt động hữu hiệu nhất đã bị phá sản.
Nhưng Ôn Châu có thể chỉ là bước đầu. Bài báo trích dẫn nhận xét của một chuyên gia, ông Lâm Hòa Lập (Willy Wo-Lap Lam), đại học Hồng Kông, cho rằng hiện tượng ở Ôn Châu đang lan ra những nơi khác, nhất là ở nhiều thành phố Quảng Đông.
Vấn đề nợ ở Trung Quốc đang là mối đau đầu đối với chính quyền Bắc Kinh. Không chỉ nợ của các công ty như nói trên, mà còn có nợ của các chính quyền điạ phương. Libération nêu bật con số nợ của các địa phương Trung Quốc : 1.000 tỷ euro, mà theo Ngân hàng Standard Chartered, từ 80% đến 90% sẽ không bao giờ được hoàn trả.
Và lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc cho phép chính quyền địa phương phát hành trái phiếu, hy vọng ngăn chặn tình hình thoái hóa. Tờ báo cũng nhắc lại dự trữ ngoại tệ Trung Quốc hiện nay là 3.197 tỷ đô la (2.300 tỷ euro) tính đến tháng 6/2011.
Xã hội Trung Quốc bị tố cáo là ngày càng nhẫn tâm hơn
Báo La Croix nhìn về Trung Quốc, cũng nêu một áng mây đen khác, nhưng trên mặt xã hội. Dưới tựa đề : « Trung Quốc tự vấn về mặt đen tối trong xã hội của mình », bài báo của Dorian Malovic trở lại sự kiện hai em bé bị xe cán chết trong vòng không đầy một tuần, tại một thành phố tỉnh Tứ Xuyên.
Hai vụ có cùng một điểm chung là xẩy ra ở nơi đông người qua lại, nhưng không ai cứu giúp các em. Báo chí Trung Quốc đã làm to chuyện, khiến chính quyền phải dự kiến đề nghị một đạo luật trừng phạt những ai không cứu giúp người bị nạn.
Bài báo tường thuật trước tiên vụ một bé gái hai tuổi chết vào cuối tuần qua, sau khi bị hai chiếc xe tải đụng phải ngày 11/10. Bị xe đụng, em bé nằm sát bên lề đường, trong sự thờ ơ của cả chục người qua lại. Họ liếc mắt nhìn và bỏ đi luôn, không dừng lại.
Ngày em bé gái chết, thì một em bé trai 5 tuổi, đi học về, đã bị một chiếc xe thùng đụng phải, em bé gượng đứng lên, nhưng lại bị chiếc xe lùi lại, cán em một lần nữa.
Cả hai sự kiện này đã làm dáy lên một làn sóng phẫn nộ trong dư luận Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là : Tại sao lại có phản ứng thờ ơ đến thế ?
Theo tác giả bài báo, phản ứng tự nhiên đầu tiên là đến giúp người bị nạn, nhưng tại Trung Quốc, đã có những tiền lệ, là người đến cứu giúp lại bị tố cáo là đã gây ra tai nạn, bị đưa ra xét xử, rồi bị kết án.
Và như một nhà tâm lý học ở Thượng Hải giải thích : « giúp đỡ người khác trở nên đồng nghĩa với chuốc lấy phiền toái ». Trong tình trạng cuộc sống vô cùng khó khăn của đông đảo người dân Trung Quốc, họ phải thận trọng một cách tối đa.
Nhà tâm lý học cũng quy tội cho chủ nghiã Mao đã phá vỡ những giá trị truyền thống đùm bọc nhau, nhất là vào thời kỳ cách mạng văn hóa, khi mọi người tố cáo lẫn nhau ngay cả trong gia đình. Theo ông, trong xã hội Trung Quốc, người ta ngày càng sợ nhau, và sống trong mối nghi kỵ, cạnh tranh với nhau.
Tác giả bài báo nhận thấy quả là hai tai nạn kể trên minh họa cho một chủ nghĩa cá nhân tột cùng trong xã hội Trung Quốc. Một kỹ sư trẻ ở Bắc Kinh cho rằng : « Do kinh tế phát triển cực kỳ nhanh chóng, người ta chỉ nghĩ tới việc sống còn, kiếm tiền, không quan tâm đến người khác, không tin tưởng vào ai cả, vì sợ bị thua thiệt, bị qua mặt ».
