19/11 Ý: nợ nần và tham nhũng


Thứ Bảy, 19/11/2011, 11:31 (GMT+7)
TTCT - Thủ tướng Silvio Berlusconi đã từ chức, mở đường cho ông Mario Monti, giáo sư kinh tế, thành lập chính phủ mới để giải quyết khủng hoảng, trong đó có món nợ cả ngàn tỉ euro xuất phát từ những vụ đầu tư vô hạn và bị tham nhũng cắt xén.
Dân Ý ăn mừng sự kiện Thủ tướng Berlusconi từ chức trước dinh tổng thống ở thủ đô Rome đêm 12-11 - Ảnh: Reuters
Mới tháng 9 vừa qua, một thẩm phán của Tòa Perugia (Ý) đã ký trát đưa ra tòa 18 bị cáo tham nhũng trong một loạt hợp đồng xây dựng nhân hội nghị G8 năm 2009 tại thành phố L'Aquila. Đứng đầu danh sách 18 bị cáo này là người đứng đầu cơ quan cứu hộ quốc gia Guido Bertolaso, một trợ lý thân cận hàng đầu của Thủ tướng Silvio Berlusconi.
Được biết, vào tháng 4-2009 thành phố L’Aquila bị động đất 6,3 độ Richter khiến 308 người chết. Song thủ tướng Ý đã ra lệnh cấp tốc xây dựng tái thiết để tiếp đón hội nghị thượng đỉnh G8 dời từ thủ đô Rome về đây chỉ ba tháng sau vụ động đất với ý nghĩa “chia sẻ” với cư dân thành phố bị thảm họa (1).
Theo một văn kiện của Bộ Ngoại giao Pháp, Bộ Văn hóa Ý đã lập ra một danh sách gồm 44 di tích bị thiệt hại nghiêm trọng cần được khôi phục khẩn cấp và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ. Phía Pháp đồng ý góp 3,25 triệu euro (chiếm 50%) chi phí tái thiết một nhà thờ cổ. Chi tiết này cho thấy quy mô của việc tái thiết và mục đích di dời địa điểm họp thượng đỉnh G8 về thành phố L’Aquila là cao cả, vậy mà nay lại bị một thẩm phán cáo buộc là “chia chác”!
“Hiện tượng" Berlusconi
“Yếu tố duy nhất đã làm cho khu vực đồng euro suy yếu là việc quản lý đất nước: nạn tham nhũng và cách thực thi luật pháp” - Daniel Gros, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu (CEPS).
Nếu nhớ rằng ông Berlusconi, người giàu nhất nước Ý với tài sản 12 tỉ USD theo Forbes, đã khởi nghiệp vào năm 1961 như là một chủ dự án kiêm nhà thầu xây dựng những cao ốc chung cư đầu tiên ở Ý, thì chuyện trợ lý Guido Bertolaso của ông nay bị truy tố vì tội “cấp hợp đồng xây dựng” là điều không lạ. Bản thân ông Berlusconi từng nhiều lần bị cáo buộc tham nhũng, trốn thuế song được miễn tố, và hiện đang bị Tòa án Milan ra trát vì những cáo buộc tham nhũng, trốn thuế và quan hệ tình dục với gái vị thành niên.
Ông Berlusconi đã gặp thời khi nhảy vào chính trường Ý vào lúc Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo và Đảng Xã hội đã chia nhau cầm quyền nước Ý từ sau chiến tranh, làm mích lòng dân chúng vì tham nhũng, bị các thẩm phán hè nhau truy bắt đưa ra tòa trong chiến dịch “Bàn tay sạch”. Cung cách cầm quyền rất “kinh tế thị trường” của ông thích hợp với giới trung lưu. Việc ông mấy lần tái đắc cử còn do ông nắm trong tay hầu hết bộ máy truyền thông tư nhân ở Ý qua Tập đoàn Mediaset vô cùng hữu hiệu trong việc kiếm phiếu cho ông. Các dự án đầu tư “vô cùng” dưới trào ông càng tạo ra vẻ thịnh vượng và công ăn việc làm, song trong thực tế đây lại là cái thùng không đáy.
Daniel Gros, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu (CEPS), phân tích như sau về những năm tháng Berlusconi: “Yếu tố duy nhất đã làm cho khu vực đồng euro suy yếu là việc quản lý đất nước: nạn tham nhũng và cách thực thi luật pháp. Đảo lộn lại quá trình này sẽ đòi hỏi mất rất nhiều năm đầy quyết tâm, điều mà hiện chưa thấy có.
Không thể cho rằng thất bại của Ý là do thiếu nhân sự hoặc thiếu vốn. Trong thập niên qua, nước Ý đã đầu tư hằng năm xấp xỉ 20% GDP của mình. Song mặc cho các nỗ lực đầu tư như thế, GDP vẫn chẳng tăng hơn trong 10 năm qua, từ 1999-2009 chỉ tăng 5%. Điều đó có nghĩa rằng hiệu quả đầu tư là một hố sâu không đáy” (2).
