Tờ báo cho biết, chỉ cách đây năm năm thôi, Việt Nam từng là điểm thu hút mạnh nhà đầu tư nước ngoài. Từ hãng Intel của Mỹ đến tập đoàn Canon của Nhật Bản. Họ tìm đến bởi Việt Nam có nguồn nhân công rẻ và dồi dào. Hàng chục công ty gia công Hàn Quốc và Đài Loan, từ sản xuất đồ gỗ gia dụng đến quần áo, đã chuyển địa bàn từ nam Trung Quốc đến Việt Nam, một phần là vì lương công nhân ở Trung Quốc đã tăng lên gấp 3 lần. Năm 2010, Việt Nam là nước sản xuất gia công lớn nhất của hãng Nike. Một thành công nữa của nền kinh tế Việt Nam mà tờ báo chỉ ra, đó là việt xuất hiện ở Việt Nam những nhãn hiệu nổi tiếng như Iphone hay Louis Vuitton.
Bên cạnh những thành công đó, tờ báo cho rằng, nền kinh tế đang có dấu hiệu mất cân đối do nhà chức trách đã ít quan tâm đến việc ổn định kinh tế, và hệ quả là làm gia tăng hiện tượng thiếu bình đẳng trong xã hội, lạm phát tăng nhanh, lòng tin vào đồng nội tệ bị giảm, kéo theo nguy cơ khủng hoảng ngân hàng. Sự mất cân đối kinh tế dẫn đến lạm phát mạnh, trong bối cảnh khủng hoảng ngày càng trầm trọng của nền kinh tế thế giới. Nhiều công ty trong và ngoài nước vì thế phải xem xét lại chính sách đầu tư của mình.
Tờ báo thừa nhận Việt Nam đã từng là trung tâm công nghiệp tiềm năng của châu Á và minh chứng rõ nhất là khu công nghiệp Thăng Long-Hà Nội. Được khởi công vào năm 2000, đến năm 2009, khu này đã đầy ắp công ty với khoảng 55 000 công nhân làm việc ở 95 công ty, từ lấp ráp máy in cho Canon, tủ lạnh cho Panasonic…Thế nhưng, lạm phát cao đến mức 20% đã gây thiệt hại cho nhiều công ty ở Thăng Long, và ở những khu công nghiệp khác. Người lao động di cư không thể sống được với mức lương chỉ có 2 triệu đồng/tháng, trong khi các công ty đang trong vòng khủng hoảng nên khó khăn trong việc tăng lương.
Nói về tốc độ tăng trưởng, tờ báo cho biết, trong giai đoạn 2003-2007, tỉ lệ tăng GDP bình quân là 8,1%, trong khi Ngân hàng Thế giới dự báo là 6% cho 5 năm tới. Bàn về giải pháp, tờ báo cho rằng, các biện pháp vĩ mô có vẻ không mang tính lâu dài và hơi « cũ kĩ », như cho hạn chế nhập khẩu xa xỉ phẩm hay việc hạn chế cấp thị thực cho người lao động nước ngoài.
Phải cải tổ nhanh công ty Nhà nước
Theo tờ báo, « cú thử nghiệm mang tính quyết định » đối với Việt Nam nằm ở khả năng cải tổ các doanh nghiệp Nhà nước của chính phủ, bởi các doanh nghiệp này là nguồn gốc của sự lãng phí nhưng vẫn tiếp tục thống lĩnh thị trường. Vấn đề đã trở thành chủ đề tranh luận gay gắt hồi năm ngoái sau sự kiện Vinashin.
Tờ báo dẫn lời của ông Jonathan Pincus, trưởng chương trình đào tạo kinh tế học của Đại học Havard tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nếu Việt Nam không cải thiện nhanh chóng chất lượng giáo dục và cơ sở hạ tầng cũng như cắt giảm chi tiêu công, thì sẽ không thể trở thành một con hổ ở vùng Đông Nam Á được. Tại hội thảo bàn về khủng hoảng do chính phủ tổ chức hồi tháng 10 vừa qua, ông Trần Xuân Giá, nguyên bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng nhận định : « Chính phủ phải cải tổ và chuyển nhượng càng nhanh càng tốt các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động không hiệu quả ».