Trong phần kết luận, bài viết trích nhận định của chuyên gia tâm lý ở Thượng Hải kể trên, cho dù là có dư luận phẫn nộ hiện nay sau cái chết của hai em bé, nhưng điều này chưa thay đổi được tâm lý xã hội Trung Quốc hiện nay. Theo ông, phải mất vài thế hệ nữa, may ra mới thấy chuyển biến.
Nhưng, điều cần thiết trước mắt là phải cải tổ sâu sắc chế độ chính trị, mà người dân không còn tin tưởng nữa.
Bầu cử Tunisia : Hoan nghênh dân chủ, nhưng e ngại đảng Hồi giáo về đầu
Về thời sự quốc tế, cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến Tunisia tiếp tục là hồ sơ lớn chiếm tựa trang đầu hôm nay. Nhìn chung, báo giới Pháp hoan nghênh tinh thần dân chủ của cuộc bầu cử nhưng lại tỏ ra dè dặt, không muốn nói là e ngại, trước kết quả sơ bộ cho thấy đảng hồi giáo Ennahda về đầu.
Trong hàng tít lớn, L'Humanité hoan nghênh "tinh thần công dân của người Tunisia", vì khoảng 90% cử tri đã đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, sự vươn lên của phe Hồi giáo gây lo ngại trong phái dân chủ.
Libération nêu bật trong hàng tít lớn trang nhất : « Thắng lợi của phe Hồi giáo : Tunisia chuyển sang màu xanh lá cây ». Xanh lá cây là màu biểu tượng của đạo Hồi.
Trong bài xã luận, tờ báo ghi nhận sự trưởng thành chính trị ngoạn mục của người Tunisia, biết sử dụng một cách ồ ạt và bình thản vũ khí chính trị là lá phiếu. Tờ báo không khỏi so sánh dòng người dài, kiên nhẫn chờ đợi hàng mấy tiếng đồng hồ để bỏ lá phiếu của họ vào thùng, với những cử tri lười biếng, không đi bầu của các nền dân chủ lâu đời hơn.
Tóm lại, kẻ thắng trong cuộc bầu cử vừa qua là tinh thần dân chủ, nhưng kẻ thắng thứ hai là Ennadha, mà tờ báo tự hỏi là đảng này sẽ phơi bày mặt thật như thế nào : Một đảng Hồi giáo bảo thủ, hay ôn hoà, hay chỉ là một đảng cánh hữu, vì trên bàn cờ chính trị Tunisia, những người phe thế tục là cảnh tả.
Cuối cùng, tờ báo cũng nhận định là chế độ độc tài sụp đổ trong thế giới Ả Rập có nguy cơ đưa phe chính trị Hồi giáo lên nắm quyền, từ Tunisia, Libya, cho đến Ai Cập. Tuy nhiên, đó là điều phải chấp nhận trong tinh thần dân chủ.
Tờ Le Figaro chạy ở trang nhất hàng tựa : « Tunisia - Phe Hồi giáo làm chủ cuộc chơi », và nhìn thấy trong bài xã luận ''Tunisia đang đứng giữa dòng''.
Tờ báo nhận định rằng nếu một chế độ dân chủ có cơ may đến với thế giới Ả Rập thì nó phải bám rễ trước tiên ở Tunisia, quốc gia mà một tầng lớp trung lưu đã phát triển và có thể đặt nền tảng cho một Nhà nước hiện đại.
Việc cử tri Tunisia tham gia đông đảo cuộc bỏ phiếu là một thành công lớn, họ đảm bảo được tính chính đáng cần thiết cho các dân biểu, có nhiệm vụ soạn thảo hiên pháp mới, định hình trong một năm tới đây chế độ chính trị mới của Tunisia. Le Figaro nhìn thấy sự thay đổi lớn trước mắt là thắng lợi của đảng Ennadha, mà cựu tổng thống Ben Ali trong 24 năm cầm quyền đã không diệt trừ được.
Theo Le Figaro, nếu phe Hồi giáo ở trong thế mạnh, họ phải thành lập được một liên minh có khả năng lãnh đạo Tunisia. Họ thắng là do chương trình ôn hoà của họ, theo mô hình Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng cũng như các đồng nghiệp khác, Le Figaro dè dặt nhận thấy là một lần nữa một cuộc bầu cử tự do, yên ổn, không sự cố, tại một quốc gia Ả Rập, lại dẫn đến thắng lợi của phe Hồi giáo triệt để, như trường hợp của Algérie, cách đây 20 năm, và trường hợp Palestine cách đây 6 năm. Trong hai trường hợp này, hậu quả rất thảm hại như mọi người đều biết.