Càng đầu tư càng tham nhũng và càng nợ
Tổng kết những năm tháng này, tờ Telegraph (Anh) ngày 9-11-2011 nhận xét: “Hàng thập kỷ nhắm mắt làm ngơ trước nạn dịch trốn thuế và tham nhũng, tăng trưởng kinh tế èo uột đã đưa nước Ý đến cuộc khủng hoảng hiện nay”. Trong bốn lý do dẫn đến khủng hoảng Ý, Reuters nêu bật: “Hãy quở trách chính phủ và mafia. Tham nhũng và thực thi luật pháp yếu kém là độc hại đối với công ăn việc làm. Nói cho cùng, khi chính ngài thủ tướng còn phải lo ứng phó với cáo buộc trốn thuế, chắc hẳn có cái gì đó rất lủng củng.
Cái sự lủng củng đó đã được Antonio Acconcia và Claudia Cantabene của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế tài chính ĐH Salerno phân tích từ năm 2006, sau khi nghiên cứu các vụ án tham nhũng trong chiến dịch “Bàn tay sạch” (3): “Các chính sách công đều có tiềm năng đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, đồng thời cải thiện dân sinh. Tuy nhiên, thường thì những lượng vốn lớn dành cho các chính sách ấy có thể tạo nên hành vi tham ô nơi các viên chức nhà nước.
Trong tình hình tham nhũng tràn lan, người ta có thể nhận rõ rằng có một mối quan hệ tích cực giữa tham nhũng và chi tiêu công… Việc thực hiện một dự án của chính quyền trung ương cần đến các quyết định của vô số quan chức tầng tầng, lớp lớp của bộ máy chính quyền. Chưa hết, việc thực hiện đó thường được hợp đồng cho các xí nghiệp tư nhân. Điều này dẫn đến việc một số quan chức có thể có quyền hạn vô kể trong việc quản lý vốn công...
Trong những điều kiện đó, nếu mức độ ngăn ngừa là thấp, tham ô dưới dạng hối lộ và ăn cắp của công có thể là rất tốn kém. Nước Ý trở thành một trường hợp nghiên cứu mối quan hệ giữa tham nhũng và chi tiêu công”.
Các tác giả đã vạch ra rằng tham nhũng không chỉ là chuyện của một “con sâu làm rầu nồi canh”, mà là tất cả biến thành một “bầy sâu”: “Khi một đám đông hổ lốn, trong đó có vài cá nhân tham nhũng, nắm giữ một công sở, điều đó có thể làm tăng kích thích từng cá nhân tham nhũng. Một khi điều này xảy ra, tham nhũng sẽ trở nên một hiện tượng lan rộng”. Theo các tác giả, có sáu hình thái tham nhũng gồm đút lót, ăn cắp của công, gian lận, đòi cống nạp, lạm dụng quyền hành để ban ơn và bè phái gia đình.
Từ các nhận xét mang tính quy luật đó, các tác giả đi sâu vào vấn nạn “càng đầu tư, càng tham nhũng”: “Các quan chức một khi chỉ nghĩ đến mình, lại nắm trong tay lợi thế thông tin thì khó mà theo dõi được họ một cách hoàn hảo. Nguy cơ tham nhũng đặc biệt cao trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng do lẽ quyền hành tùy tiện của các quan chức quản lý vốn công đó là đáng kể.
Từ một số vốn chi tiêu nào đó, một khi rót xuống cho các tỉnh, những tỉnh nào tính tham nhũng cao hơn thì thích đầu tư nhiều hơn, hầu có thể được hối lộ nhiều hơn, tham ô nhiều hơn. Cho dù có thể cho rằng càng chi tiêu công nhiều hơn càng dẫn đến tham nhũng nhiều hơn, chúng tôi vẫn không thể loại trừ khả năng ngược lại (tức càng tham nhũng nhiều hơn, càng thích chi tiêu công nhiều hơn)”.
Cứ thế, Chính phủ Ý phát hành trái phiếu lấp vào ngân sách. Năm 2011, số nợ đáo hạn là 192,2 tỉ euro. Khủng hoảng nợ thật ra đã xảy ra từ năm ngoái khi đến hạn trả nợ những 251,5 tỉ euro làm cho khả năng trả nợ của Nhà nước Ý liệt đi. Bây giờ ông Berlusconi mới chịu tung khăn đầu hàng. Vấn đề là người dân Ý mới là người phải trả nợ.
DANH ĐỨC

__________
(1) Italy G8 corruption case to go to trial, AP, September 24, 2011
(2) A botched Berlusconi decade, Daniel Gros, VoxEU 
(3) A big push to deter corruption: Evidence from Italy, Antonio Acconcia and Claudia Cantabene, CSEF

No comments:

Post a Comment