16/12 Nan giải của Pháp : Giảm thâm hụt ngân sách hay kích thích kinh tế ?


THỨ BA 16 THÁNG HAI 2010
Bà Christine Lagarde, bộ trưởng Tài chính Pháp
Bà Christine Lagarde, bộ trưởng Tài chính Pháp
Reuters
Thanh Hà
Nợ công và thâm hụt ngân sách của Pháp đã vượt quá quy định của khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu.Nhưng vào thời điểm này, giải quyết thâm hụt ngân sách, giảm bớt nợ công có nên được coi là một trong những ưu tiên trong chính sách kinh tế của các chính phủ hay không ?

Mọi chú ý đang tập trung vào mức nợ công khổng lồ của Hy Lạp đe dọa đến sự ổn định của toàn khối euro. Tại Pháp, nợ công và thâm hụt ngân sách cũng đã vượt quá quy định của khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu.
Vấn đề tài chính nói trên không chỉ là ưu tư của riêng Hy Lạp hay Pháp mà còn là một hiện tượng phổ biến ở nhiều nước trong khối euro, trong khối các OCDE tức các thành viên Tổ chức Hợp tác và Pháp triển Kinh tế.
Câu hỏi đặt ra là vào thời điểm này, giải quyết thâm hụt ngân sách, giảm bớt nợ công có nên được coi là một trong những ưu tiên trong chính sách kinh tế của các chính phủ hay không ?
Nói cách khác, mức nợ công chồng chất có thực sự là một mối đe dọa đối với sự phát triển kinh tế lâu dài của một quốc gia hay không, và cắt giảm chi tiêu để thanh toán bớt nợ trong chính sách vĩ mô vào thời điểm mà kinh tế thế giới chưa thực sự có dấu hiệu phục hồi phải chăng là một tính toán khôn ngoan ? Tạp chí hôm nay xin giới hạn ở trường hợp của nước Pháp để trả lời phần nào các câu hỏi trên.
Tình trạng thiếu hụt tài chính kéo dài
Trong một bản báo cáo gần đây, OCDE khẳng định : tình trạng thâm hụt ngân sách nhà nước tại nhiều quốc gia trong khối này sẽ kéo dài và đây là hậu quả đậm nét nhất của trận khủng hoảng tài chính và kinh tế vừa qua.
Pháp không phải là một ngoại lệ : thâm hụt ngân sách nhà nước tiếp tục tăng lên thành 8,2% tổng sản phẩm nội địa (GDP) trong năm nay, rất xa với mức 3% quy định của hiệp ước Maastricht. Nợ công của Pháp, bao gồm nợ của nhà nước, các quỹ an sinh xã hội, của các chính quyền cấp vùng trong tài khóa 2010 lên tới gần 1500 tỷ euro, tương đương với hơn 82% GDP thay vì 60 % như đòi hỏi của Bruxelles để được tham gia khối đồng tiền chung châu Âu.
Tình trạng tài chính của nước Pháp đã liên tục xấu đi từ đầu cuộc khủng hoảng vào mùa thu 2008. Ở vào đỉnh điểm của cơn bão tức ba tháng cuối 2008 và quý đầu 2009, chính phủ François Fillon đã nhanh chóng phối hợp hành động với các đối tác trong khối euro để tung ra kế hoạch vực dậy kinh tế 26 tỷ euro. Chính sách cấp cứu nói trên đã được cả Bruxelles lẫn Quỹ tiền tệ quốc tế tán đồng.
Tiếp sức cho khu vực tư nhân để đầu tư và tiêu thụ khi đó trở thành ưu tiên hàng đầu, đổi lại nợ của nhà nước và các chính quyền cấp địa phương gia tăng. Tính trọn năm 2009, GDP của Pháp rơi mất 2,2% tức tăng trưởng ở số âm và đây là mức suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ năm 1945.
Một năm sau, tức vào đầu 2010 toàn cảnh kinh tế thế giới nói chung và của nước Pháp nói riêng sáng sủa hơn. Cho dù chưa một ai dám nói đến một sự phục hồi kinh tế nhưng ngày càng có nhiều tiếng nói cho rằng đã đến lúc chính phủ của ông Fillon phải tính đến việc giải quyết thiếu hụt tài chính. Ủy ban châu Âu yêu cầu Paris từng bước quay trở lại với hiệp ước Maastricht.
Đe dọa khi nợ công chồng chất