Các nước châu Á đã can thiệp hiệu quả vào nền kinh tế
Dưới góc nhìn khác về sự can thiệp của nhà nước, nguyệt san L’Expansion cho biết chính phủ các nước châu Á đã có một chính sách can thiệp kinh tế hiệu quả, qua bài viết : « Những chiến lược hữu hiệu ».
Trung Quốc và các nước láng giềng có cán cân thương mại luôn ở mức thặng dư, nguồn tích trữ ngoại hối không ngừng tăng lên, hệ thống ngân hàng được chính phủ kiểm soát cẩn trọng với lượng tiền cho vay luôn nằm dưới mức khoảng tiền được gửi… Đây là một hiện tượng trái ngược hẳn với các nước phương Tây, đặc biệt là với khối G7.
Xuất khẩu luôn là « lá phổi » của nền kinh tế châu Á. Dù từ mùa hè rồi, mức xuất khẩu đã chựng lại, nhưng không vì thế mà tăng trưởng bị giảm. Kế hoạch tái tăng trưởng mà châu Á áp dụng vào năm 2008 và 2009 vẫn còn có hiệu quả tích cực. Tại Trung Quốc, đầu tư được kích thích và lương đã tăng lên rất nhiều. Nên nhớ rằng, Trung Quốc là nước mà chính phủ quản lí rất chặt các ngân hàng. Hay như Ấn Độ, chính phủ đã tăng mức chi để kích thích tiêu dùng.
Liên quan đến đồng nội tệ, tờ báo cho biết, vừa rồi nhiều nước châu Á bất chấp nguy cơ gia tăng lạm phát đã cho giảm giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu. Nhờ vào những cố gắng đó, tăng trưởng vùng này trong năm 2012 có thể đạt 4,9%. Còn đối với Nhật Bản, dù vừa rồi đồng Yên tăng giá kỷ lục, nhưng do sau thảm họa sóng thần, các công trình tái xây dựng đã thu hút được nhiều công ty. Thêm vào đó, chính sách tiền tệ của chính phủ có hiệu quả. Kế hoạch phục hồi kinh tế thứ ba của nước này sẽ bắt đầu được thực hiện vào năm 2012, và có thể sẽ giúp mức tăng trưởng tăng thêm 1,7 điểm nữa.
Tuy vậy, có một nguy cơ không nhỏ cho vùng châu Á là, sắp tới, do khó khăn tài chính, các ngân hàng châu Âu sẽ phải bán đi một phần tài sản ở châu Á. Từ đó, mức tham gia trao đổi thương mại của họ ở châu Á sẽ giảm đi. Việc này sẽ giúp cho một vài công ty địa phương, nhất là các công ty Trung Quốc, có thể chiếm thêm thị phần, nhưng sẽ làm cho nguồn vốn bị khan hiếm và và đắt đỏ. Từ đó, tăng trưởng kinh tế trong năm tới ít nhiều gì cũng bị ảnh hưởng tiêu cực.
Thỏa thuận Bruxelles 12/2011 vẫn còn nhiều điểm đáng lo
Liên quan đến thỏa thuận mới đây tại Bruxelles của các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, tạp chí l’Express đăng bài nhận định của chuyên gia kinh tế Pháp, ông Jacques Attali. Bài viết chạy dòng tựa khá đặc biệt : « Cầu mong tôi dự đoán sai ».
Tác giả ghi nhận, thỏa thuận này thật sự là « một chiến công » của tổng thống Pháp Nicolas Sarcozy và thủ tướng Đức Angela Merkel, bởi họ đã thành công trong việc thuyết phục được đến 26 trên 27 nước thành viên của EU và đã bắt đầu có những quyết định cần thiết để cứu đồng tiền chung châu Âu. Ngân hàng Trung ương châu Âu (BCE) cũng đã cam kết sẽ dành mọi ưu đãi trong việc cho vay vốn cho các ngân hàng thương mại.