Le Figaro nhắc lại là, vì dân chủ là luật của đa số, thắng lợi của Ennadha là một kết quả mà người ta phải dự báo được. Trong mắt Le Figaro, Tunisia ngày nay đang ở giữa dòng. Quốc gia này phải vạch đường đi trước khi mà Ai Cập và Libya bước vào cuộc hành trình đầy nguy hiểm.
Trong thời gian gần đây, báo chí Việt Nam liên tục đăng tải nhiều vụ vỡ nợ ở Việt Nam, mà con số của mỗi vụ lên đến nhiều trăm tỉ, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng. Không chỉ riêng ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội mà cả ở các tỉnh như Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Bình, Hà Tĩnh … Đặc biệt là tại Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ người vay bỏ trốn với số nợ hàng trăm tỉ. Còn tại Sài Gòn, cách đây khoảng hai tuần cũng rúng động về vụ một phụ nữ và đồng bọn lừa đảo số tiền được cho là lên đến 2.800 tỉ đồng, trong đó có doanh nghiệp bị mất đến hàng trăm tỉ !
Thật ra việc vay mượn với lãi suất cao ở bên ngoài hệ thống ngân hàng, thường được gọi là "tín dụng đen", rồi không trả được và bỏ trốn, là chuyện vẫn thường xảy ra, và không chỉ ở Việt Nam. Nhưng vỡ nợ hàng loạt như gần đây thì không còn là hiện tượng cá biệt, mà hết sức đáng lo ngại.
Trong tình hình nền kinh tế đang chững lại, thị trường bất động sản đóng băng, thị trường chứng khoán xuống dốc, ngân hàng siết chặt tín dụng, nhiều người đã phải xoay sở vay bên ngoài bằng bất cứ giá nào. Không chỉ các cá nhân, những người buôn bán nhỏ, mà thậm chí các ngân hàng nhỏ thiếu vốn có khi cũng phải đi vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất đến 40%/năm cho các khoản vay kỳ hạn một tháng.
Nhưng không chỉ những người cần tiền chi xài, kinh doanh, người đầu tư mạo hiểm chẳng may bị thua lỗ phải xoay món vay khác để trả, mà còn có những người khi vay đã có mục đích lừa đảo ngay từ đầu.
Các chuyên gia nước ngoài vẫn lo ngại là nợ xấu của Việt Nam có thể cao hơn con số chính thức. Theo báo chí Việt Nam, thì đến cuối tháng 8/2011, dư nợ cho vay của các ngân hàng là 2.389 ngàn tỉ đồng, trong đó nợ xấu chiếm 76 ngàn tỉ, và tỉ lệ nợ xấu tăng liên tục từ đầu năm đến nay.
Dù tổng nợ vẫn nằm trong giới hạn an toàn, nhưng nợ có nguy cơ mất vốn luôn chiếm tỉ trọng cao nhất, đến trên 49%. Vì vậy, thời điểm cuối năm nay, khi nhu cầu về vốn tăng lên thì hệ thống ngân hàng thương mại có thể vấp phải vấn đề thanh khoản, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ. Cơ quan thẩm định tài chính Fitch, cách đây không lâu, đã nhận định, các ngân hàng Việt Nam - có mức độ tín nhiệm thấp trong khu vực - cần phải tăng vốn. Trong bối cảnh đó, nếu còn tiếp tục xảy ra hàng loạt các vụ vỡ nợ, nền kinh tế có thể sẽ gặp không ít khó khăn, đặc biệt vào dịp cuối năm.
Trong tạp chí kinh tế tuần này, tiến sĩ Nguyễn Quang A ở Hà Nội và tiến sĩ Lê Thẩm Dương, trưởng khoa Quản trị Kinh doanh trường đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra một số phân tích về các nguyên nhân và hệ quả của hiện tượng vỡ nợ tín dụng kể trên.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A (Hà Nội) và tiến sĩ Lê Thẩm Dương (Sài Gòn)
25/10/2011
No comments:
Post a Comment