Tại sao thâm hụt ngân sách kéo dài, nợ công chồng chất bị coi là một mối đe dọa tiềm tàng ? Thứ nhất để có thể tài trợ thiếu hụt tài chính, nhà nước phải đi vay. Nợ càng nhiều thì tiền lãi càng nặng.
Thứ hai là các tác nhân kinh tế đề phòng khả năng nhà nước tăng thuế trong một tương lai không xa, do đó ngay từ bây giờ tư nhân đã tăng tỷ lệ tiết kiệm để chuẩn bị đóng thuế. Do vậy quan điểm của trường phái thuyết học kinh tế tân cổ điển cho rằng : gia tăng chi công cộng để kích thích kinh tế không mang lại hiệu quả mong muốn vì khi các hộ gia đình tăng khoản tiết kiệm sẽ vô hiệu hóa nỗ lực kích cầu của nhà nước.
Lý do thứ ba gây lo ngại liên quan đến chính sách tiền tệ : nhiều người cho rằng để tiếp tục thu hút tư bản, lãi suất chỉ đạo phải được nâng cao thêm. Mà lãi suất cao thì bất lợi cho mọi kế hoạch đầu tư và tiêu xài của tư nhân và qua đó cũng làm tan biến nỗ lực kích thích kinh tế của nhà nước
Tuy nhiên, cả ba luận điểm nói trên không hoàn toàn đúng khi chúng ta biết rằng : tại Nhật Bản chẳng hạn nợ công tương đương với gần 200% GDP nhưng tiền lãi mà chính phủ phải trả cho ngân hàng thì rất thấp do lãi suất chỉ đạo của ngân hàng trung ương Nhật Bản đã ở gần như là số không. Để so sánh có thể nói là chi phí ngân hàng mà chính quyền Tokyo phải trả chỉ tương đương với 0,9 % tổng sản phẩm nội địa Nhật Bản. Trong lúc đó tỷ lệ này của Pháp tương đương với gần 3 điểm GDP
Tiếp đến, cho rằng các khoản chi tiêu công cộng không có hiệu quả do tư nhân tăng tỷ lệ tiết kiệm cũng không hoàn toàn đúng. Vẫn tại Nhật Bản tỷ lệ thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công/GDP ngày càng lớn nhưng tỷ lệ tiết kiệm của người dân Nhật vẫn giảm đi một cách đáng kể.
Ngoài ra trong giai đoạn « dầu sôi lửa bỏng », các hộ gia đình phải trực diện với khủng hoảng, với vấn đề thất nghiệp thì chắc chắn tăng các khoản tiết kiệm để trả thuế trong tương lai không thể là một ưu tiên.
Cuối cùng cho rằng để tài trợ thâm hụt ngân sách một chính phủ phải tăng lãi suất chỉ đạo của ngân hàng trung ương cũng không hoàn toàn đúng, do từ đầu khủng hoảng đến nay lãi suất chỉ đạo của ngân hàng trung ương châu Âu vẫn ở mức thấp kỷ lục - 1% thay vì 4,25% như hồi tháng 10 năm 2008 và trên nguyên tắc ngân hàng trung ương châu Âu duy trì lãi suất chỉ đao ở mức này cho đến giữa năm nay.
Thanh toán nợ công một nhu cầu cấp bách ?
Nước Pháp cũng như nhiều thành viên khác trong khối euro và nhìn rộng ra hơn là các nước trong khối OCDE đang đứng trước một bài toán nan giải : nên chăng giải quyết trước vấn đề nợ công, hay tiếp tục kéo dài tình trạng thâm hụt tài chính như hiện nay để tiếp sức cho khu vực kinh tế ?
Đành rằng hễ mang nợ thì trước sau gì cũng phải trả và một nhà nước cũng phải tuân thủ quy luật trên. Song đối với kinh tế vi mô, về mặt kế toán mọi người đều chấp nhận để cho một công ty phải đi vay tiền để thực hiện các dự án đầu tư, để nâng cao năng suất.
Đối với nền kinh tế vi mô cũng vậy : chính phủ cũng phải đi vay tiền để tài trợ các công trình xây dựng công cộng, đầu tư tạo thêm công việc làm cho người dân, để tài trợ chính sách xã hội để tài trợ những chương trình hướng tới sự phát triển bền vững cho tương lai. Đó là những yếu tố giúp thúc đẩy tăng trưởng một cách lâu dài.
Nhìn dưới góc độ này thâm hụt ngân sách nhà nước không phải là một yếu tố đáng quan ngại. Theo đánh giá của OFCE, cơ quan quan sát về tình hình kinh tế Pháp, thâm hụt ngân sách trong giai đoạn khủng hoảng như hiện nay là điều cần thiết hơn bao giờ hết khi động cơ tăng trưởng kinh tế bị suy sụp, chính phủ phải tiếp tay với khu vực kinh tế tư nhân, phải bơm thêm sức mua cho các hộ gia đình bị thất nghiệp …