Thế nhưng, bên cạnh đó, dưới góc nhìn khác, thỏa thuận cũng gây nhiều quan ngại. Tác giả chỉ ra một số chi tiết cụ thể : Các ngân hàng thương mại vay tiền BCE với lãi suất rất thấp để cho các chính phủ vay lại với mức rất cao, như vậy các ngân hàng này sẽ kiếm được những món lợi khổng lồ ; bù lại, các ngân hàng thương mại không hề bị ràng buộc phải tăng vốn, phải hủy bỏ hay thậm chí không bị buộc phải giảm lợi tức của mình, thậm chí còn không phải hạn chế hoạt động đầu cơ, những hoạt động vốn còn mang đến nhiều lợi nhuận hơn việc cho vay ; các nước sẽ phải hạn chế chi tiêu công và tăng thuế theo « qui tắc vàng » vốn còn chưa được đặt ra mà phải đợi Ủy ban châu Âu đề xuất, và qui tắc này sẽ còn bó buộc hơn nhiều so với những bó buộc đang được bàn thảo ở Pháp hiện nay ; thỏa thuận này được thống nhất vào năm 2011, sẽ được ký chính thức trong mùa xuân tới bởi tổng thống Sarkozy, và sau đó sẽ được phê chuẩn bởi Quốc hội được bầu vào tháng 6 năm tới, sau đó sẽ được thực thi vào năm 2013, không liên quan đến ngân sách của năm 2012.
Như vậy, đối với nước Pháp, phải đợi đến các cuộc bầu cử năm 2012 và ở Đức là vào năm 2013. Trong thời gian đó, người giàu sẽ tiếp tục giàu, người phải nai lưng trả nợ vẫn phải tiếp tục nai lưng trả nợ.
Mùa Xuân Ả Rập đang đe dọa quyền lực của ông Putin
Đến với tình hình bất ổn tại Nga, tạp chí Le Nouvel Observateur có bài « Những người Nga phản đối Putin ».
Từ mấy ngày nay, mùa xuân Ả Rập có vẻ đã thật sự lan đến nước Nga với việc nhiều người xuống đường biểu tình. Họ tố cáo đảng Nước Nga Thống nhất của ông Putin đã gian lận bầu cử. Họ yêu cầu tổ chức lại bầu cử. Có người còn mạnh miệng yêu cầu ông Putin ra đi. Họ cho rằng, điện Kremlin biết là người dân biết rõ gian lận bầu cử nhưng vẫn cố ý làm. Có người bức xúc về sự « đổi ghế » giữa tổng thống Medvedev và thủ tướng Putin. Những người biểu tình đã hẹn nhau tiếp tục xuống đường vào ngày lễ giáng sinh 24/12.
Minh chứng về gian lận bầu cử của phe ông Putin, Le Nouvel Observateur cho biết, một số tổ chức phi chính phủ đã thuê tình nguyện viên, và đã quay được cảnh gian lận bầu cử ở một số nơi, sau đó hình ảnh đã được đưa lên Internet.
Tờ báo cũng dẫn lại lời của một chuyên gia phân tích chính trị Nga cho biết, về mặt chính thức, đảng của ông Putin giành được hơn 49% số phiếu, nhưng trên thực tế con số này chỉ độ 35%. Nói về phản ứng của giới cầm quyền Nga, nhà chính trị học này nhận định, thực tế, trong phe Putin, hiện tại có ba dòng ý kiến : dòng cứng rắn đề nghị trấn áp mạnh người biểu tình ; dòng lạc quan hơn thì cho rằng cái lạnh trong mùa đông sắp tới có thể làm người xuống đường nản chí ; dòng thứ ba muốn ông Putin cho phép các cuộc biểu tình diễn ra, thậm chí trong dòng này có người còn cho rằng, để đảm bảo uy tín của phe ông Putin, cách tốt nhất là phe này nên thay ông Putin bằng một ứng cử viên tổng thống khác.
Kết thúc của sự bất ổn tại Nga thế nào còn chưa rõ, nhưng như Le Nouvel Observateur nhận định, đây là cuộc biểu tình chống Putin qui mô đầu tiên kể từ khi ông này bước chân vào điện Kremlin cách đây hơn 10 năm.
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20111218-viet-nam-can-cai-to-doanh-nghiep-nha-nuoc-nhanh-hon-nua
No comments:
Post a Comment