Nói một cách khác, thâm hụt ngân sách nhà nước, hay mức nợ công gia tăng là do khủng hoảng, do hoạt động kinh tế bị trì trệ. Điều đó có nghĩa là một khi tình hình trở lại bình thường, khu vực kinh tế sẽ không còn cần đến sự can thiệp của nhà nước, đồng thời khoản thuế thu vào cũng sẽ cao hơn. Nhờ vậy ngân sách nhà nước cũng như của quỹ an sinh xã hội sẽ từng bước trở lại thế cân băng.
Hơn nữa tình trạng thiếu hụt ngân sách trầm trọng ở Pháp hiện tại được giải thích một phần qua chính sách hỗ trợ kinh tế. Nếu như ngay bây giờ cắt giảm chi tiêu để trở về với những điều khoản tài chính đã được châu Âu quy định- cụ thể là duy trì nợ công ở mức 60% GDP, thiếu hụt ngân sách nhà nước ở mức 3%- thì đó sẽ là những biện pháp phản tác dụng kinh tế : chúng sẽ làm tiêu tan nỗ lực vực dậy kinh tế mà chính phủ Pháp đã gây dựng từ năm ngoái.
Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là "bật đèn xanh" cho các chính phủ tùy tiện tiêu xài. Vẫn theo tổ chức OFCE, nếu ngân sách nhà nước luôn ở trong tình trạng « thiếu hụt kinh niên » thì đó là một tín hiệu xấu, vì điều đó có nghĩa là sớm muộn gì cũng phải chấm dứt chính sách bội chi đó bằng hai cách : hoạch là cắt giảm chi tiệu hoặc là tăng thuế để lấy lại cân bằng trong ngân sách. Cả hai biện pháp này cùng là những trở lực đối với tăng trưởng kinh tế
Trong trường hợp của nước Pháp hiện nay, đảng cánh hữu đang cầm quyền thiên về giải pháp thứ nhất, tức là đang áp dụng chính sách cắt giảm chi tiêu, giảm ngân sách giáo dục, y tế … để giảm bớt mức nợ công, để trở lại với điều khoản 3% GDP như quy định của khối euro.
Vào những năm 1990, nhiều nước như Canada, Phần Lan, Thụy Điển hay Anh Quốc đã cắt giảm nợ công một cách triệt để mà vẫn không gây trở ngại cho mục tiêu tăng trưởng. Đơn giản là do các quốc gia nói trên đã có những phương tiện khác để kích thích kinh tế như là hạ lãi suất ngân hàng hòng khuyến khích đầu tư và tiêu thụ nội địa, hay là giảm giá đơn vị tiền tệ để đẩy mạnh khu vực xuất khẩu.
Vấn đề đặt ra đối với Pháp cũng như đối với các thành viên khối euro là họ bị bó tay trên cả hai phương diện này. Chính sách tiền tệ và hối đoái đều thuộc thẩm quyền của ngân hàng trung ương châu Âu.
Tóm lại, cắt giảm chi tiêu để lấy lại cân bằng trong ngân sách nhà nước vào lúc mà tăng trưởng còn èo uột - không có hy vọng đạt tới 2% trong năm nay, số người thất nghiệp thì gia tăng : 420 ngàn người mất việc trong năm 2009, và từ nay đến cuối năm nước Pháp sẽ có thêm mộ triệu người thất nghiệp không còn được hưởng trợ cấp - , cắt giảm chi tiêu công cộng vào lúc này là một sai lầm chiến lược và sẽ làm tiêu tan những nỗ lực kích cầu hòng kéo kinh tế nước Pháp đi lên.
Với tất cả những yếu tố vừa nêu, đối với nước Pháp, áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng" mang tính rủi ro cao : một là do tình trạng tài chính của Pháp không yếu kém để gây nhiều nghi vấn như ở Hy Lạp hay Tây Ban Nha ; hai là những tác động tiêu cực do nợ công chồng chất trước mắt không có cơ sở đối với trường hợp của Pháp và ba là chủ trương giảm mạnh chi tiêu có nguy cơ bóp chết hy vọng phục hồi kinh tế còn đang mong manh của nước Pháp.

http://www.viet.rfi.fr/phap/20100305-nan-giai-cua-phap-giam-tham-hut-ngan-sach-hay-kich-thich-kinh-te
TỪ KHÓA : KINH TẾ - PHÁP - TẠP CHÍ

No comments:

Post a Comment